BÀI THỨ CHÍN: DẠY LỚP TU SINH NỮ
(Sáng 18-3-2006)
KHỞI ĐẦU PHÂN TÁN
Thầy báo để các con biết mặc dù chúng ta nhập hạ tu nhưng theo quy định của Giáo Hội và chính quyền thì chúng ta phải xin phép trước, bằng không thì Đại Thừa sẽ kết hợp không để chúng ta yên mà tu học đâu. Khoá học Hạ 3 tháng nhưng phải xin phép. Bây giờ mình đứng ra xin phép thì không được. Cho nên hôm nay mình có duyên là Phật tử Thành Phố tích cực cúng dường Tu Viện một khu đất rộng ở Long Thành để xây dựng Trung Tâm An Dưỡng. Giáo Hội tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dựa trên băng giảng của lớp Chánh Kiến và Nhà nước sẽ đồng ý. Còn ở Hà Nội, chú Tuấn đang lo xin phép, ở Phước Hải Chơn Tâm cũng đang xin phép.
Hôm nay có dịp, các con về quê thăm gia đình vài hôm, khi có đủ duyên các con trở lại và dưới sự hướng dẫn của Thầy, các con sẽ tu đúng hết, không còn sai nữa, mà đúng thì sẽ đi đến đích được. Bằng chứng là Thầy đã hướng dẫn dẹp phá hết những cái sai cho các con. Những sự tự tu tập của các con có những cái sai, lần lượt các con vén lên sẽ thấy rõ, nhờ vậy sự tu tập của các con không còn sai nữa.
Và nếu chúng ta được mở 8 lớp này thì chúng ta sẽ có một số người thành tựu trên con đường này để xác chứng rằng con đường của đạo Phật có người tu chứng chứ không phải không. Nội trong chúng ở đây nếu chỉ một huynh đệ của chúng ta tu chứng cũng là một tiếng vang rất lớn, chứ không nói chi đến 5, 3 người tu chứng. Các con hiểu điều đó chứ. Việc tu chứng làm cho lớp đào tạo này trở nên giá trị rất lớn. Nếu chỉ có một người tuyên bố tôi đã làm chủ sự sống chết không thua gì Thầy Thông Lạc, thì người ta sẽ theo con đường Nguyên Thủy tu nhiều lắm. Bởi đời khổ quá với bốn sự đau khổ mà còn vì danh, vì lợi mà tranh chấp hơn thua, chà đạp lên nhau. Hệ phái này hệ phái kia, chùa này chùa kia đều có sự tranh chấp nhau, chứ chưa có đoàn kết.
Nhưng khi có ánh đuốc tu chứng thì người ta sẽ buông xuống hết. Danh lợi để làm gì. Bây giờ không có chỗ để tu chứng thì không danh lợi làm sao người ta sống, vì vậy mà người ta còn bám. Nếu có người tu chứng làm một ngọn đuốc sáng soi đường cho người ta đi thì sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu.
Hôm nay gặp Thầy các con có những gì cần hỏi, Thầy sẽ giải đáp hết những câu hỏi của các con. Thầy biết có nhiều sự khó khăn, nên chúng ta phải hành động trước, chứ không phải nói như vậy rồi được êm luôn đâu, nhưng chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn đó. Các con biết rằng Thầy đã từng ngày, từng giờ phút vượt qua bao sự khó khăn để bảo vệ sự tu tập của các con trong mấy tháng nay. Một lớp học của Nhà nước có sự bình an, còn ở đây chúng ta không có được sự bình an như vậy mà do sự bảo vệ rất tận tình của Thầy để các con yên tâm tu. Khi có sự xáo động thì tâm các con bị chao động. Thầy muốn thật rất bình an, không có một sự việc gì xẩy ra để các con yên ổn tu tập với nhau. Còn khi mình đang tu yên lành mà có sự việc gì làm mình chao động; muốn trở lại bình thường mình phải mất một thời gian.
Thầy mong rằng những lớp học của chúng ta sau này phải thật sự bình an như những lớp học của nhà nước tổ chức, con đường tu của các con sẽ thành công dễ dàng hơn, chứ một vài bữa có việc này làm chao động, một vài bữa lại có việc khác làm chao động thì công việc tu của các con rất khó thành công. Vì thế mà ngày xưa người ta phải vào rừng ẩn tu chứ ở ngoài thì bị động, người ta tu sâu không được. Hôm nay chúng ta tổ chức thì phải làm sao tạo cho được hoàn cảnh thuận tiện để cho tu sinh không bị động một chút nào hết lần lượt mới đi sâu vào sự tu tập; chứ cứ nay động, mai động thì Thầy không dẫn dắt các con tới nơi được. Hai mươi mấy năm trời nay lúc nào cũng có động cho nên cuối cùng không có một người nào tu chứng hết. Nếu chúng ta tạo được hoàn cảnh thuận tiện, yên ổn mãi, không bị gì hết thì hẳn đã có người tu đến nơi rồi. Như các con thấy, vì luôn luôn bị động cho đến giờ này các con tham dự lớp này các con cũng vẫn thấy bị động đấy.
