ĐẠO ĐỨC TÙY THUẬN
Là sự làm theo ý kiến, lời nói, yêu cầu và hành động của người khác luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và với mọi người.
Người có đạo đức tùy thuận thì đi đến đâu sẽ thích nghi ở đó, không bao giờ bắt người khác phải tùy thuận theo những cái thích của mình. Ví dụ đến tu viện thì phải tùy thuận theo những qui định của tu viện, khi có khoá học thì phải biết nghe lời Thầy dạy. Những chướng ngại trong tâm thì phải xả ngay, không tự suy luận theo ý kiến của mình, không than vãn, trách móc ai hết, không chạy theo tâm dục của mình mà thêm bớt cái này cái kia.
Để thân tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự, con thấy không nên làm khổ mình vì những cái thích hay cái muốn của mình. Con nghĩ mình phải điều tâm thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi điều kiện thời tiết khí hậu, mọi lời nói, từ bỏ mọi chấp kiến từ xưa tới nay đã huân tập vào.
Khi lái xe, con thấy nếu người đi bộ muốn băng sang đường (bất cứ chổ nào) hoặc xe từ chổ đường nhỏ ra đường lớn, hoặc ngược lại con đều dừng xe lại và quẩy tay kêu họ cứ tự nhiên băng ngang hay đi trước. Có tùy thuận vào mọi người thì con cảm thấy mọi người vui vẻ và mình cũng vui nữa. Vì lúc đó con biết được mọi người đang muốn gì và đang lo lắng gì. Trong trường hợp trên con nghĩ là những người muốn xin qua đường đang lo lắng không biết khi đi ngang qua đường có chuyện gì xảy ra không, tâm trạng của họ đang sợ sệt và lo lắng. Cho nên khi con dừng xe lại vẫy tay kêu họ đi qua đường đi thì họ sẽ yên tâm hơn, giải toả được bao lo lắng cho họ, nghĩa là đem lại sự yên vui cho người.
Có sống trong đạo đức tùy thuận thì con thấy phải xả bỏ mọi chấp kiến, kiến thức, suy tưởng cá nhân. Có như vậy thì đạo đức tùy thuận mới trọn vẹn. Còn không thì chỉ là sự chiều lòng theo bằng hình thức bên ngoài mà bên trong thì không tùy thuận.
Có xả cái ngã thì ác pháp sẽ không còn tác động được nữa, vì ta có mong cầu đạt được cái gì cho ngã đâu, nếu không mong cầu thì có sân giận ai làm gì. Nếu đã không có ngã thì mong cầu, sân giận cho ai.
Đạo đức tùy thuận là đạo đức xả ngã tuyệt vời, luôn thấy thanh thản tại nội tâm, lấy việc của người khác làm việc của mình, chứ không bắt buộc ai phải theo mình cả. Có tùy thuận và tôn trọng thì mọi việc sẽ yên ổn thuận buồm xuôi gió.
Người sống không biết tùy thuận thì chỉ làm khổ mình vì những kiến chấp của mình, làm mất hạnh phúc riêng tư như trong gia đình thì vợ chồng ly dị nhau vì không biết sống tùy thuận nhau.
Người không có đạo đức tùy thuận thì bản ngã cao, không coi ai ra gì, không biết lắng nghe ai cả cho nên không học hỏi được điều hay lẽ phải, thất bại thì nhiều mà thành công thì ít. Bằng chứng là cuộc đời của con nếm đủ mùi thất bại vì không biết nghe lời khuyên của người lớn, tham danh lợi cho nên làm ăn cái gì cũng thất bại. Thêm nữa người thân thì không còn khuyên những điều tốt nữa vì họ biết con đâu có nghe họ đâu.
Biết rõ cái xấu và tai hại của bản ngã, con quyết sống sửa sai những lỗi lầm của mình và sống có đạo đức tùy thuận. Con thấy sự tùy thuận giải toả mọi chướng ngại trong cuộc sống rất nhiều, bao nhiêu ác pháp đổ xuống làm cho cuộc đời con thuận buồm xuôi gió hơn.
Khi ai nói một lời nào, yêu cầu con làm việc gì con thấy tâm con lúc đầu ưa phân tích đúng sai, nhưng sau đó con tác ý nhắc tâm “Tâm phải tùy thuận vào lời nói, ý kiến việc làm của mọi người, hãy lấy việc người làm việc của mình, người vui thì mình sẽ vui”. Có nhắc tâm vài lần như vậy thì dần dần quen và khi nghe ai nói điều gì thì con tùy thuận ngay, không còn phân tích nữa vì con thấy lợi ích của đạo đức tùy thuận làm cho mọi người vui vẻ, làm vừa lòng mọi người, không gây cho mọi người những rắc rối, lo âu, bận tâm thêm nữa.