ĐOẠN TẬN LẬU HOẶC
LỜI PHẬT DẠY “1- Hộ trì các căn 2- Tiết độ ăn uống 3- Chú tâm tỉnh giác”. |
CHÚ GIẢI:
Có ba pháp đoạn tận lậu hoặc. Vậy lậu hoặc là gì? Lậu hoặc là sự khổ đau của con người. Ba pháp đoạn tận lậu hoặc tức là ba pháp đoạn tận sự khổ đau của con người. Vậy ba pháp môn này là gì? Ba pháp này là:
1- Hộ trì các căn
2- Tiết độ ăn uống
3- Chú tâm tỉnh giác
v Hộ trì các căn
Hộ trì các căn như thế nào?
Hộ trì các căn là một pháp môn để giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, để tâm ly dục ly ác pháp, để tâm tuôn trào tất cả nghiệp chướng do từ lâu huân tập. Hộ trì các căn là một pháp trong nhóm của pháp môn “độc cư”. Độc cư chia ra làm ba nhóm:
- Nhóm thứ nhất, là độc cư thuộc về thân, còn gọi là an trú.
- Nhóm thứ hai, là độc cư thuộc về ý, còn gọi là độc trú.
- Nhóm thứ ba, là độc cư thuộc về sáu căn, gọi là phòng hộ sáu căn, còn gọi là hộ trì các căn. Hộ trì các căn tức là dùng pháp như lý tác ý để giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý.
Độc cư thuộc về thân thì phải sống một mình nơi thanh vắng, yên tịnh, không thích hội họp, không thích nói chuyện, không thích kết bè, kết bạn, thường an trú nơi thân hành.
Độc cư về tâm thì phải tập luyện giữ gìn tâm vắng lặng, tịch chiếu, nên thường tác ý: “Tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự ”. Độc cư về tâm thuộc về pháp môn Tứ Niệm Xứ (quét tâm).
Độc cư thuộc về sáu căn thì khi đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tác ý nhắc các căn phải quay vào trong thân. Ví dụ: Mắt phải nhìn bước đi; tai phải lắng nghe bước đi; mũi phải ngửi bước đi;miệng phải cảm vịbước đi; thân phải cảm nhận bước đi; ý phải ý thức từng bước đi.
Tóm lại, độc cư là pháp phòng hộ sáu căn đệ nhất pháp của Phật. Rèn luyện và trau dồi nó thì chúng ta sẽ có một ý chí kiên cường, một nghị lực dũng mãnh, nó cũng là pháp môn bí quyết thành tựu viên mãn Tứ Niệm Xứ để thực hiện Tứ Thánh Định. Đó là pháp thứ nhất đoạn tận khổ đau, nếu các bạn siêng năng tu tập và sống cho đúng Phạm hạnh thì quả vị A La Hán không còn khó khăn nữa.
v Tiết độ ăn uống:
Tiết độ ăn uống như thế nào? Tiết độ trong ăn uống thì không được ăn uống phi thời. Ăn ngày một bữa, không ăn uống lặt vặt.
Tiết độ trong ăn uống là pháp môn ly dục đệ nhất. Người ăn ngày một bữa, tâm dục ít. Tâm dục ít, thì ít bệnh tật khổ đau; tâm dục ít, thì ít ham muốn; tâm dục ít, thì dễ lìa xa ngũ dục lạc; tâm dục ít, thì thích sống độc cư, trầm lặng; tâm dục ít, thì ít hôn trầm, thùy miên, vô ký…
Tiết độ trong ăn uống thì chúng ta có nhiều thì giờ rảnh rang, tâm hồn lại dễ thanh thản, an lạc và vô sự. Người ăn ngày một bữa dễ hòa nhập vào đời sống của chư Phật, chư Hiền, Thánh, Tăng, tức là tương ưng với chư Phật, chư vị A La Hán, v.v..
Tóm lại, hạnh ăn uống có tiết độ là một Thánh đức hạnh của bậc lìa xa ngũ dục thế gian, là của những bậc đã xa lìa mọi sự ràng buộc triền phược, kiết sử của thế gian, là bậc giải thoát.
v Chú tâm tỉnh giác
Chú tâm tỉnh giác như thế nào? Chú tâm tỉnh giác là pháp môn nương vào thân hành niệm nội và ngoại tu tập như:
1/ Chánh Niệm Tỉnh Giác
2/ Mười tám đề mục Định Niệm Hơi Thở.
3/ Thân Hành Niệm.
Đó là những pháp chú tâm tỉnh giác đệ nhất của Phật giáo. Nếu ai tu đúng thì tỉnh giác rất cao, tỉnh giác trong cuộc sống hằng ngày, có việc gì xảy đến, đều hóa giải một cách dễ dàng, có nghĩa là đẩy lui các chướng ngại pháp một cách dễ dàng. Còn nếu ai tu sai, thì bị ức chế tâm, sinh ra các trạng thái tưởng và có thể rối loạn thần kinh, hoặc đứt mạch mao phế quản trong phổi khiếnkhạc ra máu, như cư sĩ Minh Tông (Tôn) v.v..
Tóm lại, ba pháp môn đoạn tận lậu hoặc này, nếu ai quyết tâm tu tập tìm cầu sự làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì phải kiên trì sống và tu tập ba pháp môn này. Luôn lúc nào cũng phải nhớ “Hộ trì các căn”, tức là phải sống độc cư. Đồng thời, phải sống đúng cách “ăn uống phải tiết độ”, không được ăn uống phi thời. Như vậy cũng chưa đủ, hằng ngày phải siêng năng tu tập “Chánh niệm tỉnh giác” trong mỗi niệm của tâm, trong mỗi hành động của thân, để hoá giải từng tâm niệm, từng ác pháp. Có sống và tu tập đúng ba pháp môn trên như vậy thì sự đau khổ sẽ chấm dứt, lậu hoặc sẽ không còn. Cho nên, các bạn cần phải thông suốt ba pháp môn này. Ba pháp môn này là ba pháp môn đoạn tận lậu hoặc tuyệt vời, mà không còn có một phương pháp nào hơn được.