Các con đâu phải là gốc cây, cục đá thì làm sao không bị động khi nghe chuyện này chuyện khác. Các con là con người thì tai phải nghe, mắt phải thấy, như vậy tâm các con làm sao yên khi có chuyện xẩy ra. Thầy muốn rằng dù tai nghe mắt thấy, sự tu tập của các con lúc nào cũng được bình yên, cho nên bây giờ các con cần trở về thăm lại gia đình chờ khi Thầy xây dựng xong cơ sở tốt hơn thì các con trở lại tu được yên ổn. Còn các con nào được yên ổn ở đây thì các con tiếp tục ở; các con nào vì hoàn cảnh khó khăn, về chùa mình cũng không được thì thôi thà ở đây. Còn người nào thuận tiện thì về lại gia đình một thời gian vài ba tháng chờ khi cơ sở mới xây dựng được phù hợp thì trở lại.
Trong các cơ sở mới, Thầy mong rằng Phật tử sẽ lo lắng hết, Thầy chỉ đến dạy, các con đến tu. Phật tử sẽ lo lắng về đời sống cho các con con. Các Phật tử đang tổ chức những ban bệ để bảo vệ các trung tâm an dưỡng được tốt đẹp. Các con chỉ biết tu, còn Thầy thì chỉ biết dạy, vấn đề cuộc sống của chúng ta về tinh thần cũng như vật chất thì những ban bệ do cư sĩ lo liệu. [10;00] - Cách thức tu tập theo đạo Phật, mình làm chủ chứ đâu cố chấp làm gì cho đau khổ. Trong bài 4 Niệm Xứ “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” nếu con quán được rồi, được tỉnh thức trên đó rồi, định tỉnh trên đó rồi thì nó nhiếp phục tham ưu thì con nhớ mẹ nữa không. Nhiếp phục được rồi thì không nhớ chứ chưa nhiếp phục, không nhiếp phục được thì phải nhớ chứ làm sao không nhớ được. Các con quán được thân mình thì nó tự nhiếp phục.
Còn bây giờ các con chưa quán được, chưa nhiếp được, lúc thì thấy đầu, lúc thì thấy chân, lúc thì thấy không toàn diện. Đó là quán chưa được, đang tập quán.
Nhớ mẹ thì để cho nó nhớ, ai biểu nhắc làm gì cho nó khổ.
Từ chỗ tu sai, mình vạch ra được đường lối, mình thấy sai chỗ nào, thấy đúng chổ nào cho nên đâu cần diệt mấy cái ái kiết sử đó. Thương cha mẹ là hiếu hạnh, là tốt chứ sao bảo đừng, bảo xả đi. Chừng nào tu tới 4 Niệm Xứ, tự pháp này phá kiết sử đó thì tự nó hết, chứ bây giờ tôi còn nhớ cha, nhớ mẹ làm sao bảo tôi đừng nhớ. Tôi là con người có cha mẹ sanh ra thì tôi thương cha mẹ tôi chứ làm sao không thương nhớ được. Tôi là con người thì có tình cảm.
Như vậy các con thấy con đường tu của chúng ta từ đầu chí cuối hiếu hạnh vẫn hiếu hạnh, nhưng pháp tu giúp chúng ta đi vào trạng thái bất động cuối cùng để chúng ta có 4 Thần túc chứ đâu phải để diệt con người trở thành cây, thành đá. Đã là con người thì sao lại không thương cha mẹ. Các con thấy mình tu đúng thì mình là con người vẫn là con người, vẫn biết thương cha mẹ. Nhưng mình tu chưa xong, mình thương cha mẹ thì có sự bi lụy, nó làm cho mình khổ. Lúc mình tu xong, mình cũng vẫn thương cha mẹ nhưng có sự khác biệt. Mình tu đâu phải trở thành người vong ân cha mẹ.
- Con xin trình kết quả 3 ngày qua cảm giác trên bước đi, con có cảm nhận từ khi nhắc chân lên đến khi đặt xuống, con đặt các ngón xuống hơi mạnh để cảm giác cái mát lạnh, độ rền cả người và trọng lực của người dồn nghiêng bên chân bước, bàn chân cổ chân gồng chịu sức nặng người đưa tới và cảm nhận tiếp hai cảm giác trên mỗi khi bước. Con đi trong cốc 2 vòng là 1 phút, mắt nhìn phía trước nhưng tâm quay vô cảm nhấn sự rung động của thân. Lúc nào có buồn ngủ hay ồn náo thì con nhịp các ngón chân hơi mạnh gây sự chú ý nhắc tâm quay vô, cảm nhận liên tục không phân tán. Như vậy thưa Thầy có được không?
