Skip directly to content

BÀI THỨ HAI : DẠY BỐN TU SINH NAM

(Ngày 23-2-2006)

Hướng dẫn căn bản NGỒI QUÁN THÂN TRÊN THÂN THEO TỨ NIỆM XỨ. Muốn ngồi tu Tứ Niệm Xứ, các con phải nhớ kĩ câu đức Phật dạy trong Định Niệm Hơi Thở: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, nghĩa là các con hít vô thở ra nhưng cảm nhận cảm giác toàn thân. Đó là giai đoạn đầu, còn bây giờ các con đã rành rồi thì các con tác ý như thế này “Tâm quay vô nhìn thân, quan sát thân của mình”, rồi bắt đầu các con lắng, yên lặng thì các con thấy nó quay vô, tức là nó quay vô. Các con đã làm như vậy chưa?
- Dạ chưa.
- Bắt đầu tu tập thì các con nhắc câu theo Định Niệm Hơi Thở: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, tức là mình cảm nhận toàn thân trong khi nương vào hơi thở. Cái này các con đã tập chưa?
- Dạ đang tập.
- Vậy được rồi. Bây giờ các con chỉ tác ý “Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp”. Tác ý xong các con ngồi yên lặng thì thấy nó nhìn, nó cảm nhận liền, tức tâm quay vô; nó quay vô tức là nó không còn phóng dật nữa. Mình chỉ truyền lệnh chứ mình không nói câu như người mới tu trong Định Niệm Hơi Thở. Các con cứ nhắc thì thấy cái tâm mình quay vô. Khi nó quay vô thì nó tỉnh thức trên thân liền. Nhưng các con cần khéo léo khi nhắc “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, nếu thấy bụng của mình co, phình xọp thì các con đừng tập trung ở đó. Các con cần cảm nhận thân mình mà lại tập trung vào chỗ đó thì sẽ bị kẹt. Cho nên nếu chỉ sai một chút xíu thì sẽ đi vào chỗ ức chế tâm. Vậy cần phải tránh cái sai này.
Bây giờ các con đã nhớ thì các con hãy ngồi xuống hết. Đầu tiên vô các con ngồi xuống, tác ý “cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, xong nhắc tiếp câu “Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp”, rồi ngồi yên lặng để thấy tâm quay vô nhìn thân.
Nếu quên thì nhắc lại lần nữa “Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp” . Trong thời gian đó con nương vào hơi thở mà cảm nhận trên toàn thân.
Ngồi phải giữ tư thế ngồi cho đúng. Chân kiết già; lưng thẳng, không khòm, không nghiêng; đầu thẳng, không cúi; mắt mở một phần ba, nhìn xuống trước mặt cách khoảng độ 5, 7 tấc, đừng nhắm mắt; tay để tự nhiên trên gối, trước hai chân hay trên gót chân sát bụng. Các con kiểm soát lại xem đã đúng chưa, thoải mái không? Đoan trang chánh hạnh chưa? Các con giữ yên lặng và kiểm soát thân trong 3-5 phút. Các con có thấy được thân các con từ đầu cổ xuống hai vai và lưng, ngực, bụng, hai vế, cẳng chân, bàn chân đang kiết già; nghĩa là các con cảm nhận và thấy toàn bộ thân của các con. Bây giờ các con làm sao giữ cho hình ảnh thân các con qua cảm nhận và thấy đó được cụ thể rõ ràng trong tâm đúng với thực tế, đó là các con thấy thân như thật. Giữ thân bất động, không nhúc nhích động đậy chỗ nào hết trong vài phút nữa, các con cảm nhận và thấy thêm những gì? Toàn thân các con từ mông lên ngực bụng đầu đều có rung động đẩy lên nở ra khi hít vào và khi thở ra thì thu trở về, xẹp xuống lại. Các chuyển động rung động đó lan truyền nhè nhẹ xuống hai chân kiết già. Nói chung toàn bộ thân đều có rung động theo hơi thở. Các con cảm nhận thấy thân, cảm nhận thấy sự rung động của thân. Tất cả đều rõ ràng, cụ thể. Đó là các con đã “Quán thân trên thân”, nương vào hơi thở để thấy sự rung động của thân trên thân.
Khi tu Định Niệm Hơi Thở, các con nương theo hơi thở vô hơi thở ra để cảm nhận sự rung động này của thân. Bây giờ tu quán thân trên thân theo Tứ Niệm Xứ, các con lấy tâm để quan sát thân trong tác động của hơi thở; tâm có niệm hay không có niệm không quan trọng; đừng quên cảm nhận toàn thân của mình. Nếu quên thì nhắc lại câu pháp hướng lần nữa. (“Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp”) Có bấy nhiêu đó thôi. Đến chừng vào lớp, Thầy sẽ kiểm lại một lần nữa.
Các con lưu ý đừng quên quan sát cảm nhận thân nương vào hơi thở.
Đây là mình tập quan sát thân thọ tâm pháp của mình. Vừa biết thân vừa biết cảm nhận hơi thở, đừng mất biết thân, đừng mất cảm nhận hơi thở, dù mình biết có niệm, biết không niệm. Đây là lúc mình tập quán thân trên thân, chứ chưa diệt niệm khắc phục tham ưu. Chưa quán được thân mà lo diệt niệm nữa thì không được.
