PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý
LỜI PHẬT DẠY “Này các Tỳ Kheo! Tỳ Kheo nào “như lý tác ý” sắc như thật quán sắc vô thường, vị ấy yểm ly đối với sắc. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham được đoạn tận, hỷ đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã khéo giải thoát”. (Tương Ưng kinh tập III trang 100) |
CHÚ GIẢI:
Xin các bạn lưu ý tu tập thiền định theo Phật giáo là phải ly dục ly ác pháp mới nhập được Sơ Thiền, nhưng muốn ly dục ly ác pháp thì pháp như lý tác ý là đệ nhất pháp tu tập thiền định, còn tất cả các pháp môn khác trụ tâm, nhiếp tâm, ức chế tâm cho hết vọng tưởng là pháp môn của ngoại đạo, chứ không phải chánh định, chánh thiền của Phật giáo. Ở đây các bạn nên lưu ý chỗ sai khác để nhận ra thiền của Phật giáo và của ngoại đạo. Khi nhận ra chỗ này thì các bạn sẽ không còn bị lầm lạc với pháp môn thiền Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông và Minh Sát Tuệ nữa. Các pháp môn thiền này lừa đảo các bạn ghê gớm.
Trên đây là một bài pháp trong kinh Tương Ưng mà đức Phật đã dạy cho các vị Tỳ Kheo tu tập thiền định để đạt được sự giải thoát một cách rất dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc. Bài kinh này là một bằng chứng xác định cho chúng ta thấy rằng: Từ xưa cho đến ngày nay mọi người tu tập thiền định theo Phật giáo từ Nam Tông đến Bắc Tông và 33 vị Tổ Sư Thiền Đông Độ đều dạy tu sai lạc không đúng giáo pháp của Phật giáo.
Bài kinh này dạy cách thức tu tập như thế nào?
Cách thức tu tập theo bài kinh này thì nương theo thân hành niệm mà như lý tác ý.
Ví dụ: Nương thân hành nội là hơi thở mà tác ý như trong kinh Xuất Tức Nhập Tức dạy: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hoặc“Quán vô ngã tôi biết tôi hít vô, quán vô ngã tôi biết tôi thở ra”.
Nếu đi kinh hành thì nương vào bước đi mà tác ý: “Quán ly sân tôi biết tôi đang đi kinh hành, chân trái bước! Quán ly sân tôi biết tôi đi kinh hành, chân phải bước!”...
Cách thức tu thiền định của Phật như lời dạy trên đây trong kinh Tương Ưng thì Thiền Minh Sát Tuệ, thiền Đông Độ và thiền Đại Thừa đều hoàn toàn cách xa một trời một vực. Các bạn nên xét lại những loại thiền mà các bạn đang tu tập có giống như thiền định của Phật giáo chăng? Nếu không giống thì đừng tự xưng là mình tu theo thiền của Phật giáo. Vì Phật giáo chỉ có một loại thiền định chân chánh được gọi là Tứ Thánh Định. Tức là thiền định xả tâm ly dục ly bất thiện pháp mà thôi.