Được. Đó là sự thiện xảo của con, còn sự tu tập cảm nhận thì có chỗ này để Thầy nhắc lại: cái mát của bàn chân cảm nhận được khi mình đặt xuống mặt nền thì được. “Độ rền của người và trọng lực của người dồn nghiêng bên chân bước” đó là sự rung động của toàn thân, cái đó quan trọng lắm, tức là mình bước mình nghiêng qua nghiêng lại cả cái thân của mình đều bị giao động thì mình chú ý cả toàn thân thì cần thiết còn tất cả những cái kia mặc dù có cảm nhận như vậy nhưng không quan trọng bằng độ rung động của thân chúng ta đưa tới, nghiêng qua nghiêng lại theo bước đi của mình. Cái thân của mình toàn bộ cứ nghiêng qua nghiêng lại đẩy tới theo bước đi của mình thì cái đó đúng. Ráng cố gắng mà tập tu.
Bây giờ thì sức tỉnh của các con chưa tỉnh thức ở đó đâu nhưng nó đang tâp quán. Tập cho mình nhận ra được sự nghiêng qua nghiêng lại cả cái thân của mình trong khi đi. Đó là tập quán. Trong khi tập, cố gắng xem xét sự rung động của thân của mình khi bước đi, cũng như khi hít thở thì sự rung động của cơ thể như đức Phật đã dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” hay là “Cảm giác thân hành tôi biết tôi bước đi” nghĩa là tôi bước đi thân tôi rung động như thế nào tôi biết như thế ấy. Đó là các con tập quán chứ chưa tỉnh thức, một thời gian sau được thuần thục rồi mới là tỉnh thức; một thời gian tỉnh thức được rồi thì nó mới định tỉnh. Phải có thời gian. Cho nên Thầy mới bảo các con chỉ tu một oai nghi thôi cho đến chừng oai nghi đó đạt được vững vàng rồi mới tu tới oai nghi khác.
Các con nghe đức Phật dạy 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Ngồi phải tu sau cùng bởi vì ngồi là lúc chúng ta định tỉnh rồi. Định tỉnh mới ngồi. Đi chưa tỉnh thức thì sao định tỉnh được. Trong khi đi thì thân rung động, tập quán toàn thân dễ quán được. Sau khi đi một thời gian thì nó mới tỉnh thức được trên thân của nó; và khi tỉnh thức rồi thì nó mới được định tỉnh tức là tâm bám chặt trên thân nó. Sau đó chúng ta thay đổi oai nghi khác. Đi được rồi thì thay oai nghi đứng vào sẽ quán dễ dàng vô cùng. Rồi nằm cũng dễ dàng được nữa thì các con ngồi là vô nhập định rồi. Các con thấy không, tới ngồi là mình nhập định rồi. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi; ngồi là oai nghi cuối cùng.
Các con phải theo thứ tự sắp xếp của nó. Còn đằng này các con không theo thứ tự lại tu theo ý của mình nên mới vào liền ngồi. Ngồi là oai nghi sau cùng thế mà hầu hết các con ngồi rồi mới đi, mới đứng, mới nằm. Như vậy các con làm lộn xộn, không đúng.
40 phút nghỉ hay 30 phút nghỉ và thời gian còn lại con dùng cho việc xả từng tâm niệm. Sau mỗi lần xử lí một niệm, con nhắc tâm luôn thanh thản an lạc vô sự, không được phóng dật nữa. Hầu như niệm nào cũng được con kiểm duyệt và xử lí, các niệm chỉ lưa thưa thôi.
Vậy được rồi, khi nghỉ mình dùng tâm xả ngồi chơi. Nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự rồi ngồi chơi nếu có chướng ngại, có niệm gì thì con dùng các pháp xả ra. Con tu vậy là đúng rồi. Không sai.
-Tập bước đi, thấy hai ngày đầu con tỉnh lắm, 10 giờ đi ngủ mà cứ tỉnh đến 12 giờ. Đến ngày thứ ba nó như đòi ngủ bù. Con cố gắng trị nó để không bị hôn trầm. Giặc buồn ngủ này sao khủng khiếp quá, nên 4 phút nghỉ mà con cũng phải đi tới đi lui chứ ngồi thì bị ngủ dù con ngồi ở ghế.
Đúng vậy, trong tu tập nếu mình giữ giờ giấc nào thì mình phải chiến thắng, đừng để cho nó ngủ. Một thời gian sau thì mới quen , mình phải thắng được cái ngủ. Còn nếu mình thấy sức của mình chưa đủ thắng nó thì mình nên lui bớt giờ tu lại, chừng nào mình tu được sức tỉnh thì mới tăng thời gian lên.
Nếu cố giữ thời gian cho nhiều mà sức mình không nổi thì sẽ bị hôn trầm thùy miên đánh gục tới gục lui, mất thì giờ của mình, mà không tu tập tỉnh thức một cách cụ thể rõ ràng. Cho nên trong sự tu tập phải sáng suốt, phải linh động, phải khéo léo, phải thiện xảo thì mới tu tập tốt được.
