Skip directly to content

ĐỨC KHÔNG THAM DANH

“Danh” là một điều cám dỗ lòng người cũng không thua tiền bạc, vật chất.

Trong đời này con người ai cũng thích khen, khi được người khác khen tặng, ca ngợi mình thì lòng hân hoan, vui mừng, sung sướng, v.v... Đó là “danh”.

Danh có nhiều góc độ, nhưng bản chất hiếu danh thì không có người nào khác người nào, hiếu danh ít nhiều là do sự khéo che đậy. Muốn xác định rõ điều này, bất kỳ một người nào khi bị chúng ta chê, là họ buồn bã không vui, mất thiện cảm với mình. Còn khi được khen tặng, thì người nào cũng có vẻ vui mừng, có thiện cảm ngay với người khen.

Trạng thái mừng vui, buồn bã khi được khen hay chê, đó là tâm ham danh.

Tâm ham danh thường làm hại chúng ta.

Do lòng háo danh, khiến chúng ta dễ bị người khác lợi dụng bằng sự khen, tặng, thăng quan, tiến chức, v.v... Cho nên, người háo danh ham lợi là những người dễ làm tay sai cho kẻ khác, cho giặc.

Khi đất nước chúng ta bị chiến tranh xâm lược, những người dân bán nước phần đông là những người tham danh, đắm lợi, còn lại một số người bị giặc tuyên truyền đánh lạc hướng theo chúng mà thôi.

Người ham danh, đắm lợi là những người thích vào luồn ra cúi, hầu hạ kẻ trên người trước, thường dùng những lời nói nịnh bợ ton hót. Những tiếng xưng hô vâng vâng, dạ dạ thật là ngọt ngào.

Những hành động họ làm như vậy là họ đã làm hại họ, họ làm cho người khác coi rẻ họ, xem thường họ, khinh bỉ họ. Họ đã đánh mất bản chất của một con người có đạo đức tự trọng, họ đã biến họ thành một tên nô lệ, một tôi tứ trung thành và còn tệ hơn nữa là một con thú vật nuôi trong nhà.

Rõ ràng tâm háo danh là làm hại chúng ta, làm mất bản chất đạo đức tự trọng làm người. Làm người chúng ta luôn luôn tôn trọng mọi người, nhưng không được cầu danh mà phải luồn cúi để mọi người khinh dễ ta.

Người ta khen tặng mình, là vì mình có tài, có đức thật sự.

Đạo đức làm người dạy chúng ta luôn luôn phải biết đứng thẳng trên đôi chân của mình, biết tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp, chứ không phải luồn lách, cầu cạnh người khác.

Một người tham danh đi mua bằng cấp, nhưng khả năng hiểu biết và chuyên môn không có, nên không làm nên việc lớn, chỉ là một hư vị. Khi mọi người phát giác ra được thì rất xấu hổ, đó là hành động làm hại mình, làm mất mặt với mọi người.

Một học sinh háo danh đêm ngày chuyên cần học gạo, học tủ để thi đậu, khi nhận được bằng cấp nhưng khả năng làm việc thường sa sút kém cỏi, làm việc không biết sáng tạo phát minh. Đó là hành động học tập háo danh làm hại mình.

Bằng cấp là một chứng chỉ xác định khả năng kiến thức hiểu biết vay mượn của mình, chứ không phải bằng cấp là một danh dự lớn lao gì cả. Song bằng cấp là một tờ giấy xác định kiến thức hiểu biết vay mượn của chúng ta ở trình độ đó, chứ không phải nó danh dự gì cả cho ta, thế mà người đời thường lấy bằng cấp làm danh cho mình.

Tham danh là một việc làm hại mình, hại người rất lớn.

Một nhà làm tôn giáo háo danh không nghĩ đến sự lợi ích của tín đồ. Tự kiến giải kinh sách một cách bừa bãi, theo quan niệm riêng tư của mình bằng tưởng giải, lý luận chắp vá, vay mượn tư kiến của người khác để lòe bịp thiên hạ, rằng mình là người có tài, có trí. Tài, trí gì? Những kiến giải ấy có làm lợi ích gì cho ai đâu? Tu tập gần chết có đạt được những gì? Tài trí đó là thứ danh hão. Làm cho bao nhiêu người phải hao tốn công sức và tiền của rất nhiều, để xây dựng những ngôi đền vĩ đại gọi là di sản văn minh văn hóa của loài người.