Nương theo đề mục 4 của Định Niệm Hơi Thở để tập cho tâm quay vô để quán. Tập cái này trong vòng một tuần cho quen. Tâm quay vô nó quán tức quan sát. Tâm tỉnh thức trên thân hành của nó. Khi quay vô quen rồi thì mình chỉ vừa tác ý, nó liền quay vô. Khi quay vô thành thục rồi thì chừng đó mình mới sử dụng để xả các niệm. Chứ mới đầu mà mình xả các niệm lia lịa thì nó động, mà động thì sức cảm nhận, sức tỉnh của mình bị mất rồi không cảm nhận thân hành được. Mới vô chưa cảm nhận cụ thể thân của mình, mới tu chỉ 2, 3 phút, có khi còn quên, mà thấy có niệm lo xả niệm, thấy có cảm thọ lo xả cảm thọ, không chịu để cho tâm của mình quen cảm nhận là vội quá, không đúng.
Đức Phật nói “Trên thân quán thân”, “Trên tâm quán tâm”, “Trên thọ quán thọ”, “Trên pháp quán pháp”. Tập quán trước đã. Chưa quán được thì chưa dùng nó để xả cái gì hết, chưa khắc phục tham ưu đâu. Phải quán được rồi mới tập khắc phục tham ưu. Mình phải tu từng bước, chứ mới nhào vô mà nghe nói “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” rồi khắc phục tham ưu liền thì đâu được. Phải qua nhiều bước. Tu từng bước thì mới vững vàng, mới ổn định. Vừa quán vừa nhiếp thì cái quán của mình chưa thuần, đang còn lúc ra lúc vô, lúc được lúc mất, chưa chủ động được, rồi mình phải cố gắng để nhiếp thành ra bị ức chế.
Đây là tập tỉnh thức trên cái quán. Tu Tứ Niệm Xứ là tập quán thân, thọ, tâm, pháp. Quán là ngầm tỉnh thức trên đó. Sau đó dùng pháp tác ý cho tâm quay vô, vừa quay vô là nó quán liền để tỉnh thức trên đề mục quán thân.
Rồi mới tới giai đoạn xả, tức là giai đoạn nhiếp phục tham ưu. Nghe câu kinh thì có vẻ đơn giản: “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Nghe dường như làm một lượt vừa quán vừa nhiếp phục, nhưng mình phải ngắt làm hai bước, tu tập từng bước cho nó dễ. Bước đầu mình phải tập quán sát trên pháp tỉnh thức; sau khi thấy tỉnh được rồi thì tới bước thứ hai mới bắt đầu nhiếp phục tham ưu, tức là giai đoạn tỉnh thức được rồi thì mới tới giai đoạn nhiếp. Phải tu từng giai đoạn.
Hôm nay Thầy dạy cho các con phần căn bản để thời gian tu được thu ngắn lại, không còn dài nữa. Khi quán được rồi, tới cách thức nhiếp phục thì Thầy sẽ trao pháp tiếp. Tham ưu tới thì mình nhiếp. Khi các con tỉnh thức quán được rồi thì ít bị chướng ngại, tức ít bị trạng thái tham ưu, mà nếu có thì mình nhiếp. Quán chưa được, quán mà không tỉnh thì bị chướng ngại, bị hôn trầm, thùy miên. Đó là những trạng thái tham ưu, chướng ngại. Khi không tỉnh thì quên, quán không được, do vậy vọng niệm mới xen vô. Sức tỉnh chưa có mà đánh lung tung thì phải dậm chân tại chỗ thôi.
Bây giờ nhận ra đúng pháp rồi, vậy các con về thất tu tập. Các con thấy từ lâu các con đã có khả năng quán thấy tâm quay vô. Khi cảm giác toàn thân thì cái tâm quay vô cho nên nó thấy cái bụng phình lên xẹp xuống. Nhưng bây giờ các con đừng có tập trung vào chỗ bụng đó nữa mà phải thấy từ chân lên đầu. Đi qua bụng cũng thấy phình lên xẹp xuống như thế nhưng các con đừng có đứng lại ở chỗ bụng; đứng lại ở đó các con gom tâm tới đó rồi cứ thấy bụng phình lên xẹp xuống, các con sẽ bị sanh tưởng. Mà nếu đứng hẳn ở hơi thở thì bị tưởng hơi thở, lại cũng sai. Các con cứ thấy hơi thở khắp toàn thân; hít thở, hít thở... Hơi thở cứ lên xuống, lên xuống. Phải khéo như vậy đó.
Cảm nhận tức là cái tâm của mình gom lại, quay vô quan sát từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Nó không đứng ở chỗ nào cả. Nếu nó đứng lại ở bụng thì thấy bụng phình lên xẹp xuống. Thầy sợ các con sai lắm. Sợ các con đứng ở bụng. Phải nhớ hễ tỉnh thức trên thân của mình thì không những thấy hơi thở ở chỗ bụng phình lên xẹp xuống, mà còn thấy nó chạy xuống tới dưới chân nữa. Cứ đi lên đi xuống như thế, không đứng lại ở điểm nào mà phải thấy khắp toàn thân. Đấy, phải nhận xét cho kỹ ở điểm này để tu tập chứ không khéo trật một chút là trật hoàn toàn liền.
