BÀI THỨ BA: DẠY MỘT TU SINH NAM
Khi ngồi lâu sinh những cảm thọ này kia thì hãy xả ra, đứng dậy đi, đừng ngồi nữa. Mình đang tập quán thân thì đi mà vẫn quan sát thân. Khi mới ngồi tu Tứ Niệm Xứ thì đừng để thọ niệm xứ cũng như tâm niệm xứ xen vào lúc đang quan sát thân niệm xứ.
Các con ngồi, bắt đầu hít vô thở ra tác ý, chú ý cảm nhận thân mình rõ ràng. Khi nào các con nghe chừng như có cảm giác thì các con đứng dậy đi, chứ không phải đợi đến khi có cảm thọ. Đi để xả thọ ra, vì mình đang tu quán thân chứ không phải quán thọ. Khi đi các con vẫn quán thân, nhưng khác với lúc ngồi; lúc ngồi thì quán thân nương vào hơi thở, bây giờ đi thì quán thân nương vào bước đi, chứ không nương vào hơi thở. Các con cũng cảm biết toàn bộ thân từ trên đầu xuống tới chân, từ chân lên tới trên đầu trong lúc chân bước đi, không lưu tâm tới bước đi, tập trung tâm vào trên toàn thân, vì vậy có thể phải đi chậm hơn lúc đi kinh hành tỉnh giác.
Khi đi cũng quán được trên thân, ngồi cũng quán được trên thân thì bắt đầu tập quán thân trong tư thế nằm. Khi quán được thân trọn vẹn trong cả 4 oai nghi thì hôn trầm không vô nữa, niệm cũng không vô, thọ cũng không vô.
Các con hãy đọc câu “Trên thân quán thân nhiếp phục tham ưu”. Quán thân thì nhiếp phục các ưu phiền hết, không để chúng vô. Mình tu cái thân, mà trên thân thì có thọ, tâm, pháp; quán thân tức là quán thọ, quán tâm, quán pháp đủ hết, vì thân là cái khối của tứ niệm xứ. Nhưng hiện giờ ta tu quán thân nên không cho thọ tới, cũng không cho tâm tới, pháp tới. Chỉ quán thân thôi. Đi chậm thì mới quan sát kĩ, mới cảm nhận để nhiếp phục tham ưu.
Quán thân nhiếp phục tham ưu là quán thân thì không có niệm nào khởi lên xen vô được. Có vậy mới gọi là nhiếp phục tham ưu. Quán thân là nhiếp phục hết, không có niệm nào mà không nhiếp phục. Quán thân đến khi không có những cái tham ưu gì khác thì chỉ còn quán thân thôi. Như vậy mới đi đến định tỉnh, tâm định trên thân.
Đi Kinh Hành Tứ Niệm Xứ cần chậm để quan sát thân cho kĩ. Động tác đi làm thân máy động, rung động theo nhịp bước đi. Nương vào đó để quan sát thân, không cho mất niệm quan sát thân. Khi quan sát kĩ như thế thì nó nhiếp phục tham ưu, không có một niệm ưu phiền gì, không có cảm thọ gì xen vô lúc đó được, không có pháp nào tác động trong đó được. Khi mình quán thân thì tâm quay vô, không phóng dật. Hễ quay vô không phóng dật thì nó quán, mà quán không hề quên. Quán hoài thì càng ngày càng định tỉnh, mà đã định tỉnh thì nhiếp phục tham ưu hết. Nhiếp phục hết tất cả những chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp cho nên mới nói “Trên thân quán thân nhiếp phục tham ưu”.
Khi đã tu đúng rồi thì ta không cần phải tác ý đuổi niệm nào đi nữa. Tu không đúng, cứ để các niệm xen vô thì làm sao không có cảm thọ các thứ, rồi cứ quán này quán kia đưa tâm mình đi chỗ này chỗ kia làm trật hết. Nhất là cứ bảo ta phải ghi nhận, ghi nhận. Tiêu hết. Ở đây kinh bảo “Quán thân trên thân để khắc phục tham ưu”, khắc phục rồi thì đâu còn ưu phiền nữa đâu mà bảo ghi nhận. Lại có pháp môn “Niệm Thọ”. Thọ thì lúc có lúc không, làm sao “Niệm Thọ” được. Có đau thì niệm thọ được còn không đau thì lấy gì mà niệm?
Có chăng thì chỉ “Quán Thọ” thôi.
Bây giờ con làm sao tập quan sát cho được thân. Cái đó là cái thứ nhất.