Lòe bịp như vậy để làm gì? Để tạo cho mình một danh lớn các bạn ạ! Cho nên, những kinh sách kiến giải phát triển sau này không phải làm cho tôn giáo đó trở thành tốt hơn, trở thành hợp với thời đại hơn. Mà làm cho tôn giáo biến thái mất gốc, mất hướng đi đúng đắn của tôn giáo đó. Với việc làm vô trách nhiệm này cũng chỉ vì lòng tham danh, tham lợi mà thôi.

Đời có danh đời, đạo có danh đạo, phần nhiều các trường Đại học tôn giáo đào tạo những ông Tiến sĩ để lãnh đạo tôn giáo. Đó là đem miếng mồi danh lợi văng câu, bủa lưới cho những người háo danh, ham lợi. Chứ thực ra những người tu hành để cầu giải thoát thì rất ngao ngán và sợ hãi miếng mồi danh lợi.

Vì nơi đâu có danh lợi là nơi đó có khổ đau; nơi đâu có danh lợi nơi đó có chiến tranh; nơi đâu có danh lợi nơi đó không có lòng thương yêu chân thật.

Tôn giáo là nơi lìa xa danh lợi, thế mà tôn giáo lại thả mồi danh lợi để câu móc mọi người thì tôn giáo ấy đâu còn nghĩa tôn giáo nữa. Phải không hỡi các bạn? Hiện giờ, nhìn miếng mồi danh lợi trong tôn giáo mà chúng ta bắt buộc phải suy ngẫm lại. Nếu tôn giáo cũng là nơi danh lợi thì không nên gọi là tôn giáo. Tôn giáo là nơi tượng trưng lìa xa danh lợi, còn ngược lại thì chúng tôi tin rằng tôn giáo ấy không còn là tôn giáo nữa, mà là một nhóm người buôn Thần, bán Thánh để ngồi trong mát ăn bát vàng. Nếu tôn giáo là nơi danh lợi thì còn gì là đạo đức của con người nữa? Nếu tôn giáo cũng là nơi danh lợi thì trên đời này tìm chỗ nào không danh lợi. Phải không hỡi các bạn? Tôn giáo tượng trưng cho đạo đức, vậy mà tôn giáo lại đầy dẫy danh lợi, thế thì đạo đức còn ở đâu? Vì tham lam danh lợi mà loài người trên hành tinh này sống bất an, đầy dẫy khổ đau và ngang trái. Tham danh lợi là một tai họa rất lớn cho loài người.

Vì danh lợi mà thế giới không bao giờ dứt chiến tranh; vì danh lợi mà con người trở thành mù quáng, sống trong ảo tưởng, mê tín lạc hậu, khiến con người hao công tổn sức và tốn của cải tài sản một cách nhảm nhí; vì danh lợi mà con người giày xéo chà đạp lên nhau chẳng có chút lòng yêu thương nhau.

Người tham danh, tham lợi mà không đạt được thì tâm hồn rất là khổ đau. Sau những năm tháng dùi mài kinh sử chờ đến ngày đi thi, lại thi trượt. Người học sinh ấy quá đau khổ, có khi đi đến tự tử. Đó là chạy theo danh mà khổ như vậy. “Thi không ăn ớt thế mà cay”.

Người ở đời muốn cho được công thành danh toại. Nhưng khi công không thành, danh không toại thì đau buồn, chán ngán cuộc đời, thường nói ra những lời mỉa mai cay đắng:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao” Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân nước Việt Nam mà tâm hồn còn tiêu cực yếm thế đến như vậy, thì đủ biết danh lợi khó có ai thoát khỏi nanh vuốt của nó.

Xem thế, danh lợi đã làm hại và làm khổ đau cho loài người rất lớn. Nhưng ai là người đã nhìn thấy được lẽ đúng này? Danh lợi ghê gớm quá. Nhưng trên đời này từ giới tri thức thượng lưu, sang giàu đến những người bình dân, cùng đinh đều tham danh, đắm lợi, chưa có một người nào thoát khỏi đường danh, nẻo lợi.

Nếu trong cuộc đời này ai cũng ý thức được rằng: “Danh lợi làm hại mình, hại người”, thì chắc chẳng còn ai chạy theo nó.

Cho nên, khi đi học không phải học vì danh lợi mà vì học để có tài, có đức. Học để trở thành người có ích cho mình, cho người và cho xã hội. Có nghĩa là học không phải vì bằng cấp, mà vì đức hạnh làm người; vì nghề nghiệp tinh thông để làm lợi cho mình, cho người và cho xã hội, đất nước. Mục đích học như vậy mới là học chánh đáng. Bằng cấp chỉ là một vấn đề phụ trong vấn đề rèn luyện tri thức và nghề nghiệp.