-Con sợ con cảm nhận bước đi không đúng hay con phải tập thêm pháp nào nữa cho hết buồn ngủ?
Thật ra thì có pháp Thân Hành Niệm khi mình bị buồn ngủ thì ôm pháp Thân Hành Niệm tập thì sẽ tỉnh ra, hết buồn ngủ. Hoặc là trước khi bị buồn ngủ thì mình nên tập đề mục 18 để khi ngồi mà không được tỉnh thức thì tác ý câu “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh, tôi bìết tôi thở ra” đó để cho tâm định tỉnh, không còn bị hôn trầm thùy miên nữa. Khi mình không bị hôn trầm thùy miên thì thường mình tập đề mục 18 đó khi bị buồn ngủ mình tác ý thì sẽ hết liền. Nếu con muốn cho đừng bị hôn trầm thùy miên thì con nên tập pháp Thân Hành Niệm nhiều một chút; tập pháp đó sẽ làm cho mình khoẻ hơn, mà hôn trầm thùy miên sẽ không tác động được mình nhiều.
1 - Con phải tập một phút quán thân cho thuần thục. Tập một phút rất dễ dàng, không có khó khăn, còn tập nhiều quá thì khó khăn. Tập một phút được rồi thì tăng dần lên 5 phút. Giữ 5 phút đó tập trong oai nghi đi cho được thật thuần thục rồi mới chuyển qua oai nghi khác, nhưng phải tập oai nghi đi quán cho được thân rồi mới tập những oai nghi khác. Nếu bây giờ quán thân 5 phút chưa ổn, chưa thuần thục mà lại tập qua một phút ngồi hay một phút đứng, hay một phút nằm thì chưa nên, mà phải tập chuyên một oai nghi đi cho thật sự ổn định.
Mình mới tập quán trên bước đi mà đang có lúc quán được lúc quên, chưa phải là nhớ hết trong suốt thời gian tu, do đó hãy tập 1 phút rồi xả ra. Nếu thấy 1 phút này đạt chất lượng thì tu thêm 1 phút nữa. Ở trong khi đi mà mình tu quán thân như vậy cho đến khi thuần thục thì mới thay đổi qua oai nghi khác. Còn chưa thuần thục thì chưa nên thay đổi. Thí dụ con quán thân con đi 1 phút, trong 1 phút đó con thấy tỉnh thức hoàn toàn, con chủ động hoàn toàn rồi thì tăng lên 2 phút; 3 phút cho đến 5 phút. Sau khi được 5 phút hoàn toàn tỉnh thức rồi thì con mới chuyển qua một oai nghi khác thì có sức định tỉnh quán thân trên thân liền. Bởi con tu tập chuyên, không tập lộn xộn nhiều oai nghi. Nếu bây giờ con vừa tập quán khi đi 1 phút, rồi tập ngồi 1 phút, rồi tập đứng 1 phút, rồi tập nằm 1 phút thì nó phân tâm con bởi oai nghi này khác với oai nghi nọ cho nên nó không còn chuyên, không thuần thục được. Còn con tập thuần thục oai nghi này xong mới chuyển qua oai nghi khác thì dễ dàng hơn bởi con có sức tỉnh thức, sức định tỉnh cho nên con chuyển qua cái này.
Ngay như khi ngồi, hơi thở con nhỏ nhiệm mà vẫn nghe sự rung động cụ thể tỉnh thức định tỉnh trên đó. Cái gì dù nhỏ như mạch máu trong thân mà con vẫn cảm nhận được. Điều cần thiết là con phải tập rất thuần thục tức là tinh xảo một oai nghi này rồi mới chuyển qua oai nghi khác mới đúng cách tập.
Trong sự tu tập con phải nhớ tập cho thuần thục một oai nghi, nếu tu 4 Niệm Xứ. Có nhiều người rất sợ tu 4 Niệm Xứ bởi 4 Niệm Xứ có sự tập trung quán trên thân thì gò bó. Còn nếu tu tâm xả thì nên nhớ lúc nào con cũng xả được hết. Có niệm gì khởi trong tâm hay trên thân có chướng ngại thì lúc bấy giờ có pháp xả rồi. Tu tâm xả, xả chưa hết thì còn niệm. Còn niệm thì còn bị buồn ngủ mà các con vội ngồi quán trên thân để tập trung thì các con bị ức chế tâm, thế nào cũng bị ức chế. Khi các con xả hết thì tâm các con tự quay lại.
Thầy nhắc để các con nghe. Như Mật Hạnh được sống gần bên Thầy nhưng không muốn tu 4 Niệm Xứ cao, mà chỉ muốn tu cái dễ, nghĩa là muốn tu tâm xả thôi:
“Nhiều khi hôn trầm thùy miên đánh con như lúc khuya con muốn dậy không nổi, con chưa xả nó được thì con đâu dám tu 4 Niệm Xứ”.
