20120630 - LẦN GẶP SAU CÙNG-SÁCH TẤN TU SINH
20120630-LẦN GẶP SAU CÙNG-SÁCH TẤN TU SINH
20120630-LẦN GẶP SAU CÙNG-TU SINH THƯA HỎI
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh - Tu sĩ
Thời gian: 30/06/2012
Thời lượng: [1:40:53]
1- THƯA HỎI KỸ LƯỠNG, VÀO THẲNG CHUYỆN TU TẬP
(00:01)Trưởng lão: Thầy dựng lại và Thầy là người đã làm được những điều này, cho nên Thầy mong rằng ở đây mấy con, người nào mà muốn làm chủ 4 sự đau khổ này: Sanh – Già – Bệnh – Chết thì cứ thưa hỏi cho kỹ lưỡng, để mình thực hiện cho được, làm con người như Phật vậy đó, mới xứng đáng là con cháu của Phật.
Rồi, mấy con có người nào thưa hỏi thì cứ thưa hỏi đi. Thưa hỏi, mấy con lưu ý cái phần này, đừng có lòng vòng chuyện này chuyện kia, chuyện Đông chuyện Tây mà ngay vào chỗ tu tập mà thưa hỏi, thì nó không mất thì giờ.
Rồi rồi, con cứ đọc đi con.
2- ĐÁNH GIÁ THỜI GIAN VÀ KẾT QUẢ TU TẬP GIAI ĐOẠN 1
(00:52) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy, kính thưa Quý sư cô và Quý thầy. Thưa Thầy, ở đây có 5 câu hỏi mà tất cả các tu sinh thắc mắc và tu tập không đúng với những cái đường lối tu tập, nên có những cái thắc mắc. Kính xin Thầy chỉ dạy cho tất cả chúng con được rõ! Kính thưa Thầy, con xin đọc những câu hỏi này.
Câu hỏi thứ nhất: Đối với tu sinh tu tập căn bản ở giai đoạn 1 tại Tu viện, Thầy dạy chúng con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức bằng cách từ nhiếp tâm, cho đến an trú tâm trên Thân Hành Ngoại là đi kinh hành hoặc Thân Hành Niệm thì thời gian tu tập bao lâu và kết quả như thế nào mới gọi xong giai đoạn 1, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu rõ, kính xin Thầy?!
Trưởng lão: Ừ, bây giờ con đọc lại từng đoạn để Thầy giải thích cho nó rõ từng đoạn 1. Rồi, con đọc lại, con đọc lại đi, từng đoạn.
Thầy Gia Hạnh: Con xin đọc lại: Đối với tu sinh tu tập căn bản ở giai đoạn 1 tại Tu viện, Thầy dạy chúng con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức bằng cách từ nhiếp tâm, cho đến an trú tâm trên Thân Hành Nội là 19 đề mục hơi thở, và Thân Hành Ngoại là đi kinh hành hoặc Thân Hành Niệm, vậy thời gian tu tập bao lâu và kết quả như thế nào mới gọi là xong giai đoạn 1? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ ?!
Trưởng lão: Cái thời gian tu tập đó, nó không phải lâu. Nó từ người nào mà tệ lắm là 3 tháng, mà người nào giỏi thì người ta trong vòng 1 tuần lễ là người ta đã xong giai đoạn 1. Tại sao mình biết cái đó giỏi, mình biết cái đó dở?
Người ta nhiếp tâm thì cái tâm người ta nó không có phóng cái niệm này niệm kia lăng xăng thì người đó giỏi. Còn người đó nhiếp tâm mà cứ niệm này niệm kia lăng xăng thì dở, các con hiểu chỗ đó chưa?! Rồi, con đọc tiếp.
3- NHIẾP ĐƯỢC TÂM RỒI THÌ CẦN TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT
(03:06) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 2: Đối với tu sinh chuyên tu ở giai đoạn 2, Thầy dạy chúng con, khi đã đạt Chánh Niệm Tỉnh Thức thì phải triển khai tri kiến và gạn lọc tâm để sống với tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Vậy thì chúng con có tiếp tục an trú tâm trên hơi thở và đi Thân Hành Niệm nữa hay không? Hay trú tâm vào trạng thái không niệm để giữ tâm bất động kéo dài? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con.
Trưởng lão: Ở đây không có trú tâm ở chỗ nào nữa hết, mà ở trên cái trí tuệ chúng ta để triển khai trí tuệ chúng ta ra, chớ không có trú tâm nữa.
Trú tâm, gom tâm là cái giai đoạn đầu để chúng ta có cái nội lực. Sau khi chúng ta đạt từ 7 ngày hoặc là 1 tháng cho đến 3 tháng là cùng, không được tu cao hơn cái số thời gian đó. Bởi vì tu cao hơn nó sẽ lọt vào trong tưởng, nó làm cho con đường tu chúng ta sai, phải không?
Cho nên vì vậy mà khi mà chúng ta thấy tâm mình nhiếp được, gom được rồi thì đó là mình triển khai qua tri kiến giải thoát của chúng ta, chớ không có được nằm đó. Mà không có được cứ hàng ngày cứ tu chai, tu lỳ một cái pháp đó thì cũng không được. Bởi vì tu thì phải tiến tới, chớ đừng có nói tôi tu năm này tới năm kia, cứ ôm pháp. Pháp này tôi chưa xong thì tôi tu hoài đó. Thì như vậy người đó tu riết thì nó chai lỳ, mà chai lỳ thì nó rất uổng cuộc đời của họ mà chẳng tiến tới được gì cả, rất là uổng.
Cho nên khi tu thì phải thưa hỏi Thầy cho kỹ lưỡng, chứ không khéo nó tưởng, nó giải, nó đủ loại. Nó nghĩ mình tu được cái này, tu được cái kia, sự thật đó ra cái tưởng thôi chứ không phải được cái gì hết. Cho nên có nhiều người ngồi cười khúc khích một mình, có nhiều người thế này, thế khác thì đó là những cái sai hết.
Ở đây không có vui mà cũng không có buồn, thì đó mới đúng con!
4- BẤT ĐỘNG TÂM TRÊN TỨ CHÁNH CẦN LÀ BẤT ĐỌNG VỚI ÁC PHÁP
(05:20) Thầy Gia Hạnh: Dạ! Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 3: Thưa Thầy, thế nào là bất động tâm trên Tứ Chánh Cần và thế nào là bất động tâm trên Tứ Niệm Xứ? Xin Thầy giảng dạy cho chúng con được rõ.
Trưởng lão: Tứ Chánh Cần nó bất động tâm, sự thật ra là nó bất động với tâm ác. Bởi vì trong Tứ Chánh Cần thì ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện, phải không? Cho nên vì vậy luôn lúc nào chúng ta cũng ở trên pháp thiện, chớ không có ở trên các pháp ác, hễ khi có một niệm ác chúng ta biết ngay liền.
