Skip directly to content

CÓ BẢY PHÁP KHIẾN CHO PHẬT PHÁP HƯNG THỊNH

 

LỜI PHẬT DẠY

1- “Thích giản dị

2- Ưa yên lặng

3- Ít ngủ nghỉ

4- Không kết bè bạn

5- Không tự khoe khoang

6- Không kết bạn với người xấu

7- Thích ở một mình”.

 

CHÚ GIẢI:

1- THÍCH GIẢN DỊ

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật, thích sống giản dị là sẽ làm cho Phật Pháp hưng thịnh, vì đời sống giản dị là đời sống thiểu dục tri túc, đời sống giản dị là đời sống không ham thích, ít dục, rất phù hợp với pháp tu hành của đức Phật là ly dục ly ác pháp. Đời sống giản dị của một vị tu sĩ đệ tử Phật, nhìn vào, người ta mến phục và cảm tình ngay liền, đời sống giản dị là một đạo hạnh của người tu sĩ giải thoát.

Bởi người tu sĩ có đạo hạnh là làm cho tôn giáo đó hưng thịnh, chứ không phải có thần thông, phép tắc, học giỏi, tụng kinh hay, ngồi thiền tốt, thuyết giảng thao thao bất tận v.v..

--o0o--

2-ƯA YÊN LẶNG

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật, ưa sống yên lặng là làm cho Phật Pháp hưng thịnh, sự yên lặng là nói lên được tâm hồn giải thoát của người tu theo đạo Phật; sự yên lặng là nói lên được đức hạnh thánh thiện của bậc chân tu, sống với nội tâm của mình; sự yên lặng còn là một pháp môn độc cư tuyệt vời. Nếu cuộc đời tu hành theo đạo Phật mà không sống độc cư thì chẳng bao giờ tìm được sự giải thoát, vì pháp “Độc cưlà bí quyết thành tựu thiền định. Nếu người tu sĩ sống chẳng độc cư thì chẳng bao giờ nhập định được. Độc cư là phương pháp đệ nhất tâm không phóng dật, nhờ phòng hộ sáu căn.

--o0o--

3-ÍT NGỦ NGHỈ

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật, thường tu tập tỉnh thức, không ưa ngủ nghỉ, vì ưa ngủ nghỉ sẽ làm cho PhậtPháp suy đồi; vìưa ngủ nghỉ, tâm sanh lười biếng, tâm sanh lười biếng là tâm u mê; tâm u mêthìkhông thể sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường hay phạm giới. Một vị tỳ theo phạm giới là làm cho Phật pháp không hưng thịnh, mà còn khiến cho người đời khinh chê Phật giáo.

Không ưa thích ngủ nghỉ thì cần phải đi kinh hành nhiều, người tu sĩ đệ tử của đức Phật, không đi kinh hành hoặc đi kinh hành ít là người tu sĩ lười biếng, là người tu sĩ ham ngủ. Kinh hành là một pháp môn tỉnh thức, tối cần thiết, để phá sạch tâm ưa thích ngủ nghỉ, nhờ người siêng đi kinh hành nhiều, nên đường tu hành mau chóng kết quả. Phật pháp hưng thịnh là do những tỳ kheo ít ưa ngủ nghỉ, thườngsiêng năng kinh hành. Vì thế kinh hành rất có lợi cho sự nghiệp tu tập dễ chứng đạt chân lí, nó là một phương pháp phá tâm si mê và lười biếng hiệu quả nhất.

Người nào không thích đi kinh hành là người không tinh tấn. Người không tinh tấn dù có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng đi đến đâu. Phàm phu chỉ là phàm phu chứ không bao trở thành hiền nhân thánh đức được. Rất uổng phí cho một đời tu hành chỉ vì không thấy pháp đi kinh hành quan trọng và lợi ích đến bực nào.

--o0o--

4-KHÔNG KẾT BÈ BẠN

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, sống không kết bè bạn là làm hưng thịnh Phật pháp. Sống kết bè bạn là làm mất thì giờ tu tập, vì có bè bạn thì phải có chuyện trò, chuyện trò không ích lợi mà còn sanh ra nhiều chuyện lôi thôi, đôi khi, còn xảy ra nhiều việc cãi cọ, tranh tụng, hơn thua, gây gổ, thù oán, tị hiềm, khiến cho cuộc sống tu hành bất an.

