DUYÊN HỢP VÀ DUYÊN TAN
Lúc bấy giờ Tôn giả Tu Bồ Đề trả lời: “Lành thay! Lành thay! Này Kiều Thi Ca!
“Pháp pháp tự sanh,
pháp pháp tự diệt;
pháp pháp loạn động,
pháp pháp tự vắng bặt”
(Tăng Nhất A-Hàm).
Đứng về phương diện triết lý Nhân Quả của Phật giáo, thì vạn hữu do duyên hợp sanh ra, chớ không phải do một đấng vạn năng nào sanh ra. Vì thế sự đau, khổ, bệnh tật, tai nạn của chúng sanh không do một tác nhân nào khác gây ra, mà chúng sanh tự tạo cho mình.
Hội đủ điều kiện, vạn hữu mới được thành hình, nếu thiếu một nhân duyên nào thì cũng không thể sanh ra được.
Ví như cây đèn, có tim, họng, ống khói, bầu đựng dầu, mà chỉ thiếu dầu, thì đèn cũng không cháy được. Cho nên tất cả bệnh khổ của chúng sanh đều do duyên hợp mà có, chớ không thể tự nhiên hoặc do may rủi. Sự thật hiển nhiên, tất cả các pháp trong thế gian phải hội đủ nhân duyên mới hình thành vạn vật. Kinh Tăng Nhất A-Hàm dạy: “Phap pháp tự sanh”.
Khi quán xét cho kỹ về luật tuần hoàn sanh diệt trong vũ trụ, có sanh tức có tử, có tử tức có sanh; hạt giống sanh tử này chính chúng ta tự tạo. Kẻ tác bệnh, tác khổ cho chúng sanh không ai ngoài chúng sanh. Thế mà mỗi khi có điều gì quá đau khổ, tai nạn quá hiểm nghèo thì chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện Trời, Phật, Thánh, Thần. Nhưng làm sao những bậc ấy cứu khổ cho chúng ta được? Cầu nguyện chỉ là một phương pháp trấn an tinh thần, chớ các Ngài không giúp ta được. Kẻ làm ra cảnh khổ này chính là chúng ta thì chúng ta phải lãnh thọ.
Hết duyên, vạn hữu tự hoại diệt chớ không phải do ngẫu nhiên. Tất cả nều do duyên cớ, chớ không phải muốn chết là chết được, cũng không phải muốn sống là sống được.
Ví dụ: Như một cơn giông to, gió lớn làm cây cối nhà cửa sụp đổ, người và vạn vật đều chết, đó là DUYÊN TAN. DUYÊN HỢP thì sanh, duyên tan thì hoại diệt; vạn hữu thành hoại đều do duyên cả. Kinh Tăng Nhất A-Hàm dạy: “Pháp pháp tự diệt”.
Quánxét cho cùng lý chúng ta mới thấy rõ vạn hữu thế gian toàn là duyên hợp và duyên tan tạo thành rồi hoại diệt. Không có một sắc tướng nào của vạn hữu trong vũ trụ có một thực thể riêng biệt, toàn là do các duyên THÀNH và HOẠI, chứ không một ai diệt và tạo ra nó.
Bởi thế, khi Đức Thế Tôn tu đã thành Phật nhưng vẫn không cứu khổ chúng sanh được. Ngài chỉ nhắc nhở, răn cấm khéo léo khiến cho chúng sanh tự tu hành: “Này các con! Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, ta không đi thay thế cho các con được con đường ấy”.
Đọc đến đoạn kinh này, chúng ta phải ý thức lại chúng ta, sự ý thức này giúp cho chúng ta thoát khỏi muôn vàn sự đau khổ của thân tâm.
Vạn hữu do duyên hợp tự sanh, rồi do duyên tan tự diệt. Chỗ tự sanh tự diệt là chỗ động, vì thế vạn hữu luôn sống trong động, vì có động nên sinh ra vô số chúng sanh và cũng chính tư tưởng động của chúng sanh mới sinh ra dính mắc, chấp trước, chấp ngã. Thế nên cuộc sống con người mới có đau khổ, phiền lụy.
Ví như mình không có lòng tham thì làm gì có chửi mắng nhau, nếu không có sự hơn thiệt chửi mắng nhau thì làm gì có sự giận hờn. Rõ thấu như vậy thì ngăn được cơn sân thì thân tâm được thư thái, an nhiên.
Đủ duyên hợp lại trong ngoài mới có giận hờn, đau khổ. Nếu trong không, ngoài có hoặc trong có, ngoài không thì không có cơn giận hờn. Ngược lại, ngoài có trong cũng có thì giận hờn tất phải sanh ra. Đó là tâm trạng chung của chúng sanh.
Bởi vậy một sự kiện gì xảy ra đều phải do hội đủ nguyên do. Cuộc đời là một trường duyên hợp - duyên tan, vì thế thân tâm của chúng ta luôn luôn chịu nhiều đau khổ, giận hờn, thương ghét, lo sợ, biệt ly và sanh tử.
Hành giả phải chịu khó gắng công nỗ lực quán xét, suy tư cho thấu suốt lý nhân duyên và còn phải sống với sự BẤT ĐỘNG của vạn hữu. Bởi vạn hữu vốn tự vắng bặt. nên Ai đã trở về TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰthì sẽ chấm dứt ngay khổ đau phiền não và sanh tử. Khi tu đến trạng thái này gọi là giải thoát hoàn toàn.