Nếu có niệm nào hay nếu tâm tập trung trên một nơi ở đâu thì phải đem tâm trở về quán toàn thân, đừng cho tâm trụ ở một điểm nào, có niệm khởi hay không có niệm khởi thì cũng được, không sao. Bây giờ chỉ mới tập cho tỉnh thức trên thân chứ chưa phải tới giai đoạn xả niệm, hay nhiếp phục tham ưu nên không quan trọng có niệm hay không niệm; cũng không tìm cách khắc phục cho không niệm. Tập sao để khi vừa thấy có niệm thì tâm quay lại cảm nhận thân để tỉnh thức trên thân. Mà khi quay lại quan sát thân kĩ lưỡng, niệm không có, chỉ nương theo biết hơi thở, nhờ sự động dụng của hơi thở vô ra đó mà nó thấy từ trên đầu xuống tới dưới chân hay từ dưới chân lên đầu, nghĩa là cảm nhận toàn thân cùng lúc, toàn bộ từ trên xuống từ dưới lên. Tập làm sao cho tâm cảm nhận được cái thân, không trụ ở hơi thở cũng không trụ ở bụng hay ở mũi hay ở mỗi hành động của thân thì đó là mình đạt được rồi. Luôn luôn có sự nhẹ nhàng quan sát từ dưới chân lên đầu từ đầu xuống chân, tức nó đang quán, đang tập quán. Làm sao thấy nó quan sát cái rung động, chuyển động của toàn thân chứ không phải chạy theo hơi thở lên xuống, cũng không phải dẫn hơi thở chạy lên xuống, không phải dẫn hơi thở đi chỗ này chỗ khác, mà nó quan sát toàn thân theo nhịp của hơi thở.
Bây giờ chỉ tập ngồi quan sát thân, thọ, tâm của mình theo hơi thở. Khi đã thành thục thì mới đổi oai nghi như đi quan sát thân, thọ, tâm của mình; đứng quan sát thân, thọ, tâm của mình; nằm quan sát thân, thọ, tâm của mình. Tập từng oai nghi để rồi ráp lại, chứ mình không thể nào giỏi mà tập cùng lúc tất cả 4 oai nghi được. Tập từng hành động cho đến khi quen. Tập tỉnh thức trong mỗi hành động đó cho được, rồi mới bắt đầu mở cuộc chiến đấu để dẹp giặc sanh tử của mình.
Bây giờ các con chưa đánh mà chỉ tập quan sát mặt trận. Quan sát cho quen mặt trận để biết cách giặc đi như thế nào, ở chỗ nào cho hoàn chỉnh.
Biết cho hoàn chỉnh trên mặt trận Tứ Niệm Xứ, tức là con làm sao để biết toàn thân hành trong suốt thời gian một hay hai giờ. Quan sát tức quán trong khi rất tỉnh, rồi sau đó mới tới diệt tham ưu, tức là làm cho ưu phiền hết.
Không ưu phiền thì nhiếp thân vô trong hơi thở.
Tập quán thân mà các con cứ nhiếp vào hơi thở là do các con tập nhiếp vào hơi thở thành thói quen. Vậy thì các con tập buông hơi thở ra, chỉ tập trung quan sát trên thân như Thầy mới chỉ dẫn. Khi quan sát thân thì nó nhẹ nhàng, không còn nhiếp ở hơi thở hay ở đâu khác nữa. Thí dụ nếu nhiếp vào bụng thì nó chỉ còn biết cái bụng phình lên xẹp xuống mà nó quên cái chân, quên cái đầu. Nếu nhiếp vào hơi thở thì nó quên cái thân, quên cái bụng, chỉ còn biết hơi thở ra vô. Còn nếu nhiếp phục tham ưu là nó nhiếp phục những cái gì làm cho thân tâm của mình bị chướng ngại. Nhiếp là làm cho nó hết.
Đó là các con nhiếp để tâp trung gom tâm là không đúng với quan sát cảm giác, cảm nhận toàn thân. Không đúng “quán thân trên thân”.
Vậy thì các con làm sao để cảm nhận liên tục trên thân hành của các con, chứ đừng có lúc vô lúc ra. Các con cố gắng tập đừng nhiếp vào hơi thở hoặc nơi bụng thì sẽ cảm nhận toàn thân liền. Nhiếp vào toàn thân là đúng, quay về toàn thân là đúng, đó chính là quán thân. Nếu nó đi ra khỏi thân mà tự động nó nhớ, nó quay về, tự động nó kéo trở về lại thân thì để như thế. Quay về biết toàn thân là đúng rồi.
Phải mở mắt mà tập quán, đừng nhắm mắt. Nhắm mắt thì đến khi nhiếp tâm và an trú vừa được nó lại sanh tưởng, phải mất công đuổi, mà đuổi thì ta bị mất niệm của biết thân, mất sự quan sát thân. Quán thân là tập tỉnh thức trên thân, sau này kéo dài cái biết thân để được định tỉnh trên thân.
Nghĩa là từ quán thân đi đến tỉnh thức; từ tỉnh thức mới đi đến định tỉnh.
