Skip directly to content

PHÁP MÔN NHƯ LÝ TÁC Ý

 

LỜI PHẬT DẠY

“Thưa Hiền giả Sàriputta (Xá Lợi Phất), những pháp gì Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

Này Hiền giả Kotthika, Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

 Này Hiền giả Kotthika, vị Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ Kheo giữ giới do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “Dự lưu”.

Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý nữa?

 Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika cần phải tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Dựlưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “Nhất lai”.

Nhưng Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra.

Này Hiền giả, Tỳ Kheo Nhất Lai do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “Bất Lai”.

Nhưng Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Bất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “A La Hán”.

Nhưng Tỳ Kheo A La Hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Với vị A La Hán, này Hiền giả Kotthika, không có gì phải làm nữa hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm.

Những sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác”.

(Tương Ưng kinh tập 3 trang 298)

 

 

CHÚ GIẢI:

 

QUẢ TU ĐÀ HOÀN

Theo như trong bài kinh này dạy thì pháp tu hành phải có kết quả từ thấp đến cao đều duy nhất có một pháp tu tập, đó là pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN.Khởi sự bắt đầu tu tập là phải tu tập giới luật. Vậy tu tập giới luật phải tu tập như thế nào?

Chúng ta hãy lắng nghe pháp thoại giữa ông Sàriputta vàông Kotthika: “- Thưa Hiền giả Sàriputta, (Xá Lợi Phất) những pháp gì Tỳ kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

- Này Hiền giả Kotthika, Tỳ Kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn”.

Như các bạn đã biết năm thủ uẩn là thân ngũ uẩn của các bạn. Mục đích của bài pháp này dạy là các bạn tu tập năm thủ uẩn bằng pháp như lý tác ý với câu này: “Năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, người lạ, ốm đau, người lạ hủy hoại, rỗng không, vô ngã”.Muốn giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì luôn luôn phải tác ý câu trên đây. Tác ý câu trên đây cho đến khi nào giới luật nghiêm chỉnh, tức là giới luật thanh tịnh. Giới luật thanh tịnh là các bạn đã được dự vào dòng Thánh. Được dự vào dòng Thánh. Dòng Thánh có tên gọi là TU ĐÀ HOÀN.Cho nên, bài kinh này đã xác định rõ ràng: “Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ Kheo giữ giới do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “Dự lưu” (Tu Đà Hoàn)”.

QUẢ TƯ ĐÀ HÀM

Khi Giới luật nghiêm chỉnh các bạn sẽ là một bậc Thánh giới của Phật giáo, tức là các bạn đã ly dục ly ác pháp tương ưng với Sơ Thiền. Khi tu tập đạt được kết quả này các bạn lại tiến bước thêm trên đường thiền định bằng phương pháp như lý tác ý năm thủ uẩn như trong kinh dạy: “ Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý nữa?

- Với Tỳ Kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika cần phải tác ý nămthủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “Nhất lai”.

Chỉ có một pháp duy nhất NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨNmà các bạn đã chứng quả Nhất Lai. Quả Nhất Lai là quả TƯ ĐÀ HÀM,quả này tương ưng với quả Nhị Nhiền. Như vậy, các bạn muốn nhập Nhị Thiền thì các bạn chỉ cần dùng pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨNlà diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền.

Bây giờ các bạn biết rõ pháp tu tập để nhập Nhị Thiền chưa? Từ lâu các bạn chỉ ở trên lý thuyết của các học giả. Bây giờ không còn lý thuyết nữa là pháp hành cụ thể rõ ràng, không còn mơ hồ trừu tượng nữa.

QUẢ A NA HÀM

Hiện giờ các bạn nhập được Nhị Thiền, chứng được quả Nhất Lai thì các bạn lại tiếp tục tu tập pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN như trong kinh đã dạy: “Nhưng Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

Tỳ Kheo Nhất Lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thểxảy ra.

Này Hiền giả, Tỳ Kheo Nhất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “Bất Lai”.Do tu tập phápNHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN mà chứng được quả bất lai. Quả bất lai tức là Quả A Na Hàm. Quả A Na Hàm tương ưng quả của Tam Thiền là ly hỷ trú xả. Như vậy các bạn muốn nhập Tam Thiền thì chỉ cần thực hành pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN.

QUẢ A LA HÁN

Sau khi tu tập chứng quả A Na Hàm xong thì các bạn tiếp tục tập để chứng quả A La Hán, muốn tu chứng quả A La Hán thì các bạn nên tu tập Thiền Thứ Tư. Thiền Thứ Tư là phải tịnh chỉ hơi thở, là phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, muốn tịnh chỉ hơi thở xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì phải làm sao? Tu tập như thế nào để đạt được quả A La Hán? Vậy các bạn hãy lắng nghe ông Xá Lợi Phất dạy: “Nhưng Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Tỳ Kheo Bất Lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ Kheo Bất Lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả “A La Hán””.

