20111123 - PHÁP THOẠI TẠI CHI ĐÔNG
20080425 - PHÁP THOẠI TẠI CHI ĐÔNG
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 23/11/2011
Thời lượng: [26:29]
Nghe pháp âm: https://youtu.be/MhrmpsT60PQ https://thuvienchonnhu.net/audios/phap-thoai-tai-chi-dong.mp3
Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như
LỜI NÓI ĐẦU
(0:00) Hôm nay Thầy về thăm cái chùa, cái khu đất chùa rất tốt. Nếu có đủ duyên ta nên xây dựng cái chỗ ở, để cái nơi chùa trong cái làng của nó và nó đi vào sinh hoạt bằng cái con đường chánh pháp của Phật. Để nó giúp cho đồng bào dân chúng ở đây, nó có cái hướng đi vào cái nền đạo đức nhân bản nhân quả của đạo Phật.
Thầy mong rằng ở đây chính quyền các cấp giúp đỡ cho sư cô Đàm Yên ở đây làm cho được cái công việc này. Thầy chẳng qua Thầy chỉ vẽ cái đồ án, trợ giúp về tinh thần hoặc là có cái điều kiện cần thiết gì có thể trợ giúp để nó hoàn thành tốt đẹp hơn nữa. Cho người ở đây có một ngôi chùa xứng đáng, không còn ngôi chùa đi vào di tích nữa. Vì tất cả đây là những cái tượng cổ xưa mà của ngôi chùa cổ mà để lại thì chúng ta giữ lại. Cái đó là cái di tích lịch sử của ông bà tổ tiên chúng ta để lại. Còn nếu mà hiện giờ mà chúng ta làm theo cái kiểu này xưa quá.
Bởi vì trong cuộc đời mà người mà theo đạo Phật thì người ta chỉ biết duy nhất có một vị đức Phật đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Người con người thật, con người thật. Còn tất cả những gì đi nữa thì tất cả đều là do cái sự tưởng của chúng ta mà dựng lên. Rồi chúng ta nghĩ đến một cái người nào có những cái đức Nhẫn Nhục thì người ta gọi là đức Quan Thế Âm. Quan Âm Thị Kính, cái gương hạnh nhẫn nhục của ngài mà người ta gọi ngài là Bồ Tát Quan Thế Âm, đó là cái đức Nhẫn Nhục.
(1:57) Cái lịch sử của dân tộc mình - cái nàng công chúa Ba - có cái nàng công chúa Ba. Người đã vì cái lòng hiếu mà chặt tai, móc mắt để làm thuốc cho cha mình uống. Thì đó cũng là cái gương hiếu hạnh mà trở thành vị Bồ Tát Quan Âm, chớ không phải có một vị Bồ Tát Quan Âm thật mà có. Mà qua cái đức hạnh của các ngài mà chúng ta tôn sùng Ngài thì mấy con thấy phải học hiểu những cái di tích lịch sử, những cái hình ảnh mà chúng ta đang thờ xung quanh chúng ta, nó phải rõ ràng, nó cụ thể.
Cho nên khi mà chúng ta được những cái lớp học như vậy làm cho cô, bác, anh, chị, em, chúng ta ở đây, các cụ đều học hiểu những cái gì mà mình tôn kính, tôn thờ đều đúng Chánh Tín, Chánh Kiến, chớ không phải tà kiến. Đều đúng Chánh Tín, lòng tin của chúng ta phải chơn chánh, chớ không thể nào tà tín. Tin một cách mù quáng, một cách sai là tà tín. Cái về Phật đó không có mà mình thờ thì đó là tà tín, nó không đúng.
