TÂM NHƯ ĐẤT
Câu hỏi của Hải Tâm
Hỏi:Kính thưa Thầy! Tâm như cục đất có xả sạch được chưa?
Đáp:Tâm như cục đất là tâm con đã xả sạch, chừng đó con chẳng cần tu tập thiền định nào cả, lúc nào con cần nhập định là nhập được ngay liền, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.
Tâm như cục đất, đó là sự ước muốn của con. Muốn cho tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, khi tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa là tâm hết khổ đau. Sự ước muốn như vậy, nếu con không cố gắng khắc phục tâm mình ly tham, đoạn ác pháp thì làm sao tâm thành đất được.
Muốn cho tâm thành đất thì con phải tu tập Bát Chánh Đạo. Nói tu tập Bát Chánh Đạo là nói cách thức sống ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp hay nói cách khác là sống toàn thiện.
Muốn sống toàn thiện thì phải có Chánh kiến, Chánh kiến tức là thấy đúng nhân quả thiện và ác, chứ không phải thấy đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu, v.v..
Trong cuộc sống bất cứ một việc gì xảy đến, chúng ta đều phải nhìn với lòng thiện, lòng từ, lòng bi, lòng hỷ, lòng xả. Nếu chúng ta nhìn thấy bất cứ việc gì với lòng bất thiện, lòng không từ, không bi, không hỷ, không xả thì ác pháp sẽ đến với chúng ta. Và vì thế tâm chúng ta sẽ khổ đau, và như vậy tâm không thể thành đất được.
Muốn tâm thành đất chúng ta phải có sự tư duy, suy nghĩ thiện và ác trong bất cứ một sự việc gì xảy ra, thiện thì chúng ta tăng trưởng để mà sống, không làm khổ mình, khổ người, còn ác thì chúng ta tư duy suy nghĩ quét sạch những pháp ác ấy ra khỏi tâm, để đem lại cho tâm một sự thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ có tu tập được như vậy thì cuộc sống mới có an vui, hạnh phúc.
Muốn tâm thành đất thì chúng ta khéo léo giữ gìn tâm không phóng dật. Giữ gìn tâm như thế nào?
Muốn giữ gìn tâm thì luôn lúc nào cũng phải nhớ nhắc tâm: “Tâm không được phóng dật, phải định vào thân đi” hay “Tâm định vào hơi thở đi”, hoặc “Tâm như đất lìa tham, sân, si, mạn, nghi đi”.
Trong tất cả câu pháp hướng này, tùy theo mọi người mà chọn lấy cho mình một câu phù hợp với đặc tướng, còn riêng Thầy thì câu: “Tâm không được phóng dật phải định vào hơi thở đi”, thì rất phù hợp. Tại sao vậy?
Tại vì câu này có hai tác dụng:
1- Bắt buộc tâm không được phóng dật theo ra các pháp.
2- Bắt buộc tâm phải định vào hơi thở (định vào thân).
Nếu tâm không phóng dật là tâm thành đất, tâm thành đất là tâm bất động, tâm bất động là con đã viên mãn con đường tu tập theo Phật giáo của mình.