ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ
Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn tuyệt vời. Trước khi muốn tu tập pháp môn này quý phật tử nên chọn một nơi thanh vắng và yên tĩnh, ít có người qua lại. Khi chọn được xong chỗ ngồi, quý vị ngồi xuống, ngồi kiết già hoặc bán già đều được cả, phải giữ gìn lưng thẳng, quay mặt vào vách, hay gốc cây, hai mắt nhìn phớt xuống chóp mũi. Khi tư thế ngồi yên ổn xong thì quý vị bắt đầu hít vào một hơi thở chậm, dài. Khi nào hít vào hết sức thì quý vị lại thở ra cũng chậm, nhẹ và dài. Khi thở ra hết thì quý vị trở lại hơi thở bình thường, kèm theo pháp hướng tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Khi thở đúng 5 hơi thở thì quý vị lại nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Rồi lại tiếp tục thở bình thường như trên. Khi thấy hơi thở ra vào đều đều, tâm gom tại nhân trung thì quý vị cứ tiếp tục tu tập vừa tác ý vừa hít thở cho đến tu tập như vậy được 30 phút mà không có một niệm nào xen vào, thì đó là kết quả thứ nhất của sự nhiếp tâm trong hơi thở. Khi tu tập được 30’ không có một niệm nào xen vào trong hơi thở thì không cần phải tác ý câu: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra” nữa, mà phải nhắc bằng những câu khác để xả tâm mình trong khi đang thở.
Thí dụ nhắc tâm bằng câu: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, rồi quý vị thở 5 hơi thở. Sau đó lại nhắc tâm: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”, rồi thở tiếp 5 hơi, và nhắc tâm: “Quán ly si tôi biết tôi hít vô, quán ly si tôi biết tôi thở ra”, rồi quý vị cứ tiếp tục 5 hoặc 10 hơi thì một lần hướng tâm như sau:
“Quán đoạn dứt tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán đoạn dứt tâm tham tôi biết tôi thở ra”.
“Quán đoạn dứt tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán đoạn dứt tâm sân tôi biết tôi thở ra”.
“Quán đoạn dứt tâm si tôi biết tôi hít vô, quán đoạn dứt tâm si tôi biết tôi thở ra”.
Như thế, cứ cách 5 hơi thở thì một lần hướng tâm (Đừng để cho một niệm khác xen vào trong khi ta thở và tác ý).
Khi tu tập Định Niệm Hơi Thở như vậy độ 30 phút thì quý vị xả nghỉ. Nếu quý vị có sức ngồi tu tập bền lâu thì cũng nên tu tập 30 phút rồi xả nghỉ, không nên tăng hơn suốt trong ngày đêm Thọ Bát Quan Trai Giới. Quý vị cứ tu tập từng hành động, trong công việc làm, hay lúc đi kinh hành, luôn luôn tu tập Định Niệm Hơi Thở kèm theo pháp hướng để xả tâm thì tâm hồn quý vị sẽ được thanh thản.
Đây là bài tham khảo thêm về Giới Niệm Hơi Thở, hơi thở ra, hơi thở vô để quý Phật tử nghiên cứu. Pháp môn Giới Niệm Hơi Thở Ra, Hơi Thở Vô là một pháp môn mang lại lợi ích rất lớn cho công cuộc chiến đấu với mặt trận sinh tử luân hồi của nhân quả.