Nếu chưa xả được hôn trầm thuỳ miên mà ôm pháp 4 Niệm Xứ là bị ức chế, vì đó là pháp tập trung để chú ý cái thân của mình là đã ức chế. Bị ức chế là vì hôn trầm thùy miên còn khi mình ráng nhìn nó để nhiếp phục cái này nhưng thật ra là mình bị ức chế chứ không phải là nhiếp phục. Con trình bày cho Thầy nghe có niệm nào con cũng xả hết, nhưng tâm con đâu phải lúc nào cũng có niệm, nó phải có lúc bình yên chứ. Lúc bình yên thì con thấy rõ ràng tâm con thấy hơi thở; mà thấy hơi thở nhưng con đâu có trụ ở hơi thở cho nên nó phải trụ ở thân con. Do đó nó vừa biết thân con mà nó cũng vừa biết hơi thở. Nó biết thì biết, con không cần tu cái đó. Nó ở đó thanh thản vậy đó, có lúc nó biết hơi thở, có lúc nó thấy rất rõ thân nó đang rung động. Nó biết hết.
Nhưng mỗi khi có niệm gì thì con đuổi, mà không có thì con ngồi chơi. Nó muốn thấy chỗ nào thì để tự nó thấy nhưng con cho nó thấy thân con mà con không tập trung trong thân con. Cho nên trước hay sau con vẫn tu tâm xả, chừng nào tới đâu hay đó, con không cầu mau chẳng sợ lâu. Các con cứ ráng nỗ lực tu tâm xả. Nó cũng đi tới nơi tới chốn vậy. Đó là cách thức M. H. tu và đã trình lại với Thầy. Nó trình bày cái trạng thái thanh thản an lạc vô sự:
“Không có chướng ngại trên thân thì cái tâm tự quay lại trên thân, tự nó quán chứ con không quán. Nếu con có ý quán thân là con bị ức chế. Con không làm vậy vì con biết mình còn những niệm lăng xăng này kia. Như con bây giờ ở gần gia đình con mà anh em hay cha con có gì thì làm sao tâm con yên được, cho nên chỉ còn nước tu xả thôi. Con nói kệ nó, đó là nhân quả, con buông xuống hết. Nhưng nếu con buông xuống là ức chế. Cho nên Thầy dạy con tu tâm xả theo con thấy là hợp với con hơn hết”.
Còn nếu các con nhiếp tâm vào trên thân quán thân, các con thấy khi tu tập từng phút tưng giây mà thấy không có một hiện tượng gì xẩy ra trên thân con thì con quán thân được; còn nếu có hiện tượng thì không quán được.
Hãy nhớ kĩ những điều Thầy nói. Nhưng khi tu tập quán thì quán thân trong khi đi trước, rồi lần lần cho tỉnh thức, có tỉnh thức rồi định tỉnh được trong oai nghi đi, khi đó mới tu tới oai nghi khác. Có như vậy mới bảo đảm sự tu tập trên thân quán thân rất tốt.
Trong Định Niệm Hơi Thở nếu thiếu căn bản thì con trở về tu lại cho căn bản, thí du như: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” con hít vô rồi thở ra con cảm nhận thân con không căn bản cho nên con ôm pháp 4 Niệm Xứ có lúc thấy rõ chỗ này, có lúc lại thấy rõ chỗ kia, không thấy thân hoàn toàn một cách cụ thể. Do sự tu tập thiếu căn bản cho nên bây giờ bước qua lớp 4 Niệm Xứ để quán thân thì bị chới với liền, không đi sâu được.
Con có căn bản trên đề mục này do nhờ con có tập cũng ở trên đó rồi nên con quán “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” thấy tâm con quay vô dựa trên hơi thở mà biết thân rung động nhẹ nhàng. Bắt đầu từ 5 phút, nếu quá dễ dàng thì 10 phút. Con thay đổi từ oai nghi này đến oai nghi khác đủ cả 4 oai nghi. Nếu căn bản đã được vậy, các con nối tiếp các oai nghi đó trong thời gian 7 ngày thì các con thành tựu rồi, hay cho đến 7 năm cũng phải thành tựu. Chỉ sợ các con tu không căn bản thì không nói trong hạn định này.
-Con còn làm việc buổi sáng, con còn tiếp duyên, vậy con có thể tu 4 Niệm Xứ được không?
Khi rỗi rảnh con thấy tâm quay vô thấy hơi thở vô ra. Con có tập thử 4 Niệm Xứ và con có cảm nhận được hơi thở hai oai nghi đi và ngồi con cảm nhận được độ rung động cơ thể khi tâm con thanh thản Khi còn tiếp duyên thì con tu tâm xả là tốt nhất, bởi con tiếp duyên có cái gì con cũng xả, ai làm gì không tốt, chướng tâm, con xả hết cho nên xả vô lượng tâm là thích hợp. Khi xả rồi thì tâm con cũng quay vô thấy ở trên 4 Niệm Xứ đó là đúng. Con lấy tâm xả mà xả luôn mọi tâm niệm. Theo như con trình thì trong hai oai nghi đi và ngồi con nhận được 4 Niệm Xứ thì đó là tốt; con đã có cái thế để khi con xả hết thì tự tâm con cảm nhận được 4 Niệm Xứ.
