Skip directly to content

CHẲNG THƯƠNG, CHẲNG GHÉT

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thật sự tâm con chẳng ghét bỏ ai, hễ ai làm sai quấy, không đúng kỷ luật của tu viện cũng như phạm những lỗi trong giới luật của Phật hoặc có ý chán nản tu hành, con báo cho cô Diệu Quang biết, để hướng dẫn họ tu tập tốt, nhưng qua rồi tâm con bị trạo hối và tự hỏi lại thân tâm, mình đã tốt trọn vẹn chưa mà lại đi vạch lỗi người? Bản thân mình có làm đúng như lời Thầy dạy chưa mà góp ý kiến giúp đỡ người khác?

Thưa Thầy, những việc này đã làm tâm con trạo hối, và muốn làm cho tâm không trạo hối con phải làm sao?

Đáp:Muốn phá tâm trạo hối, con phải dùng trí tuệ tri kiến giải thoát, muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát thì phải dùng Định Vô Lậu quán xét, tức là đặt niệm trạo hối trước mặt quán xét và tư duy cho thấu suốt:

1- Nếu người đó không phạm kỷ luật của tu viện, không phạm vào giới luật Phật mà vì lòng ganh tị nhỏ mọn một việc gì đó mà con vu khống cho bạn, đó là con trạo hối về tội lỗi.

2- Nếu bạn của con tu hành đúng cách theo lời dạy của Thầy hoặc cô Diệu Quang mà con đặt điều nói xấu bạn để Thầy và cô Út rầy mắng bạn, thì đó là con trạo hối về tội lỗi mà con đã gây ra.

3- Người bạn đó tu hành tốt được nhiều kết quả, Thầy khen. Nếu con đặt điều nói xấu cho bạn con phạm kỷ luật tu hành như thế này, thế khác. Khi người này bị rầy oan ức thì tâm con bị trạo hối. Sự trạo hối này là sự trạo hối chân chánh, vì thế con phải dùng pháp tự sám hối hoặc phát lồ sám hối:

1 - Tự sám hối, con quỳ trước tượng Phật phát lồ những điều làm sai, vu khống bạn, xin đức Phật chứng minh từ đây về sau con xin từ bỏ không tái phạm lỗi này nữa.

2- Phát lồ sám hối, con đến trước một vị Thầy thanh tịnh giới luật tỏ bày những lỗi lầm của mình, xin Thầy chứng minh cho con sám hối, từ đây con xin chừa bỏ, quyết tâm không tái phạm lại nữa.

Nếu con có phạm kỷ luật hoặc lầm lỗi những điều gì, thì đều đến xin phát lồ sám hối thì con sẽ không còn trạo hối.

Nếu bạn con phạm kỷ luật, tu hành không đúng cách, không chịu xả tâm, khởi tâm nghĩ ác pháp, tự tạo mình khổ không giải thoát luôn luôn phiền não, bất toại nguyện, hoặc lười biếng, tu chơi, ngủ li bì hoặc làm động người khác, thích nói chuyện tào lao, hoặc thích làm Thầy dạy người khác tu hành. Con đem những việc này trình lại Thầy hoặc cô Diệu Quang để kịp thời ngăn chặn và hướng dẫn bạn con tu hành cho tốt lại.

Điều này, con không có lỗi gì cả mà phải trạo hối. Tất cả tu sĩ và cư sĩ trong tu viện đều phải giúp đỡ lẫn nhau, bằng cách khiến cho bạn mình phải tu tốt, tu đúng, mặc dù hiện tại bạn mình bị cảnh cáo hay bị phạt hoặc bị đuổi, con cũng vẫn không có lỗi, “một con sâu làm rầu nồi canh” nếu một người bạn xấu sẽ làm xấu tất cả. Một người không tu được sẽ làm cho nhiều người không tu được, một người tu sai sẽ làm cho nhiều người đều tu sai.

Những điều con đã làm, là điều làm tốt, giúp cho mọi người trong tu viện bạn con và con đều tu hành càng ngày càng tốt hơn. Ngược lại, con che giấu những lỗi lầm đó, tu viện mỗi ngày một tệ hơn, các bạn con và chính con sẽ xem thường kỷ luật tu viện. Đó là sự thương hại không đúng cách mà con đã tự hại mình, hại người không thấy, không trạo hối.

Còn bây giờ con bị trạo hối là vì con thấy bạn con bị phạt hoặc bị đuổi, bị cô Út la rầy mà con không thấy lợi ích về sau đối với bạn con cũng như cả tu viện.

Con sẽ tư duy và quan sát cái nào thiện, cái nào ác, một ông Thầy giáo đánh học trò là muốn cho học trò nên người tốt hơn là ghét nó, đánh học trò không có nghĩa là ông thầy giáo ghét học trò, mà thương học trò muốn cho nó nên người tốt, người giỏi. Cô Út cũng vậy, nhân quả của cô và các con là để các con xả tâm “tâm như cục đất”. Còn những người bản ngã ác to lớn thì làm sao tu theo đạo Phật được. Đạo Phật là đạo vô ngã ác pháp, hữu ngã thiện pháp. Vì thế, họ phải đành ra đi, dù có nuông chiều họ, nhỏ nhẹ với họ thì họ cũng không tu hành được gì cả. Người gặp ác pháp mà tâm  phiền não sân hận khởi lên mà không khắc phục được thì đi tu chẳng ích lợi gì. Đạo Phật là đạo diệt ngã ác, xả tâm ác thế mà họ không diệt ngã, xả tâm thì họ tu cái gì? Thiền định gì? Chẳng qua là một lớp áo hình thức tu hành mà thôi. Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo, uổng phí một đời người.

