Skip directly to content

20110206 - MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUA 8 LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO 02 - Ý THỨC LỰC

20110206 - MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUA 8 LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO 02 - Ý THỨC LỰC

MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUA TÁM LỚP BÁT CHÁNH ĐẠO 02 - Ý THỨC LỰC

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 06/02/2011

Thời lượng: [1:00:14]

Địa điểm: Tu viện Chơn Như Cổng số 2

1- PHẬT TỬ TÁC BẠCH

(00:00) Phật tử 1: Kính bạch Thầy!

Hôm nay phật tử chúng con: Ninh Thuận, Đắc Lắc, Củ Chi - Sài Gòn tụ tập về đây. Chúng con xin kính chào Thầy.

Trưởng lão: Cám ơn mấy con, con!

Phật tử 2: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc!

Kính bạch Thầy! Hôm nay là ngày mùng bốn Tết, xuân Tân Mão, chúng con huân tập về đây, kính thăm Thầy, thăm Tu Viện Chơn Như, để tỏ lòng tôn kính nhớ ơn sâu sắc ân sư với lòng đại từ bi vô lượng đã dạy dỗ chúng con đi trên con đường thiện pháp tối thượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng con xin thành tâm, xin đảnh lễ Thầy ba lễ. Xin mời tất cả chúng ta đứng lên.

Trưởng lão: Các con xá thôi con, xá thôi, đừng đứng mất công lắm, xá Thầy thôi, đừng đứng đảnh lễ mấy con, đảnh lễ chật lắm mấy con. Để Thầy có đủ duyên, Thầy cất cái giảng đường cho nó rộng, chứ không nực quá. Mấy con cứ xá Thầy thôi, xá Thầy thôi.

Phật tử 2: Kính chúc Thầy, truyền dạy bốn chúng Tỳ kheo, Tăng Ni, Cư sĩ, nam nữ tu tập, giới luật nghiêm túc cho đến chứng đắc Thánh quả A La Hán, làm chủ sinh, già, bệnh, chết; tiếp tục ngọn đuốc soi đường của chánh Phật pháp luôn trường tồn mãi mãi, thắp sáng cả thế giới u tối, vô minh này. Sau cùng, chúng con xin thành tâm kính mong đức Trưởng Lão trụ thế cho đến khi một trong bốn chúng đệ tử chứng đắc Thánh quả, đầy đủ Tam Minh như Thầy.

Ngày năm, tháng hai, năm hai ngàn lẻ một, xuân Tân Mão.

2- THẦY CHỈ RÕ ĐƯỜNG LỐI TU TẬP

(01:59) Trưởng lão: Hôm nay, có đầy đủ cái duyên, Thầy về Thầy thăm mấy con, Thầy dạy mấy con kinh sách của Thầy. Không biết Thầy nói, mấy con ở dưới có nghe hay không?

Phật tử nữ: Dạ, không, con không có nghe.

Trưởng lão: Để Thầy ráng Thầy nói lớn. Cái tuổi già rồi mấy con, cái tiếng nói nó cũng không lớn được như hồi còn trẻ. Bây giờ để Thầy ráng Thầy nói, các con lắng nghe cho kỹ mấy con, Thầy ráng nói lớn hén.

Mấy con biết rằng Thầy đã viết sách, những cái sai của Phật giáo, Thầy đã chỉ cho mấy con đã thấy rất rõ ràng. Ở dưới mấy con có nghe không?

Phật tử: Dạ, nghe.

(02:53) Trưởng Lão: Rồi, Thầy chỉ rất rõ ràng cái sai, cái đúng. Bởi vì cái sai nó đã trải qua bao nhiêu năm, bao nhiêu người tu tập, quý vị Hòa thượng, từ cư sĩ cho đến các vị Hòa thượng tu tập, cho đến bây giờ chưa có ai làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Đó là một bằng chứng cụ thể mấy con. Kinh sách nằm ở trong Hán Tạng rất rõ ràng, chứ không phải là Thầy kiếm chuyện nói xấu đâu, mà sự thật mấy con.

Tại sao kinh sách như vậy, nỗ lực tu tập như vậy, mà cuối cùng không làm chủ được sinh, già, bệnh, chết? Đạo Phật như thật mà, đức Phật nói: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”. Thấy cái gì? Thấy Giải Thoát chứ! Cho nên, mấy con thấy cái chơn lý của đạo Phật, cái Niết Bàn của đạo Phật đâu có phải là cái gì sâu xa mà cảnh giới ở đâu, mà cái trạng thái tâm của các con.

Các con nhớ cái trạng thái tâm của mình! Tâm của mình lăng xăng, lộn xộn, chuyện này, chuyện kia, ham muốn điều này, điều kia, đó là tâm của thế gian. Còn cái tâm Phật, “Bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Quá đơn giản! Bây giờ mấy con chưa tu, mấy con cũng có cái Tâm Bất Động đó chứ.

Nhưng nó không lâu mấy con. Mà muốn được lâu thì phải nỗ lực, kiên trì thực hành, mình sống với nó, thì có ngày mình phải sống được chứ sao.

(04:24) Tại vì mình thấy đời khổ quá mấy con. Các pháp đều vô thường, không có pháp nào là thường còn được. Thân mình cũng giữ còn không được thì còn cái gì nữa mà tiếc? Nhà cửa, của cải, tiền bạc, mấy con có giữ được không?

Mấy con thấy rất rõ ràng! Thế mà mấy con cứ nấn níu, nấn níu hoài với nhà cửa, tiền bạc, vợ con rồi con cái, làm gì đây? Nếu mà lỡ sinh nó ra, thì mình có bổn phận, mình phải nuôi lớn, nuôi dưỡng cho nó, cho ăn, cho học, cho hiểu biết để nó đi tu giải thoát chớ. Các con hiểu điều đó. Cái trách nhiệm của mấy con là giúp cho con cái của mình làm sao tu hành giải thoát.

Đạo Phật đã để từ mấy ngàn năm nay rồi, thế mà nhìn lại nó quá dễ, chớ đâu khó khăn gì! Nhưng mà tại sao chúng ta làm không được? Thật sự ra, Thầy nói người nào làm cũng được hết. Nhưng vì chúng ta bị thành một cái thói quen, nó lâu đời rồi. Bây giờ muốn bỏ ngay liền bỏ không được, mấy con. Cho nên nó phải có trường lớp để đào tạo, để dạy mấy con, lần lượt nó thấm nhuần. Nó thấm nhuần cái đường lối của Phật giáo, nó thấm nhuần cái sự giải thoát.

Cũng như bây giờ Thầy nói: “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Mấy con nghe, mấy con hiểu, mấy con giữ được tâm mình có một phút, hai phút, đâu có nhiều được. Nhưng trên cái trường lớp mà huấn luyện ấy, buộc lòng mấy con đến, mấy con học. Người ta đào tạo mấy con mà, người ta dạy mấy con mà, người ta tập luyện cho mấy con thực hành, vừa học, vừa hiểu. Để làm gì? Để cái tri kiến hiểu biết của mấy con ấy, để người ta chửi, mấy con không giận. Bởi vì mấy con hiểu, mấy con mới không giận. Còn bây giờ mấy con không hiểu thì mấy con phải giận, phải tức thôi. Các con hiểu không?

Cho nên người ta đào luyện cho mấy con có cuộc sống, mấy con làm chủ cuộc sống, mấy con không giận hờn, phiền não. Lúc nào cũng thương yêu và tha thứ, thì mấy con thấy mấy con giải thoát hoàn toàn.

Nhưng đây mới dạy cho mấy con, rèn luyện cho mấy con tu tập được cái tri kiến giải thoát. Còn cái tri kiến hiện giờ mấy con hiểu biết, nó không giải thoát đâu. Đụng tới, mấy con giận hờn, phiền não, lo lắng, sợ hãi, sợ đói, sợ khát,…​ đủ điều, đó là cái tri kiến không giải thoát. Còn cái tri kiến mà đạo Phật dạy cho mấy con hiểu biết, nó giải thoát hoàn toàn, không có ác pháp nào mà tác động vào nó được. Cho nên, nó tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

(07:06) Cho nên đơn giản Thầy nói: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Ai nghe cũng hiểu hết, nhưng mà sao tu hoài không được? Nó đợi Thầy phải mở tám cái lớp học, Bát Chánh Đạo đó, mấy con.