Sau khi trải qua chúng ta đã có trí tuệ rồi, gom tâm được thì chúng ta đã có trí tuệ, dùng trí tuệ triển khai ra để biết chúng ta đang ở trên ác pháp hay thiện pháp, để chúng ta diệt trừ tất cả các ác pháp, chúng ta chỉ còn duy nhất là thiện pháp mà thôi. Đó là cái chỗ tu hành của chúng ta. Chỗ này rất khó đó, chứ nói thì dễ đó, chứ coi chừng chúng ta sẽ lầm lạc đó.
Cho nên càng tu cao đó, thì mấy con đừng nghĩ rằng tôi tu vậy đó được. Nó sẽ đưa các con đi vào trong những cái trạng thái tưởng, tưởng mình chứng này nọ kia coi chừng sai. Càng tu cao thì càng phải được gần thiện hữu tri thức, một người đã kinh nghiệm đi qua trên con đường ngoằn ngoèo đó rồi, người ta biết cái chỗ đó, là cái chỗ nó sẽ đưa đi vào cái gì gì người ta biết trước hết. Chứ đừng nghĩ rằng tôi tu vậy là được rồi.
Cho nên có nhiều, ở đây có nhiều người tu rất lâu đều là bị kẹt trong đó hết. Đó là sai pháp. Cho nên nó chẳng tu bao giờ tới. 7, 8 chục tuổi, hay 6, 7 chục tuổi mà rốt cục rồi chẳng được gì hết, mà cứ nghĩ rằng mình được. Mình được cái an an đó đâu phải. Đạo Phật đâu đi cầu cái an ổn đâu, đâu cầu cái an ổn đâu!
Cho nên vì vậy mà Đạo Phật làm chủ bằng tri kiến giải thoát của họ, bằng cái sự hiểu biết của họ. Một cái pháp ác, một cái điều mà bất toại nguyện trong lòng của họ xảy đến, họ đều hóa giải bằng cái tri kiến của họ, cho nên họ giải thoát! Chớ họ hoàn toàn tri kiến của họ không phải nằm chết lịm ở đó, không phải đó. Mà nằm chết lịm đó thì coi chừng mình tu sai đó! Rồi con.
5- BỊ CÁC TRẠNG THÁI TƯỞNG LÀ DO CÒN TÂM THAM DỤC
(07:50) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 4: Những trường hợp như bị sắc tưởng, hành tưởng và kiến giải tưởng, v,v… đều do tu ức chế ý thức mà có hay do nguyên nhân nào khác, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ!
Trưởng lão: Nó nhiều nguyên nhân con, nó nhiều nguyên nhân. Người ta tu người ta cứ ngỡ người ta tưởng người ta chứng cái này, cái kia, cái nọ là nó sẽ xảy ra tất cả những cái hiện tưởng đó. Nó nhiều nguyên nhân lắm chứ không phải, Đó là cái tâm tham dục chúng ta còn, chưa hết. Chúng ta tu không cầu cái gì hết.
Người ta chửi tôi không giận đó là tôi chứng đạo. Dễ dàng quá, đạo Phật đâu phải là khó khăn gì đâu. Người ta chửi mình không giận mà, mình biết các pháp vô thường rồi, có gì đâu mà giận người ta: “Đây là nhân quả, đời trước hoặc là đời trước nữa mình chửi người ta, bây giờ người ta chửi mình, có gì đâu bây giờ mình giận người ta. Điều đó là điều sai.” Cho nên do đó, nhờ mình có tri kiến hiểu biết nhân quả vậy mà mình giải thoát hoàn toàn. Đó! Rồi con.
6- SẮP XẾP TU THEO ĐẶC TƯỚNG RIÊNG VÀ ĐẶC TƯỚNG CHUNG
(09:01) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu thứ 5: Thưa Thầy, có những tu sinh xin phép Thầy chỉ dạy riêng theo đặc tưởng của họ, vậy thì với số chúng đông như thế và vì sức khỏe của Thầy, chúng con phải sắp xếp ra sao? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Trưởng lão: Ờ, đặc tưởng riêng, hãy nhìn gương mặt của họ trước tiên. Cái đầu họ nó đặc biệt, nó khác lạ, nó dài như thế này hoặc nó ngắn như thế này. Nó phải có đặc tưởng riêng thì nó phải có cái riêng của nó chớ. Thì mấy người đó phải được hỏi riêng Thầy. Còn mấy con đều đều như vậy, thì hỏi Thầy chi, người nào cũng vậy hết.
Có phải không? Ờ, bây giờ Thầy nhìn trong số các con này, Thầy biết cái người nào có đặc tưởng riêng rồi đó, mà Thầy gọi thì mấy người đó nên đến với Thầy. Còn Thầy không gọi, Thầy biết là đặc tưởng chung nhau chứ không có gì, thành ra cứ đưa một pháp mấy con tu. Còn đặc tưởng riêng thì cái đó phải tu đặc biệt con.
7- ĐẠT ĐƯỢC TÂM LUÔN THANH THẢN, AN VUI LÀ MỘT QUÁ TRÌNH TU TẬP
(10:31) Thầy Gia Hạnh: Đây là những câu hỏi của quý tu sinh, kính xin Thầy chỉ dạy cho các con được rõ.
Kính thưa Thầy, cho phép con được hỏi. Kính xin Thầy giảng kỹ cho con về niệm đưa đến cho tâm thanh thản, an vui và làm sao để luôn có mặt những niệm này, kính xin Thầy chỉ dạy?
Trưởng lão: Đó là một quá trình tu tập chứ không phải là muốn mà có được. Nghĩa là Thầy dạy như thế nào, bắt (đầu) khởi sự tu như thế nào thì mình phải tu như thế nấy, chứ không phải bây giờ muốn cái nó nhảy vô nó nằm trong đó được đâu, không phải đâu.
8- SIÊNG NĂNG TRIỂN KHAI TRI KIẾN MỚI THẤM NHUẦN ĐƯỢC LÝ GIẢI THOÁT
(11:14) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ hai: làm sao để tâm nhanh chóng thấm nhuần một lý nào đó? Kính thưa Thầy, ví dụ như lý nhân quả, lý thân bất tịnh, hay lý vô thường, v v. Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Trưởng lão: Cái đó là mình phải dùng cái tri kiến giải thoát của mình, mình quán, mình đem cái đề tài đó mình tư duy, suy nghĩ. Từ mình tư duy suy nghĩ con người, cho đến loài cỏ cây, rồi vạn vật, rồi không khí, thời tiết… nghĩa là biết bao nhiêu cái nhân quả vũ trụ của chúng ta xung quanh, chúng ta phải thông suốt.
