LẠC LÀ NIẾT BÀN
LỜI PHẬT DẠY “Này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn; này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn. Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ? Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ. Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… Các hương do mũi nhận thức… Các vị… Các xúc… hấp dẫn. Này Hiền giả có năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc. Ở đây, này Hiền giả, Tỳ Kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh... Ví như này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy với Tỳ Kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc. (Tăng Chi Bộ Kinh Tập IV trang 163) |
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng, trong khi tu tập gặp những trạng thái hỷ lạc thì chúng ta cứ ôm chặt pháp mà tu, chứ đang tu tập mà lại khởi niệm: “Ta tu tập có hỷ lạc”thì đó là một chứng bệnh mà Ngài Xá Lợi Phất (Sàriputta) đã xác định cho chúng ta thấy: “Ở đây, này Hiền giả, Tỳ Kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỳ Kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị Tỳ Kheo ấy là một chứng bệnh...”.
Ở đây chúng tôi khuyên các bạn, cứ ôm pháp mà tu tập cho chính xác, đừng tu tập sai theo kiến giải, đừng để tâm chạy theo lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ. Vì chạy theo các trạng thái cảm thọ ấy là các bạn đã rơi vào các chứng bệnh thiền tưởng.
Niết Bàn là một trạng thái lạc nhưng Tôn giả Udàyi không hiểu nên hỏi: “Sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?”. Nếu còn có cảm thọ thì sự cảm thọ đó là dục lạc chứ không phải lạc của Niết Bàn.
Ngài Sàriputta xác định rất rõ ràng: “Dục lạc có năm: Sắc, thinh, hương, vị, xúc”. Còn lạc của Niết Bàn Ngài nói:“- Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ”.
Bởi thế khi tu hành có các cảm thọ, thọ lạc hay thọ khổ, chúng ta đừng nên lưu ý đến nó. Biết thì biết, nhưng phải ôm cho chặt pháp đừng vì thọ khổ mà bỏ pháp mà cũng đừng vì thọ lạc mà cho là mình chứng đạo. Tất cả những trạng thái này là bệnh.
Các bạn nên lưu ý: trạng thái Niết Bàn có “lạc” nhưng không có “cảm thọ”. Còn có cảm thọ bất cứ một trạng thái nào đều là bệnh thiền.