Khi quán xét như vậy, con đã thấu rõ được việc con làm là thương chứ không phải ghét, là thiện chứ không phải ác thì con đâu còn trạo hối nữa, mặc dù bây giờ con sẽ bị người khác nói con xấu bằng cách này hoặc bằng cách khác. Cũng như Thầy vì muốn độ người khác được an vui hạnh phúc chân thật, thì mang tiếng mình là người ác, người dữ. Ai không biết “ngọt mật chết ruồi” nhưng tu theo đạo Phật như vậy có thật chân giải thoát không? Hay chỉ là trốn chạy sự đau khổ của cuộc đời?

Những điều con làm tốt, làm thiện cho mình cho người mà bạn bè gắn cho mình những danh từ “bất hảo” thì con nên lấy đó mà xả tâm mình và vui vẻ chờ thời gian trả lời ai là người bất hảo.

Đến khi họ đã được giải thoát, xả được tâm, ly được dục thì họ biết ơn con chừng nào.

Trên đời tốt xấu có gì đâu, chỉ do tâm mình mà thôi! Mình cứ làm tốt thì mọi việc tốt sẽ đến với mình, mình làm xấu mà mong việc tốt thì không thể được.

Thánh phàm không thể nhìn tướng bên ngoài mà xác định được, Thánh phàm là phải tự người đó thể hiện qua thân hành, khẩu hành, ý hành thì thấy rõ ràng, chứ người khác khó mà đánh giá trị được. Thánh phàm không thể lấy thần thông, bùa chú và ngồi thiền nhập định mà gọi là Thánh phàm. Chỉ người nào tâm hết tham, sân, si là Thánh, còn có tâm tham, sân, si thì không phải Thánh, là phàm phu, đó là Phật giáo đã xác định như vậy.

Mình biết xả tâm mình, làm tốt cho người khác tu hành được giải thoát, đó là sự an vui, hạnh phúc giải thoát cho chính mình.

Do sự tu tập không đúng pháp độc cư, không đúng cách phòng hộ sáu căn, không đúng pháp môn ngăn ác, diệt ác pháp nên dẫn đến chỗ kết bè, kết bạn, chia phe, chia nhóm. Cũng từ đó muôn pháp ác sanh ra, khiến cho cuộc sống của người tu sĩ và người cư sĩ giống như cuộc sống thế gian, cũng danh lợi, cũng hơn thua, ganh tị, cũng tham lam, trộm cắp, v.v.. không khác gì như ở ngoài đời và còn tệ hơn nữa là mặc chiếc áo cà sa, bôi nhọ Phật Giáo.

Mỗi một tu sĩ cũng như cư sĩ là mỗi thành viên trong đại gia đình Phật giáo đều phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ Phật giáo, bất luận kẻ nào dù là H.T, T.T, Đ.Đ Tăng, Ni cho đến chú Sa Di, Sa Di Ni phạm giới, phá giới đều được quyền cảnh cáo và đuổi ra khỏi cổng chùa, nếu những người phạm giới, phá giới mà không chịu ra khỏi cổng chùa thì mọi người cư sĩ không cúng dường và không đến chùa đó nữa.

Có như vậy thì Phật giáo mới hưng thịnh và nhờ vậy thì Phật giáo mới không còn ai dám nghi ngờ và khinh chê.

Cũng như con hiện giờ dám nói ra những lỗi lầm của chị em khác, để kịp thời sửa sai, khiến cho chị em trở thành những bậc chân tu chân chánh trong đạo Phật. Mỗi lần có nói ra khi thấy chị em bị la rầy, bị phạt có khi bị đuổi thì con lại trạo hối, tâm con bất an mà con không thấy việc làm của con là đúng, là vì Phật Pháp, là vì những người tu hành giải thoát. Bởi vì việc làm của con là việc làm đem lại sự lợi ích rất lớn cho bạn con, cho con và cho Phật giáo. Tại sao vậy?

Vì để những con sâu mọt này trong Phật giáo sẽ khiến cho các con không tu tập được và mọi người cũng không tu tập được.

Những người hay nói chuyện, kết bè, kết bạn, tụ năm, tụ ba là những người xấu những người không tốt. Người tu hành theo Phật giáo, các con cần nên tránh xa những hạng người này, những hạng người này là ác tri thức.

Những người nhiều chuyện, lắm mồm là những người không thể tu theo con đường của đạo Phật được, biết mình là người nhiều chuyện, lắm mồm thì đừng có vào chùa tu hành mà làm tội cho những người khác không tu hành được và làm cho Phật Pháp suy đồi thì mang tội rất lớn.

Nếu thấy khả năng mình sống độc cư được thì vào chùa mà tu tập, còn thấy sống độc cư  không được thì đừng vào chùa, vì vào chùa sẽ sinh ra rối loạn trong chùa thì rất tội nghiệp.

Tóm lại, những việc làm của con là tốt, đâu có gì con phải trạo hối chỉ trừ con nói xấu người khác được mà con không giữ gìn được thì đó mới là sự trạo hối. Mới là sự đáng trách, mới là đáng khinh chê và đáng phỉ nhổ vào mặt con.

Nói người mà con giữ gìn đúng, không hề vi phạm những lỗi lầm, đó chính con mới là người xứng đáng trong đại gia đình Phật giáo, con mới là người đệ tử thân cận của Phật, con mới là người đáng tin cậy của Thầy và cô Diệu Quang.