Bây giờ Thầy hỏi mấy con, mấy con chưa có trả lời được thì hỏi như vậy là mấy con có thông suốt nhân quả đâu? Không có thông suốt. Thầy hỏi tại sao mà trời hôm nay trong mà hồi nãy có đám mây, mấy con nói Thầy nghe coi sao lý nhân quả sao nó kỳ vậy? Phải không? Mấy con giải được thì đó là mấy con đã thông suốt chứ sao! Mà thông suốt là thông suốt cái lý nhân quả của mấy con. Mà mấy con giải không được tức là mấy con chưa thông suốt lý nhân quả. Các con thấy chưa?
Bởi vì đạo Phật là đạo trí tuệ mà không triển khai cái trí tuệ, mà ngồi ù lỳ như một cục đất đó thôi! Rồi rồi! Thầy đi vô, Thầy thấy gốc cây nào cũng có người ngồi. Thầy nói thôi, thế này thành cục đá, gốc cây hết ráo rồi còn gì đâu?! Đó, thành ra sai hết mấy con.
(12:25) Người ta ngồi đây một mình người ta, mà người ta không buồn, không vui, thấy thanh thản, an lạc mà người ta không cần nói chuyện với ai hết. Còn mấy con ngồi một mình, lát buồn buồn chạy lại kia nói chuyện. Thôi, mấy người đó thôi hết tu!
Bởi vì vô đây người ta trắc nghiệm mấy con ở chỗ cái pháp độc cư sống một mình. Người nào sống một mình được, còn sống thấy buồn quá, thôi đi vòng. Đi vòng mấy con đi từ đống cát kia đi vô, đi ra, đi vòng về thì coi như là mấy con phá độc cư mình rồi, thì như vậy tu cái gì bây giờ đây?!
Thầy nói, mình không nói chuyện với ai thôi mà tự mình mình phá độc cư mình. Bây giờ ngồi đây nghe sao muốn đi, thì coi chừng á! Phá độc cư đó! Nó ngồi đây nó buồn, nó muốn đi phá độc cư lắm đó. Nó đi ra ngoài kia nó dòm, nó nhìn ngó này cho vui đó!
Mấy con phải hiểu được cái tâm trạng, cái tâm lý của mình chớ?! Tâm trạng của mình. Cái này mình không hiểu gì hết cái mình làm theo nó. Đây mình đi ra đống cát mình có làm cái chuyện gì đâu mà gọi là lỗi, hoặc phạm giới gì đâu mà lỗi. Nhưng mà lỗi với mấy con. Mấy con đã phá độc cư của mấy con rồi!
Còn ví dụ như nhà cửa người ta cất kệ người ta, mình tu thì tu, không chạy dòm nó làm gì, như vậy mình mới tu chứ! Hễ thấy người ta cất cái mình chạy coi thử coi nay cất rồi chưa? “Trời, cái nhà này cất đẹp!” Thì như vậy mình chạy theo các pháp thế gian, chưa đúng!
Tu mà mấy con tưởng mình đi kinh hành cho nhiều tốt. Đâu có tốt đâu! Đi phá độc cư mình chứ gì? Đi đặng mắt mình ngó qua, ngó lại, ngó tới, ngó lui. Mặc dù bây giờ mấy con không ngó qua ngó lại, ngó tới ngó lui, nhưng mấy con đi mấy con ngó xuống đường, đoạn đường này nó khác đoạn đường kia chứ đâu phải giống nhau. Mấy con phá độc cư của mấy con rồi đó! Thầy nói chỉ một chút xíu thôi, nó cũng phá độc cư mình rồi! Mà phá độc cư rồi thì mình tu làm sao mà tu tới đâu?
Tu nó không khó! Mà phải được gần thiện hữu tri thức, phải thưa hỏi kỹ, phải chấp hành lời dạy. Cái này Thầy dạy một đằng, mấy con tu một nẻo, thôi rồi! Nào là hôm trước Thầy dạy vậy, nay 3 năm Thầy dạy còn đây! Thầy dạy trước đây 3 năm cho cái nhóm người đó, chứ đâu phải dạy mấy con đâu mà bây giờ mấy con lục ra mấy con tu. Trời đất ơi! Mấy con tu 3 năm trước à, vậy là mấy con tu sai hết ráo rồi!
(15:43) Kinh sách viết là để lưu lại chứ không phải viết để mấy con tu. Mà người ta lưu lại để giữ những cái tài liệu, còn tu phải có người hướng dẫn.
Bởi vì tu mấy con thấy nó, nó có cái quy luật đặc biệt, quá đặc biệt. Muốn chết mình nằm xuống bảo “Tịnh chỉ hơi thở, thở nhẹ, nhẹ, nhẹ, dừng hơi thở, chết”, đâu?! Mấy con làm thử coi! Nếu được thì xong mà không được thì chưa xong, có vậy thôi!
Còn bây giờ đó, mấy con ra cái mồ mà người ta mới chôn, mấy con kêu vài ba người bốc lên, đem cái xác nằm ra, mấy con bảo thở, thở, thở, thở… hơi cái người đó, người đó chết người ta chôn 3, 4 ngày rồi, hơi người đó họ thở mà họ ngồi dậy.
Lúc bấy giờ họ nói ma, họ chạy tứ tung hết. Có phải không? Họ sợ, chứ đâu phải! Tại cái năng lực của cái người tu, người ta muốn chết thì chết, muốn sống thì sống. Mà cả người ta muốn cho người đó sống thì sống, muốn cho người đó chết thì chết. Nhưng người ta làm người ta biết nhân quả rất rõ. Cái người này nhân quả hết họ phải chết thôi! Họ đâu có đâu cần gì phải làm cho họ sống làm gì? Sanh tử là cái việc bình thường.
Hôm nay với một số các con về đây, được nghe Thầy nói những phương pháp của đạo Phật quá đặc biệt mà nhắm vào con người. Đạo Phật là đạo của con người, cho nên nhắm vào con người để dạy con người làm chủ những cái đau khổ của chính bản thân nó. Thế mà chúng ta làm người là khó rồi, mà được Phật Pháp còn khó hơn! Thế mà được Phật pháp nữa, vậy mà không tu! Ôi! thôi, cứ lo ăn. Bữa nay nấu ăn sao dở quá! Canh gì mà nấu mặn quá! Mình ăn cho sống chứ mình ăn cho ngon sao?
Cho nên ai cho gì ăn cũng được hết, miễn sống thì thôi! Thầy 9 năm ở trên Hòn Sơn ăn toàn lá cây có chết, có chết chỗ nào đâu! Con bò ăn cỏ nó có chết con bò nào đâu, có phải không? Mà gương của Thầy nó còn ràng ràng đó. Ai lên Hòn Sơn cũng thấy cái chỗ Thầy ở còn mà, Bạch Vân Am chỗ Thầy ở trên đỉnh Hòn Sơn mà, nó còn y chang chớ đâu mất cái chỗ nào đâu?
