NGUYÊN NHÂN NÀO SINH RA NHỮNG TỆ NẠN XÃ HỘI NHƯ VẬY?
Những bối cảnh tạo nên tâm tham sắc dục gồm có: quán bia ôm, quán cà phê ôm, vũ trường, phim truyện không lành mạnh, tranh ảnh lõa thể, 80% là những bài hát, điệu nhảy múa kích động tình yêu nam nữ; các chất kích thích như rượu, thịt, thuốc lá, ma túy; sự thiếu kín đáo, thiếu gương mẫu của cha mẹ; sự thiếu giáo dục của nhà trường, chưa hề truyền dạy đạo đức nhân bản- nhân quả: đức không tham sắc dục. Sự thiếu cương quyết truy quét văn hóa đồi trụy, truy quét tệ nạn xã hội.
Các nhà lãnh đạo đất nước cần phải quan tâm những trò giải trí vui chơi không lành mạnh đang được phổ biến rất rộng rãi khắp cùng trong đất nước. Thứ nhất là quán bia ôm, cà phê ôm, vũ trường, các sòng bạc, ca nhạc, kích động nhạc, phim ảnh, quảng cáo, truyền thanh, truyền hình, v.v... Vậy ảnh hưởng của ca nhạc, kích động nhạc, phim ảnh, quảng cáo, các loại quán bia ôm, cà phê ôm, vũ trường, v.v... Có tác dụng đến tâm sắc dục của tuổi trẻ như thế nào? Tại sao ngày xưa, tuổi trẻ thanh niên, thiếu niên nam nữ không bị sa ngã vào đường sắc dục nhiều như hiện nay? Trong thời đại văn minh khoa học ngày nay, điều này cũng không phải khó hiểu. Vì ngày xưa ăn mặc kín đáo, không có những ca nhạc, kích động nhạc khiêu dâm gợi dục, không có những quán cà phê ôm, quán bia ôm, vũ trường như trên chúng tôi đã kể. Vì thế, người xưa không có lối sống đồi trụy như thanh thiếu niên ngày nay. Nhất là ở nông thôn lại càng không có thanh niên, thiếu niên đồi trụy.
Thời đại văn minh khoa học kỹ nghệ phục vụ cho con người đầy đủ vật chất, nên những nơi và những phương tiện giải trí cần phải được các nhà lãnh đạo đất nước có trách nhiệm, bổn phận chỉ đạo cho những người có trình độ đạo đức cách mạng, đạo đức con người nghiên cứu kỹ lưỡng, rồi mới cho phép mở mang những nơi giải trí lành mạnh có đạo đức. Có như vậy thì thanh niên và thiếu niên nam nữ mới không sa ngã vào con đường đồi trụy mãi dâm, rượu chè hút xách, nghiện ngập xì ke, ma túy, thuốc phiện...
Phần đông người ta chỉ biết có nguồn lợi tức lớn, không nghĩ đến tương lai mầm non của Tổ quốc, nên mở mang nhiều khu giải trí thiếu tính đạo đức như: những quán bia ôm, cà phê ôm, vũ trường. Thường phụ nữ nơi đó ăn mặc hở hang hoặc ăn mặc bó sát người tạo hình dáng... kích thích tâm sắc dục, nên đưa đến tình trạng thanh thiếu niên nam nữ hư hỏng.
Tờ báo Công An TP Hồ Chí Minh, thứ bảy 10-5-2003, có đăng một tin tức về thiếu niên hư hỏng như sau: KHI HỌC TRÒ VÀO CUỘC… NHẬU
“Hôm mới đây, người đi đường chứng kiến cảnh tượng đau lòng, khi thấy ba thiếu niên đuổi đánh một người đàn ông đáng tuổi bố mình trên đường Bà Huyện Thanh Quan gần ngã tư Điện Biên Phủ - Quận 1 (TPHCM). Tìm hiểu nguyên nhân đơn giản chỉ vì người đàn ông vô ý quệt vào tay một thiếu niên, khi cả ba đang tản bộ dưới lòng đường. Người đi đường xúm lại can ngăn, ba thiếu niên còn hầm hè cảnh cáo rồi mới “tạm tha” cho người đàn ông. Nhìn dáng đi xiêu vẹo, lảo đảo của ba thiếu niên trong màu áo học trò, mặt mày non choẹt, đỏ bừng, hơi rượu phả ra nồng nặc, ai cũng lắc đầu. Mọi người thốt lên: “Bọn này mới đi nhậu về, học trò mà hư đến thế đấy!”.