Từ cái lớp Chánh Kiến, Thầy dạy cái Chánh Kiến, cái nhìn mọi sự vật, mọi sự kiện xảy ra, thì ngay đó mấy con đã nhìn hiểu biết nó, thì mấy con không có còn giận hờn, phiền não nữa. Và rèn luyện cái tri kiến hiểu biết của mấy con, nó đi vào cái hướng giải thoát. Nhưng làm sao chúng ta lại có tám cái lớp học này?

Thầy đang tha thiết lắm, mấy con. Từ lâu mấy con cũng có nghe Thầy có cái mộng, cái mộng thôi. Bởi vì chưa thực hiện được cái mộng. Nhưng ước vọng của Thầy sẽ thực hiện cái khu An dưỡng. Các con sẽ được đến đó, Thầy nuôi dưỡng các con.

Thầy dạy các con sống đạo đức không làm khổ mình. Không làm khổ mình nghe danh từ đó dễ quá, chứ sự thật nó không dễ đâu mấy con. Người ta nói một lời nói nó trái ý mấy con, mấy con tức giận, mấy con đã tự làm khổ mình rồi. Một cái vấn đề gì mà xảy ra nó làm cho chướng ngại Tâm mấy con là mấy con đã thấy buồn khổ rồi.

Nhưng trái lại được huấn luyện trên cái lớp học, cái chánh kiến, sự kiện xảy ra mấy con không buồn khổ. Mọi người xung quanh mấy con, mấy con đều thương yêu và tha thứ. Bởi vì ai cũng ở trong Ác Pháp, chứ đâu có ai ở trong Thiện Pháp đâu mấy con.

(08:41) Cho nên cái sự cố gắng của Thầy, nhưng mấy con tha thiết nhớ lời Thầy dạy. Các con là phật tử phải giữ gìn 5 giới trọn vẹn cho Thầy. Nếu tất cả các con giữ gìn năm giới trọn vẹn thì chắc chắn Thầy sẽ có tám cái lớp học, có trường lớp để đào luyện cho mấy con. Mấy con đến đây ở đây, Thầy nuôi cơm cho mấy con ăn, mấy con không có sợ đói. Rồi Thầy cho mấy con mỗi người một cái nhà. Các con thấy Thầy cất nhà cho ai đây? Không lẽ Thầy ở bao nhiêu, một trăm mấy chục cái nhà Thầy ở hết sao? Thầy cất nhà cho mấy chú nhỏ nhỏ này về ở đó, bởi vì nó là tương lai của Phật pháp mà. Không đào luyện nó còn đào luyện ai nữa mấy con?

Mấy con tu chứng rồi, mấy con già, mấy con “Thôi tui thấy đời khổ quá! Thôi tui bỏ thân này đi”. Cho nên mấy con nghe, Thầy nói nhắc lại, khi Thầy tu chứng rồi thì Thầy muốn đi, Thầy không muốn ở trên cái thế gian này nữa, khổ lắm. Mấy con cứ nghĩ đi, mình ăn thôi, mình cũng nhai nuốt cũng cực khổ nữa, chứ đừng nói chi. Làm cái gì cao hơn mấy con? Đâu có sung sướng gì cuộc đời này? Cho nên xả bỏ hết! Khi mà hiểu được Phật pháp, các con nhớ cần phải xả bỏ hết, giữ Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Nhưng muốn được vậy thì mấy con phải ngay từ ở trong gia đình của mấy con, mấy con tạo cái điều kiện mấy con sống một mình. Không biết các con có đọc cái cuốn “Con Tê Ngưu Một Sừng” chưa? Thầy đã xin phép in rồi, cuốn “*Con Tê Ngưu Một Sừng”*. Nghĩa là chúng ta phải sống một mình, từ cái sống một mình đó mấy con mới thấy từng cái tâm niệm của mấy con khởi. Chứ mấy con sống chung đụng, mấy con không thấy được tâm niệm mấy con. Từ đó Thầy mới hướng dẫn cách thức, bây giờ những cái tâm niệm nào nhiều nhất của mấy con, trình cho Thầy thì Thầy sẽ đến hướng dẫn cho mấy con xả từng cái tâm niệm đó.

(10:46) Lần lượt tất cả các cái niệm mà nó khởi trong tâm mấy con, mấy con có pháp Như Lý Tác Ý, mấy con cứ tác ý. Đức Phật nói: “Có Như Lý Tác Ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”.

Lậu hoặc là gì? Là sự buồn khổ, là sự phiền não, đó là lậu hoặc. Những niệm ham muốn đó là lậu hoặc mấy con. Cho nên có Như Lý Tác Ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt. Cho nên chúng ta có cái pháp, ôm cái pháp nỗ lực đi tới Tâm Bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Và Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là giải thoát rồi mấy con. Hạnh Phúc quá!

Cho nên Thầy ngồi chơi, bây giờ thực sự ra Thầy thấy mấy con tội quá. Chứ còn thật bây giờ Thầy ngồi một mình Thầy chơi, sung sướng quá. Ngồi tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, không ai động hết. Suốt ngày ai làm gì làm, đi đâu thì đi, Thầy chỉ ngồi chơi một mình. Hạnh phúc vô cùng mấy con! Nhưng mấy con sống một mình, mấy con cô đơn, mấy con buồn bã, mấy con khổ sở đủ thứ hết, còn Thầy thì hạnh phúc vô cùng. Cho nên vì vậy mấy con muốn sống gần Thầy thì tập từ từ tập, tập sống một mình mấy con. Cho nên Thầy viết cái cuốn “Con Tê Ngưu Một Sừng”, chúng ta phải sống như con tê ngưu một sừng mới được.

(12:21) Hôm nay Thầy gặp mấy con, coi chừng mấy con tu, thì thật sự ra từ tu sĩ cho đến cư sĩ mấy con tu hành là mấy con đã lầm lạc rất lớn. Cái tội mấy con rất nặng, là tại vì Phật giáo từ lâu người ta truyền thừa sai con đường của đạo Phật. Đạo Phật ly dục, ly ác pháp dạy chúng ta dùng ý thức “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”, không được diệt ý thức. Còn mấy con ngồi lại luôn lúc nào cũng kìm kẹp cái ý thức của mấy con không cho nó khởi niệm. Đó là cái sai của Phật giáo từ xưa đến giờ.

Cho nên mấy con cứ cố gắng ngồi, ngồi nhiều đâu có tốt. Làm con cóc sao? Cho nên ở đây không phải. Mà chúng ta xem coi cái tri kiến của chúng ta, cái niệm khởi, cái niệm nào thiện, mà cái niệm nào ác. Toàn bộ niệm ác chúng ta xả, chúng ta ngăn, chúng ta diệt hết, chỉ còn niệm thiện. Mà niệm thiện nó còn thì nó bất động thanh thản, an lạc, vô sự. Nó có ác thì nó có đối đãi, mà nó toàn còn thiện không thì nó đâu còn đối đãi. Mà nó không đối đãi thì bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Mà Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, đó là cái chơn lý của đạo Phật.

(13:43) Đạo Phật có bốn chơn lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ, đời người sanh ra có thân là khổ. Có phải không? Ai có thân lại không khổ.

Cái nguyên nhân sanh ra đau khổ - Tập Đế là cái nơi tập hợp những sự đau khổ, đó là lòng ham muốn của quý vị. Người nào cũng có lòng ham muốn, có ai mà sanh ra làm con người mà không ham muốn? Đó là cái chơn lý thật mà, đâu có sai được.

Nhưng cái sự giải thoát của đạo Phật, Diệt Đế tức là giải thoát mà, cái Niết Bàn đó mà. Thì trạng thái Niết Bàn không phải đợi tu chết rồi mới nhập Niết Bàn. Không phải! Ngay đây các con vẫn còn sống mà ở trong Niết Bàn, tức là “tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự”. Chỗ đó có động không? Chỗ đó có ai làm chúng ta khổ, giận hờn, phiền não trong đó được không? Như vậy rõ ràng cái Niết Bàn ngay khi chúng ta còn sống mà. Nhưng chúng ta không chịu sống với nó, cho nên chúng ta bỏ trôi nó đi, vì vậy mà chúng ta chạy theo khổ.

Chúng ta ham tu theo Phật thì chúng ta hãy bỏ tất cả những cái gì trong cuộc sống của chúng ta thì chúng ta mới đi vào con đường của đạo Phật. Đời thì cũng không bỏ mà đạo thì muốn thêm. Như vậy sao được? Đạo Phật nó cái nghịch, đời với đạo Phật nó không có ưa nhau đâu. Cho nên dẹp hết cái này thì cái kia nó lòi ra. Còn hai tay ôm hết, mấy con ôm đồm hết, đời không muốn bỏ, nhà cửa không muốn bỏ, con cái không muốn bỏ mà muốn thành Phật thì làm sao thành được? Phải dẹp xuống đi hết!