Phải đi mấy giai đoạn mới định tỉnh. Định tỉnh thì tâm nhu nhuyến dễ sử dụng. Tức là mình đi đường Tứ Niệm Xứ, khỏi đi qua góc độ của Một Pháp Độc Nhất.
Các con tập cảm nhận sự rung động như trong pháp Thân Hành Niệm “Cảm giác thân hành, tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành, tôi biết tôi thở ra” mà đức Phật đã dạy. Nghĩa là khi hít vô ta thấy có sự rung động nhẹ nhàng. Đó là hành trong toàn thân theo hơi thở. Trong bài Thân Hành Niệm dạy về hơi thở đức Phật xác định rõ cảm giác thân hành toàn thân.
Khi mình hít vô hay thở ra cảm thấy có sự rung động là cảm nhận trên hành động của toàn thân chứ không phải là cảm nhận một khối toàn thân. Nếu cảm thấy toàn thân như một khối cứng mà thiếu sự rung động của cái khối thì sau này có thể bị tưởng thành một khối nặng, rồi cảm giác nặng.
Còn bên Định Niệm Hơi Thở thì nói: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra”, nếu cảm nhận được cả một khối có sự rung động nhẹ nhàng theo hơi thở vô ra, rồi một lúc sau sẽ có cảm giác nhẹ nhàng cả toàn thân thì cũng được.
Cũng trên pháp Tứ Niệm Xứ mà mỗi người có đặc tướng riêng có những cách thức quán khác nhau. Cho nên tùy theo đặc tướng mà quan sát thân đúng với pháp Tứ Niệm Xứ. Đừng quán sai, sau này khi nhiếp tâm sẽ bị tưởng, do đó sẽ bị dậm chân tại chỗ. Pháp Tứ Niệm Xứ là pháp tuyệt vời. Đúng theo Tứ Niệm Xứ mà tu thì đức Phật nói thời gian mình tu không có lâu đâu.
Hôm nay các con qua giai đoạn tu quán Tứ Niệm Xứ thì đây là giai đoạn quan trọng, phải tu tập cẩn thận và cố gắng siêng năng tinh tấn. Pháp Tứ Niệm Xứ lúc đầu còn tác ý cảm giác toàn thân, nhưng sau thì không dùng pháp tác ý nữa mà dùng pháp hướng tâm ra lệnh: “Tâm không phóng dật, quay vô nhìn thân! Quan sát thân!”. Ra lệnh xong rồi tác ý “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự”. Lắng nghe thì thấy tâm thanh thản an lạc vô sự. Lắng là mình thấy nó quan sát. Hướng tâm thì nhanh lắm, không cần sử dụng tác ý.
Các con nên tập ra lệnh hướng tâm cho quen, sau này sẽ dễ. Vừa hướng tâm là tâm quay vô liền. Ngay từ đầu mà tập cho nhanh được thì sẽ dễ cho mình sau này. Thứ nhất là dùng phương pháp của Phật dạy để mình nương vào hơi thở mà quan sát thân; cái thứ hai là dùng pháp tác ý bảo nó quay vô, không phóng dật.
Mình biết mục đích mà đức Phật nói “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”, giờ mình nhắc bảo nó “Tâm không phóng dật, quay vô, quan sát thân theo Tứ Niệm Xứ” thì nó quay vô. Tập như thế kết quả mau lắm. Lệnh truyền thì mau kết quả. Tức là mình tập Tứ Thần Túc đó.
Bây giờ các con đã biết được cách thức tập rồi thì tập theo vậy cho nhanh. Hồi nào giờ các con tập mỗi người mỗi khác; nhưng bây giờ không nên vậy nữa, các con đã biết cách rồi thì phải tập cho nhanh. Các con ra lệnh thì được thực hiện ngay liền.
Vừa mới ngồi xong là các con bảo tâm quay vô: “Tâm thanh thản an lạc vô sự, quan sát trên thân, thọ, tâm, pháp.” Ra lệnh như vậy, rồi ngồi lặng yên thì thấy tâm quay vô. Bảo nó quay vô thì thấy tâm quay vô nhìn thân; rồi bắt đầu thấy toàn thân rung động ăn nhịp với hơi thở vô ra, vô ra.
Sau đó không cần hơi thở nữa, mà nó vẫn tỉnh thức quan sát trên toàn thân của nó; không có gì làm mất sự quan sát đó được. Mà nó quan sát nhẹ nhàng lắm. Chẳng hạn như bây giờ Thầy bảo “Tâm không phóng dật nghe!” rồi Thầy bắt đầu ngồi im, chống tay ngồi, Thầy thấy rõ ràng là nó nhìn thân của Thầy, như là thân của Thầy đang ngủ mà tâm của Thầy đang coi thân của Thầy. Đó là tâm Thầy đang quan sát. Có hai phần thật sự: thân đang ngồi và tâm của Thầy đứng ở ngoài nhìn thân Thầy. Luôn luôn nhìn thân Thầy chứ nó không nhìn chỗ khác đâu. Nó chú ý nhìn cái thân đang ở đó. Nó yên lặng. Đó là cách thức quan sát Tứ Niệm Xứ đã được định tỉnh. Tâm đã định trên thân mà quan sát cái thân. Tâm định tỉnh.
