Bài học thứ hai: TẬP ĐẾ
Tập đế là đế thứ hai trong bốn đế mà đức Phật đã xác định. Đó là nguyên nhân sinh ra muôn sự đau khổ của con người trên hành tinh này. Vậy nguyên nhân sinh ra đau khổ con người trên hành tinh này như thế nào?
Tập đế là lòng tham muốn của con người. Vậy làm người có ai không có lòng tham muốn không?
Không ai dám bảo rằng: Con người không có lòng tham muốn. Cho nên con người ai cũng có lòng tham muốn cả, tham muốn nhiều hay tham ít mà thôi, nhưng làm con người bảo rằng không tham muốn là sai không đúng. Chính vì lòng tham muốn mà con người phải chịu khổ vô vàn cay đắng. Bởi gốc khổ của con người là lòng tham muốn. Cho nên đức Phật dạy: Lòng tham muốn của con người là nguyên nhân sinh ra muôn sự khổ đau. Lòng ham muốn ấy là một sự thật, nó là bản chất của con người từ khi còn ở trong bụng mẹ, nên đức Phật gọi nó là chân lý thứ hai.
Con người sinh ra từ nghiệp, nhưng chủ động để đi tái sinh là DỤC, dục tức là lòng tham muốn của con người. Cho nên đạo Phật là đạo diệt dục, người còn lòng dục thì không thể tu theo đạo Phật.
Thường mọi người ngồi im lặng bất động thì tâm hay lăng xăng nghĩ ngợi điều này thế kia, đó là do lòng dục của con người. Bởi vậy Phật dạy: Người mới tu tập phải dùng tri kiến giải thoát để hằng ngày ly dục ly bất thiện pháp. Ly dục ly bất thiện pháp là thấy ngay có giải thoát liền. Quý vị cứ làm thử xem có đúng như vậy không?
Người nào siêng năng trong từng phút, từng giây ly dục ly bất thiện pháp thì người ấy luôn luôn ở trong tâm bất động. Tâm luôn luôn bất động là chứng đạo. Cho nên chứng đạo của Phật giáo đâu phải khó khăn, nếu biết cách tu tập thì chứng đạo một cách rất dễ dàng.
Ở đời, người ta thường bảo lòng ham muốn của con người là túi tham không đáy, đúng vậy, lòng ham muốn của con người tham biết bao nhiêu cũng không hết ham muốn. Có cái này thì ham muốn cái khác:
1- Ham muốn ăn món ăn này món ăn khác, tham muốn ăn thứ này đến thứ khác cho nên thức ăn ngày ngày người ta chế biến đủ loại. Bước vô gian hàng buôn bán thực phẩm không biết bao nhiêu mặt hàng ăn uống.
2- Ham muốn mặc quần này áo kia. Cho nên bước vào cửa hàng buôn bán quần áo thì mặt hàng may mặc đủ loại, đủ màu sắc và bông hoa đủ kiểu.
3- Ham muốn nhà ở, có nhà này thì ham muốn nhà khác. Nhà vừa cất xong khi thấy nhà người khác sang đẹp hơn thì lại sinh tâm ham muốn. Bởi vậy sự ham muốn biết sao cho vừa lòng ham muốn. Chính lòng ham muốn không biết dừng thì sự khổ đau sẽ không bao giờ dứt.
4- Ham muốn danh làm ông này bà kia. Khi làm được ông này bà kia thì lại ham muốn làm ông bà lớn hơn nữa. Cho nên lòng ham muốn không bao giờ cùng.
5- Ham muốn lợi, của cải tài sản tiền bạc nhiều bao nhiêu cũng không đủ. Có một trăm thì muốn có một triệu, khi có một triệu thì lại ham muốn có một tỷ. Đó là lòng ham muốn không bao giờ đủ.
6- Ham muốn dâm dục, bao nhiêu vợ cũng không đủ. Khi có bà này thì lại muốn bà kia. Cho nên gặp phụ nữ thì nhìn ngó say mê không bao giờ buông bỏ được.
7- Ham muốn nhậu nhẹt, rượu chè say xỉn không bao giờ biết dừng. Do đó con người rượu chè say xỉn trở thành kẻ giết người một cách dễ dàng. Trong xã hội ngày xưa cũng như ngày nay biết bao nhiêu người say xỉn giết người không gớm tay.
8- Ham muốn xe cộ, có xe này đòi xe khác. Trong nhà năm ba chiếc xe mà còn muốn xe khác nữa.
9- Ham muốn đi chơi du ngoạn nơi này nơi khác. Đi không biết bao nhiêu chỗ mà vẫn còn muốn đi.
10- Ham muốn có nhiều người phục vụ làm tay sai, lính hầu người hạ, thế mà chưa vừa còn muốn mọi người phục dịch mình nhiều hơn nữa.
11- Ham muốn mình là con người có tài có đức hơn người, nhưng khi có tài có đức thì lại muốn hơn nữa. Thật là lòng ham muốn biết sao cho vừa, cho đủ.
12- Ham muốn làm thầy thiên hạ. Muốn ai cũng tôn xung mình là thầy v.v... Cho nên tu hành chưa làm chủ sinh, già, bệnh, chết mà đã rời bỏ chỗ ẩn cư tu hành để tiếp xúc Phật tử, lập chùa to Phật lớn làm trụ trì ngôi chùa này, tịnh xá kia, niệm Phật đường nọ.