(15:29) Nhưng Thầy nói như vậy không có nghĩa là về tôi ly dị chồng, ly dị con hết. Cái này không có được. Nhân quả mấy con đã tạo thì phải trả. Vui vẻ, mọi lần vợ chồng cãi cọ, nay không cái nữa. Đó là mấy con đã chuyển, chuyển lần lượt rồi đó. Ông chồng ông nói: “Bà nay đi tu rồi, cho nên giờ bà không cãi cọ gì nữa, thôi bà đi tu luôn đi”. Được rồi, chồng cho mình đi, còn nó chưa cho thì không được đi. Đó mấy con thấy, mình đâu có xin đâu. Tại vì từ hồi nào tới giờ nói trái ý mình cãi, nhưng giờ trái ý không cãi. Cơm ăn đồ này kia cũng lo cho chồng con đầy đủ hết. Nhưng mà giờ không cãi lộn, không nói gì hết vì lúc nào cũng vui vẻ, lúc bấy giờ chồng đuổi mình đi à. Chắc chắn điều đó mấy con.

Cho nên vì vậy mà Thầy khuyên các con từ người chồng cho đến người vợ lúc nào chúng ta cũng phải giữ cho trọn đạo, đạo Phật có đạo đức chung thủy. Cho nên một cái người đàn ông cũng như người đàn bà mà có vợ có chồng rồi mà nhìn ngó một người phụ nữ, một người đàn ông khác thì không được. Đạo Phật cấm bặt luôn. Cho nên Thầy bảo các con giữ gìn năm giới thì Thầy sẽ có tám lớp học từ cái lớp Chánh Kiến cho đến Chánh Định. Còn mấy con giữ giới không trọn vẹn thì Thầy bây giờ có muốn cũng không được. Bởi vì những cái lớp học này để dạy cho các con học, chứ không phải dạy cho ai hết. Mà các con không giữ năm giới trọn vẹn thì Thầy giờ có muốn cũng không được, cái phước của mấy con không đủ. Cho nên làm sao? Cho nên các con cứ cố gắng giữ gìn năm giới trọn vẹn thì Thầy sẽ có dịp, Thầy sẽ dạy mấy con đầy đủ.

(17:24) Bởi vì nói thì dễ nhưng làm rất khó. Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự rất dễ mấy con. Thầy dạy đủ hết, kinh sách Thầy dạy đủ hết, cái sai cái đúng Thầy đã nói hết rồi. Thầy đã làm động cả một thế giới, chứ không phải là Thầy nói ở đây đâu. Động cả một thế giới, chứ không phải là không đâu. Cho nên trong cái vấn đề động, tại vì nó sai, phải dập nó xuống, để người ta phí sức, phí công người ta làm những cái điều mê tín, dị đoan, cúng bái cầu Phật. Phật phù hộ cho mấy con à? Người ta tưởng tượng ra ông Phật này, ông Phật kia. Làm sao có?

Cuộc đời chúng ta chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con người Ấn Độ dạy chúng ta Bốn cái Chân Lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo rõ ràng. Chứ không có ông Phật thứ hai, thứ ba. Người ta vẽ vời ra, trước đức Phật Thích Ca có bảy vị Phật quá khứ. Bảy vị Phật quá khứ tại sao không có Bốn Chân Lý? Để ông Phật Thích Ca tu khổ hạnh đến cái mức độ gần muốn chết. Sáu năm khổ hạnh còn có bộ xương với da. Nghĩa là ngồi hết nổi rồi, chỉ nằm xuống đó thôi. Nhờ cái cô bé chăn bò vắt sữa mới đổ, đức Phật mới tỉnh. Đức Phật thấy nó khổ hạnh, không có tìm thấy sự giải thoát mà càng khổ thêm. Cho nên từ đó đức Phật tự mình đi tìm cái chân lý, tự mình đi tìm cái chánh pháp để mà thực hiện được sự giải thoát làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết.

(19:09) Hôm nay, Thầy dạy mấy con làm chủ cái cuộc sống của mình tức là làm chủ sanh. Sanh đây không có nghĩa là sanh đẻ đâu mấy con. Sanh là đời sống của chúng ta hằng ngày tiếp giao với mọi người, lúc nào chúng ta cũng biết thương yêu và tha thứ, bấy nhiêu đó đủ giải thoát. Cho nên mấy con đối xử ở trong gia đình cũng phải thực hiện lòng thương yêu tha thứ chứ. Hở một chút, con mình, mình sanh nó ra, nhưng mà nó cũng là một cái sự sống. Tại sao giận nó, tát tai nó như thế này? Cái hành động đánh trên đầu nó, tát tai nó, nó có đau không mấy con? Đừng có nghĩ rằng mình là cha nó. Các con hiểu không?

Cho nên từ đây về sau, Thầy khuyên mấy con dùng cái ngôn ngữ ôn tồn, nhã nhặn, tức là ái ngữ. Dùng cái hành động thương yêu tha thứ xoa dịu những vết thương đau của người khác, chứ không được làm người khác đau khổ. Đạo Phật không cho mấy con làm những cái điều mà gây cho người ta đau khổ bằng cách là luôn luôn lúc nào…​ Ý mấy con khởi nghĩ một cái điều gì có hại cho người khác thì phải dừng ngay cái ý đó lại liền, không được nghĩ. Miệng mấy con nói ra một lời nói to tiếng làm cho người ta sợ, nạt nộ người ta thì mấy con phải dừng ngay liền. Đừng có dùng ngôn ngữ đó. Nói ra lời nói nhẹ nhàng, ôn tồn, an ủi người khác làm cho người ta không sợ hãi, làm cho người ta an ổn được tâm hồn người ta thì đó là mới đúng chánh pháp của Phật.

(20:51) Các con nhớ đức Phật dạy rất kỹ, nhưng tiếc vì Thầy không có trường lớp để mở ra dạy. Các con biết Thầy có một cái nhóm giảng viên, chứ không phải là không có đâu mấy con. Dễ lắm mấy con. Bây giờ cái lớp Chánh Kiến Thầy dạy nè. Trong một năm cái lớp Chánh Kiến đó dạy xong rồi, thì những người mà học ở trong lớp Chánh Kiến đó đó, họ ưu, học giỏi thì Thầy lấy những người đó sẽ dạy lớp Chánh Kiến thứ hai và Thầy lên dạy lớp Chánh Tư Duy. Các con thấy Thầy có giảng viên đàng hoàng chứ. Không lẽ bây giờ mấy con có trình độ học thức rồi, có trình độ sư phạm rồi mà giờ vô Thầy dạy rồi, thì mấy con không soạn được cái giáo án để mà dạy cái lớp mà đang Thầy dạy sao?

Mà Thầy dạy mấy con trong lớp thì phải có giáo trình, giáo án đàng hoàng, chứ đâu phải muốn dạy lúc nào dạy đâu. Mới vô phải học bài nào, rồi lần lượt tới bài nào, bài nào chứ. Để người ta tiếp thu cho được, để người ta nhận cho được theo sự học hành của người ta. Các con thấy không? Chứ đâu phải là giảng, đem cái bài pháp giảng nói nghe chơi sao? Đâu có đem cái cuốn kinh Pháp Bảo Đàn hay hoặc là cái một bài kinh Vô lậu, hay hoặc là một cái bài kinh nào đó để mà giảng cho mấy con nghe rồi, tới chừng mấy con về rồi đâu nó hoàn đấy. Không bao giờ mà bớt chút nào.

Cũng như bây giờ Thầy dạy mấy con Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, nói nghe chơi, chứ sự thật về mấy con có giữ được bất động không? Nhưng sau một cái thời gian huấn luyện cho mấy con một năm thì mấy con sẽ đạt được bất động. Cũng như người ta rèn luyện mấy con mà. Mấy con học tập, mấy con rèn luyện thì mấy con trở thành người học trò giỏi chứ gì. Mà cái đứa giỏi thì hoàn toàn nó bất động chứ sao? Cái đứa dở thì nó được phân nửa, nó bất động hơi rồi nó động. Các con thấy chưa? Đó, cho nên học trò giỏi thì nó sẽ đứng lớp, nó dạy kế, rồi Thầy lên lớp cao. Rồi lớp nó cao thì nó giỏi, thì nó dạy lớp kế. Cứ như vậy mà Thầy có một số giảng sư, phải không mấy con? Có một số dạy đạo, đâu có gì khó khăn đâu. Các con thấy chưa?

