BỐN THIỀN
Khởi đầu đức Phật tu tập Sơ Thiền của ngoại đạo, nhưng do sáng kiến biết sáng tạo ra những pháp tu hành để ly dục ly ác, làm chủ sinh, già, bệnh, chết, tức là làm chủ thân tâm. Và cuối cùng đức Phật thành tựu tâm VÔ LẬU bằng pháp môn TỨ NIỆM XỨ chứ không phải nhập SƠ THIỀN theo pháp môn của ngoại đạo.
Khi đức Phật thành tựu pháp môn TỨ NIỆM XỨ thì ngay trên trạng thái tâm VÔ LẬU của TỨ NIỆM XỨ đức Phật đã tìm thấy TỨ THẦN TÚC. Khi có TỨ THẦN TÚC đức Phật liền dùng ngay câu TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Tâm ly dục ly ác pháp, chứng và trú thiền Thứ Nhất (nhập Sơ thiền), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, với tầm, với tứ”, tức thì thân tâm đức Phật nhập vào một trạng thái Sơ Thiền có năm chi thiền hiện ra rõ ràng:
1- TẦM
2- TỨ
3- NHẤT TÂM
4- HỶ
5- LẠC
Sau khi nhập xong Sơ Thiền, đức Phật xuất ra khỏi Sơ Thiền liền về trạng thái tâm VÔ LẬU. Khi ở trong trạng thái tâm VÔ LẬU đức Phật liền dùng câu TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Diệt tầm tứ, chứng và trú Thiền Thứ Hai (nhập Nhị Thiền), một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm”, ngay khi tác ý xong thân tâm đức Phật liền nhập vào Nhị Thiền, sáu thức ngưng hoạt động hoàn toàn, chỉ còn có một trạng thái hỷ lạc do định của Nhị Thiền sinh ra, gồm có:
1- Hỷ do định sinh.
2- Lạc do định sinh.
3- Nội tỉnh nhất tâm, tức là tỉnh giác vào nội thân tâm.
Sau khi nhập xong Nhị Thiền, đức Phật liền xuất ra khỏi Nhị Thiền bằng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC và trở về trạng thái tâm VÔ LẬU. Khi ở trạng thái tâm VÔ LẬU, đức Phật liền dùng TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú thiền thứ ba (nhập Tam Thiền)”, tức thì thân tâm đức Phật nhập Tam Thiền. Muốn nhập được thiền thứ ba thì dùng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC truyền lệnh xả các loại tưởng hỷ, lạc. Các loại hỷ, lạc tưởng khi nhập vào Nhị Thiền do định sinh. Khi xả hỷ, lạc tưởng đó thì vào trọn vẹn được Tam Thiền.
Ở trạng thái Nhị thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền thì sáu thức bị diệt nên không còn hoạt động. Vì thế, chúng ta muốn xuất ra khỏi hay nhập vào Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền đều phải dùng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC. Dùng ĐỊNH NHƯ Ý TÚC là phải sử dụng TRẠCH PHÁP GIÁC CHI: “Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu và xả niệm thanh tịnh luôn. Như vậy, nhập Tứ Thiền là xả tất cả các cảm thọ. Xả các cảm thọ thì phải tịnh chỉ hơi thở. Cho nên muốn nhập TỨ THIỀN còn có một câu TRẠCH PHÁP GIÁC CHI rất tuyệt vời: “Tịnh chỉ hơi thở nhập TỨ THIỀN”.
Đạo Phật rất tuyệt vời là làm chủ được hơi thở. Cho nên muốn nó thở là nó thở, muốn nó dừng là nó dừng thở.
Làm chủ được hơi thở là làm chủ được mạng sống của mình. Cho nên Tứ Thiền của đạo Phật là một phương pháp muốn dừng hay muốn thở đều nhập vào Tứ Thiền. Ngoài Thiền Thứ Tư này thì không có pháp môn nào làm chủ được hơi thở. Vì vậy, mục đích nhập Thiền Thứ Tư là làm chủ sự sống chết, quý vị cần nên lưu ý loại thiền định này.