Skip directly to content

ĐIỀU LÀNH THỨ NĂM: KHÔNG NÊN NÓI LỜI THÊU DỆT

Người đời thường hay trau chuốt lời nói. Khi kể lại một chuyện gì, muốn tạo sự chú ý của người khác, và tăng phần hấp dẫn của câu chuyện, người ta thường “thêm mắm, giặm muối”.

Thí dụ kể lại chuyện đi câu cá: “Hôm qua tôi câu được con cá lóc nặng gần một kí lô”. Thật ra người ấy câu được con cá trào, nặng gần 500 gram. Hoặc chuyện chồng đánh vợ: “Cái thằng cha ăn ở bất nhân. Nó lấy củi tạ mà đánh vợ nó”. Thật ra, người chồng, trong khi gây gổ, chỉ mới tát tai vợ mà thôi, thế mà người ta tự đặt thêm, cho thành một sự việc đáng nói để mọi người chú ý nghe.

Đi buôn vật xấu nói tốt, hàng giả bảo là hàng thật và bán giá cao, gạt người mua khiến người ta mua đồ về xài không được, họ đâu biết rằng lời nói dối như vậy đâu phải là tốt, vì nói dối như vậy sẽ thành thói quen thành người xấu.

Vì một chút lòng hờn ghen liền dùng lời nói thêu dệt để cho đôi bên thù hận có thể giết hại lẫn nhau, làm tổn hại tánh mạng người khác. Chỉ vì một chút lòng ganh tị, hoặc thù vặt bèn dùng lời thêu dệt để lung lạc lòng người, hoặc quyến rũ, gạt gẫm người khác, làm tổn hại danh dự và tài sản, cốt để đem lại cho mình được nhiều lợi lạc và còn được tiếng thơm, tiếng tốt.

Ngược lại, người có lời nói đúng đắn, không thêu dệt, nói chánh lý, không dối gạt người, không làm tổn hại danh giá, tài sản và thậm chí cả tánh mạng của người, đó là người tốt. Người không nói lời thêu dệt sẽ được ba món công đức mà kinh MƯỜI ĐIỀU LÀNH dạy:

1/. Được người trí yêu mến.

2/. Thường đáp được những câu hỏi khó khăn.

3/. Được làm người có uy tín cao quý trong cõi thế gian.

Bởi nói lời thêu dệt tốt làm cho người khác được lợi ich, nhưng chúng ta vẫn mang tiếng là người nói lời thêu dệt. Vì thế dù nói lời thêu dệt tốt hay xấu đều là lời nói dối.

Chỉ có lời nói thành thật thì mới có giá trị còn nói dối thì tự mình làm mất giá trị. Cho nên chúng ta nên tránh xa những người hay nói dối, vì họ sẽ đặt điều nói xấu chúng ta với mọi người.

Người nói dối như con rắn độc, cho nên Đức Phật dạy La Hầu La: “Nói dối như nước rửa chân không dùng được”. Lời này có ý Đức Phật dạy chúng ta nên tránh những người nói dối.

Những người dối không thể làm bạn với chúng ta được, vì thế có thì nên nói có, còn không thì nên nói không, không được dối gạt người.

Biết người nói dối chỉ một lần và về sau này chúng ta cố gắng như thế nào để không còn gặp mặt họ. Nếu bất đắc gặp họ thì chúng ta nên cố gắng làm thinh là hay nhất và tìm cách tránh né xa lìa đừng nên ỏ gần họ mà có tai họa.

Khi một người nói tốt một người nào mà chúng ta xét thấy là đúng sự thật thì đó là không phải lời thêu dệt, còn ngược lại là lời nói thêu dệt. Cũng vậy, khi một người nói xấu người khác thì chúng ta nên xét lại xem người có xấu ác như vậy không nếu không thì biết người đó nói lời thêu dệt cho người khác thì chúng ta không tin và biết người thù oán hay ghét người kia mà nói thêu dệt như vậy.

Khi nghe người khác nói xấu hay nói tốt một người thì chúng ta đừng vội tin mà cần phải tư duy suy nghĩ quán xét đúng hay sai rồi mới tin. Nếu chúng ta không chịu quán xét kỹ càng vội tin là chúng ta là những người bộp chộp. Những người bộp chộp là những người hay a dua theo người khác mà không do sự tư duy quán xét kỹ lưỡng. Một người thiếu tư duy thường sống trong ác pháp nên phải nhận lấy sự đau khổ là đúng.