Skip directly to content

6- ĐI THÂN HÀNH NIỆM

Khi đi thân hành niệm, trước tiên con thấy chân, rồi trong khi đi, con cảm nhận bàn chân. Trong cảm nhận có hình dung hình dáng của bàn chân tức là có tưởng trong trí hình dáng và cảm nhận thật sự các chuyển động của chân từ lúc dở gót, dở chân, đưa tới, hạ xuống. Nghĩa là trong trí lúc nào cũng có hình ảnh của chân đang chuyển động và trong trí cũng có cảm nhận chân đang di chuyển. 

Nói chung, khi thân có hoạt động nào mà mắt thấy được thì dùng mắt để thấy, nếu mắt không thể thấy thì dùng cảm nhận và hình dung hoạt động có thật của thân. Tưởng nhưng có thật, nghĩa là hình dung cái đang thật sự có. Và cảm nhận cái có đó. Chỉ tập trung tâm vào duy nhất một hành động của thân thôi, không để cái biết phân ra biết tất cả mọi hoạt động của thân. Khi nó biết toàn thân hay biết cái không phải đối tượng chú tâm của con, thí dụ nó vừa biết bước chân mà cũng vừa biết tay con đang nhúc nhích trong khi đi, thì con tác y: Tâm chỉ biết bước chân thôi, không được biết cái gì khác. Trong khi đi im lặng thì nó lại biết toàn thân thì con tác ý: Biết bước chân đi”. Có tác ý thì tâm sẽ trở về biết bước chân, quên cảm nhận toàn thân, rồi khi con đi im lặng thì nó sẽ trở lại thói quen lâu cũ của con mà biết toàn thân. Nếu muốn cho nó không trở lại thói quen cũ của con thì con phải tập trung trong pháp đi kinh hành cho đúng cách đi pháp Chánh niệm tĩnh giác. Thân hành của con trong khi đi là bước đi thì nó phải chỉ biết bước đi mà không được biết cái khác, như vậy mới trọn vẹn chứ không khéo nó biết đủ các cái thì không được. Nó biết đủ thứ là nó bị phân tâm. Không tốt đâu. Đừng nghĩ tưởng trong khi đi tâm chỉ biết những hành động của thân mà không có vọng tưởng là đúng. Không phải như vậy! Như con thấy trong pháp Thân Hành Niệm, Thầy dạy: “Chân trái bước! Dở gót lên! Dở chân lên! Đưa chân tới!...” nhằm mục đích cho tâm chỉ chú ý vào hành động nào đó của thân chứ không phải biết hết mọi hành động của thân. Phải tập trung trong từng hành động của thân rõ ràng cụ thể. Truyền lệnh cho ý thức gom lại trên hành động đó chứ không được gom vào cái khác. Con thấy nếu nó không chịu nghe thì cứ tác ý. Tác ý riết thì nó phải nghe. Bền chí tác ý cho dù thời gian lâu đến cả tháng thì cuối cùng tâm cũng phải nghe theo tác ý, làm theo tác ý. Phải trị nó bằng pháp tác ý không cho tâm làm theo cái nó muốn.