Thế mà một thân một mình Thầy dám ở giữa biển, giữa Hòn như vậy mà sống tu. Còn bây giờ ở đây mấy con có bè, có bạn, có Thầy, có Tổ, tu hành sung sướng quá! Cơm ăn ngày nào cũng đâu có sợ đói. Còn Thầy đâu được vậy! Vậy mà giải thoát. Tu hành phải gan dạ, phải có ý chí dũng mãnh mới vượt qua được chính mình. Rồi, con đọc đi con.
9- THEO DÕI TU SINH Ở KHU CHUYÊN TU
(18:43) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy, con viết thư trình Thầy, con không đúng hẹn của Thầy với lý do con đã hẹn với cô Trang và cô đã nhận lời trước khi Thầy cho viết thư thưa hỏi. Nhưng mãi hôm qua cô mới cho biết là viết thư cho Thầy, Thầy trả lời ngay, còn cô rất bận. Vậy con mong Thầy chấp nhận thư con bị chậm một ngày. Con xin thưa hỏi với Thầy.
Câu thứ nhất: Người mới tu không có trách nhiệm, chưa có đủ tư cách và chưa hiểu biết các pháp, bản thân còn chưa tu được, hôn trầm nặng, phóng dật. Sang khu Chuyên tu đã bị trả về nơi Tiếp nhận, một thời gian ngắn lại trở về bên Chuyên tu làm công tác kiểm tra theo dõi người chuyên tu lâu năm, có được không thưa Thầy?
Trưởng lão: Được! Khi mà mình tu mà không được thì mình đi vào cái khu mà người ta Tiếp nhận để người ta sửa những cái sai của mình, để cho mình tu cho nó đúng đắn, người ta mới tuyển chọn cho mình đi vào cái khu Chuyên tu. Đi vào khu Chuyên tu đó mình vào tu trong đó, mình tu chẳng ra gì, mình làm động người ta, không được.
Cho nên ở đây, tu nó phải có từng cái giai đoạn. Thí dụ như mình mới đến tu thì người lạ thì người ta cũng xem xét xem họ tu cái pháp môn nào? Pháp môn Đại Thừa nào hoặc là pháp môn của Thầy? Thì người ta thấy người đó tu được tới cái giai đoạn nào thì người ta mới chuyển cho họ.
Còn họ chưa tu tới được gì hết, có nhiều người nói thì hay lắm, nhưng rốt cuộc nói không à, chứ còn tu tập chưa tới gì hết. Sau một thời gian ở người ta thấy gục lên, gục xuống. Người ta biết rõ ràng là cái người này nói dối, không có thật. Cho nên vì vậy mà người ta đâu bao giờ mà cho mấy người đó vào khu Chuyên tu để làm động người khác. Cho nên chọn người mà vào khu Chuyên tu rất khó chứ không phải dễ, rất khó.
Thầy Gia Hạnh: Dạ thưa câu hỏi thứ hai: Một người có thể bị nhiều người theo dõi mà không biết nguyên nhân, mục đích của lãnh đạo, không biết sai phạm mình bị theo dõi là vì sao? Vậy kính xin Thầy cho con biết những lý do?
(21:10) Trưởng lão: À, người ta theo dõi mình tức là người ta giúp mình tu, tại mình còn không biết ơn, còn nói người ta theo dõi. Người ta theo dõi mình để bắt bỏ tù hay làm gì mình?! Bởi vì người ta lưu ý đến mình, tức là người ta muốn mình tu tốt, thì mình luôn luôn mình nhớ biết ơn! Đặng cho mình có người theo dõi đặng cho mình tỉnh táo, mình ráng mình nỗ lực mình tu cho tốt, nên biết ơn! Còn khi mà người ta đi, thấy người ta đi ra khỏi rồi đó, thì mình quỳ xuống mình đảnh lễ cái người mà đi theo dõi mình, chứ đừng có nói: “Tôi thấy ghét”, thì không tốt.
Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 3: Kiểm tra theo dõi là người bị kiểm tra đi đâu thì người kiểm tra đi theo đó. Khi ngồi tu thì đi đi, lại lại trước mặt, bật đèn ở thất trước mặt, ngồi theo dõi giống như người cai tù coi phạm nhân có được không, thưa Thầy?
Trưởng lão: Được, vậy tốt. Người ta chịu khó thế mà không tốt sao được! Đặng cho mình tỉnh mình tu mà. Còn không có coi chừng mình lén mình ngủ gục.
Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 4: Người đi kiểm tra có quyền được nói chuyện với người bị kiểm tra không? Và ngược lại người bị kiểm tra có được hỏi những điều muốn biết để người kiểm tra giải thích không? Ở đây người kiểm tra bảo phải im lặng không được nói, kể cả hai người như vậy, thế làm sao biết họ kiểm tra cái gì, cái gì sai mà sửa? Kính xin Thầy chỉ dạy!
Trưởng lão: Người kiểm tra người ta được quyền người ta nói, người ta dạy, người ta hướng dẫn mình. Còn cái người bị kiểm tra thì không được hỏi cái gì hết. Chỉ có mình đến, mình gặp Thầy mình thưa hỏi: “Tôi bị kiểm tra bữa đó, đêm đó như vậy, không biết con tu sai cái gì mong nhờ Thầy chỉ cho con biết cái chỗ đó mà con sửa, để con không có làm cực khổ cho cái người kiểm tra con”. Như vậy mới được đúng. Chứ thấy người ta kiểm tra mình, “Thấy ghét, lúc nào cũng có mặt, theo theo hoài”!
(23:39) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 5: Kiểm tra với mục đích giúp cho người phạm lỗi tốt lên, cho nên phải chỉ ra những sai phạm và về giới lẫn về pháp hành, thế mà lại không nói, hỏi không cho hỏi thì đâu có ích lợi gì mà còn làm xấu đi, người tu sĩ bị động, bị phóng dật. Vậy con thấy những người đó nên quay về tu cho chính mình thì tốt hơn, khỏi lãng phí thời gian vô ích, chỉ ăn hại cơm của đàn na thí chủ, kính thưa Thầy chỉ dạy?