Đường về trạng thái vắng lặng của vạn hữu, nếu chúng ta biết cần dùng nó để đối trị các ác pháp thì thân tâm sẽ được vắng lặng, nhưng muốn làm được điều này thì phải đem hết ý chí dũng mãnh thực hiện cho bằng được thì chắc chắn vạn hữu không còn là chướng ngại trong tâm.
Hầu hết chúng sanh đều có tâm hồn đau khổ, không những việc này thì những sự kiện khác. Hơn nữa cơ thể thường hay bệnh tật nặng nhẹ có khác nhau. Người tu hành phải rõ lý nhân quả, tức là lấy cái không bệnh tật, cái không phiền não đối trị lại cái có bệnh tật, có phiền não.
Ngày xưa tại núi Nga Mi, ông Văn Thù Sư Lợi sai đồng tử đi hái thuốc, Ngài bảo “Con hay ra rừng hái thứ thuốc nào không phải là thuốc thì mới trị được bệnh không phải bệnh”.
Tu Bồ Đề dạy: “Này Kiều Thi Ca! Cũng như có thuốc độc thì phải có thuốc trừ độc”. (Tăng Nhất A-Hàm). Tư tưởng của chúng sanh vốn mang chất độc, thường giết chúng sanh mà chúng sanh nào hay biết. Thuốc trừ độc có rất nhiều, nhưng phương thuốc đầu tiên là phương thuốc MƯỜI ĐIỀU LÀNH. Nếu chúng sanh không chịu dùng thuốc này trừ bệnh độc phiền não thì không sao giải độc được.
Nếu một ý tưởng khởi nghĩ nến một sự kiện do tâm tham, sân, si chủ động thì ngay lúc đó chúng ta phải biết là tà niệm và phải tìm sự suy tư khác để đối trị lại ngay. Phương pháp đó là dùng chánh niệm diệt tà niệm, có nghĩa là lấy tư tưởng chánh dẹp tan tư tưởng tà.
Người tu hành biết quán như vậy, liền phá tan được tâm tham, sân, si. Quán càng sắc bén bao nhiêu thì phá tan mây mờ đau khổ trong lòng bấy nhiêu.
Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát, lấy chánh diệt tà, quét sạch rác rưới tham, sân, si và giữ tâm chúng ta được bình thường, an lạc.
Tôn giả Tu Bồ Đề dạy: “Nay Thiên Đế Thích! Pháp pháp loạn động, pháp pháp tự vắng bặt, pháp pháp thường sanh pháp”.
(Tăng Nhất A-Hàm).
Từ mọi sự kiện này sanh ra mọi sự kiện khác, từ cơn sân của người này sanh ra cơn sân của người khác và của nhiều người, từ lòng sầu não của người này làm gợi lên lòng sầu não của những kẻ khác... Như vậy không phải: “Pháp pháp thường sanh pháp sao?”.
Vạn hữu trong vũ trụ lúc nào cũng động. Tư tưởng của chúng sanh cũng vậy, từ suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, suốt cả một đời người không bao giờ có được những phút giây dừng lặng, ngoại trừ lúc ngủ say. Nên Kinh A-Hàm dạy: “Pháp pháp loạn động”.
Tâm chúng sanh vốn không giận hờn đau khổ, không tham lam chấp trước, rất thanh tịnh vắng lặng, nhưng vì sự tương quan, tương giao với vạn hữu khiến nó phải động. Kinh A-Hàm dạy: “Pháp pháp tự vắng bặt”.
Duyên hợp cũng như duyên tan rất sống động, do động nên sanh ra vạn hữu. Thế nên mỗi một chúng sanh đều có hai phần động rõ rệt về tinh thần và vật chất.
Vạn vật thiên nhiên trong vũ trụ đều động, chúng ta là một vật trong vạn vật thì làm sao bất động được. Vì bất động chẳng được nên tâm khởi phân biệt, do phân biệt mới có đối đãi, mới có đau khổ, giận hờn thương ghét...
Biết rõ tâm chúng sanh vốn thanh tịnh, nên chúng ta dùng tư tưởng chánh diệt tư tưởng tà, nhờ thế tâm mới được an vui. Tâm bất nộng, thanh thản, an lạc và vô sự mới lần hồi hiện tiền. Kinh A-Hàm dạy: “Lấy pháp trắng trị pháp đen”, tức là lấy tịnh diệt động. Nghĩa là khi tư tưởng tham, sân, si khởi lên, nó là tà kiến tà niệm, khiến cho tâm chịu nhiều đau khổ, sầu muộn, giận hờn, thương ghét... thì liền ngay đó ta khởi nghĩ theo chánh pháp tức là tư tưởng chánh (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ...). Nó giúp cho chúng ta trở về với trạng thái an vui thanh tịnh và phá tan được tâm tư phiền muộn đau khổ. Chúng ta lập lại một lần nữa để ghi nhớ lời dạy trong Kinh A-Hàm:
“Nay Kiều Thi Ca!
Pháp pháp loạn động,
Pháp pháp tự vắng bặt;
Pháp pháp thường sanh pháp;
Pháp đen dùng pháp trắng trị,
Pháp trắng dùng pháp đen trị”