Như lời dạy trên đây chúng ta thấy rất đơn giản pháp NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN.chỉ có bấy nhiêu thôi mà tu tập chứng quả A La Hán thật không có khó khăn, không có mệt nhọc. Phải không các bạn? Cho nên Phật dạy: “Với tâm định tỉnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng, nhập bốn thiền, thực hiện Tam Minh không có khó khăn, không có mệt nhọc”, nhưng làm sao đạt được tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng? Thì ra là pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN.

Vậy, bây giờ các bạn đã biết pháp tu rồi chứ! Nếu không có bài kinh này chắc các bạn không bao giờ biết cách thức nào và làm sao nhập Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh.

Pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN là pháp môn gì, các bạn có biết không? Đó là pháp môn Tứ Niệm Xứ các bạn ạ! Sau khi soạn thảo giáo trình tu học cho tám lớp và ba cấp của Phật giáo thì chúng tôi sẽ đưa những bài học và tu tập này giảng dạy đúng chương trình giáo dục đào tạo bậc A La Hán thì các bạn sẽ hiểu rõ bài kinh này nhiều hơn.

CHỨNG QUẢ A LA HÁN CÒN TU PHÁP NÀO NỮA KHÔNG?

Sau khi tu chứng quả A La Hán xong thì còn tu tập pháp môn nào nữa không?

Thưa các bạn! Khi tu chứng quả A La Hán xong thì còn tu tập pháp môn nào nữa, vì tu tập đến đó là tu tập đã xong, chứng quả A La Hán là kết quả cuối cùng của con đường tu theo Phật giáo, đó là mục đích mà bốn chân lý của Phật giáo đã xác định “DIỆT ĐẾ”,cho nên nó không còn phải tu tập pháp gì nữa khác. Xin các bạn hãy lắng nghe ông Xá Lợi Phất dạy: “Nhưng Tỳ Kheo A La Hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

Với vị A La Hán, này Hiền giả Kotthika, không có pháp gì phải làm nữa hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm.

Những sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác”. (Tương Ưng kinh tập 3 trang 298).

Đoạn kinh này đã xác định rõ ràng, người tu chứng quả A La Hán là không còn tu nữa, vậy mà Đại Thừa dám bịa đặt ra tu chứng quả A La Hán xong còn phải tiếp tục tu tập để chứng quả Phật. Đại Thừa xây dựng quả Phật cao hơn quả A La Hán. Khi tu chứng quả A La Hán là quả tâm vô lậu. Tâm vô lậu là tâm không còn khổ đau, tâm giải thoát, tâm làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi. Thế mà Đại Thừa còn bảo tu nữa, đó là ý đồ của Đại Thừa là muốn quét sạch Phật giáo ra khỏi thế gian này, cho nên đặt ra quả Phật để diệt quả A La Hán. Diệt quả A La Hán tức là diệt chân lý thứ ba của Phật giáo (Diệt đế). Quả Phật không phải Diệt đế, vì Diệt đế là tâm vô lậu.

Đọc đến bài kinh này các bạn mới thấy rõ âm mưu của Đại Thừa và Thiền Tông rất muốn diệt Phật giáo một cách sâu sắc khiến cho tín đồ Phật giáo không thể nào ngờ được.

Trên đây là một bài pháp mà Phật đã dạy cho chúng Tỳ Kheo về pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨNvô thường… vô ngã. Duy nhất chỉ có một pháp như lý tác ý năm thủ uẩn vô thường… vô ngã. Bắt đầu tu tập như vậy, sẽ chứng từ quả Dự Lưu đến quả A La Hán.

Xem bài kinh trên đây chúng ta mới thấy pháp như lý tác ý rất quan trọng trong sự tu tập theo Phật giáo. Nếu tu theo Phật giáo mà không có pháp như lý tác ý thì chúng tôi tin rằng không có ai tu giải thoát được. Và không có pháp như lý tác ý thì chúng ta sẽ tu thiền định tưởng của ngoại đạo, chứ không phải thiền định của Phật giáo (Chánh Định).

Bài kinh này xác định rằng: người nào dùng ý thức tu tập pháp như lý tác ý để ly tham, đoạn diệt ác pháp, là không tu sai Phật Pháp, còn ngược lại là tu sai. Và như vậy chúng ta mới có đủ niềm tin vững chắc đối với pháp môn này. Có niềm tin vững chắc với Phật pháp, thì mới có đủ ý chí sắt, đá và kiên gan, bền chí chiến đấu với giặc sanh tử. Nhờ đó thì sự tu hành mới có tiến bộ và mới đạt đến mục đích cuối cùng.

Trên đây là một pháp môn tu tập rất đơn giản của Phật giáo, không bị ức chế tâm một chút nào cả, mà bất cứ người nào từ già đến trẻ đều tu tập có kết quả giải thoát như nhau, đó là “PHÁP MÔN NHƯ LÝ TÁC Ý NĂM THỦ UẨN”.Xin các bạn hãy vững lòng tin mà áp dụng vào đời sống của mình thì các bạn sẽ thấy kết quả giải thoát ngay liền.