3- RÈN LUYỆN Ý CHÍ NGHỊ LỰC

(23:12) Cho nên hôm nay, mấy con là tu sĩ mấy con nhớ. Thầy đã dạy đủ cho mấy con pháp Thân Hành Niệm. Để làm gì? Để cho mấy con phá hôn trầm, thùy miên. Mấy con hết tâm si của mấy con thì mấy con tự có trí tuệ. Mấy con còn ham ngủ thì ông nội Thầy bây giờ có dạy mấy con cái gì đi nữa, mấy con cũng ngu si hà. Bởi vì còn ham ngủ, tức là còn si. Cho nên Thầy dạy cái pháp Thân Hành Niệm. Bây giờ mấy con đi kinh hành bình thường là nó không có buồn ngủ chứ gì? Nhưng mà đi nó cứ gục tới, gục lui thì mấy con tác ý “Giở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống”, đi từng hành động tác ý bảo nó vậy, đặng cho nó mau tỉnh, mấy con. Mà nó tỉnh rồi thì thôi, đừng có la um sùm động người ta. Các con hiểu chưa?

Cho nên khi mấy con mặc chiếc áo tu sĩ rồi thì mấy con thấy trách nhiệm của mình rất lớn đối với đức Phật. Một là mấy con tu sai là mấy con phỉ báng Phật pháp. Đó, mấy con nhớ kĩ mấy con tu sai là phỉ báng Phật pháp. Làm sai lệch Phật pháp, sau này biết bao nhiêu người mấy con có tội. Còn mấy con tu đúng, mấy con được giải thoát, thì mấy con không phụ ơn Phật, đền đáp Phật.

(24:38) Cho nên mấy con khi mà tu sĩ, ở đây Thầy đã có một cái phòng riêng. Thầy cất một cái phòng riêng, các con tu, Thầy kêu về kiểm tra lại từng chút. Đi kinh hành coi kiểu đi như thế nào? Rồi ban đêm Thầy đi, cũng như bữa nay hai giờ mấy con dậy, bật đèn dậy thì Thầy đã đi rỏn, Thầy coi coi người nào mà còn ngủ. Rồi một lúc tới chừng mà gần đi ngủ, Thầy coi mấy con ngồi có gục hay không nữa, chứ đừng nói chuyện. Thầy nói thật sự mấy con biết, một người mà tu xong rồi, tâm không bao giờ buồn ngủ mấy con. Nó tỉnh táo, nó không có ham ngủ đâu. Nó không có buồn ngủ, tự nó tỉnh. Mấy con tu tới chỗ mức độ đó, mấy con không ham ngủ đâu, tự nó tỉnh, nằm chơi vậy thôi. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, đó là một người tu xong.

Còn mấy con chưa xong thì nó còn ham ngủ lắm. Ham ngủ đi kinh hành, dập đầu mày xuống, chứ đâu có đầu hàng, đâu có ngồi mà gục tới, gục lui. Vậy mà có nhiều thầy không chịu đi kinh hành, cứ ngồi đó mà gục gục như vầy. Trời ơi! Thầy nói thiệt ra, Thầy vuốt ngực Thầy, chứ Thầy lại Thầy nắm cái đầu Thầy gục xuống cho mà chết (Thầy cười). Thầy thấy mấy con sao không nghe lời Thầy dạy, Thầy thấy phụ lòng Thầy quá độ. Cho nên mấy con ráng mấy con. Nhớ, mấy con ráng!

Có cái gì thì mấy con ở bên đây, mấy con cứ đi qua xin gặp Thầy. Thầy biết mấy con đang muốn gặp Thầy là phải có chuyện. Còn mấy con cứ âm thầm tu, rồi mai mốt điên khùng, rồi Thầy làm sao? Các con hiểu?

(26:32) Mình đi kinh hành mà mình thấy nó tỉnh táo, nó sảng khoái, nó dễ chịu thì đúng. Mà mình đi kinh hành như bắt buộc gò bó, ráng cố gắng, coi chừng, điều đó là sai. Ức chế, ép buộc là sai. Cho nên phải thưa hỏi đàng hoàng. Chừng nào mà đi thấy an vui trong lòng, thấy thích thì đúng mà thấy không thích thì thưa hỏi. Chứ đừng có chịu đựng nó để mà kiến giải ra mà tu thì, mình có tu chứng chưa mình kiến giải? Mà kiến giải là sai.

Thầy bảo mấy con biết bao nhiêu quý Hòa thượng đã tự kiến giải ra mới đẻ ra kinh sách cái Đại Thừa. Mà bây giờ tất cả những cái này đều không có đúng những lời Phật dạy.

Cho nên ở đây đừng kiến giải ra, khi nào mà thấy nó bất an thì thưa hỏi liền. Có Thầy, mai mốt Thầy tịch rồi lấy ai hỏi? Bây giờ có Thầy thì mấy con còn có chỗ dựa để mà hỏi. Thầy mong rằng Thầy sẽ đào tạo không những một người tu chứng mà hàng trăm người tu chứng. Nghĩa là hàng trăm người tâm bất động, thanh thản. Tâm bất động, thanh thản có gì đâu mà khó mà không chứng? Chớ bộ Thầy dạy hóa thần thông, bay trên trời hay hoặc chui xuống đất, độn thổ thì khó. Có phải không mấy con? Thầy dạy tâm bất động mà mình ngồi đây, ai chửi không giận thì được rồi. Có vậy thôi, chứ có gì đâu! Ngồi chơi. Phải không? Ngồi chơi chớ Thầy có lạy mấy con. Khi mấy con ngồi mà mấy con gò bó cho đừng có vọng tưởng là mấy con đã tự trói mình, làm cho mình khổ.

(28:24) Ngồi chơi tức là không làm gì hết. Mấy con nghe cái câu mà Thầy nói: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, phải không? Bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Vô sự là không có làm việc gì, là người ngồi chơi. Vậy mấy con, hiện bây giờ mấy con là tu sĩ là ngồi chơi, chứ sao lại mà đi làm chuyện. Trời! Có người đi nhổ cỏ mấy con. Có người lại tưới nước, rồi trồng cây. Trời đất ơi! Người ta ở ngoài đời, người ta sợ con người ta đói, người ta lo người ta trồng để cho con. Còn mấy con, ai đâu mà để? Mà mấy con siêng năng cái kiểu này không có đúng. Siêng năng ngồi chơi cho Thầy đi, đó là đúng. Rảnh rang không có cái chuyện gì hết thì đó là đúng chứ sao, vô sự mà. Làm sao cho mình vô sự, phải không, Thầy nhắc nhở mấy con tu cho đúng mấy con.

(29:23) Cho nên coi chừng bị ảnh hưởng cái sai lệch mà từ xưa đến giờ mà trong đó đã sai, mà Thầy đập xuống là làm động thiên hạ rất lớn mấy con. Người ta nói như thế này: “kinh sách Đại Thừa đã truyền mấy ngàn năm rồi mà bây giờ Thầy nói sai, đập đổ người ta hết à”. Thì sai phải nói sai, chứ không lẽ sai mà nói đúng được sao? Thì từ lâu tới giờ kinh sách đó có mà có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết không? Đâu có ai đâu. Tu lọt trong thiền tưởng là có, nhập Không Vô Biên Xứ Tưởng là có, làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì không có.

Hôm nay, Thầy nói như vậy thì để cho mấy con, về đây có duyên được nghe Thầy nói “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ai cũng nhớ chứ gì? Khi mà ở nhà có ai mà nói nặng, nói nhẹ, mấy con nhớ là, “Tâm bất động, thanh thản. Đừng giận, đó là nhân quả”. Các con cứ nói đó là nhân quả. Nếu không nhân quả, làm sao có những người thân xung quanh mình? Những người làm chướng ngại mình? Thấy đó là nhân quả đi mấy con. Mà khi thấy đó nhân quả thì mấy con vui lòng trả nhân quả, chứ sao lại tạo thêm nhân quả?

