Skip directly to content

ĐẠO ĐỨC VỢ CHỒNG

Là sự đối xử nhau giữa chồng và vợ qua các hành động, lời nói và ý nghĩa:

-       Chồng và vợ phải bình đẳng nhau, không ai có quyền ra lệnh cho ai cả. Sống trên quan điểm biết lắng tai nghe nhau và tôn trọng ý kiến của mỗi người.

-       Ngoài gia đình ra, trong công việc hay ngoài xã hội, chồng hay vợ phải tôn trọng ý kiến riêng tư của mỗi người, không can thiệp vào việc riêng.

-       Tài sản trong nhà là của chung, khi mua sắm là có sự đồng ý của 2 người cho nên không nên nghĩ cái này chồng mua, cái kia vợ mua.

-       Tiền bạc cũng là của chung, không nên suy nghĩ chồng làm nhiều hơn vợ hay ngược lại. Mọi vấn đề chi tiêu đều phải có sự đồng ý trước của chồng và vợ.

-       Vợ chồng phải biết thay phiên nhau chăm sóc con cái, như đưa đón con đi học khi có ai rảnh.

-       Công việc tại nhà chồng vợ nên bình đẳng phụ nhau làm, đừng nghĩ việc nội trợ là của phụ nữ, không phải của chồng, do đó khi cần thiết ví dụ như vợ bệnh hay bận người chồng cũng phải ý thức xuống bếp nấu ăn, rửa chén và giặt đồ.

-       Không nên phân biệt gia đình bên vợ, gia đình bên chồng. Khi cần thiết giúp đỡ cho gia đình nào thì vợ chồng bàn bạc trước, không lén lút âm thầm giúp đỡ gia đình mình bằng tiền bạc chung của vợ chồng để tránh xích mích nghi ngờ rồi đâm ra nói xấu nhau, từ việc nhỏ rồi xé ra to.

-       Vợ và chồng đều phải tôn trọng bạn bè của nhau.

-       Vợ hay chồng không nên có các tà hạnh bên ngoài với người khác phái để tránh đổ vỡ gia đình, đem lại sự đau khổ cho con cái khi mất cha hoặc mẹ.

-       Chồng hay vợ không nên ăn chơi trác táng, nhậu nhẹt với bạn bè thường xuyên bên ngoài mà quên đi trách nhiệm của mình trong gia đình.

-       Chồng hay vợ thường xuyên kiểm tra dạy dỗ con cái, theo dõi việc học và chơi của con cái. Dành thời gian ra nói chuyện và dẫn con cái ra ngoài chơi.

-       Chồng hay vợ không nên vì bất kỳ một lý do nào mà nói dối nhau, không thật thà, dấu diếm chuyện gì đó riêng tư. Dù chuyện lớn hay nhỏ nên cùng nhau bàn bạc.

-       Vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau, tùy thuận ý kiến nhau và tôn trọng quyết định của nhau. Không vì một cái sai nhỏ nào mà mất đi các đạo đức nhẫn, nhục, tùy thuận và bằng lòng. Ví dụ có lúc chồng hay vợ muốn ra ngoài đi chơi một mình với bạn bè thì vợ hay chồng phải biết tôn trọng ý kiến này chứ không phải khi ra đường là phải luôn có vợ có chồng.

-       Không nên nghi kỵ nhau mà phải thưa hỏi nhau để cùng làm sáng tỏ mọi việc, tránh để lại trong tâm mọi nghi hoặc, mà làm khổ mình và làm khổ người.

-       Có những lúc chồng hay vợ cần sống cho bản thân thì chồng hay vợ phải hiểu điều đó, do đó nếu có khả năng thì trong nhà mỗi người nên có một phòng riêng.

-       Đạo làm vợ từ xưa tới nay người vợ bao giờ cũng thức dậy sớm trong gia đình cho nên người vợ nên giữ gìn hạnh này.

-       Nếu vợ hay chồng giữ tiền thì phải biết có trách nhiệm giữ gìn cẩn thận để tránh trộm cướp, hoặc tránh mọi ý nghĩ tham lam tài sản khi mình đứng tên hoặc đang cất giữ tiền.

-       Dù cho có chuyện gì bực bội, ấm ức thì cũng nên nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, dịu dàng với nhau để tránh cãi cọ, xô xát, lớn tiếng làm ảnh hưởng đến con cái và gia đình, hàng xóm.

-       Tôn trọng tín ngưỡng của nhau.

-       Mọi ý nghĩa hành động hay lời nói của vợ chồng đều dựa trên đạo đức bình đẳng, tùy thuận và tôn trọng nhau, để tránh sự áp đạt, ép buộc, ức chế, chịu đựng trong gia đình nhằm đem lại hạnh phúc cho nhau. Bằng không thì với cái tính ngã mạn cao của con người mà vợ hay chồng khinh chê người kia cái này cái nọ làm cho sứt mẻ tình cảm, mới sống với nhau một tháng mà đã muốn ly dị, hoặc có con rồi mà vẫn muốn ly dị chạy theo những cái thích của riêng mình, không còn có bổn phận với việc mình làm nữa.