Trưởng lão: Ờ, cái người mà người ta kiểm tra, mà hỏi người ta để chỉ dạy cho mình tu tập này kia mà người ta không chỉ dạy, là biết người ta kiểm tra cái độc cư của mình, mình độc cư chưa trọn vẹn. Cho nên vì vậy mà người ta không có nói, hỏi gì người ta không trả lời, tức là người ta chứng tỏ cho mình biết là cái độc cư. Mà tại vì cái người đó chưa có trí tuệ thông minh, cho nên chưa hiểu cái nghĩa của cái người kiểm tra, đã kiểm tra người ta lại còn nói chuyện om sòm sao được? Cho nên hỏi gì tôi làm thinh nấy, nhưng mà tôi cứ theo dõi hoài.
Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 6: Khi tu đã tỉnh thức rồi thì có cần phải nhất thiết ngồi nhiều hay đi nhiều không? Thưa Thầy, vì người kiểm tra mới chưa hiểu biết, nên cứ muốn phải đi nhiều mới là tốt. Chứ họ không hiểu tùy lúc, tùy chỗ, kính xin Thầy chỉ dạy?
Trưởng lão: Ờ, mình tu mà tỉnh tốt thì nó không có gục, mà mình tu mà không tỉnh tốt thì nó gục hoài à, cứ hễ ngồi một hơi là nó gục. Cho nên cái sự mà tỉnh mà nó tốt, nó không có gục thì người ta không có cần nhắc nhở mình đâu, người ta kiểm tra cho mình tỉnh thôi. Còn nếu mà mình mà tu mà cứ gục thì người ta kiểm tra người ta muốn nhắc nhở cho mình chớ không có gì hết.
Cho nên vì vậy mà trong cái vấn đề mà kiểm tra nó cũng rất là khổ. Có lúc thì cần nói thì nói, nhưng có lúc không cần nói mà nói thì nó lại chính người kiểm tra lại sai phạm. Cho nên người kiểm tra người ta không nói, mà người ta tìm mọi cách người ta đánh thức bằng cách bất động tâm.
(25:41) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 7: Hiện nay người bị kiểm tra theo dõi cũng chưa biết mình phạm lỗi gì mà có tới 5 người theo dõi kiểm tra. Con muốn Thầy cho biết rõ lỗi để con tu sửa, để tu cho kết quả tốt hơn.
Trưởng lão: Vậy lỗi nhiều cho nên có tới 5 người theo, vậy thì mình phải biết mình có lỗi nhiều rồi. Thì này phải tìm hiểu coi thử coi mình lỗi gì trước tiên, mà tới 5 người theo. Cho nên mình phải thưa hỏi, thì cái người kiểm tra người ta không nói, nhưng mà mình hỏi cái vị thầy mà hướng dẫn ý: “Không biết mà con có lỗi gì mà 5 người theo kiểm tra con dữ vậy?” thì cái vị thầy người ta sẽ hướng dẫn cho cái lỗi của mình để cho mình thấy cái lỗi của mình. Chứ mà người ta nói là người ta sẽ phá độc cư mất rồi.
10- TRẠNG THÁI TƯỞNG CỦA PHẬT TỬ NGHE THUYẾT PHÁP
(26:57) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi của cô Ngọc Huệ: Con là Ngọc Huệ, mỗi lần Thầy lên pháp tòa, con nhìn xung quanh Thầy như có một bóng đèn điện phía sau, Thầy đang sáng, ánh sáng hình cầu hướng lên trên, ở giữa hình cầu có một phần hình, có lúc như hình quả đào, có lúc như ngọn đuốc có đường biên giữa, ánh sáng chung và phần này con hiểu đây là từ trường của Thầy, của Phật, nhưng sao ánh sáng không đồng đều và có phải con bị tưởng không? Thầy từ mẫn cho con được rõ? Con trình Thầy.
Trưởng lão: Ừ, đó là tưởng con dữ tợn lắm đó. Thầy ngồi đây mà hào quang ở chỗ nào, Thầy có phóng bao giờ đâu mà thấy sáng ở sau lưng Thầy, thì đó không phải tưởng nặng sao?
11- SỐNG ĐỘC CƯ CÒN RA DẤU, THÀ NÓI ĐẠI CHO RỒI
(27:45) Tu sinh: Dạ, bạch Thầy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Bổn Sư Trưởng Lão Chơn Như A La Hán.
Kính bạch Thầy, theo nhận xét của con thì tất cả ai vào đây tu tập cũng từng đọc sách, nghe băng đĩa, xem trên mạng những kinh sách và bài giảng của Thầy, thế nhưng chẳng mấy ai nắm rõ được hạnh ăn - ngủ - độc cư.
Thậm chí đến những người tu lâu năm trong Tu viện, những người từng học lớp Chánh Kiến, thế mà cũng chẳng nắm được ba hạnh quan trọng này. Có người còn bảo: “Thầy dạy độc cư chứ không phải độc câm cho nên có quyền ra dấu ra hiệu. Ngày xưa ba vị tôn giả sống ở khu rừng Sừng Bò cũng nói chuyện, ra dấu ra hiệu vậy”. Vậy con kính xin Thầy giải thích?
Trưởng lão: Giải thích 3 vị tôn giả? Sống ra dấu, ba ông già điên mà cũng đem ra nói nữa.
Trong cái thời Đức Phật, người ta sống bất động tâm, còn ba cái người này đã sống riêng biệt trong một khu rừng sừng bò rồi thì mình có sống sao thì sống vậy! Bây giờ sống một mình thì lấy gì ra dấu? Còn này ba người sống, rồi còn ra dấu này kia, nọ nữa. Bởi vì đọc tới kinh chỗ này, Thầy thấy kinh chỗ này kinh viết tầm bậy, con hiểu không?
Viết vậy sai rồi, phỉ báng Phật pháp quá rõ ràng rồi! Cho ba vị tôn giả trong thời Đức Phật phá độc cư một cách rõ ràng. Vậy mà người sau cứ đọc tới đó nghe hay à, ra dấu đồ, câm hả mà ra dấu? Nói thì nói đại đi cho rồi, chứ ở đó mà ra dấu. Thầy không chấp nhận cái điều đó đâu! Làm gì thì làm, mình có miệng để nói chứ đâu phải là không miệng sao mà ra dấu. Mấy người câm người ta mới ra dấu, cho nên đó là cái sai, con.
Cái sai của người sau đã viết kinh làm sai. Chớ không phải là kinh Phật sai! Người sau viết sai, mà không ai chỉnh đốn lại. Thầy thì, nói chung là chỉnh đốn quá Đại Thừa ghét Thầy. Cho nên thôi thôi, Thầy nói ít ít thôi! Chứ mà Thầy nói nhiều chắc bây giờ Thầy không có ngồi đây đâu!
Cho nên mấy con nhớ, Thầy dạy sao ráng tu giải thoát. giải thoát dễ gần chết! Người ta chửi mình không giận là giải thoát chớ có gì đâu? Ai biểu giận? Giận có khổ không? Khổ! Vậy thì không giận có sướng không? Có nhiêu đó thôi, có một chút đó thôi! Không giận, không buồn, không phiền, thương yêu và tha thứ, đủ rồi.