Mấy con tức giận là tạo thêm nhân quả. Mấy con thấy vui vẻ là mấy con đã chuyển nhân quả, nhớ không? Rồi mấy con nhắc tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc. Đó là nhân quả. Đừng giận”, thì mấy con không giận không buồn gì hết. Do đó tự mấy con đã cứu mình ra khỏi sanh, già bệnh, chết. Chỉ bấy nhiêu đó đủ rồi, cần gì phải tu nhiều mấy con, tu chi cho nhiều, mất công. Phải không? Nhớ câu Thầy nói: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ai có nói gì thì mình nhớ “đây là nhân quả, có duyên gặp người này họ nói trái ý mình một chút, có gì thương yêu và tha thứ họ đi”. Thì ngay đó mấy con biết nói được câu nói đó, biết suy tư được câu nói đó thì tâm mấy con sẽ an ổn. Thầy chỉ đem lại sự an vui, sự bình an cho tâm hồn của mấy con. Có như vậy là mấy con đã không phụ lòng Thầy.

(31:27) Hôm nay Thầy đến đây, Thầy gặp mấy con để nói chuyện cho mấy con nghe, để mấy con được giải thoát. Các con hiểu chưa? Hiểu rồi phải không? Từ đây về sau, đừng để tâm mình đau khổ mấy con. Điên gì, ngu gì mà để nó giận? Điên gì để cho nó đau khổ? Phải không? “Mày đâu phải con người điên. Mày là người có trí tuệ mà, mày khôn mà tại sao mày để mày khổ vậy”? Thì mấy con tự rầy mình để rồi mình thanh thản, an lạc, vô sự. Hay quá mấy con, tự mình răn mình. Cho nên đức Phật, “Thấy lỗi mình, đừng thấy lỗi người”. Phải không? Mình rầy mình: “Điên gì mày giận. Mày làm khổ mày, mày không thấy sao? Phải sáng suốt, minh mẫn đi!” Cứ nhắc nó vậy, nó sẽ minh mẫn, sáng suốt mấy con.

Còn khi đau mấy con đừng có nghĩ rằng nó chết mấy con đâu, cho nó chết đi chết nó được. Bây giờ cái thân của mấy con như mấy bác, mấy chủ đây tóc bạc hết rồi, chết là vừa. Phải không? Đặng mình có thân mới, bộ chết chạy đâu trốn khỏi mình. Nó sẽ có thân mới, mà thân mới thì nó khỏe hơn, còn thân già nó phải mệt hơn. Cho nên chết bỏ, vì vậy mà nó đau nhức: “cho mày chết đi, tao không sợ đâu, tao không cần uống thuốc đâu”. Vậy chứ mà bệnh nó chạy mất. Các con nhớ không? Ai cũng có bệnh, mà người nào mà sợ hãi đi bác sĩ đồ đó là vô minh, là ngu si, đem tiền cho người ta ăn, không biết. Mà còn nằm nhà thương rên rên nữa. Đừng có rên, chỉ tác ý để cho tinh thần, ý chí của mình dũng cảm, đừng sợ hãi thì tất cả bệnh tật nó sẽ đi hết.

(33:12) Thầy tám mươi mấy tuổi rồi mấy con, có bệnh nào dám đến thân Thầy không? Thầy la cái nó chạy, nó xách gói nó chạy cời. Nó sợ Thầy ghê lắm là tại vì Thầy từng la. Chứ có thân ai lại không bệnh, nhưng mà mình đã sử dụng pháp Như Lý Tác Ý mà. Như hồi nãy Thầy đã nói đức Phật dạy, “Có Như Lý Tác Ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh mà đã sanh thì bị diệt”. Thầy ngồi đây: “thân này từ đây về sau không có được bệnh nha”. Thực sự nó không bệnh mấy con. Đức Phật đã nói mà, nó chưa có xảy ra thì mình đã tác ý nó không bệnh. Mà bây giờ nó bệnh: “Thọ là vô thường, cái bệnh này đi đi, không được ở đây, tao cho mày chết chứ tao không uống thuốc đâu”. Nó thấy mình gan quá, nó đi. Mấy con làm gan thử một bữa coi, bây giờ bệnh gì nó cũng đi, ung thư cũng đi, cái bệnh gì mà ngặt nghèo nó cũng chạy mất hết.

(34:03) Cái thân của con người nó lớn tuổi, nó yếu. Mọi lần Thầy xách chừng năm chục ký lô, nay Thầy xách chừng mười ký nghe nó nặng rồi. Nhưng Thầy bảo: “Cái thân này yếu yếu chứ đi vững vàng, chứ không được run rẩy”, nó không dám run mấy con. Có phải không? Chứ không khéo nó run. Các con thấy mấy ông già chống gậy không? Cà run, cà run, khổ lắm. Phải không? Còn mấy người nữa con. Mấy ông già sao lại cái xương sống này lại cúi xuống vầy? Thầy bảo “Thẳng, không có được cúi”. Thầy đi thẳng, chứ Thầy có cúi khòm lưng đâu. Phải không mấy con? Cho nên mấy con mà khòm khòm lưng đó, bảo: “thẳng lên”! Nó thẳng. Ra lệnh nó mà, ý thức lực của chúng ta mà. Chúng ta có ý thức mà ý thức lực. Cái lực của ý thức mà rèn luyện hằng ngày. Cái người tu tập, từng tâm niệm của nó tác ý để đuổi, nó trở thành cái lực. Nó siêng năng, nó mới có cái lực mấy con. Phải không?

Như vậy hôm nay mấy con nghe Thầy trao cho những cái pháp rất là tuyệt vời, chỉ bây giờ còn mấy con mà thôi. Phải không? Mấy con nhớ chỉ còn mấy con mà thôi. Các con tự thắp đuốc lên đi, Thầy không thể cứu các con được. Các con nhớ điều này! Cho nên cúng bái, cầu siêu, cầu an đều là không đúng cái tinh thần của Phật giáo. Mà tự mình phải thắp ngọn đuốc lên đi, tự mình phải tu, tự mình phải tác ý.

(35:34) Như vậy hôm nay Thầy đến đây gặp mấy con và trao mấy con cái pháp màu nhiệm để cứu mấy con thoát khổ. Mấy con nhớ ghi lời Thầy, phải không? Để rồi Thầy ra về mà mấy con bình an, đó là mấy con không phụ ơn Thầy. Chớ mấy con mà để cho nó bệnh đau, để cho nó phiền não, để giận hờn, đó là mấy con đã phụ lòng Thầy.

Đừng sợ mấy con! Người nào Thầy thấy, nhìn mấy con, Thầy thấy người nào cũng ý chí ngút ngàn. Người nào cũng có ý chí hết, nhưng mà ý chí phải rèn luyện. Trước khó khăn mấy con không chùn bước là ý chí mấy con lớn.

Còn mấy con cứ chùn bước, nghe đau cái mấy con nằm rên la, đó là mấy con đã làm cho ý chí của mấy con lụn bại, một con người không gan dạ, hèn nhát. Mấy con cứ thấy nó mà nó sợ hãi thì mấy con chửi nó ngay liền. Mấy con thấy khi nào mà đi ban đêm sợ ma thì mấy con nên đi ra đồng mã kia cà, để tập luyện cho nó đừng có sợ, “cho ma nó bắt mày đi, ăn thịt mày đi” thì nó hết sợ. Đó thì mấy con rèn luyện cái ý chí của mình, cái dũng cảm của mình, như vậy mấy con mới thành công chứ. Phải không, mấy con hiểu chưa?

(36:55) Cho nên hôm nay nhớ những gì Thầy dạy, không phải là Thầy nói suông để nghe chơi đâu mấy con. Mà đây là trao cho mấy con những cái bí quyết để làm cho mấy con được giải thoát. Nhớ lời Thầy!

Còn các cháu còn nhỏ còn đi học, mấy cháu học mà nó hay quên trước, quên sau thì mấy cháu tác ý nó: “Cái đầu này phải thông minh, phải nhớ nha, không có được quên”. Nhớ chưa? Mấy cháu nhớ chưa? Để cho nó thông minh. Chứ mấy cháu không có chịu tác ý nó, nó nằm nó che khuất mấy cháu, mấy cháu học không có thuộc bài đâu. Mà tác ý nó, nó vén cái màn đó ra, nó làm cho mấy cháu thông minh. Nhớ chưa?

Tất cả người lớn Thầy cũng dạy, mà người nhỏ Thầy cũng dạy. Mà chỉ có nhớ cái lời Thầy dạy “Thương yêu và tha thứ” chỉ bấy nhiêu đó thôi. Lúc nào mấy con cũng tác ý “Thương yêu và tha thứ”, khi tác ý cái câu “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” rồi kế đó “Thương yêu và tha thứ”. Bởi vì mọi người sẽ là chướng ngại làm chúng ta đau khổ mà nếu không thương yêu và tha thứ thì mấy con sẽ bị đau khổ. Nhớ cái lời Thầy dạy, đủ rồi hén mấy con? Thôi, bây giờ Thầy đi về, Thầy còn công việc nữa. Thầy đang soạn thảo cái bộ sách đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người mấy con, cái bộ sách có giá trị lắm.

