Skip directly to content

THÚ CHƠI HOA KIỂNG

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tánh con ưa thích chơi hoa kiểng, biết đó là sai nhưng sao con không dừng được? Thưa Thầy có phải tại con thiếu nghị lực không?

Đáp:  Đúng vậy, biết việc làm đó sai mà không bỏ được là thiếu nghị lực.

Người nghiện rượu biết rượu là chất độc, làm hại đến cơ thể, sanh ra bệnh tật nhưng không bỏ được là người thiếu nghị lực, thiếu sức kiên trì, bền chí và nhất là vô minh không trí tuệ minh mẫn. Nếu nói một cách thẳng thắn hơn, đó là người ngu si, biết khổ đau mà không chịu bỏ để chịu khổ đau, đó là người ngu dại số một.

Một người bỏ hết cuộc đời đi tu theo đạo Phật mà không bỏ được chuyện nhỏ nhặt như vậy thì đi tu theo đạo Phật chẳng có ích lợi gì cả, cũng như chúng ta đi tu theo đạo Phật biết tham, sân, si là ác pháp là khổ đau mà không chịu bỏ cứ ôm ấp trong lòng, để mang cái địa ngục khổ đau đó mãi mãi. Biết độc cư là bí quyết tu thiền định mà cứ đi nói chuyện với người này và đến nói chuyện với người khác, không chịu bỏ đó là người không có nghị lực, người không có nghị lực làm gì tu thiền định được, làm gì đi theo con của đường giải thoát của Phật giáo được. Biết nói chuyện là sanh ra nhiều chuyện, nhiều chuyện thì sanh ra phiền toái, phiền toái thì sanh ra nhiều đau khổ. Và như vậy tu theo đạo Phật mà không bỏ được những lỗi lầm sai trái thì có ích lợi gì cho mình thà đừng đi tu còn hơn.

Những người thích nói chuyện là những người không xứng đáng là đệ tử của Phật, ngoài đời người ưa đem chuyện người này nói cho người khác biết hoặc đem chuyện người khác nói cho người này biết là những người không tốt, người ác, người nhiều chuyện, chúng ta là những người tu theo đạo Phật thì hãy tránh xa những hạng người này, họ là những loại vi trùng độc sẽ giết chúng ta trên đường đạo.

Chuyện chơi hoa kiểng cũng vậy, đó là một trò tiêu khiển làm vui cho người già, nhưng họ là những người ngu si, không muốn mình là người vô sự, người thanh thản và an lạc mà biến họ trở thành người nô lệ cho hoa kiểng. Đối với đạo Phật đó là một người vô minh ngu si không biết tìm sự giải thoát an lạc mà chỉ làm khổ mình mà không biết còn lại làm khổ cây kiểng nữa.

Chơi hoa kiểng là một việc làm rất tội lỗi. Một cây kia đang sống tự do nơi lòng đất, rễ chúng đang tự do muốn đi hướng nào cũng được. Đó là một sự sống hồn nhiên của những loài thảo mộc. Thế mà người ta đào gốc nó lên, rồi đem trồng trong một chiếc chậu cũng giống như ta nhốt một con chim trong lồng, con cá trong lu. Chúng chỉ còn là một vật làm đẹp mắt cho chúng ta xem chơi, chứ đời chúng không còn ý nghĩa gì cả. Chúng ta nhốt chúng trong chậu để làm đẹp mắt cho ta mà cả một đời đau khổ của chúng.

Người tu hành theo đạo Phật tâm từ bi của chúng ta há nỡ đành lòng nào nhìn cảnh cá chậu chim lồng sao? Mọi vật đều phải có quyền sống bình đẳng như nhau và hồn nhiên trong môi trường sống thiên nhiên. Không ai có quyền làm mất sự sống bình đẳng hồn nhiên của muôn loài vạn vật khác phải không hỡi các con?

Vì sự sống của ta, ta không thể không ăn uống, nhưng ăn uống ta phải có lòng yêu thương muôn loài, trong ăn uống càng cố gắng tiết kiệm sự khổ đau, sự chết chóc của muôn loài vạn vật, đó là để thể hiện lòng thương yêu đúng ý nghĩa của đạo đức nhân bản – nhân quả làm người.

Vì thế trò chơi cây kiểng là một thú vui tao nhã của con người từ xưa đến nay, nhưng xét cho tận cùng thì thú vui ấy là một điều làm tội lỗi, vì có sự khổ đau nào bằng thân cá chậu chim lồng, một cây kiểng được trồng trong chậu, cũng giống như chúng ta thân như bị tù tội, bị giam cầm trong ngục tù phải không hỡi các con?

Ví dụ: Hiện giờ con đang sống tự do, muốn đi Đông, đi Tây, đi Nam, đi Bắc thì mặc tình, bỗng nhiên có người bắt con giam vào trong bốn vách tường thì con có khổ đau buồn rầu không? Mặc dù họ cho con ăn đầy đủ.

Nếu con thấy đó là một sự đau khổ chân thật, thì con không nên chơi cây kiểng nữa con ạ! Có vui đẹp gì đâu khi mà loài cây bị giam cầm trong chậu và có sung sướng gì đâu khi mà con phải mất thì giờ quý báu để chăm sóc bón phân tưới nước phải không hỡi con? Bởi vậy, khi nào được rảnh rang Thầy sẽ giải phóng những cây kiểng mà cô Diệu Quang đã mua đem về, giải phóng là trả cho nó trở về thiên nhiên với đất trời, nó sẽ có một sự sống hồn nhiên trong muôn loài vạn vật khác, nó sẽ có hạnh phúc vô cùng trong môi trường sống thân thương.

Một người tu theo đạo Phật lấy cuộc sống bình đẳng tự do của muôn loài không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh làm cuộc sống của mình thì hạnh phúc biết bao phải không hỡi con ?