Thì Đạo Phật Từ, Bi, Hỷ, Xả, Hỷ Xả là tha thứ chứ có gì?! Từ bi là thương yêu chớ gì? Thầy giờ Việt Nam, Thầy không có dùng ba cái từ ngữ của Trung Quốc, cho nên Thầy nói thương yêu tha thứ, còn Trung Quốc thì Từ, Bi, Hỷ, Xả, có phải không? Cho nên Thầy không phải là người Trung Quốc, cho nên không có Từ, Bi, Hỷ, Xả gì hết! Ở đây thương yêu và tha thứ à! Có thương yêu thì tha thứ, mà không thương yêu thì không tha thứ. Thì mấy con thử coi, mình thương người đó mình tha thứ, người đó có lỗi lầm mình tha thứ dễ lắm. Còn mình không thương, “Thấy ghét!” phải không?!
Cho nên vì vậy đó, kinh sách đọc khéo léo lắm mấy con! Người sau thêm thắt nhiều lắm, tam sao thất bổn. Thầy có lúc Thầy cũng sửa nhiều, nhưng mà Thầy nghĩ: “Một mình mình sửa chưa (được), phải được một số người tu chứng rồi sửa phụ với Thầy thì không ai dám nói”. Còn mình Thầy sửa, họ nói Thầy muốn sửa lại hết kinh Phật, cho nên nó khó khăn.
Tốt hơn, Thầy chờ mấy con tu chứng mình xúm nhau mình sửa lại kinh Việt Nam, không có xài kinh Trung Quốc nữa, xài kinh Việt Nam. Mình người Việt Nam xài kinh Việt Nam, phải không? Còn người Trung Quốc qua đây đọc kinh Việt Nam thấy hay quá, thì họ sẽ theo kinh Việt Nam họ tu.
(31:48) Tu sinh: Dạ, vậy kính bạch Thầy, như vậy là cái hành động ra dấu ra hiệu, gặp nhau cười với nhau cũng là phá độc cư đúng không ạ?
Trưởng lão: Cũng phạm nữa đó. Bởi vậy, Thầy nói không có hành động gì hết, nghĩa là phạm độc cư hết ráo. Ra dấu này, cười này, cái gì đi nữa làm cho người khác lưu ý mình đó là phạm độc cư hết. Không có được làm hành động gì hết, độc cư là độc cư; như vậy mới thật sự độc cư.
12- BAN QUẢN LÝ TU SINH TRAO ĐỔI CÙNG ĐẠI CHÚNG
(32:19) Tu sinh: Dạ, kính bạch Thầy, hôm nay chúng con có đôi lời muốn trao đổi cùng đại chúng, chúng con kính xin Thầy hoan hỉ cho phép?
Trưởng lão: Ờ, được mà.
Tu sinh: Kính bạch Thầy, kính thưa đại chúng. Chúng con biết công việc chúng con đang làm hiện giờ là kiểm tra có nhiều sự va chạm. Có người khi được nhắc nhở thì cám ơn sửa đổi, có người khi được nhắc nhở thì đem lòng buồn giận, oán trách. Cho nên hôm nay chúng con xin trao đổi cùng đại chúng vài điều sau đây:
Một, chúng con làm đây là dựa trên giới luật, nội quy của Phật, của Thầy đưa ra chứ chúng con không hề thêm bớt gì theo ý của mình cả.
Hai, chúng con làm đây là để phụ tiếp Thầy, để giữ gìn giới luật, nề nếp, nội quy của Tu viện để mọi người tu tập nghiêm chỉnh, có lợi ích cho mình, cho người, để xây dựng lại chánh Phật pháp.
Ba, chúng con làm việc không vì tư lợi cá nhân nên ai thương cũng không mừng, ai ghét cũng không buồn. Miễn sao giới luật được mọi người giữ gìn nghiêm chỉnh, bởi vì “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”.
Bốn, chúng con bị chê bai, chỉ trích là nghiêm khắc, khó khăn, cứng nhắc,.v.v… Hãy nhìn lại những người chê bai này xem, toàn là những người phạm giới, phá giới. Có người vào Tu viện, tu tập từ lúc đến cho tới lúc về, họ giữ gìn ba hạnh thật tốt, chúng con không hề bước chân đến thất người đó trừ khi có hữu sự.
Năm. chúng con luôn bảo vệ sự tu tập giữ độc cư cho mọi người, không khi nào chúng con lợi dụng công việc của mình mà đi từ thất này đến thất khác để nói chuyện, tâm sự, kể lể phá độc cư của quý vị, luôn luôn giữ an ổn cho quý vị tu tập. quý vị hãy xét lại xem có đúng như vậy không?
Kính bạch Thầy, kính thưa đại chúng! Chúng con ban ngày thì nghĩ làm sao cho đại chúng ăn được no lòng, ngon miệng, đầy đủ sức khỏe, ban đêm thì nghĩ cách nào cho các vị tu tập được tốt, được an ổn, tinh tấn để đạt được giải thoát.
Những điều trên đây là tâm nguyện thật lòng của chúng con. Một lần nữa, chúng con chỉ tha thiết cầu xin đại chúng hãy giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh để không phụ ơn Phật, ơn Thầy, ơn đàn na tín thí. Nếu vị nào xa lìa giới luật, xa lìa thiện pháp thì ác pháp sẽ đến với quý vị ngay.
Nếu chúng con có nói gì sai sót thì kính xin đại chúng hãy hoan hỉ và đại xá cho chúng con. Hôm nay, trước mặt Thầy, trong công việc chúng con làm hàng ngày, đại chúng thấy có gì không vừa ý, hài lòng hoặc cảm thấy bị ức chế về ban quản lý thì xin quý vị hãy đóng góp, nhắc nhở, để trao đổi để cùng nhau xây dựng!
Dạ, như vậy thì con kính xin quý vị có gì sai sót thì xin đại chúng hãy có ý kiến, để trước mặt Thầy rồi Thầy sẽ chỉ dạy luôn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trưởng lão: Ừ, Con ngồi xuống đi con, mấy con có góp ý thì góp ý với nhau để mình cùng nhau mà rút tỉa những cái hay, để cho mình tiến tu trên con đường tu tập.
13- BÌNH THƯỜNG TÂM THỊ ĐẠO
(36:26) Thầy Gia Hành: Tiếp tục những câu hỏi của các tu sinh:
Kính thưa Thầy, khi bị ác pháp tấn công như hôn trầm, thọ khổ, .v.v. đến, con ngồi tác ý đuổi hoặc phá bằng đi kinh hành. Con cảm nhận thân con nóng lên và toát mồ hôi, lúc đó thọ khổ và hôn trầm nó đi, nhưng không bao lâu nó lại quay lại. Hiện tượng nóng lên là sao, xin Thầy chỉ dạy?
