Skip directly to content

TỨ CHÁNH CẦN

Như chúng ta ai cũng biết, khi đức Phật đến cội cây bồ đề tu tập với pháp môn đầu tiên là pháp Sơ Thiền của ngoại đạo.

Ngồi dưới cội bồ đề, Ngài nhớ lại lúc còn bé ngồi dưới cây hồng táo tu tập ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, theo pháp môn Sơ Thiền của ngoại đạo. Nhưng đức Phật không tu tập hành pháp theo lối ly dục ly ác pháp của họ mà hành theo pháp do sáng kiến ly dục ly ác pháp của mình, nên biến pháp hành này thành những hành động “NGĂN ÁC DIỆT ÁC PHÁP, SINH THIỆN TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP” hằng ngày đêm, từ canh một đến canh hai, từ canh ba đến canh tư, canh năm, rồi từ ngày này sang ngày khác đến khi tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự hoàn toàn thì đức Phật để tâm tự nhiên kéo dài 7 ngày đêm. Sau khi ở trong trạng thái này suốt 7 ngày đêm như vậy thì biết mình đã chứng đạo.

Lúc mới tu tập tâm còn chướng ngại pháp rất nhiều như sóng, nên đức Phật ngăn và diệt các ác pháp đó không lúc nào ngơi nghỉ, nhưng khi các ác pháp đó không còn nữa thì đức Phật cảm nhân tâm mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, luôn luôn đang ở trên bốn chỗ của thân, thọ, tâm và pháp. Vì thế Ngài gọi trạng thái tâm đó là pháp môn TỨ NIỆM XỨ. Do từ tự tu tập mà đạo Phật mới có những pháp môn TỨ CHÁNH CẦN và pháp môn TỨ NIỆM XỨ.

Trong các pháp môn căn bản nhất của Phật giáo, đầu tiên chúng ta tu tập thường nghe thấy pháp môn TỨ CHÁNH CẦN và TỨ NIỆM XỨ. Vì thế ngoại không làm sao có được hai pháp môn này. Chỉ có đạo Phật mới tìm thấy. Hai pháp này có là do đức Phật tự tu tìm ra.

Trở lại vấn đề tu tập của đức Phật, khi tu tập đến đây đức Phật thấy giai đoạn tu tập Sơ Thiền đầu tiên theo kinh nghiệm bản thân của mình thì không giống ngoại đạo chút nào cả, nên đức Phật liền đặt cho pháp hành này cái tên TỨ CHÁNH CẦN. TỨ CHÁNH CẦN là bốn điều cần phải siêng năng tu hành hằng ngày không nên biếng trễ, gồm có bốn điều cần nên tu tập như sau:

1- Ngăn các ác pháp

2- Diệt các ác pháp

3- Sinh các thiện pháp

4- Tăng trưởng các thiện pháp

Một cái tên mà xác định được sự tu tập Sơ Thiền của Phật giáo. Vì vậy đức Phật còn gọi pháp môn TỨ CHÁNH CẦN này với một cái tên rất gần thiền định, là “ĐỊNH TƯ CỤ”, tức là phương pháp tu tập SƠ THIỀN.

Muốn tu tập Sơ Thiền thì không phải trên pháp Sơ Thiền mà tu tập, mà phải tu tập trên pháp môn TỨ CHÁNH CẦN rồi đến TỨ NIỆM XỨ. Vì tu tập như vậy nên ngoại đạo không bao giờ có phương pháp tu tập thiền định theo kiểu này.

Đến đây quý vị đã thấy rõ từ SƠ THIỀN của ngoại đạo đã trở thành TỨ CHÁNH CẦN của Phật giáo.

Phật giáo đã làm đảo lộn tất cả pháp môn tu hành của ngoại đạo, làm cho chúng điên đầu, nhất là kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông đang bị giao động mạnh bởi sóng gió TỨ CHÁNH CẦN. Khi tu tập theo giáo pháp của đức Phật thì quý vị nên nhớ phải tu tập TỨ CHÁNH CẦN, đó là những pháp đầu tiên đánh vào cơ quan đầu não của giặc sinh tử luân hồi. Cho nên những đòn đánh ngăn ác diệt ác pháp như sấm sét, như vũ bão thì mới mong ngăn và diệt ác pháp được.

Khi tu tập phải đem hết ý chí dũng mãnh, kiên cường gan dạ, đánh đòn nào phải chính xác và đầy đủ sức mạnh thì mới mong ngăn và diệt được ác pháp, chớ tu tập sìu sìu cho lấy có thì không bao giờ quét sạch hôn trầm, thuỳ miên, vô ký và ngoan không.

Quý vị tu tập thì phải thật tu, tu cho đúng pháp, phải đi kinh hành nhiều, tu mà ngồi nhiều thì sinh ra lười biếng thì tu hành như vậy chẳng đi đến đâu cả, chỉ phí công sức và mất thời giờ vô ích.

Pháp môn TỨ CHÁNH CẦN của Phật là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời, nếu không có pháp môn này thì mọi người tu tập đều bị ức chế ý thức.

Sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, câu này không có nghĩa dạy chúng ta đi làm việc từ thiện, đi làm phước giúp người bất hạnh trong xã hội, mà dạy chúng ta nên sống không làm khổ mình, khổ người và tất cả chúng sinh.

Vậy sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì phải sống như thế nào?

Như trong pháp môn TỨ CHÁNH CẦN Phật dạy: SINH THIỆN, TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP.

Thiện pháp ở đây có nghĩa là TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ, chớ không có nghĩa thiện đơn thuần. Hằng ngày giữ gìn và bảo vệ TÂM BẤT ĐỘNG thì đó là những điều toàn thiện, rất thiện, thiện đó mới thật sự là thiện, thiện không làm khổ mình, khổ người và khổ tất chúng sinh.

Bởi pháp thiện TÂM BẤT ĐỘNG là thiện cứu cánh, nó là chân lý của Phật giáo, nếu ai từng sống với nó là người chứng đạo.

Cho nên chứng đạo của đạo Phật là chứng đạo một cách dễ dàng, không có khó khăn mệt nhọc chút nào cả.