CÓ TRẠNG THÁI AN ỔN RỒI MỚI NHẬP ĐỊNH
Câu hỏi của Từ Đức
Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền lần lần hơi thở đi đến nhẹ nhàng, vào trạng thái an rồi mới nhập được định. Có phải vậy không thưa Thầy?
Đáp:Đúng vậy, nhưng đừng để tâm ở trạng thái “an lạc” mà phải ở trạng thái “yên lặng”.
An có nghĩa là khinh an, nhưng khinh an hiện giờ có là do ức chế tâm mà sinh ra, do ức chế tâm sinh ra thì an đó là khinh an của tưởng, chứ không phải khinh an do ly dục ly ác pháp sinh ra, tu đến đây coi chừng nhập vào định tưởng, cần cảnh giác.
Khi nào nhập định là lúc bây giờ tâm phải ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì mới nhập đúng chánh định, còn tâm chưa ly dục ly ác pháp mà nhập định thì phải đề cao cảnh giác tránh rơi vào các định tưởng như trên đã nói.
Hiện giờ, con nên tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm; để khắc phục tâm tham, sân, si của con hơn là thiền định, vì thiền định chân chánh của Phật sẽ không chấp nhận tâm chưa ly dục ly ác pháp.
Tâm còn giận hờn phiền não mà muốn nhập định thì đó là định của ngoại đạo, chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành đều nhờ đó sinh ra”. Lời nhắc nhở này làm sao chúng ta quên được, làm sao chúng ta tu lạc vào thiền của ngoại đạo được phải không hỡi các con?
Vậy, tâm con hiện giờ còn như đống rác bất tịnh, tham, sân, si, mạn, nghi còn dẫy đầy ác pháp, thì làm gì con nhập định được, nếu theo sự an ổn của tưởng kia mà nhập định thì định ấy là tà định con ạ!
Nhập tà định có ích lợi gì cho bản thân con, có lợi ích gì cho mọi người khác đâu, tà định sẽ đưa con vào con đường tội lỗi, rồi đây tham, sân, si của con còn nhiều hơn.
1- Thứ nhất, con làm tội cho con vì tâm ngã mạn, cống cao, khiến con có nhiều khổ đau và bất toại nguyện.
2- Thứ hai, con đường tu của con sai lạc rơi vào thiền tưởng, đó là bước đường cùng của sự tu tập.
Khi tu hành đúng pháp, tâm ly dục ly ác pháp thì con cảm thấy mình an lạc bất động trước các ác pháp, do đó tâm con giải thoát, dù bất cứ ai làm gì con, con cũng an nhiên không có mống tâm phiền não, sân hận một chút nào cả, còn ngược lại thì con khổ đau vô vàn.
Cho nên, sự tu tập có những trạng thái khinh an thì đừng lưu ý đến nó mà hãy lưu ý đến pháp hành con đang tu tập và ôm pháp cho thật chặt như người vượt biển ôm phao, khi gặp sóng gió ba đào. Nếu buông phao là chết chìm dưới biển, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Người tu hành có khinh an hỷ lạc cũng giống như người ôm phao vậy.