Tại các con đường tập trung nhiều quán nhậu “đặc sản” như lẩu bò đường Thị Sách; lẩu cá kèo đường Bà Huyện Thanh Quan, lẩu dê đường Lê Văn Sỹ, sò huyết đường Bình Giã... người ta dễ dàng bắt gặp nhiều toán học trò, trên ngực đính phù hiệu, cụng ly trăm phần trăm một cách điệu nghệ. Lý do để gầy độ nhậu rất đơn giản như: có xe mới, mua cái áo mới, đôi giày mới hoặc mới quen một em “hơi bị chiến”... thế là rủ nhau ra quán nhậu khao. N.T.H học sinh lớp 11 trường Lê Quý Đôn - Q1 nói: “Em mua cái áo chỉ có hơn 100 ngàn đồng mà tiền “rửa” áo đã đi đứt 250 ngàn”. Còn H.D.T học sinh lớp 12 trường Bùi Thị Xuân - Q1 có vẻ bi đát hơn khi gia đình tậu cho chiếc xe Future để đi học: “Đám bạn em bắt khao mà phải nhậu ở làng nướng và uống bia Heiniken, hóa đơn thanh toán gần 2 triệu đồng, báo hại em phải để xe lại cho gia đình lên chuộc về”. Đó là đối với những quý tử con của gia đình khá giả, còn đối với học trò là con nhà bình dân, lao động thì các bữa ăn nhậu có phần “giảm ga” hơn. N.T.M.K học sinh trường Nguyễn Trãi - Q4 kể: “Hôm nào có tiền bon em uống bia hơi, còn hẻo quá thì vào quán cóc làm xị đế với con mực hoặc trái xoài cũng xong”...
Khi được hỏi, vì sao các em đang ở tuổi học sinh lại tập tành uống bia, rượu? Một số học sinh trường Bùi Thị Xuân cho biết: “Do bạn bè nói khích, do muốn thử cảm giác say rượu...” và muôn vàn lý do khác. Nhưng xét trên góc độ tâm lý, các em đang ở tuổi thành hình nhân cách, luôn muốn tự khẳng định mình. Hơn nữa, trong vài năm trở lại đây, do đời sống kinh tế ngày một cao, để phục vụ cho nhu cầu giải trí, ăn uống cho mọi người, các quán nhậu, các nhà hàng mọc ra nhan nhản. Cộng với một nguyên nhân nữa, theo tôi tác động không nhỏ đến tâm lý của các em, đó là các bộ phim Hàn Quốc chiếu hàng ngày trên các kênh truyền hình, hình ảnh các thanh niên Hàn Quốc thất tình hoặc buồn bã thường mượn rượu để giải sầu, hầu như phim nào cũng có.
Trong độ tuổi tâm lý các em phát triển chưa ổn định, hay bắt chước và chưa ý thức hết được việc làm của mình thì việc các em tập tành đua đòi cũng là điều dễ hiểu và liệu điều gì sẽ xảy ra cho các em, khi các em không còn làm chủ được bản thân? Men rượu cộng với tính khí bốc đồng của tuổi trẻ dễ dẫn các em vào những việc làm, hành vi sai trái, có thể gây tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội. Trong khi các em vẫn còn đang trong độ tuổi thiếu niên, chưa đủ năng lực để chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Hậu quả sẽ không lường hết, nếu các em bị bọn xấu lợi dụng.
Mặc dù chưa là hiện tượng đáng báo động, nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, giải khuây bằng rượu trong học sinh là một dấu hiệu mạnh nha tại một số trường học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng thành lối sống thiếu lành mạnh, có hại đối với tuổi học trò. Gia đình và xã hội cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy dỗ con em mình. Nhà trường cần đẩy mạnh việc giáo dục bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho học sinh, tăng cường các hoạt động phong trào Đoàn viên thanh niên giúp các em ý thức được việc gì nên làm và không nên làm. Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội cần thường xuyên chặt chẽ, bằng tấm lòng và ý thức quan tâm đến giáo dục, rèn luyện nhân cách đạo đức và lý tưởng sống cho các em. Có như vậy, chúng ta mới mong muốn đào tạo được một lớp kế thừa trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết trong sự công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.
Bùi Thanh Sơn
Trên đây, là bài báo xác định một sự thật đã xảy ra ở TPHCM. Theo chúng tôi được biết, không những ở thu đô Hà Nội, TPHCM, mà ở các thị xã, thị trấn các tỉnh huyện và ngay trong thôn ấp, thanh niên và thiếu niên vẫn tập tành rượu chè, chặn đường chặn xá xin tiền, cướp giật hoặc trêu trọc các cô gái, dùng những lời nói và hành động thiếu văn hóa đạo đức... để cảnh báo gia đình - học đường - xã hội cần phải quan tâm đến con em của mình để giúp đỡ chúng ý thức được sống như thế nào là đúng và như thế nào là sai.
Sai là làm hại mình, hại người và làm hại cho xã hội. Do đó, lúc này mọi người càng không thể làm ngơ, mà phải thấy trách nhiệm bổn phận của mình đối với những mầm non của Tổ quốc.