Cho nên, vì vậy mà hôm nay nếu mà cái duyên mà chùa này được làm hoàn tất được thì thỉnh thoảng hoặc Thầy cho những cái người đệ tử của Thầy về đây. Họ sẽ thuyết giảng đúng Chánh Pháp, dạy nền đạo đức hiếu sinh, lòng thương yêu của chúng ta đối với sự sống. Không riêng sự sống của con người mà sự sống của tất cả các loài vật. Vì sự sống có sự bình đẳng. Cái sự sống của Thầy với sự sống của các con đều bình đẳng, mà Thầy nỡ lòng nào mà Thầy mắng chửi các con, mắng chửi sự sống các con sao? Thì đó là không đúng, không đúng đạo Phật.
1- LỢI ÍCH CỦA ĐẠO ĐỨC – NGŨ GIỚI
Cho nên phải tôn trọng sự sống với nhau. Mà tôn trọng sự sống thì chúng ta không có người nào mà to tiếng chửi. Khi học đạo đức rồi mấy con hiểu, không bao giờ mấy con mạt sát sự sống của kẻ khác. Còn không hiểu khi mà tức giận mấy con chửi mắng người ta, có thể mấy con đánh người ta, mấy con giết người ta. Có đúng không mấy con? Đó là thiếu đạo đức. Khi chúng ta không học đạo đức, chúng ta dễ làm cái chuyện này lắm. Nhưng khi chúng ta học đạo đức của Phật giáo rồi, chúng ta chỉ biết thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của nhau. Đó là cái vấn đề mà người mà tu sĩ Phật giáo, người mà cư sĩ đã thọ Tam Quy Ngũ Giới, thì những người đó đều phải học hết, những cái đức của năm giới. Ngũ giới là năm giới mấy con. Mấy con có nghe thọ Ngũ giới không? Có quy y thì phải thọ Ngũ giới. Mà khi thọ Ngũ giới thì phải học cái đức của Ngũ giới.
(4:33) Đức ly tham là dạy chúng ta không tham lam, không lấy của không cho. Không tham lam cái danh, cái lợi, mà làm đúng của một người con Phật. Đó là cái đạo đức.
Không tà dâm thì đó là đức chung thủy mấy con, Vợ chồng chung thủy nhau thì làm gì có ly dị, làm gì có ghen tuông mấy con? chỉ có chúng ta đứng có vợ, có chồng rồi mà lại nhìn người khác thì như vậy chúng ta không chung thủy, và đạo đức đâu cho phép chúng ta làm điều đó . Một con người chớ đâu phải là con thú. Cho nên nó là nhân bản - cái gốc của con người. Nếu mà chúng ta không giữ được, chúng ta, các con thấy vợ chồng ghen tuông nhau là tại vì chồng mình đi cặp với người này người kia, thì như vậy đâu phải là chung thủy. Vợ mình đi cặp nói chuyện với ông người này, người nọ, người kia thì như vậy là vợ chồng sẽ ghen tuông nhau. Rồi sanh ra chuyện này, rồi sanh ra chuyện khác. Thử hỏi gia đình còn có đau khổ không? Cho nên phải học đạo đức chớ, học đạo đức chung thủy chúng ta mới biết cách thức sống, vợ chồng phải biết tôn trọng nhau. Hồi mới về thì còn tôn trọng nhưng mà quen mặt rồi thì hết tôn trọng. Cho nên cãi cọ chửi mắng nhau, mạt sát nhau. Thậm chí như chồng bạt tai vợ, đánh vợ. Đó là thiếu đạo đức, thiếu cung kính. thiếu tôn trọng. Cho nên đạo Phật dạy chúng ta về đạo đức gia đình rất gần.
(6:05) Cho nên hôm nay nếu mà cái chùa này, mà được các vị lãnh đạo ở trong ấp, xã, làng này ủng hộ cho sư cô ở đây, xây dựng được cái ngôi chùa này trở thành cái lớp học đạo đức. Trở thành những cái nơi để cho Phật tử hàng tháng trở về đây hay hoặc là nửa tháng trở về đây, trong một ngày, hai ngày thọ Bát Quan Trai. Tu tập có phương pháp hẳn hòi, để làm gì? Để làm chủ sự sống chết của chúng ta. Học để khi có người mắng chửi thì chúng ta có sự hiểu biết. Chúng ta không giận hờn, không oán ghét, không la lối, không chửi mắng người khác để không làm khổ người khác đó là học đạo đức.
