4- ĐỀ MỤC THỨ TƯ ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ
Trong đề mục thứ tư “Cảm giác toàn thân....” của ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ thì con tu cảm nhận toàn thân bằng cách cảm nhận từ bàn chân trở lên cho tới đỉnh đầu và ngược xuống từ đỉnh đầu xuống bàn chân. Cách cảm nhận là NHÌN THẤY. Nhìn thấy là cảm nhận bằng mắt, sau đó cảm nhận bằng hình dung trong tưởng, trong ý. Nếu sự hình dung chưa được rõ ràng thì con cúi xuống nhìn lại cho thấy phần thân thể đó, rồi không còn nhìn nữa mà chỉ cảm nhận trong hình dung mà thôi. Phải tập chứ không phải tự nhiên mà cảm nhận dễ dàng.
Còn sự rung động là CẢM NHẬN SỰ RUNG ĐỘNG chứ không phải là sự rung động. Thí dụ khi hít thở con thật sự cảm nhận có sự rung động từ bụng lên trong khi con ngồi, nhưng con tập cảm nhận sự rung động này lan tràn khắp thân cùng lúc với nhịp thở vào ra khi thở. Đó là cảm nhận qua cái TƯỞNG để rồi con tập cảm nhận qua sự cảm nhận.
Phải tập từ từ và dùng tưởng của cái có thật, chứ không phải tưởng của cái không thật có, của tưởng. Như khi quán thực phẩm bất tịnh là có thật sự bất tịnh của thực phẩm nhưng trong lúc đó không có hiện tượng bất tịnh đó mà do ta tưởng tượng ra mà quả có thật. Chúng ta chỉ dùng tưởng để đối trị tâm tham dục của ta chứ không để tưởng đưa chúng ta đi vào thế giới siêu hình hư cấu, không thật có. Chúng ta biết dùng tưởng để đối trị tâm tham dục, chứ không để tưởng sử dụng lại mình. Tạo cho ý thức của mình nhàm chán. Như ngồi đây đâu có hôi thối nhưng con tưởng như có thây ma sình thối để con nhàm chán thân, ghê tởm thân con, để không quý trọng nó đến độ ai đụng chạm hay làm thương tổn thân con thì con có những hành động để bảo vệ nó. Con thấy trong kinh Phật có dạy “Tưởng thây ma” không? Đó là chúng ta dùng tưởng để tu. Cũng như làm gì có thực phẩm thiu thối nhưng con tưởng như có.