Từ xưa đến nay, trong các trường học, có những học sinh học dốt, không tài, thiếu đức mà lại thi đậu có bằng cấp này, bằng cấp nọ.

Nhưng khi ra làm việc thì những hạng người này là một hạng người làm nguy hại cho xã hội, cho đất nước. Suốt chặng đường dài lịch sử của mỗi dân tộc trên khắp hành tinh này, nơi đâu cũng có hạng người mua quan, bán chức đã chứng minh rõ ràng, họ đã hại dân, hại nước. Đó là những người tham danh đắm lợi, thường là những loại người mọt nước, sâu dân.

Cho nên chúng ta cần phải biết, vấn đề học thức không phải vì bằng cấp mới học.

Bằng cấp chỉ là một mảnh giấy ghi lại khả năng hiểu biết do học tập của mình đạt được ở một mức độ nào đó, nhưng chưa chắc mảnh giấy ấy đã ghi chép tài năng trung thực của mình.

Học thức là để bồi dưỡng thêm kiến thức hiểu biết của mình và tay nghề tinh xảo hơn, để không trở thành kẻ ăn bám vào người khác, vào xã hội, mà phải tự mình vươn lên cuộc sống để xứng đáng làm người có lợi cho mình, cho người.

Khi nhưng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường, đều được cấp chứng chỉ hay bằng cấp khả năng học lực của họ, chỉ còn lại một số ít chưa đủ điểm đậu, nhưng rồi cũng ra trường đẩy đủ chứng chỉ học lực.

Trong số sinh viên được cấp chứng chỉ hoặc bằng cấp, không phải người nào cũng có thực tài. Hầu hết những sinh viên có thực tài rất là ít, còn số đông thì khả năng bình thường.

Ví dụ: trong một lớp học trung cấp có sáu mươi em học sinh, nhưng không phải sáu mươi em đều học giỏi cả. Số đông như vậy nhưng chỉ có 5, 10 em học giỏi, còn bao nhiêu học sinh trung bình và kém hơn. Còn xét về đạo đức tron vẹn, nhất là thời đại này thì tìm một em cũng rất là khó. Như vậy, tìm một người thực tài, thực đức rất là khó. Nhưng tìm người tham danh, tham lợi thì dễ dàng và rất nhiều.

Trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, mỗi chiến sĩ tài sản chỉ có cây súng và chiếc ba lô trên vai. Cho nên sống chết có nhau, thương nhau hơn anh em ruột thịt một nhà.

Nhưng khi giải phóng xong đất nước, có một số anh em thoái hóa, vì chức quyền, danh lợi nên có thể tìm mọi cách hạ thủ nhau để tranh quyền, tranh vị. Thật là đau lòng. Phải không hỡi các bạn? Danh lợi thật là ghê gớm, nhưng bản chất của con người lại thích danh lợi. Do đó, danh lợi dễ cuốn lôi họ vào đường tội lỗi.

Vì bản chất hiếu danh, tham lợi, nên ít có ai thấy tội lỗi của mình. Có ai chỉ lỗi mình sai là mình không thích họ liền. Còn ai khen mình đúng thì thích ngay liền.

Xưa trong thời phong kiến, các nhà vua đều ưa thích nịnh bợ. Do đó, trong triều nào cũng có nịnh thần. Nhà vua thiếu anh minh, nịnh thần lộng quyền, tôi trung phải chịu chết oan, nhà nước đảo điên, dân gian đói khổ, trộm cướp khắp nơi.

Cho nên, đạo đức không tham danh rất cần phải được học tập, tu sửa lại thâm tâm của mọi người. Muốn tu sửa được thì phải học tập để có một cái nhìn thấu suốt danh và lợi.

Danh lợi chẳng qua là một trò hư ảo cám dỗ con người vào đường khổ đau và tội lỗi. Một cuộc sống không tham danh, tham lợi là một cuộc sống cao thượng, biết sống cho mình, cho người. Nhờ thế mình và mọi người sống được an vui và hạnh phúc.

Sống không tham danh, tham lợi, thì tâm hồn mới có những phút thanh thản, an lạc và vô sự.

Nếu không thấu triệt danh lợi, để tâm còn tham đắm là một tai họa rất lớn cho loài người, thì sự khổ đau không thể tránh khỏi.

Do danh lợi mà loài người sống trên hành tinh này biết chừng nào mới có bình an và yên ổn.

Bản chất tham danh thường ngấm ngầm trong lòng của mọi người và đang nghiền nát mọi người trở thành cát bụi. Làm người chúng ta nên cẩn thận và tránh xa danh lợi thì mới được an ổn.