Học đạo đức để chúng ta biết cách đối xử nhau trong gia đình, để gia đình hạnh phúc, không rầy rà; học đạo đức để chúng ta thành thật không nói dối, không gạt người khác; học đạo đức để chúng ta không rượu chè say sưa, làm cho chúng ta mất trí, trong khi say rượu có biết gì đâu, la vợ mắng con, la xóm mắng làng thì các con nghĩ như thế nào? Là những người thiếu đạo đức. Ăn cơm để sống chớ không phải uống rượu mà sống, thế mà người nào cũng nghiện ngập. Các con thấy cái vấn đề đó thiếu đạo đức.
Cho nên cái người mà nghiện ngập, rượu chè, bài bạc là những người thiếu đạo đức minh mẫn, không có đạo đức. Thêm vào để chúng ta trở thành những người nghiện. Rồi lấy cái nghiện rượu nói rằng rượu lễ nghĩa. Chúng ta lễ nghĩa là sự cung kính tôn trọng. Chúng ta một ly nước trà, một ly nước này đặt lên rót nói chuyện nhau cũng được, chớ đâu phải cần ly rượu, các con thấy. Còn bây giờ nếu nói chuyện về lễ nghĩa thì phải rót ly rượu. Rồi ly rượu lát rồi uống say rồi thì cái lễ nghĩa nó lại mất hết, chửi lộn nhau nữa. Mấy con thấy cái rượu nó tai hại đến mức độ (như vậy).
(8:08) Cho nên trong giới luật của đức Phật, mấy con thọ Ngũ giới thì đức Phật cấm không được uống rượu, chớ không phải cấm chúng ta đừng uống rượu say. Uống mà đừng say, điều đó không chắc. Ông Phật cấm không uống rượu vì chất rượu sẽ gây ảnh hưởng cơ thể chúng ta bệnh tật. Một ngày chút thì lâu ngày nó sẽ thành nghiện, mà nghiện rồi thì bỏ không được. Nó dần đi dần nó đến nhiễm. Hồi đầu chúng ta uống chút xíu nó đâu có sao đâu. Nhưng ngày nào cũng chút, lần lượt rồi nó nhiễm rồi. thì bắt đầu nó nghiện ngập, không bao giờ bỏ được.
Đó thì hôm nay Thầy nói đơn sơ đạo Phật nó thực tế như vậy. Mà người cư sĩ mấy con đến chùa lạy Phật, đã được thọ Tam Quy - Ngũ Giới thì người nào cũng có thọ Ngũ giới nhưng mà nói về đạo đức của Ngũ Giới mấy con có biết không? Chỉ biết giới cấm không sát sanh, không tham lam trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Vô trong chùa dạy nhiêu đó rồi về không biết sống được hay không sống được, thì chỉ nói suông cái lời nói. Ở đây người ta dạy đạo đức phải sống hẳn hòi đàng hoàng. Chớ không thể nào mà thọ rồi, rồi con người như thế nào thì như thế nấy.
Mấy con thọ Ngũ Giới rồi thì giờ thử hỏi mấy con có ăn chay được không? Cũng ăn thịt chúng sanh. Vậy cái Đức Hiếu Sinh của mấy con đâu? Con vật nó muốn sống hay nó muốn chết. Nó muốn để chúng ta làm thịt nó ăn? Đâu có! Dù con kiến nó cũng muốn sống nữa. Vậy mà hễ kiến vô nhà mấy con lấy lửa đốt sạch. Các con biết tại sao không? Tại vì nó đói quá, nó mới vô nhà chúng ta để nó kiếm từng cái món ăn rơi rớt của chúng ta. Tại sao chúng ta không thương?
