Skip directly to content

11- ÔM PHÁP TÁC Ý

Khi thân không đau, còn khỏe thì thấy pháp Như lý tác ý rất thường, nhưng khi đau mới thấy phải ôm pháp Như lý tác ý cho chặt chứ không thì đau không chịu đựng nổi. Cho nên, Thầy nói ôm pháp Như lý tác ý như ôm phao vượt biển. Khi thân đau thì pháp Như lý tác ý là cái phao, phải ôm cho thật chặt mới vượt qua cái đau, ôm lỏng lẻo thì sẽ bị cảm thọ đau. Cho nên, phải ôm cho chặt pháp Như lý tác ý mới vượt qua cảm thọ thống khổ khốc liệt, chứ không thì bị cảm thọ đánh chịu đựng không nổi, cũng như khi ôm phao không kỹ bị sặc nước. Phải luyện tập pháp Như lý tác ý trong khi thân chưa bị đau để đến khi đau thì pháp đã được ôm chặt rồi. Nhờ đã ôm chặt nên mới vượt qua biển khổ đến được bờ an toàn. Cho nên, phải làm sao ôm cho chặt tâm bất động để vượt sóng cảm thọ. Đừng ôm lỏng để không bị cảm thọ đánh. Ôm chặt thì không cảm giác đau mà ôm lỏng thì bị cảm thọ đau mà lâu hết. Ôm lỏng thì khi không cảm thấy đau, khi bị đau. Khi bị đau thì không chịu đựng nổi.

Vọng tưởng nhiều thì tác ý nhiều, vọng tưởng ít thì tác ý ít, không có vọng tưởng thì ngồi chơi. Giữ hạnh độc cư cho nghiêm, sống một mình đừng đi lui tới với ai hết thì không lâu sẽ đạt được tâm bất động, rồi sống với tâm bất động cho thật kiên cố bền chặt. Trong trạng thái tâm bất động là trong trạng thái tứ niệm xứ nên không cảm thấy mệt mỏi gì cả, lúc nào cũng khỏe khoắn an lạc, không đói khát gì cả. Khi tâm bất động thì không quan tâm đến bất kỳ cái gì của bất kỳ ai nhưng tâm biết rõ những cái đó mà không hề quan tâm đúng sai gì cả.

Trạng thái tứ niệm xứ là trạng thái của Chánh Niệm trong đạo Phật. Khi tâm các con vừa biết hơi thở mà cảm nhận toàn thân thì đó là tâm tứ niệm xứ.