4- PHÂN BIỆT ĐỊNH TỈNH VÀ ĐỊNH TĨNH

Phật tử: Bạch Thầy, có một số Phật tử họ thắc mắc, ghi trong giấy, xin Thầy từ bi giải đáp cho chúng con.

Trưởng lão: Vậy hả con? Rồi, rồi.

(38:45) Hai cái câu này, cái này không biết của ai hỏi Thầy nè. Nhưng mà cái câu hỏi mà câu tác ý đó, mà hai câu này nó chỉ có một câu thôi. Khi tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, khi đó nó bất động thì nó quay vô nó nhìn bốn chỗ trên Thân nó: Thân, Thọ, Tâm, Pháp gọi là Tứ Niệm Xứ. Mà nó chưa bất động thì nó sẽ thấy hơi thở ra, hơi thở vô thì mấy con ôm hơi thở đó tức là mấy con dùng hơi thở để ức chế ý thức, là sai pháp. Cho nên mấy con để tự nhiên, rồi mấy con sẽ tác ý nữa, “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” rồi để tự nhiên một cách hồn nhiên để cho nó bất động thôi. Chứ còn mấy con mà sử dụng hơi thở để biết hơi thở ra vô là mấy con dụng hơi thở để diệt ý thức của mấy con, rồi gọi là bất động, chứ sự thực không bất động. Mấy con dụng pháp. Cho nên hai câu này nó chỉ là một mà thôi. Nhưng phải biết cách tu, chứ không khéo rồi nó lạc đường đó.

(39:50) Câu hai: Chữ định tĩnh với định tỉnh, cái dấu ngã, dấu hỏi. Chữ tĩnh này là tĩnh lặng, dấu ngã nó là tĩnh lặng. Phải không? Mà khi mà chúng ta giữ cái tâm mà im lặng đó, giữ cái tâm im lặng thì định tĩnh. Phải không?

Còn giữ cái tâm định tỉnh, nghĩa là tỉnh táo đó, tỉnh. Còn chữ táo nữa là dấu sắc đó đó, thì tức là hỏi đó. Phải không? Đây là những từ, những cái từ nhưng mà nó định nghĩa được cái ý nghĩ của cái danh từ của Việt ngữ của chúng ta. Dấu hỏi, dấu ngã thôi, nó nói được cái ý nghĩ của nó. Định tỉnh tức là con ngồi đây mà con tỉnh táo, con thấy cây cỏ này kia, người qua kẻ lại đều thấy biết hết đó, gọi là định tỉnh, tức là dấu hỏi.

Còn bây giờ mà con ngồi đây im lặng phăng phắc, tức là thân tâm con nó ngồi, nó bất động, nó ráng nó gò bó nó bất động, nó định tĩnh, tĩnh là sự im lặng của nó đó, thì cái này là định tĩnh, tức là sai pháp. Còn định tỉnh, tức là tỉnh táo đó biết tất cả những sự kiện xảy ra, tức là cái đó là đúng. Phải không? Định ở đây không phải có nghĩa là thiền định. Chứ còn mấy con cứ nghĩ rằng định, tức là phải ngồi thiền không vọng tưởng này kia là định, không phải. Cái Định của Phật giáo, nó không phải định của ngoại đạo.

Thầy xin nhắc lại khi nào mà tâm mấy con bất động trên Tứ Niệm Xứ tức là Chánh niệm thì mấy con mới nhập được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, đó là Định của Phật giáo. Định của Phật giáo không phải tu mà Định của Phật giáo để nhập. Cho nên tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì mấy con có Định Như Ý Túc. Ở trên Tứ Niệm Xứ mà tâm mấy con được thanh thản, an lạc, vô sự thì tự nó có cái sức của nó gọi là Định Như Ý Túc, muốn nhập cái Định nào thì mấy con ra lệnh thì nó nhập cái Định nấy. Chứ không phải Tứ Thiền của Phật là mấy con tập, mấy con nhập tứ thiền, không bao giờ có điều đó. Định của Phật là để nhập chứ không phải để tu. Cho nên mấy con lấy tu là sai. Đó, mấy con phải hiểu.

Cho nên ở đây nhờ những cái danh từ này, mà Thầy giải thích để cho mấy con hiểu, phải không? Đó là Định của Phật, chứ không phải…​ Còn cái này là cái tâm mình tỉnh táo, ngồi đó gọi là định chứ không phải Định. Hiểu chưa? Không phải Định, tỉnh táo thôi. Còn tĩnh là im lặng, bất động, đó!

5- TU HÀNH PHẢI THÂN CẬN THIỆN HỮU TRI THỨC

(43:04) Cha! Thầy thấy viết chữ nhiều quá, Thầy ớn. Viết chữ như thế này, mấy câu hỏi thôi. Trời đất ơi! Viết gì một cái thơ thôi, trời đất ơi! Như thế này làm sao Thầy trả lời? Cái này nó dài quá, để Thầy đọc mất thì giờ quá. Cái câu nào hỏi thì mấy con viết. Rồi.

Cha! quá trời, Thầy thấy mấy chữ ngắn ngắn vầy nó dễ.

Thanh Phước xin Thầy cho mẹ con gặp. Thanh Phước đâu con? Ai Thanh Phước? Có Thanh Phước đây không? Có hả? Mẹ con muốn gặp Thầy phải không? Rồi, được rồi. Cứ gặp qua điện thoại, chứ bây giờ làm sao vào đây được? Còn không thì mấy con gọi điện thoại. Lúc nào Thầy về rồi gọi cũng được, Thầy sẽ gặp Thầy trả lời. Phải không? Bởi vì ở đây, trong cái bức thư này đã hỏi đó, thì bậc A La Hán mấy con dùng cái danh từ của người Trung Hoa nhiều quá. Việt Nam mà không dùng Việt Nam. Mấy con còn ảnh hưởng Trung Hoa.

(44:52) Sự thật ra mấy con nên dùng như thế này, tiếng Việt chúng ta đầy đủ lắm mấy con, chứ không có khó khăn gì. Bậc A La Hán là cái bậc làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Cho nên có nghe bao giờ mà Thầy nói Thầy chứng quả A La Hán bao giờ. Tại người ta đặt, chứ Thầy đâu có nói. Thầy làm chủ sanh, già, bệnh, chết thôi, phải tiếng Việt không mấy con? Nó dễ dàng!

Mà A La Hán là dịch nôm ra, dịch âm ra. Cho nên trong khi mà bậc A La Hán xuất hiện, mấy con nghĩ là cao siêu, đâu có cao siêu gì đâu. Bây giờ mấy con cũng sẽ chứng quả A La Hán trong phút giây, bởi vì tâm vô lậu. A La Hán là vô lậu chứ có gì, vô lậu cũng là chữ Hán đó mấy con, cho nên Thầy không có dùng. Phải không? Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.

Bởi vậy sau này thật sự ra, Thầy cố gắng làm sao tránh dùng cái chữ Hán. Chúng ta là người Việt, tiếng Việt chúng ta có ngôn ngữ để diễn tả. Nhưng vì thành một cái thói quen rồi, chúng ta bị nhiễm ô cái thói quen của Hán Việt. Mặc dù chúng ta đã biến cái ngôn từ của người Hoa nó thành ra cái ngôn từ của chúng ta. Cũng như, thí dụ như người Hoa họ nói: “Chộc mãng lộc tày zi mơ ùn tắc phan lày”, thì chúng ta đâu có nói cái kiểu đó được, phải không? Chúng ta phải nói tiếng Việt: “Hôm qua, trời mưa, tôi đi chợ không được”. Có phải tiếng chúng ta dễ nghe không? Các con thấy.