Khi ngồi con cảm nhận được hơi thở trong oai nghi ngồi, khi đi con cũng cảm nhận được thân trong oai nghi đi, như vậy là tốt. Nhưng đây chỉ là lúc nào đó thôi chứ chưa phải là lúc con tu 4 Niệm Xứ đâu. Đây là khi con để tâm cho nó tự quay về 4 Niệm Xứ. Còn con tu tập 4 Niệm Xứ như trong thư con trình thì Thầy thấy con nên để nó tự quay về 4 Niệm Xứ hơn là con có ý tu tập. Con tự tập tức là có sự bắt buộc nó để nó quán trên thân mà công việc con còn làm, còn tiếp duyên, cho nên coi chừng bị ức chế. Con chỉ nên để tự nhiên cho nó, khi nó tự quay về trên thân quán thân thì con biết tâm quay về và đồng thời thời gian yên ổn đó con để cho nó tự quán thân được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ không bắt buộc 1 phút hay 5 phút gì, mà để nó tự động quay về thân thì con cũng cảm nhận y như người tu 4 Niệm Xứ vậy. Đó là đúng pháp Thường quán nhân quả để xả thất kiết sử. Nếu con không quán về nhân quả thì quán các pháp đều vô thường: “Mặc dù hôm nay như vầy nhưng ngày mai vô thường đến thì làm sao? Trước khi muốn báo hiếu cha mẹ thì mình phải tu tập cho xong. Thương nhớ cha mẹ, vì ái kiết sử, thì mình nỗ lực tu để đền đáp công ơn của người. Khi tu xong, về giúp đỡ cho cha mẹ biết cách tu. Nếu bây giờ mình không nỗ lực tu thì mai mốt vô thường đến mình đền đáp công ơn cha mẹ chỗ nào đâu”. Đó là mình nhắc nhở tâm mình thương nhớ cha mẹ mà cũng xả thương nhớ ra. Mình không nói gì về nhân quả mà mình chỉ nhắc các pháp vô thường, nói về sự tu tập của mình. Con quán như vậy cũng được rồi.
Nếu con quán nhân quả được thì hay. Con quán nhân quả để con an tâm tu chứ không phải quán để diệt hết lòng thương cha mẹ. Ngay như bây giờ thì Thầy bình thường nhưng khi nhắc tới cha mẹ thì Thầy cũng nhớ tới công ơn của cha mẹ. Thầy nhớ lại trong những giờ phút tu tập, lúc còn ở trong thất, Thầy viết cho mẹ Thầy một tập kinh để mẹ Thầy tu. Thầy thấy một người con giúp được cha mẹ tu như vậy là hạnh phúc quá. Sau khi Thầy chứng rồi, nhờ công đức tu tập, mẹ Thầy được an ổn trong khi ra đi. Thầy thấy đó là hạnh phúc quá lớn rồi. Đó là cách một người con đền đáp công ơn cho cha mẹ. Thầy mong các con thấy được cách thức báo đáp công ơn cha mẹ để tình cảm bi lụy ái kiết sử dừng lại, cho mình nổ lực tu.
- Con cảm nhận con đang xoay tròn chứ thật sự con không có xoay, tức đó là cảm nhận bị tưởng. Ở đây cảm nhận đúng là con chỉ cảm nhận sự rung động của thân con thôi. Con đang còn có niệm nên Thầy thiết nghĩ con nên tu tâm xả một thời gian nữa cho đến khi con không quán trên thân mà tự nhiên nó vẫn quay về với thân con. Con đừng quán thân bằng không thì sẽ xẩy ra những trạng thái tưởng. Con quán thân đồng thời cũng cảm nhận thân qua hơi thở nữa thì dễ bị sanh ra tưởng lắm.
Khi quán thân trên thân để nhiếp phục tham ưu thì hôn trầm thùy miên đừng có mới đúng với pháp 4 Niệm Xứ. Nếu có niệm hoặc một trạng thái tưởng nào xảy ra thì nên trở về với pháp xả tâm thì hơn, vì pháp xả không có đối tượng tập trung nên dễ hơn. Còn quán thân có đối tượng thân để quán, có sự rung động của thân để cảm nhận nên ít bị vọng tưởng. Cho nên con nên trở về pháp tu xả tâm thì tốt nhất. Cái gì mình cũng xả hết thì sẽ đem lại sự bình an cho tâm được. Khi bình an tận cùng thì nó thanh thản an lạc vô sự, tâm con sẽ quay vô ở trên 4 Niệm Xứ dễ dàng hơn, nhờ thế nên lúc xa Thầy các con tu tâm xả được dễ. Còn tu 4 Niệm Xứ khó, không dễ đâu. Lỡ có ức chế, bởi vì mình dùng thân để quán nên có sức tập trung, mặc dù mình tu đúng nhưng nó cũng dễ sanh ra tưởng. Cho nên phải ở gần Thầy để tập quán cho đúng.