Chúng ta thấy đồng bào của mình, những người đói, những người bất hạnh trong xã hội chúng ta còn góp sức nhau để đem đến xóa đói giảm nghèo. Thế mà con vật nó cũng có sự sống, tại sao chúng ta lỡ đem lửa đốt cả ổ nó chết hết vậy? Nó có lại nó cắn chúng ta là tại vì nó bảo vệ khi chúng ta đụng chạm đến nó. Nó muốn sống nó mới cắn chúng ta. Các con thấy lòng thương chúng ta chưa đủ. Đức Hiếu Sinh chúng ta chưa tròn làm sao mà chúng ta biết được? Nếu không học làm sao biết được?
Cho nên một người học được Đức Hiếu Sinh, lòng thương yêu sự sống, không bao giờ người ta ăn thịt chúng sanh. Bởi vì trong cái sự sống đó có sự đau khổ. Mà mình huân cái sự đau khổ vào thân mình, mình nuôi cái thân mạng mình bằng cái sự sống thì mai kia mốt nọ bệnh đau mình chịu không? Ai chịu cho? Có người nào mà chịu đau thế cho mình không?
Thầy nhức cái đầu nè, Thầy nói: “Anh hay chị chịu thế dùm cái đầu đau dùm tôi!”, có ai chịu cho mình? Mình đã từng giết hại ăn thịt chúng sanh thì bây giờ cái đầu mình đau mình phải chịu. Có bao lần mấy con đập đầu con cá, mấy con có nói con cá đau nhức không? Mà khi đập đầu con cá như vậy, con cá có đau cái đầu không? Các con cầm con dao, các con đập đầu con cá giãy giụa. Mấy con vui vẻ làm tróc vảy, rồi rửa ráy, cắt từng khứa ra để kho, để làm thực phẩm. Trong khi con cá rất đau khổ, các con thấy cái điều đau khổ đó.
Cho nên khi mà học cái lớp đạo Đức Hiếu Sinh rồi, không bao giờ chúng ta sẽ ăn thịt chúng sanh. Bời vì cái sự sống của loài vật cũng như sự sống của chúng ta, nó có sự bình đẳng. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác, của loài khác. Thì hôm nay, Thầy nói đơn sơ để thấy được cái đạo Phật. Mà nếu cái duyên ở đây có mà được làm ở đây, được chánh quyền ở đây góp phần giúp đỡ để cái người trụ trì ở đây làm cái công việc, để đem lại cái nền đạo đức cho mọi người, để dân tộc chúng ta có một cái nền đạo đức rất là đẹp đẽ.
2- LÒNG BIẾT ƠN
Đây, Thầy nói cho mấy con nghe, cái dân tộc Việt Nam có một tình cảm rất sâu sắc mà dân tộc Campuchia không có. Cha mẹ chết đem đốt hết rồi bỏ trong cái ghè và đem đút vô rút ra, cái tình cảm đó không có. Còn cái tình cảm của dân tộc Việt Nam mấy con thấy “sống cái nhà mà thác cái mồ, chết có cái mồ”. Hàng năm con cháu đều đến thăm mồ dãy mả. Cái tình nghĩa sâu xa vô cùng.
Bây giờ ông cố, ông sơ chúng ta chết không biết của đời nào. Mấy trăm năm rồi mà giờ con cháu dẫn đến thăm mồ mã chỉ đây là ông sơ con. Cái người mà về đây đầu tiên để mà khai sơn lập địa ở đây nè. Con cháu chúng ta hôm nay có một cái số người đông cả trăm người nè, là cái ông này nè. Nhìn cái mồ, cái nắm xương tàn của ông chôn ở đó con cháu đứng đó mà chiêm ngưỡng cái biết ơn cái người khai sơn lập địa để chúng ta được về đây.