Các con bây giờ tập để định trên thân hành, để tỉnh thức trên thân hành, sau đó mới tới giai đoạn định tỉnh. Lúc đầu tập cảm nhận thân của mình rồi sau đó mới tỉnh thức; tỉnh thức rồi mới tới định tỉnh.
Đó, cách thức hướng tâm như vậy, không qua pháp tác ý, chỉ hướng tâm thôi. Mình muốn là nó làm y như vậy; muốn là nó quay vô như vậy. Cái tâm quay vô, tức là không phóng dật.
Chỗ quan trọng của Tứ niệm Xứ là tập cho tâm không phóng dật. Vậy khi không phóng dật thì tâm sẽ ở chỗ nào? Phật nói “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật” thì tâm ở đâu? – Thì nó phải ở trên tứ niệm xứ của nó chứ ở đâu! Giờ mình sử dụng pháp Tứ Niệm Xứ cho nó không phóng dật thì nó phải “phóng” trên tứ niệm xứ chứ đâu; nó phải tỉnh thức trên tứ niệm xứ mới thành tựu. Đó, các con thấy mình thành tựu là nhờ tâm không phóng dật là như thế. Ai làm gì thì làm nó không cần lưu ý đâu, nó chỉ biết ở đây thôi, nó biết trên thân của nó thôi, thì rõ ràng nó không phóng dật. Nó không phóng dật thì nó phải ở trên thân chứ không lẽ không phóng dật rồi nó không có chỗ nào nằm. Nó đâu có chun vào chỗ nào được!
Đó, các con đã hiểu rồi thì bây giờ các con chỉ tập cho cái tâm không phóng dật chứ không có gì hết. Nhưng đức Phật hay thiệt, chỉ có Tứ Niệm Xứ mới giúp cho tâm không phóng dật; chính Tứ Niệm Xứ là chỗ cho nó nằm nên nó không phóng đi đâu được. Mình không cần phải biết tâm đang ở đâu mà chỉ biết tâm đang quan sát thân của mình, vì thế mới nói “Tâm định trên thân”. Không phóng dật là định trên thân.
Khi các con ngồi trong một tư thế nào lâu mà bị chướng ngại đau nhức gì thì có thể thay đổi thế ngồi nhưng trong lúc đó không rời, không ngắt đoạn, không gián đoạn sự quan sát thân. Trong khi thay đổi bốn oai nghi vẫn quan sát thân, tức là không phóng dật đó. Trong kinh sách nói “Tâm định trên thân” chính là không phóng dật. Giờ mình tập Tứ Niệm Xứ là tập cho nó không phóng dật.
Bây giờ các con chỉ tập trong một oai nghi thôi, tập lung tung thì không được đâu, coi chừng tập “ba lam nham” thì không được. Các con khởi tập trong thế ngồi cho đến khi thuần thục rồi mới qua tập trong thế đi. Trong khi ngồi, nếu có bị các chướng ngại như bị hôn trầm thì dùng pháp đi kinh hành mà phá. Nếu không bị chướng ngại gì thì các con tập trong thế ngồi. Mỗi lần ngồi độ 30 phút và quan sát thân nương theo hơi thở. Nếu bị hôn trầm thì đứng dậy đi kinh hành cho hết hôn trầm, cho tỉnh lại.
Đích chính của mình là tập cho tâm không phóng dật theo pháp Tứ Niệm Xứ. Pháp bây giờ Thầy dạy cho các con ở lớp Chánh Tư Duy này là tập tỉnh thức trên thân của các con trước. Hễ lúc nào các con tỉnh táo thì các con ở trong Tứ Niệm Xứ. Nếu bị hôn trầm buồn ngủ thì các con đi kinh hành phá hôn trầm, chứ lúc này chưa phải lúc các con chiến đấu với hôn trầm thùy miên đâu. Ở đây còn đang tập tỉnh thức, tập cho cái tâm quay vô đã.
Khi tập tỉnh thức ở thế ngồi rồi thì sẽ tập tỉnh thức trong thế đi; tỉnh thức trong thế đi rồi thì tập tỉnh thức trong thế nằm; còn thế đứng thì cũng giống như thế ngồi thôi. Rồi khi đã tỉnh thức trong cả 4 oai nghi xong thì sẽ kết hợp tất cả bốn oai nghi lại.
Thế nằm khó là rất dễ vào hôn trầm cho nên phải tâp một thời gian cho nhuần nhuyển trong thế nằm. Nằm thì phải nằm kiết tường, cũng như ngồi thì phải ngồi kiết già.
Khi tập Tứ Niệm Xứ thì phải sửa soạn tư thế cho đúng, cho nghiêm chỉnh, mới có thể ngồi lâu. Không nên ngồi ẹo, gục vì rất dễ mỏi mệt. Ngồi trong thế kiết già hay bán già thì tốt. Đừng nói tôi tu Tứ Niệm Xứ chỉ cần tu tập cái tâm, không cần cái thân. Ngồi mà thân không đúng, không đoan chánh, không chánh mạng sẽ bị tà mạng; mà tà mạng sẽ ảnh hưởng đến pháp môn tu. Khi ngồi cúi đầu sẽ bị gom vào tưởng. Ngồi gục xuống bị gom vô tưởng mà lại thấy an lạc. Người ta thấy tướng của mình người ta biết. Còn tướng ngồi nhiếp tâm mà chân cẳng động địa, quạt lên quạt xuống hoặc cái đầu lúc lắc thì cũng biết người đó đang ở trong trạng thái tưởng. Vì vậy phải giữ tư thế cho ngay ngắn, đúng cách thức, cho nghiêm chỉnh rồi mới bắt đầu nhiếp.