Theo Thầy thấy trong lớp học chỉ có một vài người có thể tu quán 4 Niệm Xứ thôi chứ toàn lớp tu quán 4 Niệm Xứ thì không được đâu. Con đừng vội tu 4 Niệm Xứ. Con nên tu tâm xả vô lượng, xả rồi cuối cùng con cũng trở về 4 Niệm Xứ. Khi trở về 4 niệm xứ rồi thì lúc đó con mới bắt đầu quán 4 Niệm Xứ.
Quán 4 Niệm Xứ nằm ở lớp thứ 7 Chánh Niệm, nhưng vì Thầy muốn thu ngắn thời gian, chọn lấy một hai người để có thể trong một năm hay hai năm là họ tu chứng để có tiếng nói rằng lớp học của mình có người tu chứng đàng hoàng. Kết quả đó tạo nên thế vững mạnh cho lớp tu của chúng ta hưng thịnh lên, đạo đức của chúng ta sẽ phổ biến rộng ra. Thầy chỉ mong nòng cốt đó thành tựu để nền đạo đức Phật giáo sống không làm khổ mình khổ người sẽ phổ biến rộng ra.
Còn nếu không có người tu chứng thì người ta bán tín bán nghi thì tội cho họ. Vì muốn cho người ta có niềm tin cho nên Thầy buộc lòng đưa gấp ra lớp thứ 7 cho người nào rớt là rớt mà đậu là đậu. Nhưng phần lớn các con rớt thôi. Các con đừng buồn, vì trình độ sức của các con đến đó thôi, nhưng các con cứ tiếp tục ở tu thì cũng lên. Một hai người đã tu lâu người ta quán trên thân được; những người đó được Thầy hướng dẫn cho họ đi tới tận cùng. Nếu bây giờ cứ để chúng chung chung mà không săn sóc kĩ cho những người đó thì nó lại kéo dài thời gian ra nữa. Mình không sớm đưa ra kết quả cho mọi người thấy thì họ bị mất lòng tin thì cũng tội. Một khi họ đã thấy trong lớp này có người tu chứng được, nghe được tin như vậy, người ta sửng sốt, vì tin đó làm cho người ta quá mừng cho nên mọi người không còn nghi ngờ gì nữa. Đến khi chúng ta mở lớp thứ 2 Chánh Kiến vào tháng 10 năm tới, họ sẽ khăn gói đi lên lớp học. Thầy chỉ mong như vậy để nền đạo đức của Phật giáo được phổ biến rộng hơn, cứu vớt biết bao người đang đau khổ.
Vậy con về nhớ tu tâm xả, bởi vì qua sự trình bày của con, Thầy biết rõ.
Một khi các con học lớp Thầy dạy rồi, nghe Thầy nói rồi, các con nhận ra được các con quán thân trên thân có được chưa và các con đang ở lớp nào tu thì các con cũng biết. Các con nhận ra trạng thái của các con như thế nào, khi quán thân trên thân 4 Niệm Xứ, các con đều biết rõ ràng các con đã có sức tỉnh thức hay chưa, có sức định tỉnh hay chưa. Khi nghe Thầy dạy rồi thì người nào lanh ý sẽ nhận ra được liền. Khi nghe người khác nói tu 4 Niệm Xứ hay gì nếu họ trình bày trạng thái đó ra thì mình sẽ biết họ như thế nào. Bởi Thầy dạy cặn kẽ cụ thể cho nên không còn ai gạt các con được. Nếu các con đi các trường thiền khác khi họ dạy 4 Niệm Xứ các con sẽ không thể nào chấp nhận được. Nghe họ nói các con biết rõ họ tu chẳng tới đâu hết. Chẳng hạn một người dạy con tu thiền mà người này còn ăn phi thời là họ không bằng các con rồi, các con còn ăn ngày một ngọ còn người này dạy tu thiền nói thì trên trời mà còn ăn phi thời tức chưa li dục thì làm sao các con phục để theo tu. Các con thấy nội giới luật mà các con còn không phục họ thì làm sao nhận họ dạy mình. Từ đây các con đi bất cứ trường thiền nào, dù vị thầy đứng ra dạy thiền là như thế nào mà con biết vị đó không tròn giới luật thì biết chắc các con sẽ bị dẫn đi lầm lạc đường lối Phật rồi. Các ông có đời sống không phạm hạnh trong ăn uống, trong ca hát, trong lợi dưỡng, sống không khác ngoài đời thì dạy tu thiền gì đây. Thậm chí như chỗ ở của họ thôi, các con vô thấy những tiện nghi của thế gian như thế nào thì họ đều có mà lại là loại sang trọng, quý giá mà ông dạy các con tu buông xả vậy có đáng tin để tu theo không.