Đừng ham tập nhiều, chỉ tập ít, tập cho kĩ lưỡng để nó nhiếp phục tham ưu, chứ tập lỏng lẻo thì nó nhiếp phục không được đâu. Có nghĩa là tu tập đúng với đặc tướng, đúng với sức của mình. Cái thứ hai là Chánh Kiến, tư duy không đủ thâm sâu thì lên lớp này sẽ rớt xuống hết. Khi triển khai tri kiến rồi thì tự nó xả li nhiều lắm. Cho nên ở lớp Chánh Kiến làm bài vở đầy đủ rồi thì lên lớp Chánh Tư Duy này ngồi nhiếp tâm quan sát quán thân thì nó im re, không có niệm nào vô được đâu, tại vì cái lực tri kiến xả ở lớp Chánh Kiến mạnh.
Như khi các con đã quán thâm sâu về thực phẩm bất tịnh thì tâm đã nhàm, không thèm, không muốn ăn rồi, nó li dục ăn rồi. Sau đó quán các pháp vô thường thì nó xả ngã. Tại quán không sâu nên còn ngã, chứ quán sâu thấy thật sự vô thường thì không chấp nhận ngã, không chấp nhận thường. Riêng học nhân quả mà sâu rồi thì có cái gì mà không ở trong nhân quả. Nếu lớp Chánh Kiến được học trong một năm, các bài được làm đi làm lại tư duy cho sâu, không còn sót một vấn đề nào trong số các vấn đề đã học, thì nó sẽ thấm nhuần, thì sẽ xả vô cùng nhiều, không còn tham đắm gì nữa, nó sẽ li dục li ác pháp rất nhiều; chừng tới lớp Chánh Tư Duy nó nhiếp phục tham ưu hết.
Lớp dưới có căn bản thì lên lớp trên sẽ dễ tu hơn. Cho nên ai tu ở lớp Chánh Kiến mà làm bài quán chưa đủ thâm sâu thì lên lớp này sẽ bị rớt xuống lại hết. Chứ làm sao không rớt được khi ngồi lại thì cứ niệm này niệm kia dồn dập tới, làm sao tu được.
Con tu ở lớp Chánh Tư Duy này mà đúng thì con sẽ thấy nó nhiếp ghê lắm, đến khi sung mãn Tứ Niệm Xứ con sẽ thấy trạng thái nhiếp của nó. Con cứ tập từ từ, đừng có vội, tập cho nhuần nhuyễn.
Quán thân không phải dễ đâu. Phải quan sát thân đừng để lúc quên lúc nhớ. Khi con tập quan sát toàn thân đầy đủ, không có sót một chỗ nào, không có niệm, quán trọn vẹn liên tục suốt thời gian từ phút đầu đến phút cuối đều y như vậy thì mới xem là được.
Khi ngồi, con hãy quán thân nương vào hơi thở hít vô thở ra. Đó là công thức. Tập quán thân cho kĩ đi, khoan rời hơi thở. Nhưng đừng rơi vào hơi thở mà quên quán thân. Phải cảm nhận sự rung động của thân nhè nhẹ từ đầu xuống tới chân theo hơi thở vô ra. Khoan rời hơi thở. Đừng cảm nhận duy nhất hơi thở. Tập quán thân kĩ như vậy.
Phải tập luyện quán thân trong trạng thái đầy đủ ý thức, đừng để ý thức có một chút nào mê mờ. Khi ý thức có một khoảnh khắc mê mờ thì ngay lúc đó tưởng thức có cơ hội chen vào và hướng dẫn cái biết của ta đi vào tưởng.
Các con tỉnh nhưng tỉnh trong tưởng, sáng suốt trong tưởng. Bởi vậy khi lọt vào pháp tưởng thì lí luận rất hay. Phải tu ý thức từng hơi thở, đừng để bị mất ý thức hay ý thức bị chìm lắng đi. Do vậy, không nên tu lâu trong một oai nghi bằng không thì sẽ đi đến chỗ ức chế tâm, mà ức chế tâm thì tưởng thức mới có cơ hội xen vào đẩy lùi ý thức đi để tưởng thức thay chỗ.
Đạo Phật tu bằng ý chứ không tu bằng tưởng. Khi hít vô, thở ra đều có sự rung động bành trướng giản nỡ. Đó là cảm nhận thân hành.
Đứng, ngồi và nằm đều có cảm nhận giống nhau, cảm giác giống nhau.
Cả ba oai nghi này đều có trạng thái nhiếp tâm giống nhau. Thay đổi các oai nghi này để không cho niệm thọ xẩy ra, nên khi ngồi lâu muốn tránh không để xẩy ra cảm thọ thì ta nên thay đổi bằng đứng hay nằm, hoặc đi. Đi thì cảm nhận khác hơn, nó tùy theo hai hành động: hành động đi và hành động hơi thở, vậy mình phải nương hành động nào? Mỗi bước đi đều làm chuyển động toàn cơ thể, còn hơi thở nhẹ hơn.