ĐỨC THƯƠNG MÌNH
Biết rõ chân lý của con người, từ đó chúng ta phải xây dựng đạo đức nhân bản trên đó.
Đạo đức thương mình phải thực hiện ngay trong “chân lý khổ của cuộc đời, thì đời mới hết khổ, mới tìm thấy hạnh phúc an vui.
Chân lý đời người là khổ, đó là một định luật chung của loài người, nếu ai nói ngược là phi chân lý. Bởi con người sinh ra đều thọ nhận mọi sự khổ đau, do nguyên nhân từ lòng ham muốn của họ. Cho nên, không khổ điều này thì cũng phải khổ điều khác, không ai tránh khỏi khổ đau của kiếp người.
Trong sự đau khổ ấy không cho phép chúng ta tránh né và trốn chạy, dù có tránh né và trốn chạy bất cứ nơi đâu, bay lên trời hay chui xuống đất cũng không thoát khỏi nó.
Mọi người không hiểu định luật nhân quả tự nhiên này của vũ trụ, nên những học thuyết của các tôn giáo ra đời thường xây dựng những thế giới ảo tưởng như Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, v.v... Đó là mục đích tham vọng của loài người, sản xuất ra nó để trốn chạy và tránh né sự khổ đau như thật của kiếp người ở thế gian này. Còn các triết gia đưa ra những triết thuyết, mục đích cũng để phục vụ loài người, ngõ hầu để đem lại sự an vui, hạnh phúc, ấm no cho họ.
Nhưng vì là triết lý được xây dựng trên một cuộc sống trong ảo tưởng hạnh phúc ấm no, cho nên nó không thực tế với bản chất của loài người. Vì thế, nó chỉ giải quyết và đáp ứng được trong những sự việc và hoàn cảnh hiện tại. Còn về tương lai thì nó không bắt kịp thời thế, vì thời thế luôn thay đổi theo định luật nhân quả. Thế nên, nó phải được thay đổi liên tục để đáp ứng kịp với hoàn cảnh và sự phát triển của con người.
Khi con người bắt đầu thực hiện và sống theo triết lý đó, tưởng là được hạnh phúc, ấm no, công bằng và công lý. Nhưng nào ngờ, hạnh phúc, ấm no, công bằng và công lý đâu không thấy, mà lại thấy dẫy đầy sự bất công, sự đau khổ nhiều hơn. Có khi nó còn đưa con người đến một cuộc sống cuồng loạn dục vọng vật chất hiện sinh, khiến con người mất hết đạo đức làm người, mất hết lương năng và lương tri, biến dần con người trở thành những ác thú.
Cho nên, bao nhiêu triết thuyết, bao nhiêu tôn giáo đã biến con người thành cuồng tín, để rồi chống đối và giết hại lẫn nhau. Lịch sử loài người còn ghi lại những vết thương đau đậm nét ấy. Ngay cả thời đại văn minh khoa học hiện đại của chúng ta, trình độ hiểu biết của con người khá cao. Thế mà, hiện giờ sự cuồng tín của tôn giáo đã giết biết bao sinh mạng của con người vô tội mà chẳng chút xót thương (nhiều cuộc khủng bố đã xảy ra trên thế giới, khiến nhiều người vô tội chết một cách oan uổng và biết bao gia đình khổ đau).
Chính vì thế, cuộc sống của con người là một sự khổ chân thật, đó là một điều quyết chắc, không ai có thể nói khác được. Vì biết chắc đời sống con người là khổ, cho nên mọi người cần phải được trang bị sự hiểu biết và phương cách sống, về đạo đức không làm khổ mình, khổ người, thì mới mong hy vọng con người thoát kiếp lầm than, đầy khổ đau bi lụy như từ xưa đến nay.
Tóm lại, mỗi con người cần phải được trang bị cách thức sống về đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người thì thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc, chứ không còn là trong giấc mơ của các tôn giáo nữa.