Kết bè bạn sẽ chia ra phe nhóm, từ phe nhóm này, đến phe nhóm khác, do đó mới tạo ra cảnh bất hòa, từ đó, cuộc sống của chư Tăng không còn lục hòa. Cuộc sống không lục hòa thì sự tu hành chẳng đến đâu và cũng vì vậy, mà Phật pháp không hưng thịnh.

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành được giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì sống không nên kết giao bè bạn, kết giao bè bạn thì sự tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉ uổng phí một đời người. Đừng nghe nguời ta nói: “Đi tu có bạn”.Trong đạo Phật tu hành rất cấm kị sự kết bạn, vì sự kết bạn:

1- Làm mất thì giờ tu tập.

2- Ái kiết sử, không đoạn dứt được.

3- Thường xảy ra chuyệnrầy rà đôi chối, tranh chấp.

4- Sốngkhông hòa hợp, Tăng đoàn thường bị phân hóa chia rẽ, thiếu đoàn kết. Phật giáo suy thoái.

Cho nên Phật dạy: “Không kết bè bạn” là con đường tu tập phải độc cư, độc bộ, độc hành mới có thể đi đến nơi đến chốn được.

Bè bạn có lợi nhưng cũng có hại; lợi là nương nhau sách tấn tu hành; hại là tập họp nhau nói chuyện, lập phe lập đảng, nói xấu ly gián nhau.

Phật giáo ngày nay chia ra nhiều bộ phái khác nhau cũng chính vì không sống đúng giới luật, do không sống đúng giới luật nên danh lợi đã lôi cuốn họ chia manh xẻ mún đạo Phật ra nhiều bộ phái khác nhau, để mặc tình triển khai tưởng giải 84 ngàn pháp môn, mỗi người đứng một góc trời tự xưng mình là Giáo chủ của bộ phái đó.

Giới luật Phật là chỗ quy tụ những bậc tu hành chân chánh, còn mất giới luật là chỗ quy tụ những bậc tu danh, tu lợi, tu chùa to, Phật lớn, tu ăn, tu ngủ v.v..

Tóm lại muốn tìm cầu sự giải thoát chân thật trong Phật giáo thì phải tin theo lời Phật dạy: “KHÔNG KẾT BÈ BẠN”

--o0o--

5- KHÔNG TỰ KHOE KHOANG

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật sống không thích khoe khoang, không cầu danh, cầu lợi thì Phật pháp mới hưng thịnh, bằng ngược lại thì Phật pháp suy đồi, thường là những tu sĩ tu hành chưa tới nơi tới chốn nên muốn làm danh, làm lợi, thường nhai lại những “Bã mía” của người xưa để thựchiện “Bồ Tát Đạo”hành “Bồ Tát hạnh”,đó là để lừa bịp thiên hạ,những vị Bồ Tát này cũng ví như một người mù dẫn một bầy mù đi và sẽ bị sa hầm, lọt hố chết chìm nhau cả đám. Khoe khoang chính là mục đích cầu danh, cầu lợi, người tu sĩ đệ tử của đức Phật mà còn khoe khoang thì tu hành chẳng bao giờ giải thoát. Xưa đức Phật dạy: “Có danh có lợi thì nên ẩn bóng”.Thế mà thời nay trên bước đường tu hành theo đạo Phật người tu sĩ chưa có danh thì muốn tạo danh như: học tập có cấp bằng này cấp bằng kia như cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ, giảng sư, chưa có lợi thì tìm làm quen cho có nhiều Phật tử để có sự cúng dường hoặc soạn viết những kinh sách lý luận sai lệch giáo pháp của đức Phậtvì không có kinh nghiệm tu hành nên chỉ có tưởng giải theo kiểu vay muợn. Những loại kinh sách danh lợi này đã hằng giết chết hằng bao thế hệ con người từ xưa đến ngày nay.

Tóm lại TỰ KHOE KHOANGlà một tai hại trên đường tu tập để tìm cầu sự giải thoát. Vì khoe khoang là nuôi dưỡng tính ngã mạn, càng khoe khoang ngã mạn càng to. Ngã mạn càng to thì càng chịu nhiều khổ đau. Ngã mạn càng to thì không bao giờ sống có đạo đức, luôn làm khổ mình khổ người.