Trưởng lão: À! Cái hiện tượng mà nóng lên đều là do tưởng mấy con! Do tưởng. Bởi vì tất cả những cái đó, mấy con có đuổi đi rồi mà không thấy có cái gì mà xảy ra trong thân của mình. Còn có cái gì mà xảy ra trong thân của mình đều là qua một cái tưởng của mình nó hiện ra, để mà cho trạng thái kia đi để lại trạng thái này cũng như thay thế vậy thì cũng không tốt mấy đâu! Bỏ đi!
Nghĩa là bình thường là tốt. “Bình thường tâm thị đạo” mà! Cho nên đức Phật nói rồi, mình sống bình thường, không có trạng thái gì trong này hết, không có cái gì hết thì đó là tốt. Còn có cái gì là xấu, cũng không tốt.
Tu tập là phải ghi nhớ những cái điều đó. Sống bình thường, cái gì mình cũng thấy, cũng biết, cũng nghe, cũng hiểu hết chớ không có điếc lác, không có biết cái gì hết, không phải đâu, cái gì cũng biết, cũng nghe, cũng thấy hết, nhưng mà không dính mắc một cái gì hết, không chấp cái gì hết, thì đó là giải thoát. Rồi con.
Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 2: Tâm con lúc nào cũng muốn ngồi thanh tịnh ở trong vườn cây hay bóng râm của cây. Ngồi trong thất nhìn bức tường hình như tâm ức chế, vì thế con cứ ra ngoài ngồi, trường hợp này như thế nào xin Thầy chỉ dạy?
Trường lão: Ờ, trường hợp đó là, coi như là sai rồi. Bỏ, không có tu tập, sống bình thường. Nghĩa là “bình thường tâm thị đạo” mà! Còn này là phải bằng cách này, bằng cách khác thì không được. Bỏ, bỏ xuống, mình sống bình thường.
(38:36) Cũng như bây giờ các con ngồi đây với Thầy (thấy) bình thường. Ai nói gì cũng nghe, ai làm gì cũng biết hết, cái tâm của mình không ở trong thiền định, mà cũng không gom tâm trong hơi thở, nó không có ở chỗ nào hết, bình thường. Ai làm gì cũng thấy biết hết. Chú kia chụp ảnh, quay phim, cái gì cũng thấy biết hết. Nhưng mình không dính mắc. Mình nói: “Chụp vậy không được, để tui lên tui chụp” thì cái này là trật. Có vậy thôi! Đó là sai.
Còn mình không có giành, không có ham cái thứ đó. dẹp. Tôi ngồi chơi à, tôi là người lười biếng nhất, người vô sự nhất. Nghĩa là ngồi chơi, đó là giải thoát mấy con!
14- LÀM CHỦ GIỜ GIẤC TU TẬP
(39:10) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 3: Khi ở Tu viện thức dậy 2 giờ sáng, ở nhà con thức 3 giờ, vậy con có phải thức dậy 2 giờ như ở Tu viện không, thưa Thầy chỉ dạy giùm con? Liên Trung.
Trưởng lão: À, bây giờ về giờ khắc, tức là giờ khóa, tập làm chủ giờ khóa, tức là làm chủ thân tâm của mình, mà giờ ở nhà khác, mà ở trong Tu viện khác thì không được. Giống y nhau. 3h là 3h, mà 2h là 2h, 4h là 4h, lúc nào, ở đâu cũng vậy. Nghĩa là cái giờ khắc là làm chủ được thời gian, là làm chủ được thân tâm của mình. Còn mình bây giờ mình tính làm chủ, đi tìm cách thức làm chủ Sinh - Già - Bệnh - Chết mà thời gian không làm chủ thì thôi, cái chuyện này không bao giờ có cái chuyện mà làm chủ Sinh - Già - Bệnh – Chết được đâu!
15- TỨ THIỀN ĐỂ THỰC HIỆN THẦN THÔNG, KHÔNG PHẢI GIẢI THOÁT
(40:12) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy, đây là câu hỏi của:
Con là Thích Nữ Nguyên Hạnh, con có một số câu hỏi chưa thông hiểu, kính xin Trưởng Lão chỉ dạy cho chúng con! Con kính thưa Thầy, câu thứ nhất: Trong giai đoạn này chúng con có xả sạch hoàn toàn được tâm si không? Có người bảo khi nào tới Tứ Thiền mới sạch, con kính mong Thầy từ bi chỉ dạy?
Trưởng lão: À, Tứ Thiền nó không có xả, mà Tứ Thiền còn kẹt trong Tứ Thiền. Bởi vì Tứ Thiền còn thiền thứ tư mà, thành ra nó còn dính ở trong đó làm sao mà xả? Cho nên vì vậy mà coi như là mấy con chưa có xả cái gì hết. Hoàn toàn chưa có xả cái gì, còn dính, còn kẹt hết.
Cho nên đừng nghĩ rằng tôi sẽ tu tới Tứ Thiền. Tứ Thiền là mục đích Tứ Thiền của chúng ta để thực hiện thần thông, Tam Minh chớ đâu phải là Tứ Thiền để mà giải thoát đâu. Mục đích đi tìm thần thông, mấy con còn tham đắm dữ lắm. Muốn bay lên trời, còn muốn làm chim, mai mốt mọc cánh đặng đi.
16- CÒN NIỆM NHƯNG KHÔNG DÍNH MẮC LÀ GIẢI THOÁT
(41:26) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 2: Xả tâm không còn tham ăn, tham ái, xả tham ngủ, tham dục, tham lạc, tham khổ, xả tâm sân hận. Trong 7 trạng thái chính này còn cái niệm linh tinh tào lao nữa nổi lên không phát hiện nên con không hết niệm. Chỉ có khi nào xả hết sạch các niệm, tự động sáu căn nó quay vào thì chúng con mới biết là sạch niệm, có phải như vậy không? Con kính mong Thầy từ bi chỉ dạy.
Trưởng lão: Không! Xả niệm thì còn niệm đâu mà biết. Bây giờ không còn niệm đi ra kia đụng cái cây thì sao? Phải còn niệm chớ! Niệm tôi biết cái cây ngoài kia, tôi biết tôi đi tôi tránh chớ. Mấy con tưởng xả hết niệm thành Phật. Phật mà vô niệm? Đâu có.