Phải tập ngay từ giây phút đầu lúc mới ngồi. Thân và tâm của các con ảnh hưởng trong sự nhiếp tâm rất chặt chẽ lắm. Các con phải hiểu biết điều này để sau này khỏi mất công sửa và tránh tu trật từ bây giờ.
Cách đúng là ngồi không cúi đầu, cũng không ngửa lưng, mắt không nhắm, nhìn tới trước một khoảng cách vừa tầm, chân kiết già, tay để trên đùi hay để sao cho thoải mái cũng được. Trong khi đang ngồi mà bị kiến đốt, muỗi châm bị ngứa thì có thể gãi nhưng đừng phân tâm ra khỏi sự quan sát thân.
Giai đoạn này chỉ mới tập tỉnh thức chứ chưa phải giai đoạn khắc phục tham ưu.
Mỗi khi tâm phóng khởi niệm hay bị phóng dật thì tác ý “Tâm thanh thản an lạc vô sự, không phóng dật, hãy quay vô nhìn thân!”; hoặc “Tâm không phóng dật, nhìn thân! Tâm thanh thản, an lạc, vô sự” Giai đoạn này chỉ mới tập tỉnh thức thôi. Thầy dạy các con từng bước, chứ không dồn dập. Các con chỉ như người lính mới bắt đầu tập luyện cho quen với chiến thuật, chiến lược, cách sử dụng vũ khí, cho quen với mặt trận Tứ Niệm Xứ thôi. Lúc này bắt đầu các con tập tỉnh thức trên thân, tập không phóng dật trên thân, không phóng dật ra ngoài để luôn luôn biết tỉnh thức trên thân của các con. Chỉ có như vậy thôi, các con hãy nhớ kĩ như thế mà tập luyện.
Đến lúc nhiếp tâm an trú tâm dùng đẩy lui chướng ngại pháp trên thân thì khác. Tới khi Thầy dạy nhiếp phục tham ưu thì mới sử dụng cái đó, bây giờ không được áp dụng đẩy lui chướng ngại pháp. Chỉ áp dụng quan sát thân trong khi ngồi trước cho thuần thục đã. Chừng nào được thuần thục, người đó trình cho Thầy biết đã cảm nhận được thân mình trong khi ngồi lúc nào cũng 30 phút hay một giờ không có thay đổi, không mất cảm nhận đó thì mới tới giai đoạn khác. Trong giai đoạn này thì chỉ 30 phút thôi. Sau khi ngồi trong suốt 30 phút hay một giờ đã ổn định được rồi, không mất cảm nhận thân thì Thầy bắt đầu cho các con tập cảm nhận trong khi đi. Đi mà quan sát trên thân. Quan sát trên thân trong khi đi được kết quả ổn định thì Thầy cho tập quan sát trong khi nằm.
Vào giờ bắt đầu tu lớp Chánh Tư Duy này, thí dụ lúc 7 giờ, Thầy sẽ có mặt để theo dõi xem các con đã tu chưa hay còn nằm ngủ, nằm chơi. Hễ đúng 7 giờ là vô tu. Các con ngồi nghiêm chỉnh đàng hoàng thì một lúc sau đó sẽ có mặt trực tiếp của Thầy tại thất các con, xem xét các con tu hành như thế nào.
Nếu trong thời gian ngồi tu mà có những tâm niệm chướng ngại gì thì chỉ tác ý cho tâm quay về tỉnh thức quan sát thân thôi, chứ không phải dùng cách tu này để ức chế đâu. Thí dụ có niệm gì thì mình bảo “Tâm không được phóng dật, quay vô quan sát thân, thọ, tâm, pháp; không được chạy theo niệm!”. Chỉ có vậy thôi, chứ không dùng quán thân này để ức chế niệm.
Sau này tác chiến với niệm thì mình móc cái niệm này ra. Bây giờ chỉ lo tập tỉnh thức trên thân thôi.
Nếu niệm hiện đến làm cho các con không tỉnh thức trên thân thì các con nhắc tâm cho nó quay trở lại, bỏ cái niệm đó đi, nhã cái niệm đó ra đặng tâm quay vô trên thân. Tập cho quen cái này trước đã. Làm sao cho lúc nào cũng phải quen quan sát thân, không rời thân. Không khéo mất thì giờ lúc nào cũng quán cũng xả các niệm đó nhưng chưa phải lúc là bị xem như thất niệm, các con không còn ở trong sự tỉnh thức nữa rồi. Các con phải tu cái nào cho ra cái nấy để thời gian có giá trị lớn cho sự tu. Mặc dù niệm đến nhưng tâm còn quan sát trên thân thì niệm đó dừng liền. Nó đang quan sát tỉnh thức trên thân mà cái niệm này hiện ra thì niệm đó phải dừng lại, không thể đánh vô được, không thể không dừng. Chỉ khi các con mê nó mới đánh vô được.
