Sơ Thiền dưới cây Hồng Táo
Lúc bấy giờ đức Phật còn bé, theo vua cha đi dự lễ hạ điền. Theo phong tục ngày xưa lễ hạ điền là buổi lễ tổ chức rất long trọng do nhà vua và nhân dân tổ chức, để nhà vua là người xuống ruộng cày đầu tiên, khiến cho một năm mưa thuận gió hòa. Lúc bấy giờ đức Phật ngồi dưới cây hồng táo để tránh nắng, nhưng lại tu tập ly dục ly ác pháp để nhập Sơ Thiền.
Sơ Thiền này chắc chắn là Sơ Thiền của ngoại đạo, vì lúc bấy giờ đức Phật còn là một cháu bé ngây thơ, chỉ bắt chước người lớn như vua cha và các quan trong triều được lục sư ngoại đạo dạy tu tập bốn thiền.
Do tư duy điều này chín chắn nên chúng tôi xác định bốn thiền này của ngoại đạo. Vì lúc bấy giờ đức Phật chưa tu chứng đạo, vì thế không thể gọi bốn thiền này là của đạo Phật. Bốn thiền này là của Lục sư trong thời đức Phật, xin quý vị phật tử cần lưu ý và quan tâm đến những điểm sai khác nhau trong bốn thiền này của ngoại đạo và của Phật giáo, mà chúng tôi chỉ rõ đế quý vị hiểu biết tường tận pháp nào đúng và pháp nào sai, pháp nào của Phật giáo và pháp nào của ngoại đạo.
Những học giả nghiên cứu đọc đến đoạn kinh này thì phải xem xét cho kỹ. Sơ Thiền của ngoại đạo và Sơ Thiền của đức Phật là hai pháp môn, chớ không phải một pháp môn. Chớ đừng nghe tên Sơ Thiền thì cho cả hai pháp này là một.
Sơ Thiền của ngoại đạo cũng bảo ly dục ly ác pháp mới nhập Sơ Thiền, và Sơ Thiền của Phật giáo cũng bảo như vậy, nhưng ly dục ly ác pháp có nhiều cách.
Sơ Thiền của ngoại đạo ly dục ly bất thiện pháp bằng cách tu tập ức chế ý thức không cho ý thức khởi niệm. Khi ý thức không khởi niệm thì cho đó là nhập Sơ Thiền. Đó là một sự sai khác về cách thức tu tập không giống nhau chút nào cả.
Sơ Thiền của Phật tu tập cũng gọi ly dục ly bất thiện pháp, nhưng cách thức ly dục ly bất thiện pháp không giống như Sơ Thiền của ngoại đạo. Bởi ly dục ly bất thiện pháp của Phật là phải bắt đầu sống đúng giới luật của Phật đã dạy, nếu giới luật chưa sống đúng thì dù tu như thế nào cũng không ly dục ly bất thiện pháp.
Cho nên người ta không hiểu biết vì không ai hướng dẫn chỉ dạy những sự sai khác trong tu tập Sơ Thiền của Phật giáo và của ngoại đạo. Người ta đâu hiểu rằng Sơ Thiền của Phật và Sơ Thiền của ngoại đạo là hai pháp môn và cách thức tu tập cũng khác xa như chúng tôi đã nói ở trên.
Như chúng tôi đã nói ở trên, bắt đầu tu tập Sơ Thiền của Phật giáo là phải sống đúng giới luật. Khi sống đúng giới luật là đã ly dục ly ác pháp phần thô.
Khi dục và ác pháp phần thô đã ly thì giới luật mới sống nghiêm chỉnh, còn giới luật chưa sống đúng nghiêm chỉnh thì dục và ác pháp thô chưa ly. Dục và ác pháp thô chưa ly thì dù tu pháp môn nào cũng bị ức chế ý thức hết. Chính chỗ này là điều quan trong mà quý vị phật tử cần nên lưu ý, nếu không lưu ý những điều quan trọng này dù quý vị có ham tu cũng chỉ uổng công mà thôi.
Như chúng tôi đã nói, muốn ly dục ly bất thiện pháp thì quý vị nên lấy giới luật làm pháp đầu tiên, rồi kế đó mới tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng pháp. Đây là pháp thứ hai trong khi tu tập ly dục ly bất thiện. Và như vậy Sơ Thiền của ngoại không có pháp môn này. Có đúng như vậy không thưa quý vị?
Khi tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN, do ngăn ác và diệt các ác pháp nên tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế tâm luôn luôn bám trên TỨ NIỆM XỨ. Tu tập đến đây pháp nhập Sơ Thiền của ngoại đạo cũng không có. Như vậy chúng ta thấy Sơ Thiền của ngoại đạo và Sơ Thiền của Phật không giống nhau quá rõ ràng.
Khi tâm bám trên TỨ NIỆM XỨ bảy ngày đêm thì tâm có đủ đạo lực. Đạo lực đó gọi là TỨ THẦN TÚC, Tứ Thần Túc gồm có:
1- Tinh Tấn Như Ý Túc
2- Định Như Ý Túc
3- Tuệ Như Ý Túc
4- Dục Như Ý Túc
Tu tập đến đây hành giả có Định Như Ý Túc thì mới nhập được Bốn Thiền của Phật giáo. Và như vậy Bốn Thiền của Phật giáo và Bốn Thiền của ngoại đạo không giống nhau chút nào cả. Thiền của ngoại đạo muốn nhập không cần Định Như Ý Túc, vì pháp tu tập của ngoại đạo không có Định Như Ý Túc mà chỉ có một pháp duy nhất là ức chế ý thức làm cho ý thức không khởi niệm, rồi bảo đó là ly dục ly ác pháp.
Bây giờ quý vị đã hiểu Sơ Thiền của đạo Phật và Sơ Thiền của ngoại đạo, tên thì giống nhau nhưng pháp tu tập để nhập vào Bốn Thiền thì khác nhau một trời một vực.
Cho nên đức Phật ngồi dưới cây hồng táo tu tập Sơ Thiền, đó là Sơ Thiền của ngoại đạo, còn đức Phật tu tập Sơ Thiền dưới cội bồ đề là Sơ Thiền của đạo Phật, vì Sơ Thiền dưới cội bồ đề là do đức Phật truy tìm pháp môn tu tập để nhập được Sơ Thiền. Vì lý do này chúng tôi mới nói rằng: ĐẠO PHẬT CÓ ĐƯỜNG LỐI TU TẬP RIÊNG, KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI BẤT CỨ MỘT PHÁP MÔN NÀO CỦA NGOẠI ĐẠO”.