(46:43) Cho nên chúng ta đừng ảnh hưởng tiếng Trung Hoa. Và từ đó chúng ta lần lượt chúng ta dùng cái tiếng Việt ngữ của chúng ta. Dân tộc Việt Nam mà, nhất định là không chịu ảnh hưởng của một dân tộc nào. Chúng ta biến từ cái tiếng của Trung Hoa, khi chúng ta chưa có Việt ngữ thì chúng ta biến nó thành chữ Nôm chúng ta xài. Người Trung Hoa thấy cũng viết, chữ Nho vậy, nhưng mà rốt cuộc thì chữ Nôm, chứ đâu phải chữ Nho mấy con. Dám biến tiếng của người ta thành tiếng của mình xài, đó là cái hay của người Việt. Sau khi mà người Pháp qua cai trị, đem chữ La Tinh qua dạy chúng ta. Chúng ta biến cái chữ đó ra thành tiếng của chúng ta bỏ dấu, bỏ này kia đủ thứ. Đó thì mấy con thấy người Việt chúng ta thật là tuyệt vời! Không phải Thầy người Việt là ca ngợi người Việt đâu mấy con, mà đúng.

(47:41) Một ngàn năm chúng ta bị cai trị, nhưng chúng ta không đầu hàng giặc. Một trăm năm cai trị người Pháp, chúng ta cũng không đầu hàng. Quyết định là chúng ta phải giải phóng đất nước của chúng ta. Dân tộc chúng ta kiên cường như vậy. Thì mấy con thấy một dân tộc như vậy mới xuất hiện một người tu làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Như Thầy bây giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết chứ đâu phải. Thầy muốn chết hồi nào cũng quá dễ dàng. Bệnh dám đến thân Thầy à? Tám mươi mấy tuổi rồi chứ bộ ít sao, già rồi mà bệnh dám tới Thầy được à? Thầy đuổi đi hết.

Làm sao mấy con cũng như vậy, Thầy nói nhà thương nó sẽ đóng cửa mấy con. Tu theo Phật, bệnh viện nó sẽ đóng cửa hà. Ai đi vô nhà thương chi nằm cho cực con, cực cái mà phải để nuôi, phải không? Mấy con thấy sung sướng vô cùng, hạnh phúc vô cùng, theo Phật giáo tuyệt vời, làm chủ bằng ý thức của chúng ta, Ý thức lực. Cho nên hãy nỗ lực tu mấy con, không có phí chút nào đâu. Tự các con người nào cũng có cái đầu óc, ý thức mà. Người nào cũng có ý thức chứ, ngoài ý thức mấy con làm sao? Mấy con nhớ! Cho nên nỗ lực tu đi mấy con. Nhớ kỹ: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ai làm gì, mấy con để cái tâm của mấy con đừng có giận hờn, phiền não. Riết rồi nó sẽ đạt được cái tâm bất động, chứ không có gì khó hết. Chứ cứ một chút giận, chút buồn, chút lo, chút lắng thì trời ơi khổ đau mà cứ ôm nó làm gì? Tất cả đó là ác pháp. Theo Phật giáo thì nhất định ác pháp không xâm chiếm được vô tâm bất động. Như vậy chúng ta mới con Phật, phải không?

Cho nên ở đây mấy con hỏi những cái điều ở ngoài vấn đề mà hỏi. không phải đúng, không có đúng đâu. Bậc A La Hán xuất hiện trên thế gian, mà viết chữ thiệt là Thầy đọc không được. Thầy dỡ, chữ Thầy dỡ.

(49:48) Phật tử: Tại vì con viết lố đó Thầy. Cái câu hỏi nó như thế này, mà cái câu hỏi đó là của Thầy viết ra trong sách: Tức là bậc A La Hán xuất hiện trên thế gian như cánh chim trời bay trong gió, tất cả mọi tà giáo ngoại đạo đều rơi rụng như những chiếc lá vàng mùa thu. Thì con hỏi cái câu nói này là nó nằm trong bộ kinh nào của bốn bộ kinh Nikaya. Và hiện tại bây giờ như con biết thì tất cả những hệ thống của Đại Thừa nó đều xâm nhập, đã len lỏi vào trong tất cả các hệ thống chính quyền của một đất nước, của một quốc gia. Thì bây giờ Thầy muốn quét sách hết tất cả những tà giáo ngoại đạo đó ra khỏi tất cả những tư tưởng của những người đó, còn bây giờ nó đã xâm chiếm ngự trị ở trong những hệ thống chính quyền đó, bây giờ làm sao Thầy quét được?

Ví dụ như bây giờ con nói: có một cái chùa từ đó đến giờ người ta muốn xây một cái chùa, hay là người ta muốn sửa sang một cái chùa, muốn trùng tu một cái chùa hoặc là người ta muốn dựng nên một bức tượng A Di Đà hay là Quán Thế Âm, hay là Đại Thế Chí gì đó. Thì tất cả đều phải được chính quyền người ta xác nhận cấp cho một cái giấy là ở ngoài này được xây dựng như vậy. Thì bây giờ theo như câu nói này tất cả mọi tà giáo đều rơi rụng, khi mà bậc A La Hán xuất hiện thì như vậy làm sao mà có thể quét sạch được cái hệ thống chính quyền. Trong khi chính quyền bây giờ người ta cho phép ở cái chùa đó, cho các bậc tăng ni đó xây dựng. Thì bây giờ làm sao chúng ta có thể xóa cái giấy phép đó được. Đó ý con muốn hỏi?

(51:25) Trưởng lão: Ý con muốn hỏi là bây giờ làm sao xóa đi? Sự thật trong đầu của con, chứ sao lại con hỏi chính quyền? Con có xóa là xóa ở trong cái đầu con. Thầy chỉ nói ra, mấy con có xóa được là xóa trong cái đầu, chứ sao mấy con đi xóa chính quyền? Mấy con hỏi kỳ vậy?

Bây giờ, mấy con là một người có trí tuệ biết cái đúng, cái sai. Bây giờ xóa là xóa cái đầu của mình, chứ sao lại đòi chính quyền xóa, mà đòi người khác xóa, người ta không chịu xóa thì làm sao? Phải không? Con có xóa được chưa mà con đòi người ta xóa? không có được. Người ta nói bậc A La Hán xuất hiện là bậc giải thoát, phải không? Bậc vô lậu. Mà mình bắt đầu con thấy người ta xuất hiện ra, người ta nói trong cái vấn đề đó, mà tất cả mọi người đây có đủ phước hay là không đủ phước, cái phước họ có giải thoát hay là không? Con bây giờ chưa đủ phước, con tu hoài cũng chẳng vô lậu được. Đó, con thấy không, rõ ràng không?

Nếu mà con đủ phước thì nghe người ta nói, sáng nói chiều chứng đạo liền, thời đức Phật rõ ràng mà, mấy con không nhớ sao? Còn bây giờ mà Thầy nói quá trời mà không ai chứng hết. Phải không? Bởi vậy đó là do chúng sanh, chứ đâu phải do ông Phật. Phải không? Do chúng sanh chứ. Các con có tự thắp đuốc lên đi, có buông xuống hay không, chứ không phải là do Thầy. Cho nên bậc A La Hán mà ra đời, nó báo cho một cái điềm tốt. Nhưng mà người ta có tốt được hay không là do mọi người. Cho nên ở đây phải nỗ lực tu hành cho chính mình, mình phải biết, mình phải nhận ra cho được. Phải không?

Con còn hỏi thêm gì nữa không? Có một câu đó thôi hả con?

(53:26) Phật tử: Kính thưa Thầy! Có nhiều người hỏi về cái pháp tu đặc tướng riêng trong khi đang còn là cư sĩ tại gia.

Trưởng lão: Mấy con mà đặc tướng riêng, mấy con muốn tu theo đặc tướng riêng phải được một vị thầy, người ta xác định. Mấy con đến: “Bây giờ con tu về cái pháp nào”? “Con tu tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, mà sao tâm con cứ ngồi im lặng, cái nó khởi niệm này, niệm kia lung tung mà con tác ý hoài nó không hết”? Thì chừng đó người ta biết cái đặc tướng người này, họ phải đi vào cái pháp nào trước.

Bây giờ Thầy bảo: “Bây giờ về ôm hơi thở, mà thở đi, “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Bởi vì cái căn bản đầu tiên mấy con không có, cho nên bây giờ mấy con tác ý nó…​. ,bao giờ nó cũng vẫn niệm. Còn khi mấy con tập lấy hơi thở làm đối tượng, mấy con nhiếp phục tâm mình trong khoảng ba mươi phút cho đạt được không còn niệm. Sau đó mấy con tác ý “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, tự nó bất động. Mấy con chưa căn bản, tức là người ta biết cái đặc tướng mấy con thiếu căn bản, người ta mới dạy mấy con đi vào căn bản. Rồi từ căn bản có rồi, mấy con nhắc “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” thì nó bất động hà. Các con hiểu chưa?