Lúc này các con chỉ mới tu tập tỉnh thức thôi nên đôi lúc các con phải ức chế cho niệm không vô được bằng cách tác ý cho tâm quay vô. Các con chế ngự bắt buộc nó phải tỉnh thức thôi. Tập cho quen tỉnh thức trước đã, chưa đến lúc xả đâu; không khéo các con đi sâu nữa thì sẽ ức chế, sẽ bị tưởng. Giờ chỉ tập tỉnh thức thôi. Phải hiểu từng bước tu tập, từng giai đoạn, từng thời gian tu của pháp Tứ Niệm Xứ. Bây giờ chưa phải là lúc tu tập xả mà chỉ tu tập tỉnh thức thôi. Nói như vây các con hiểu hết chứ?
Các con cần được Thầy theo dõi sửa chữa từng chút chứ không khéo khi đã sai lệch các con tu chỉ dẫm chân tại chỗ mà cứ nghĩ là mình tu đúng. Trật một chút chứ rồi không thể đến quả được. Còn khi Thầy kiểm tra, săn sóc, sửa cho các con đúng, và khi các con đã tu đúng rồi thì đến giai đoạn nào, các con hiểu giai đoạn đó các con sẽ xả rất nhanh.
Như sau khi Thầy đã dạy cho các con lớp Chánh Tri Kiến, tự trong tâm các con có hiểu biết chánh kiến thì nó đã xả rất nhiều các dục, các ác pháp.
Tuy các con không thấy, nhưng giả như bây giờ có ác pháp tác động tới thì những hiểu biết đó sẽ giúp các con xả rất nhiều. Tại cái hiểu biết chánh kiến này là như thế, nó xả các ác pháp.
Bây giờ nhờ tỉnh thức quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp này mà các niệm ít vô được nữa, cảm thọ cũng không đánh các con được, chứ không thì các con có những kẽ hỡ như vậy nó sẽ vô đốt các con nát hết. Tự các pháp tu tỉnh thức không phóng dật mà tu được kết quả rồi thì nó xả rất nhiều ác pháp, nhiều chướng ngại trên thân và tâm các con. Chỉ khi các con thiếu tỉnh thức nó mới đánh vô từ niệm này đến niệm khác, vì vậy các con tu dậm chân tại chỗ, tu hoài không chứng.
Các con nên biết trong bốn tháng Thầy dạy Chánh Kiến, các con đã xả nhiều rồi. Mặc dù các con học, các con tư duy triển khai tri kiến nhưng tâm các con vẫn li dục li ác pháp, không những thế nó còn xây dựng cho các con lòng từ lòng bi rất nhiều. Như khi các con nghe những tiếng kêu đau xót, lòng các con xúc động; đó là nó gợi cho các con lòng bi lòng từ lớn.
Các con nên hiểu rằng khi các con học qua các lớp sẽ đem lại sự lợi ích rất lớn cho tâm các con. Bây giờ các con học lớp Chánh Niệm Tỉnh Thức này cái chánh là giúp cho các con quan sát được thân các con nhưng nó cũng giúp các con xả và li ác pháp rất nhiều, vì mình học đúng thì nó phải xả thôi. Cho tới giai đoạn cuối cùng khi các con nhiếp phục tham ưu thì các tham ưu không còn bao nhiêu nữa, nó gần hết rồi.
Thầy biết các con học lớp Chánh Kiến thì tự nó có cái tri kiến. Bây giờ các con học tới lớp Tỉnh Thức này tức là quan sát, tỉnh thức trên thân. Có tỉnh thức là đã xả, mà phải xả ít nhất một phần nửa. Cho nên mặc dù các con chưa nhiếp phục tham ưu để xả thế mà do pháp mình học nó tự xả. Rồi tới khi các con định tỉnh trên thân thì nó còn xả nhiều nữa. Tại cái pháp tu đúng, mình tu đúng thì nó phải xả.
Như các con thấy các con học lớp Chánh Kiến xong, khi các con tư duy với hiểu biết chánh kiến thì nó đã xả rồi. Bây giờ tới lớp Chánh Tư Duy sẽ dạy cho các con định tỉnh. Từ sức định tỉnh nó còn xả nhiều nữa. Định tỉnh thì nó sẽ xả những cái vi tế. Tri kiến thì xả phần thô. Định tỉnh mà không bị ức chế, cái đó mới là quan trọng.
Lần lượt các con sẽ dùng chỗ này tu tập. Tâm các con không bị ức chế trong đối tượng nào hết cho nên các con sẽ thấy nó xả. Khi đã định tỉnh rồi, không phóng dật rồi thì không có niệm nào phóng ra hết. Lớp Chánh Tri Kiến xây dựng toàn bộ sự hiểu biết cho các con và bây giờ có thêm sức định tỉnh nữa thì còn mặt nào ác pháp vô tác động các con được nữa. Không có ác pháp vô được nữa thì đâu có gì cần phải đuổi.