(13:00) Cũng như có nhiều người ở quê hương miền Bắc vào thăm miền Nam, những người đó bây giờ là ông sơ, ông cố, tổ tiên của những cái người ở trong miền Nam. Bây giờ, dòng họ của họ cả trăm, cả mấy trăm người họ tập trung về. Họ chỉ cái mồ của cái người ở miền Bắc đã về đã vào miền Nam lập nghiệp. Thì tất cả con cháu đứng nhìn cái mộ mà mọi đứa đều rưng rưng. Hôm nay chúng ta có mặt ở quê hương này, trên đất nước này. Là một người dân Việt Nam thì cái công ơn của người nầy rất lớn. Thì mấy con thấy phải học đạo đức là phải hiểu biết chớ.
Như vậy dân tộc chúng ta có giống dân tộc Campuchia không? Bây giờ chúng ta lại bắt chước chúng ta lại đốt đi, rồi đem vô chùa gửi đi. Như vậy còn nghĩa lý gì nữa? Sống cái câu tục ngữ của tổ tiên của ông bà chúng ta nói: “Sống cái nhà, thác cái mồ”. Có người nào sống không có cái nhà không mấy con?
Mấy con có vợ có chồng ra riêng rồi, lo cho mấy con có cái nhà, có phải không? Sống chớ gì nữa? Bây giờ thác, chúng ta cũng tiết kiệm đến cái mức độ mà không cho cái người chết đó một cái nơi đất để mà gởi cái nắm xương tàn sao? Cái tình nghĩa con người chúng ta ở chỗ nào? Chúng ta bắt chước người Campuchia hay là người Việt Nam?
Cái đạo đức của người Việt Nam như thế nào? Cái tình cảm nó sâu sắc lắm, cái tình thương. Máu xương của mấy con là do máu xương của cha mẹ. Mà xương của cha mẹ là do máu xương của ông bà mới có mấy con chớ. Các con hiểu không? Thế mà bây giờ đó, đem cái thây, đem cái thân của cái cơ thể của người chết để mà thiêu đốt thì thử hỏi mấy con có nóng nảy hông? Xót xa lắm chớ! Mấy con thấy, bởi vì cái thây ma đó đốt đi thì cái xương máu nó đang ở trong thân của chúng ta, là những người sống chúng ta cảm thấy đau xót vô cùng. Chúng ta là con người chớ đâu phải là một cái người vô tri, vô giác đâu, chúng ta có cái cảm tưởng như là mình đang nóng vậy.
(15:08) Các con ngồi xuống suy ngẫm: Đất nước Việt Nam không thiếu đất, mấy con ra miền Trung coi mấy con, mênh mông những bãi cát. Bây giờ nhìn cái đồng ruộng của chúng ta, bây giờ dân chúng ta đông chớ đâu phải ít đâu. Nhưng mà đồng ruộng chúng ta còn mênh mông chớ đâu phải thiếu đất mà đến nỗi tiết kiệm đến mức độ mà không dám chôn. Thì Thầy nói như vậy để nói rằng cái tình cảm của dân tộc nó sâu sắc mấy con. Mình đến mình thăm cái mồ cha mẹ mình, mình thấy cái công ơn của người sanh thành dưỡng dục, nuôi lớn khôn, cho ăn, đi học chịu biết bao nhiêu.
Những cụ già mà từng nuôi con đi đến đại học, nhiều khi các cụ, các bà cụ khổ lắm mấy con, oải cái gánh trên vai của mình nuôi con đi đến đại học. Hay hoặc là một cái đám ruộng vầy mà trồng tất cả mọi thứ, làm thuê làm mướn để nuôi con mình đến Đại học. Bây giờ nó ngồi ở trên bàn viết, nó ngồi trong văn phòng cái công của mẹ nó biết bao nhiêu sự cực khổ ở trong đó không biết. Mà giờ nỡ nào mẹ nó chết rồi nó đem đốt, nó bỏ đi, nó đem rải xuống biển. Cái lòng hiếu thảo, cái tình cảm đó nó ở đâu mấy con, nó còn hay là tan nát?