Cho nên ở đây khi mà tất cả mọi người mà muốn tu tập thật sự, buông xả xuống hết đi. Thầy cho một cái thất kia kìa, vô độc cư, sống một mình. Rồi từ đó mới đem hỏi Thầy, Thầy mới dạy cho mấy con tu. Chứ bây giờ đông như thế này, Thầy nói chung chung thôi, chứ không lẽ dạy từng người? Trời đất ơi! Chắc dạy từng người chắc chết. Mấy con hiểu chưa? Đâu có thể được. Đó là tu theo đặc tướng mấy con.

Còn gì nữa không con?

(54:59) Phật tử: Kính thưa Thầy! Có một câu hỏi, đức Phật dạy là “Đừng nhìn cuộc sống bằng sự đúng sai, phải trái mà hãy nhìn nó bằng đôi mắt nhân quả thiện ác”.

Trưởng lão: Cái câu này là câu Thầy dạy mấy con, “Đừng nhìn cuộc sống của chúng ta bằng sự đúng sai, phải trái”. Bởi vì mình nhìn đúng sai, mình thấy mình đúng, có bao giờ ai thấy mình sai bao giờ? Mà thấy mình đúng, mình khổ mấy con, mà thấy nó nhân quả. Bây giờ cái ông đó ông chửi mình, “Trời ơi tui có chọc ghẹo ông đâu mà ông chửi tui? Tui đúng chứ, ông làm vậy ông sai rồi”. Phải không? Do đó tui đau khổ. Mà bây giờ mình thấy nhân quả. Nếu không duyên nhân quả, sao gặp ông này, ông chửi mình? Thôi, thương yêu và tha thứ ổng đi, thì do đó mình không khổ. Con hiểu chỗ Thầy muốn nói chưa? Thấy chưa? Đó là bảo mình thấy nó nhân quả, đừng có thấy đúng sai. Đúng sai là mình tự mình đem khổ vô mình.

Rồi bây giờ còn câu hỏi nào nữa không con?

(55:57) Phật tử: Thưa Thầy! Con có câu hỏi, là: “Thưa Thầy cho con hỏi, chỉ có sống độc cư trọn vẹn có thể mới làm chủ được sanh, già, bệnh, chết phải không ạ? Như con sống độc cư không nói chuyện với ai, nhưng có việc gì cần hỏi các bạn đồng tu thì con có thể viết giấy được không? Như vậy có bị coi là phá hạnh độc cư không thưa Thầy? Con xin hỏi có cách nào mà khi độc cư trọn vẹn, lúc nào cũng thoải mái không bị ức chế không ạ? Vì con thấy nhiều người sống độc cư bị ức chế xong ra ngoài phạm giới còn nhiều hơn lúc chưa tu pháp môn này nữa.

Trưởng lão: Bởi vậy mấy con không tập luyện mà vô trong thất muốn độc cư sớm, tức là muốn làm Phật sớm. Cho nên vì vậy bây giờ muốn độc cư thì mình phải tập. Bây giờ tập vô mình sống trong một ngày, coi thử coi trong cái tâm mình như thế nào, rồi mình đến trình bày với Thầy để hỏi, “Tâm con bây giờ con sống một mình, con nghe sao nó buồn quá Thầy? Bây giờ cách thức này như thế nào?”. Thầy nói: “Thôi đi ra đi, để Thầy dạy cho cách thức tu căn bản trước, chưa có gì vô độc cư muốn làm Phật sớm à”? Phải không? Cho nên vì vậy mà Thầy biết cái này cái căn bản chưa có được, mà vô độc cư, một ngày chưa được. Rồi bây giờ một ngày được rồi, thấy tâm niệm này kia, Thầy nói: “Thôi tăng lên ba bữa đi”. Ba bữa rồi lên tuần lễ, tuần lễ rồi lên nửa tháng, rồi lên một tháng rồi ba tháng. Lần lượt nó lên. Độc cư đâu có phải muốn vô độc cư, độc cư đại được sao? Trời đất ơi! Con tê ngưu mà, đâu phải chuyện dễ đâu. Phải không?

Cho nên vì vậy Phật pháp rất hay. Nhưng mà coi chừng chúng ta ham quá, chúng ta tu sai. Thành ra Thầy nói vậy đó đủ thấy đó do mấy con tu sai, biết không? Cho nên vì vậy lần lượt mình tập. Muốn mà sống độc cư là mấy con muốn tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự rồi đó mấy con. Cho nên muốn như vậy, là quyết định để thân cận thiện hữu tri thức, chứ không được tự tu một mình đâu. Tự tu coi chừng nó lạc đường.

Còn gì nữa không con?

(57:50) Phật tử: Con muốn hỏi là, “Thưa Thầy! Cho con hỏi trong gia đình có người đi xuất gia thì gia đình và dòng họ đó sẽ được hưởng phước phải không ạ? Và xin Thầy giải thích rõ thêm điều này, đồng thời xin Thầy có thêm lời sách tấn cho chúng con để có thêm nghị lực trên bước đường tìm cầu giải thoát”.

Trưởng llão: Bây giờ ở trong gia đình, bởi vì đạo Phật nó có cái đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người. Mà giờ gia đình không muốn cho mình đi tu, mình lén mình bỏ đi. Đó là cái điều thiệt sai. Phải không? Mình phải về mình thuyết phục như thế nào gia đình vui vẻ chấp nhận cho mình đi tu thì chừng đó mình đi tu, thì cả gia đình đó sẽ lợi ích. Mà bây giờ đó mình ham tu, mình trốn gia đình, mình bỏ gia đình, mình chống đối, mình này kia nọ thì toàn cái gia đình này xuống địa ngục hết ráo. Cũng tùy cái chỗ đó mà ở địa ngục hay là ở thiên đàng mấy con. Cho nên Thầy nói thuyết phục. Chưa thuyết phục, mà lật đật mà lo tu, tu chưa chắc gì mình làm Phật mà cả cái gia đình của mình nó xuống địa ngục hết ráo, nó khổ đau, biết chưa? Rồi, còn gì nữa không con?

Phật tử: Dạ còn một số câu hỏi riêng tư ngoài lề ạ.

Trưởng Lão: Thôi! Riêng tư, thôi. Thôi được cái tờ này để Thầy cầm về, Thầy sẽ ký tên đóng dấu và Thầy cho cái pháp danh mấy con. Thôi được rồi, Thầy cầm cái tờ giấy này về, Thầy sẽ gửi lại cho mấy con. Thôi, bây giờ Thầy về, Thầy còn công việc nữa. Rồi, thôi Thầy về mấy con.

Phật tử: Kính thưa Thầy, cho con hỏi thăm xíu Thầy. Thưa Thầy hôm trước Thầy nói mấy con ở bên đó, vậy thì chừng nào mấy con qua bên này?

Trưởng lão: Đúng rồi, trời đất ơi! mấy con ở bên đó là bây giờ đó là tập cho mấy con quen dần đi. Tới chừng mà được thì Thầy rút ở gần bên Thầy để Thầy hướng dẫn từng bước từng bước chứ. Đâu có để mấy con tu tràn lan như vậy, đâu có được.

Phật tử: Nhưng mà ở bên đây thì mấy con mà có cái gì vướng mắc thì chúng con chạy qua.

Trưởng lão: Ừ, chạy qua xin Thầy dạy cho con. Bây giờ con đi kinh hành gặp cái trường hợp vậy vậy vậy, hay hoặc là con ngồi thiền, tâm niệm con nó khởi vậy vậy thì mau mau chạy qua gặp Thầy để mà Thầy chỉnh đốn lại cái sai cái đúng. Cái người đi qua, người ta thông suốt hết con đường rồi, cho nên mấy con phải biết cái điều đó để thưa hỏi.

Phật tử: Cái gì mang tính chất riêng tư thì Thầy sẽ viết thư, Thầy trả lời.

Trưởng Lão: Nhớ vậy đó con. Thôi, xá Thầy thôi mấy con.

Phật tử: Thưa Thầy, con chưa quy y bao giờ, con muốn xin được quy y được không ạ?

Trưởng Lão: Con sẽ ghi tên tuổi của con rồi Thầy sẽ cho một cái điệp phái như thế này, Thầy cho một cái pháp danh. Làm con của Thầy là phải giữ gìn năm giới đàng hoàng à con. Thôi bây giờ Thầy về mấy con! Thôi! Xá Thầy thôi mấy con. Thầy chào mấy con.

HẾT BĂNG 2.