Skip directly to content

6- ĐỀ MỤC THỨ SÁU

6- “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Đề mục này là để hướng dẫn chúng ta ý thức nhận xét sự hoạt động của tâm theo từng hơi thở ra vô chứ không phải biết hơi thở ra vô bình thường. Do đó mỗi lần hít vô hay thở ra chúng ta đều lắng nghe tâm đang có niệm hay không niệm. Khi tu tập lắng nghe tâm từng hơi thở mà thấy tâm lặng lẽ bất động không một niệm xen vào trong suốt 30 phút hay 1 giờ là chúng ta đã đạt được kết quả tu tập về đề mục này.

“Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Tu tập “Cảm giác tâm hành” là xem tâm có hành động gì không.

Tập luyện đề mục này để thấy tâm hành hay không hành. Hành là tâm khởi ra niệm này niệm kia, là tâm ở trong cái động. Còn không hành là không khởi niệm; là tâm tịnh.

Khi quý vị tác ý câu này: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” một hay hai lần thôi mà đã có trạng thái an tịnh của thân liền thì đó là đạt kết quả an tịnh thân hành. Thân an tịnh có trạng thái an lạc, hoan hỉ. Lúc bấy giờ nhận ra cái tâm là nhận ra sự hoan hỉ đó. Nhưng khi tác ý đề mục 6: “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra” thì mới thấy rõ cái an lạc, cái hoan hỉ của tâm. Khi quý vị tác ý và nhận ra niềm hoan hỉ này rõ ràng là đạt kết quả của đề mục 6.

Muốn đạt được kết quả của đề mục này thì phải siêng năng tu tập. Có siêng năng tu tập mới có đủ cảm nhận tâm mình. Cảm nhận được tâm hành không phải dễ. Vì thế phải tu tập cho thật kỹ, cho cảm nhận được sự động và sự tịnh của tâm. Nói thì dễ, nhưng làm không phải dễ, quý vị phải cố gắng lên. “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Quý vị đừng nản lòng mà hãy bền chí, đường đi phía trước đang rực ánh hào quang, đang chờ đón quý vị.