Cho nên người tu hành theo Phật giáo, cần phải tránh xa tính tự khoe khoang. Nếu một người hay khoe khoang chúng ta hãy lắng nghe họ nói chuyện chỉ một vài câu chuyện ngắn gọn mà họ tự đề cao họ như thế nầy như thế khác hoặc khoe khoang về sự học. Đấy là một con người mang đầy tính ngã mạn. Những hạng người đó chúng ta không nên chơi thân với họ, phải tránh xa.           

--o0o--

6- KHÔNG KẾT BẠN VỚI NGƯỜI XẤU

Người tu sĩ và người cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì như trên đã dạy, khôngnên kết bạn bè dù là bạn tốt còn không kết bạn, huống là bạn xấu, nhưng chỉ vì muốn dựng lại con đường của đạo Phật, làm cho nó hưng thịnh thì phải sống “Độc bộ, độc hành, độc cư”,nếu không sống như vậy, thì chẳng bao giờ tu đến đích.

Ở đây đức Phật dạy, không nên kết bạn bè xấu, kết bạn bè xấu là một tai hại cho bước đường tu tập của mình. Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật nếu kết bạn bè xấu, sẽ làm cho Phật pháp suy thoái. Vì bạn bè xấu, sẽ lôi cuốn vào chỗ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới và đi đến chỗ phi oai nghi tế hạnh, thường sống phi đạo hạnh và đạo đức của bậc thánh tăng. Đó là những điều sẽ xảy đến, khiến cho Phật pháp không hưng thịnh.

Những người bạn xấu như thế nào?

Những bạn xấu là những người phạm giới như trên đã nói, thích vui chơi, thích ngủ nghỉ, thích nói chuyện, thích tranh luận, thích nghe ca hát và ca hát, thích trang điểm làm dáng làm đẹp, thích vật chất quần áo, giày dép, xe cộ, máy móc, chùa cao, Phật lớn, phong cảnh đẹp v.v..

Người tu sĩ chân chánh thì nên tránh xa những người bạn xấu ấy, vì kết bạn với những người ấy, thì Phật pháp không hưng thịnh. Những người bạn ấy, sẽ lôi cuốn chúng ta vào đường danh, nẻo lợi.

--o0o--

7-THÍCH SỐNG MỘT MÌNH

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì phải sống một mình. Vả lại, sống một mình là pháp môn phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý tốt nhất; nó là pháp lắng nghe lại thân tâm mình để biết thân tâm mình đang nói gì và đang làm gì nhờ đó chúng ta mới xả tâm ly dục ly ác pháp rốt ráo; nó là bí quyết nhập các loại định, nếu không sống một mình thì dù có tu nghìn kiếp cũng chẳng nhập định được. Người tu sĩ sống độc cư một mình là làm hưng thịnh cho Phật pháp. Tại sao vậy?

Tại vì người ấy sống một mình, tâm mới ly dục, ly ác pháp trọn vẹn, tâm có ly dục, ly ác pháp trọn vẹn thì tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm định trên thân, tâm định trên thân là tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm, nhờ có nhập Bất Động Tâm thì mới có đủ Tứ Thần Túc, nhờ Định Như Ý Túc mới nhập Sơ Thiền, Sơ Thiền là một thứ thiền giải thoát của đạo Phật rất rõ ràng và cụ thể. Người tu hành nhập được Sơ Thiền thì giới luật phải sốngnghiêm túc, không hề vi phạm, dù một giớiluật nhỏ nhặt nào. Giới luật không hề vi phạm thì đức hạnh của người này đã đầy đủ. Nhờ sống đức hạnh đầy đủ, làm người, làm thánh thì làm sao Phật giáo không hưng thịnh. Vì thế, đức Phật dạy: “Thích sống một mình là Phật giáo hưng thịnh”,lời nói này không dối người, lời nói này là lời nói chân thật.

Người an vui thích sống một mình là người đã giải thoát rồi, người giải thoát là người sống một mình. Sống một mình khó lắm quý vị ạ! Có sống một mình mới biết khó, chứ không phải như lời nói suông đâu. Có sống rồi mới biết, quý vị ạ!