Dục tham bị chận, bị giảm, không cho tác động vào thân nhờ sự hiểu biết chánh kiến của mình. Thành ra nhờ sự hiểu biết chánh tri kiến mà nó chận đường hết, bảo vệ không cho tâm dục của mình khởi. Như con thấy, khi thấy không có nước tương ăn thì nó chạy ra đón liền, không cho mình khởi ý này kia, không cho mình bị phạm cái lỗi nhỏ nhặt tham dục ăn đó đâu. Những cái các con hiểu biết đó chính là tri kiến giải thoát mà Thầy đã huân cho các con trong lớp Chánh Tri Kiến. Rồi bây giờ các con học lớp quan sát thân các con. Khi sự quan sát được định tỉnh, tâm không còn phóng dật thì những dục tham đó không còn phóng ra nữa! Đó là nó lìa tham hết rồi, không còn tác động vô các con. Những ý nghĩ dục tham vi tế đó, những dục và ác pháp như thế nhờ pháp tu đúng mà nó không còn, hết nghĩ tới, nó không sinh khởi ra nữa. Nếu mình còn nghĩ này kia là còn phóng dật. Nó đã định tỉnh thì không phóng dật.
Tóm lại, các con đã được hướng dẫn dần từ cái tâm quay vô, cái tỉnh thức, rồi cái định tỉnh. Định tỉnh rồi thì hoàn toàn không có một ác pháp nào tác động vô được đâu. Đến chừng đó các con sẽ ngồi tu Tứ Niệm Xứ, tâm tự nó thanh thản từ 12 tiếng đến 24 tiếng đồng hồ rất dễ.
Bây giờ tâm các con không định tỉnh. Tuy các con ngồi nhưng cứ lát có chuyện này, lát chuyện kia, chuyện nọ đuổi không hết. Tu Tứ Niệm Xứ mà như thế thì không bao giờ thắng giặc sanh tử được. Thầy nói như thế, các con cứ nghiệm xét qua thời gian các con đã tu Tứ Niệm Xứ không được Thầy hướng dẫn, các con thấy không thể nào dẹp hết các niệm khởi này được. Còn nếu các con tu kĩ đàng hoàng theo Thầy dạy thì chắc chắn các con sẽ dẹp được giặc này trên Tứ Niệm Xứ, ác pháp không tác động vào thân các con được; nghĩa là hoàn toàn tự nó xả chứ ta không cần phải làm gì khác.
Nói Quán thân trên thân khắc phục tham ưu chứ thật ra khi định tỉnh được thì nó tự khắc phục tham ưu trong pháp định tỉnh đó nhiều lắm.
Bây giờ nếu tâm các con tỉnh giác, không phóng dật, quay vô là nó đã xả rồi, không xả thì không định tỉnh được; nó đã li nữa thì tham ưu đâu có vô được.
Ác pháp đâu dễ vô khi người này đã tỉnh giác, đã định tỉnh trên thân của người ta. Người ta luôn luôn quan sát thân thì tham ưu đâu có thể dễ vô được chỗ người ta đang quan sát, đang canh chừng cẩn mật.
Tại vì các con chưa biết cách tập để định tỉnh, chưa biết cách tập để quan sát; các con mất sự quan sát hoàn toàn cho nên tham ưu mới vô. Tham ưu vô thì các con phải nhiếp phục, phải đuổi; đuổi hoài mà không hết.
Đấy, Thầy nhắc để các con thấy nhờ lớp Chánh Kiến các con có sự hiểu biết chánh tri kiến thì các con đã xả tâm. Tham ưu không làm động các con thì các con mới bất động tâm được. Bây giờ tới lớp Chánh Tư Duy, khi tâm định tỉnh rồi, chánh niệm tỉnh giác được rồi thì có cái gì tác động vô được nó.
Nó bảo vệ được chơn lý. Cái lý được bảo vệ, được hộ trì; hộ trì bằng sức định tỉnh của các con. Đấy, các con thấy nó đơn giản, dễ dàng như thế đấy.
Các con định tỉnh được thì các con chứng đạo; kéo dài thời gian định tỉnh lâu không phóng dật là thành tựu: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nếu trọn thời gian nỗ lực tu không có kẽ hỡ, miên mật không có nghỉ giây phút nào, lúc nào cũng định tỉnh trên thân của mình thì có giặc nào vô xâm chiếm được, như vậy mà mình không chứng đạo sao?
 Đó là sự thật, không phải giả dối đâu. Các con biết cách tu thì đâu có gì mà làm không được. Đâu có khó. Nếu có người nào do người đó thật sự tìm ra cách tu đúng rồi dạy cho các con thì tu theo đạo Phật không còn khó nữa, việc chứng quả không còn xa vời nữa.
Sau khi thấy sự định tỉnh của mình trên thân, thọ, tâm, pháp, cụ thể rồi thì tất cả những pháp mà các con đã tu tập mấy lâu nay đều dẹp hết, không còn trở lui tu chúng nữa, mà chỉ còn ôm Tứ Niệm Xứ thôi. Hiện giờ nếu các con chưa có sức định tỉnh đó thì các con có thể trở lui tu tập các pháp đó cho thêm sung mãn. Nhưng khi đã vô chính pháp Tứ Niệm Xứ tu tập rồi thì phải ôm phao Tứ Niệm Xứ mà tu tập cho định tỉnh, đạt cho được định tỉnh, phải dùng Tứ Niệm Xứ để chiến đấu, chiến thắng giặc hôn trầm thùy miên.
Như vậy là các con thông suốt hết rồi, không ai mà không biết, có phải thế không? Bây giờ các con ai về thất nấy bắt đầu tu tập như Thầy đã dạy.