Các con đã đến Tu Viện sống với Thầy một thời gian thì khi các con đi chỗ khác làm sao các con phục họ để các con tu, trừ khi con không hay biết gì về đời sống ở đây hết thì các con sẽ cho rằng ông thầy này có phước quá, được nhà cửa đẹp sang, phương tiện đầy đủ hơn nhà giàu, đi đứng oai nghi bệ vệ rộn ràng xe pháo đón đưa... thì các con mong được như ông ta hay có thể nhờ tiếng là học với ông ta mà các con có lợi điểm thêm. Nhưng đó là phước hữu lậu, chỉ chạy theo dục thôi chứ có giá trị tu hành gì. Các con biết như vậy sau khi đã học với Thầy thì không người nào như họ có thể lừa đảo các con được.
- Quán 4 Niệm Xứ thì khi nào con thuần thục trên bước đi, rồi con có đủ sức tỉnh thức, rồi có đủ sức định tỉnh, lúc đó con qua quán trên thân khi ngồi thì rất dễ. Còn bây giờ Thầy nói thì chắc con chưa hiểu nổi. Ngồi mà cảm nhận toàn thân con “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Làm sao con cảm nhận sự rung động từ trên đầu tới dưới chân khi con hít vô mặc dù con ngồi xếp bằng kiết già, rồi sự rung động từ bàn chân lên tới trên đầu của con khi con thở ra. Cảm giác toàn thân con được vậy là con sẽ ngồi tu là tốt nhất, bởi vì bây giờ mà ngồi thì con chỉ thấy hai chân con yên lặng chứ không rung động đâu. Nhưng khi hít vô con thấy nó rung tới ngón chân luôn, con thở ra thấy nó từ ngón chân rung động dần lên tới trên đầu y như hơi thở, nhưng điều kiện là con phải có đủ sức tỉnh giác tức tỉnh thức, nếu có định tỉnh nữa thì sự rung động đó lại dễ dàng cảm nhận lúc ngồi lắm. Còn bây giờ, sức tỉnh thức con chưa có, con mới tập quán thôi. Đi mà ngã tới ngã lui mới thấy chứ nếu không ngã thì có thể không thấy.
Sau khi tập quán được định tỉnh xong thì mới đi nhẹ nhàng mà thấy thân con rung động. Rồi đi càng chậm nhẹ nữa con cũng thấy sự rung động. Đó là sức tỉnh thức ngày càng cao mình thấy rõ. Đó là cách thức tập. Thầy nói như vậy các con hiểu rồi phải không? Các con cứ tập dần rồi sẽ thấy. Khi tâm các con định tỉnh các con ngồi sẽ thấy rõ, chứ bây giờ các con ngồi phải ráng thấy mà không thấy thì tưởng. Tưởng thì nó chạy, vì chạy nên trật. Chạy từ trên đầu tới chân coi như hơi thở chạy, như vậy coi chừng bị tưởng hết. Cho nên ráng tu trong oai nghi đi trước, từ từ, không lẽ mới nửa tháng hay một tháng mà ngồi được sao? Sáu tháng sau chưa chắc ngồi được nữa chứ!
- Con tu tâm xả, bây giờ tâm quay về hơi thở thì nó thấy hơi thở, nhưng mình không trụ vào hơi thở; thấy được thân cũng tốt mà không thấy được thân thì không sao. Mình xả được đến khi tâm thanh thản an lạc vô sự thì nó sẽ biết hơi thở đầu tiên, biết cái rung động của hơi thở rồi bắt đầu nó có thấy được thân nó cũng tốt hay không thấy cũng chẳng sao, chỉ thấy hơi thở là đủ rồi. Như Mật Hạnh nói có thấy hơi thở mà cũng thấy thân nó tại vì lúc bấy giờ nó tỉnh thức, con hiểu không? Chưa tỉnh thức thì nó bám hơi thở nó thấy; nhưng đừng cho nó bám chặt theo kiểu nhiếp trong hơi thở, mình chỉ để tự nhiên thôi, rồi lần lượt sức tỉnh cao lên thì nó thấy được thân nó. Tự nó quán chứ mình không quán, con hiểu chứ?
Con tu như vậy là đúng nhưng cần lưu ý đừng trụ trong hơi thở mới đúng. Mới đầu chưa tỉnh thức thì nó chỉ thấy hơi thở thôi, không thấy thân đâu. Một thời gian sau, khi sức tỉnh thức tăng lên thì mới bắt đầu thấy thân.
Càng tỉnh thức thì thấy thân càng rõ. Mới xả được thì thấy có hơi thở thôi.
Xả xong rồi lâu sau mới thấy thêm thân.