BỐN SỰ THẬT CỦA CON NGƯỜI
Để thực hiện “Đức Từ Tâm”, chúng ta hãy xem xét cho tận cùng và xác định thực chất, thiết thực, đúng đắn kiếp sống của con người trên chân lý nào? Nhờ thấu rõ chân lý chúng ta mới xây dựng nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả trên đó. Có được như vậy mới đem lại cho con người một cuộc sống an vui và hạnh phúc chân thật.
Trong cuộc sống của con người có bốn chân lý, tức là có bốn sự thật. Vậy, bốn sự thật của loài người như thế nào? Bốn sự thật của loài người gồm có:
I/ CHÂN LÝ THỨ NHẤT
Chân lý thứ nhất, “Khổ”: Gồm tất cả các loại khổ, gọi chung là khổ. Làm người không ai là không khổ, không khổ điều này thì khổ điều khác. Nhưng không ngoài bốn sự đau khổ chính: sanh, già, bệnh, chết. Đó là một sự thật của đời người.
Đã sinh ra làm người thì không ai thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này, ngoại trừ những bậc tu chứng theo đúng lộ trình Phật giáo “Bát Chánh Đạo”, còn nếu tu tập không đúng lộ trình này thì cũng chỉ hoài công vô ích mà thôi. Khổ đau vẫn hoàn khổ đau.
II/ CHÂN LÝ THỨ HAI
Chân lý thứ hai, “Nguyên Nhân”: Nơi tập hợp sinh ra những sự đau khổ. Đó là “lòng ham muốn của con người”. Lòng ham muốn của con người là một sự thật. Làm người không ai mà không có lòng ham muốn, đến như loài cỏ cây còn có sự ham muốn (ham muốn sống).
III/ CHÂN LÝ THỨ BA
Chân lý thứ ba, “Cuộc sống với Tâm Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự”: Đó là trạng thái của một con người hết khổ đau. Cuộc sống với tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự là một sự thật. Bởi vì con người ai cũng nhận ra được những trạng thái này của tâm, khi các ác pháp không tác động vào được nó.
IV/ CHÂN LÝ THỨ TƯ
Chân lý thứ tư, “Tám Phương Cách”:
Tám phương cách rèn luyện đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Tám phương cách gồm có:
1- Cách nhìn vào một sự kiện khiến tâm mình, tâm người khác không khổ đau.
2- Cách suy nghĩ vào một sự việc khiến tâm mình và tâm người khác không khổ đau, phiền não.
3- Cách dùng lời diễn tả một sự việc không làm khổ mình, khổ người.
4- Cách chọn lấy hành động và nghề nghiệp sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh
5- Cách thức nuôi mạng sống của mình không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.
6- Hằng ngày phải siêng năng thực hiện năm phương cách này thì cuộc sống sẽ được an vui hạnh phúc.
7- Thường đẩy lui các chướng ngại pháp trên mọi cảm thọ nơi thân, tâm của mình, để đem lại sự thanh bình, an vui cho cuộc sống.
8- Thân tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Tám phương cách này áp dụng vào đời sống của con người thì mọi người ai cũng làm được, và cũng được sự an ổn, hạnh phúc như nhau không có khó khăn, không có mệt nhọc.
Còn nếu có khó khăn, có mệt nhọc là do lòng còn ham muốn ảo ảnh vật chất thế gian chưa từ bỏ. Cùng một sự việc, một hoàn cảnh trong cuộc sống của con người, luôn có hai cách nhìn:
1/ Nhìn theo lối thông thường thì mọi người ai cũng biết, đó là cái nhìn mang đến sự khổ đau cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.
2/ Nhìn theo tám phương cách sống như thật trên đây. Đó là cái nhìn mang đến sự an vui, hạnh phúc cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.
Tám cách nhìn trên đây là một sự thật của con người, chứ không phải là triết lý, giáo điều, kinh tạng, chú thuật, v.v... Tám cách nhìn trên đây là tám cách nhìn thuộc về đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.
Trên đây là bốn sự thật đã xác định cụ thể về cuộc sống của con người, để con người biết cách khắc phục mình bằng đạo đức nhân quả; để con người vượt ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp làm người; để mọi người sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và tất cả chúng sanh; để mọi người mang lại cho nhau một tình thương yêu rộng lớn vô bờ bến.