(16:22) Đó hôm nay Thầy nói đơn sơ. Sau khi mà chúng ta học đạo đức, chúng ta còn học nhiều điều để mà chúng ta hiểu, không hiểu thì làm sao chúng ta (có tình cảm). Càng ngày nếu mà cái đạo đức nó càng xuống cấp, nó càng cạn cợt đi thì cái nền đạo đức nó vơi đi, cái tình cảm chúng ta càng ngày càng mất, cái lòng thương yêu chúng ta nó không còn sự sống thì biến dân tộc chúng ta thành ra cây khô, thành ra cái cây không còn tình cảm. Đạo đức Hiếu Sinh nó dạy chúng ta đầy đủ cái tình nghĩa.
3- LỜI TÂM HUYẾT CỦA THẦY
Hôm nay Thầy đến đây nó đủ duyên, một ngày nào đó Thầy trở về, Thầy trợ giúp cho mấy con, để mong rằng mấy con ở đây, chớ Thầy lớn tuổi rồi. Năm nay mấy con biết Thầy bao nhiêu? 81 tuổi phải hông? Thầy 81 tuổi. Bây giờ có mấy cô nào mà 80, 82, 83 thì lớn hơn Thầy, nhưng mà dưới 80 là nhỏ hơn Thầy. Có phải hông? Nhưng mà thấy Thầy khỏe, Thầy đi suốt ngày Thầy đi, chỗ nào cũng đi mà không thấy mỏi mệt. Đi như vậy là do cái gì? Ngày thì ăn có bữa, Thầy đâu có ăn nhiều đâu. Mấy con nghe Thầy ăn ngày có bữa mà sống mà làm việc, làm việc.
Không phải Thầy cất cái chùa ở đây, Thầy làm cái cơ sở nay để Thầy về Thầy ở. Thầy làm ở đây cho các con, cho Phật tử ở đây, cho dân làng ở đây để học được những cái đạo đức, để sống biết yêu thương nhau. Để gia đình biết chung thủy, biết chăm lo nhau là hạnh phúc. Mấy con ở đây mà mấy con chửi lộn, đánh lộn là Thầy đau khổ. Mà mấy con ở đây biết thương nhau, không rầy rà, không cãi lộn, không tranh giành đất đai kiện thưa là điều hạnh phúc nhất. Dù ở đâu mà Thầy nghe cái làng này ở đây như vậy là Thầy rất vui. Thầy chỉ mong như vậy thôi, chớ Thầy không có gì hết. Khi Thầy ra đi rồi mấy con biết Thầy không có gì hết, Thầy còn ước nguyện điều mà Thầy ra đi, ngày Thầy ra đi.
(18:25) Phật tử: Thầy ơi! Trăm lạy Thầy ơi! Chúng con khổ hạnh đã lâu, rủ nhau tìm đến mong cầu thừa ân. Đạo Thầy như ánh chiều dương, đức người như lửa tiếng thương trên trời. Chúng con trao hẹn cách hành. Hôm nay con mời đến ăn mời Thầy. Thầy ơi! Xin lạy Thầy ơi! Xin Thầy về đây để dạy bảo chúng con, để biết điều chúng con chưa được biết.
Trưởng lão: Được rồi, Thầy sẽ về Thầy giúp đỡ mấy con, Thầy không có bỏ đâu. Thầy vừa rồi nói cái sự mà Thầy sẽ chết bỏ. Thầy sẽ nhờ một cái người khác đào dưới một cái gốc xoài, rồi Thầy sẽ trải chiếc chiếu dưới. Thầy xuống Thầy nằm, Thầy bảo cái thân này: “bây giờ mày yếu rồi thôi chết đi” thì Thầy sẽ tắt thở rồi người ta sẽ lấp Thầy. Rồi cái thân Thầy nó sẽ mục, nó thành cái lớp phân, cây xoài nó ăn đó, nó sẽ ra trái. Rồi từng cái trái đó gửi ra cho mấy con ăn. Đó là cái quả cuối cùng của đời Thầy.
Thầy không có lấy một cái gì đi theo hết, mà Thầy còn để cái thân Thầy để trở thành cái quả trái cây để mà gởi biếu cái tình của Thầy, khi chết Thầy cũng là cái cây. Thầy đã nghĩ rồi, khỏi hòm rương, khỏi cái gì hết, khỏi xây mồ xây mả gì hết, cái gốc xoài đó là cái mả của Thầy, phải không? Mấy con thấy nó vừa đem lại lợi ích chung cho tất cả. Đó là sống thì làm tất cả những điều đem lại nền đạo đức của Phật giáo, dựng lại cái gì của Phật giáo mà đã bị các giáo pháp, đã bị cái mê tín nó chôn vùi, dựng lại đem lại cái sự lợi ích cho mấy con.
(20:30) Khi Thầy chết, cái thân cuối cùng này nó cũng sẽ trở thành một cái lợi ích cho mấy con. Chớ không có xây cái tháp lớn để làm tốn hao tiền bạc của các con, các con hiểu điều đó. Thầy đã quyết định làm cái điều đó. Cho nên cái vấn đề, Thầy nói để cho mấy con thấy rằng một cái người mà tu hành như Thầy để làm chủ được sự sống chết, chết không bệnh. Còn nhìn ở đây mấy con sẽ bệnh mà chết, chớ không có bệnh thì mấy con không chết, bệnh mà chết. Còn Thầy thì đã làm chủ được bệnh, cho nên chết không bệnh.
4- ĐẠO LỰC
Bởi vì cái thân của chúng ta nó có một cái năng lực, có một cái lực để nó làm chủ được sự bệnh. Tại vì mấy con không tập luyện, không tu thì cho nên mấy con không có. Cho nên đau bệnh thì mấy con phải đi bác sĩ, đi nằm nhà thương. Còn một người tu như Thầy thì đối với bệnh tật không có nghĩa gì hết. Thầy muốn sống Thầy bảo: “Thọ là vô thường, thọ là cái cảm thọ mấy con, vô thường, hôm qua không đau bữa nay mày đau thì phải đi”. Thầy chỉ ra lệnh, ý thức của Thầy bảo nó như vậy, các con thấy.
Cho nên tại sao mà Thầy lớn tuổi mà Thầy vẫn khỏe mạnh như thường. Đi từ chỗ này đến chỗ kia, lo cái tìm cách để làm sao có nơi chốn để cho mấy con được yên ổn tu tập. Được học đạo đức để sống một đời sống không làm khổ mình, khổ người. Các con nghe đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người? Đó là mục đích của Thầy dựng lại nền Đạo Đức. Cho nên được duyên phước mà về đây được có những cái lớp học, mà Thầy là người đầu tiên đứng dạy mấy con học. Thầy sẽ dạy đạo đức mấy con sống. Như nãy giờ Thầy nói là nói đại khái, nói đại lược, chớ vào trường lớp học hoàn toàn có bài vở đàng hoàng chớ không phải nói chung chung được.
Nhưng nói chung chung mấy con nghe nó thấm thía lắm mấy con. Thầy nói không bao giờ mà có cái gì mà không thấm thía. Mấy con sẽ nhớ mãi những lời Thầy nói. Dù một ngày nào đó Thầy có ra đi, lời nói của Thầy còn đó trong tâm mấy con, nó không mất, nói về đạo đức. Cho nên hôm nay Thầy về thăm, đây cũng là một cái duyên. Khi mà Thầy đi từ ở trong miền Nam đi ra Ninh Bình, Nghệ An rồi ra Hà Nội, đến Hà Nội Thầy đến thăm. Nó có cái lịch trình trên bước đường đi, đây cũng là cái duyên thôi.
Cho nên mấy con mong ước tha thiết như cụ ở đây. Một bà cụ như thế này mà tha thiết cầu Thầy làm sao Thầy nỡ bỏ!? Một tình thương yêu thấm thía mấy con. Thầy coi các con như con của Thầy. Tại sao về tinh thần mấy con chưa hiểu đạo đức thì mấy con sẽ học đạo đức của Thầy. Thầy là Thầy của các con, là người cha của các con, cho nên phải giúp con mình phải sống được an vui cũng như Thầy. Như vậy mới xứng đáng là người cha, là một người Thầy của các con. Chớ không phải người Thầy để dạy mấy con cúng bái cầu siêu, cầu an. Cái điều đó không đúng mấy con.
5- TỰ THẮP ĐUỐC LÊN ĐI
(23:54) Dạy cho mấy con tự lực sống để đem lại sự an vui, sự bình an cho mấy con, chính sức lực của mấy con, đó là cái điều mà Thầy cần. Chứ Thầy không dạy mấy con làm hao tốn tiền của bằng cách cầu cúng với một cách mơ hồ trừu tượng, cầu Phật gia hộ. Phật là cái gì mà gia hộ? Khi đức Phật đã từ chối: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta không cứu khổ mấy con”. Tại sao bây giờ chúng ta đến chùa lạy Phật, mà cầu Phật cứu khổ cho mình? Ông Phật đã nói rồi mà. Lời nói đó rõ ràng, ở trong kinh sách rõ ràng mà: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi. Ta không đi con đường đó thay cho các con được. Ta chỉ là người hướng đạo, hướng dẫn cho các con thôi”. Dẫn dắt mình có đi, bây giờ con đường đó đi vô cái chùa này, thì phải đi đường như vậy như vậy, thì đức Phật chỉ như vậy mà mình có đi thì tới, mình không đi thì không tới. Các con thấy đức Phật dạy đạo đức như vậy, mà mình không sống đạo đức thì mình chịu chứ đức Phật đâu có đi thay cho mình được.
Đấy! Giáo pháp của đức Phật, cái hướng dẫn của đức Phật đi một bước thì được lợi ích một bước, đi hai bước được lợi ích hai bước. Chớ không phải nói đợi đi cho cuối cùng mới được lợi ích. “Đạo ta không có thời gian đến để mà thấy”, đạo Phật xác định mà. Đến thì liền thấy sự giải thoát, chớ không phải cầu cúng, không biết chừng nào cho được bình an? Mà trong gia đình mình thì người này đau đến người khác bệnh. Thì như vậy có thực tế không? Đạo Phật thực tế.
Dạy tu ngăn ác, diệt ác như thế nào? Hành động như thế nào để khi người ta chửi thì mình biết cách ngăn, diệt thì ngay đó là mình giải thoát chớ gì? Mình đâu có giận hờn nữa, mà mình đâu có buồn phiền nữa. Không giải thoát sao? Đó là thực tế mấy con.
Bây giờ dạy cho mình phương cách để cho mình khi nhức cái đầu, mình nhiếp tâm an trú đẩy lui cái bệnh ra cái đầu không nhức. Thì không phải thực tế sao? Còn giờ nhức đầu vô lạy Phật cầu cho hết nhức đầu chắc không? Hay là đi uống thuốc? Có bao giờ mà ai vô chùa mà lạy Phật để cầu cho hết nhức đầu mà không đi bác sĩ, không uống thuốc mà nó hết không? Chắc điều đó không hết. Các con thấy đúng không? Còn bây giờ cái phương pháp của Phật dạy đẩy lui cái bệnh đó ra, vậy mà đẩy lui được. Đó thì mấy con thấy trong cái vấn đề Phật pháp nó vi diệu.
Đến đây Thầy xin chấm dứt. Hôm nay là cái duyên con, để cái bài đàm thoại với mấy con, pháp thoại với mấy con ngắn gọn, nhưng mang đầy đủ ý nghĩa của Phật giáo.
Thôi xá Thầy thôi mấy con, mấy con đừng có lạy Thầy, biến Thầy thành ông Vua thì hổng được. Thôi xá thôi, xá thôi mấy con. Đừng! Xá thôi tốt lắm, xá Thầy đi.
Xá coi như là mấy con chào Thầy, không có gì. Thầy cũng như mấy con, sống phải bình đẳng chớ!
HẾT BĂNG