Đạo Phật là đạo trí tuệ mà. Niệm đủ thứ niệm hết. Không có thiếu cái niệm nào hết, mà niệm nào cũng giải thoát, không có dính mắc, không có buồn khổ, không có rên la, không có khổ sở như mà chúng ta. Bây giờ có cái gì mà làm chúng ta đau khổ thì rên la, còn ông Phật á, cái gì làm đau khổ ông thấy đó là thường thôi, đâu có gì đâu là đau khổ, không có gì hết. Cho nên vì vậy thì mấy con phải sống như Phật thì nó sẽ giải thoát chứ có gì đâu, đừng có sống như chúng sanh!
Còn đụng cái gì cũng dính, thấy cái gì cũng biết, cũng dính cái biết đó hết, thì không tốt. Thấy cái gì cũng biết hết nhưng mà không dính mắc cái gì hết. Bây giờ thấy cái nhà này cất tốt quá! Thôi, tốt tốt của mấy người chứ tôi không có nhà nào hết! Mai mốt tôi chết rồi, cái gì tôi cũng trả hết, tôi không có gì hết. Đó, rõ ràng mà!
Tất cả các pháp đều vô thường mà, có cái gì thường đâu mà của tôi? Cho nên vì vậy mà ngay từ khi mà cái nhà mới cất là tôi đã xả rồi, chứ huống hồ bây giờ tôi vô tôi ở. Tôi ở ít bữa, trời ơi cái nhà tiện nghi, quạt máy này kia, đèn đuốc sáng trưng, rộng rãi rồi này kia… Trời ơi, ở đây sung sướng quá! Lúc bấy giờ đó là mới buông ra mới khó đó chớ! Còn cái này chưa có gì hết, tôi vô tôi thấy tôi đã buông rồi. Buông rồi, tôi ở tạm chơi vậy thôi! Mai mốt đưa tôi lại cái nhà tranh hoặc gốc tre, tôi nghe tôi cũng vậy, tôi thấy đó cái nhà tốt!
Tu hành mình phải có cái trí tuệ của mình nhìn được cái sống của các pháp vô thường mà. Cái sống của các pháp vô thường thành ra mình giải thoát ngay từ chỗ vô thường của nó, không lệ thuộc vào cái sự vô thường của nó.
Rồi, con đọc đi con.
17- TÂM BẤT ĐỘNG, CÓ TÂM VÀ VÔ TÂM
Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy!
(44:25) Câu hỏi thứ 3: Con kính thưa Thầy, có người hỏi con: “niệm thiện là niệm nào?” Con trả lời là tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Người ta nói tiếp: “Ồ, sao là tâm bất động?” Con bảo tâm bất động là không còn chướng ngại và ác pháp, toàn là thiện pháp thì mới là tâm bất động được. Cô hỏi tiếp: “tâm bất động là như thế nào?” Con trả lời là tâm không sợ hãi, tâm không lo lắng, tâm không phiền não, tâm không dính mắc chạy theo một điều gì. Kính thưa Thầy, con trả lời thế nào cho đúng? Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con.
Trưởng lão: À, Con trả lời như thế nào cũng trật hết, không có trúng! Ở đây chỗ nào mấy con trả lời, hễ có cái tâm là không trúng rồi. Cái chỗ là mấy con trả lời đó, biết người ta hỏi như vậy rồi thì mấy con biết là người ta hỏi ngoài cái tâm rồi đó.
Còn cái tâm mà không vui, không buồn, không sợ hãi thì còn cái gì đây, còn vật gì, phải không? Đó, mấy con phải hiểu, không lẽ con người kia có cái tâm mà không vui, không buồn, không sợ, không lo, không lắng sao?
Thành ra có tâm lại khác, mà không tâm, vô tâm lại khác. Do cái chỗ tu tập của chúng ta, chúng ta có tâm chớ không phải không tâm. Nhưng mà tâm chúng ta không dính mắc cái gì hết thì nó là vô tâm. Chớ đâu phải là không tâm! Chỉ có phân biệt có một chút đó mà Phật với chúng sanh có một chút đó thôi!
Không có khó khăn, không có phải ngồi tu lâu, có chút à! Phật với chúng sanh có cái tâm chớ không có nhiều cái tâm, nhưng cái tâm của Phật không dính mắc cái gì hết! Còn tâm chúng sanh đụng cái gì cũng dính mắc hết. Tu lại còn dính mắc nhiều hơn nữa chứ! Rồi con.
18- TU LÀ ĐỂ TRIỂN KHAI TRÍ TUỆ GIẢI THOÁT
(46:27) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu thứ 4: Có người bảo tu tới đích là phải qua 18 loại hỷ tưởng, có phải vậy không, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con?
Trưởng lão: Chà! 18 loại hỷ tưởng! Dữ tợn thiệt chứ không phải chơi đâu! Một hỷ tưởng mà người ta còn gần muốn chết rồi, còn 18 loại hỷ tưởng!
Hỷ là vui, mà tưởng là do cái tưởng nó làm ra. Mà tưởng thì mình đâu có chấp nhận nó, phải không? Cho nên vì vậy mà chấp nhận tưởng làm gì? Nó đâu có thật! Thử hỏi bây giờ mấy con cứ hề hề hề, cười hoài, người ta nói: “bà này bà điên, ông đó ông điên”, phải không? Mình cũng phải có lúc cười lúc không chớ. Chứ lúc nào cũng hề hề, hề hề thì đâu phải là cái người vui. Đó là cái người điên chứ đâu phải là người vui. Cho nên đó là sai, phải không?
(47:27) Cho nên, ở trong cái sự tu tập chúng ta biết, con người bình thường, không dính mắc một vật gì, cái gì cũng không dính mắc hết, không có dính cái gì hết thì được! Bây giờ đó mấy con thấy nè, Thầy nói vầy nè. Nói không dính mắc, thì ai nói cũng được. Nhưng sự thật ra mấy con xét ở trong tâm mấy con đi, ở trong đầu mấy con đi, bây giờ đang dính mắc cả đống đó, chớ không phải là không dính mắc đâu? Mà bây giờ muốn bỏ ra đó thì con thử coi, bây giờ tôi thích cái đó thì dính mắc cái thích rồi!
Cho nên vì vậy bắt đầu mình tu hành, mình ngồi lại mình tu để làm gì? Triển khai tri kiến giải thoát. Mà ngồi đây không có cho tri kiến làm việc, cứ khép chặt nó, cứ ôm chặt nó làm cho nó chết cứng, thì nó biết cái gì đâu mà nó giải thoát, có phải không? Ờ, mình ngồi đây một mình mình, ngồi suốt từ ngày này qua tới ngày khác, người ta truy tìm ra cái sự giải thoát của nó. Các con có làm chưa?
Có người nào ngồi 3, 4 ngày ở trên ghế như thế này, mà ngồi như thế này mà tỉnh táo, không có buồn ngủ hoặc ngồi cứ gục tới gục lui như vầy. Chắc chắn là mấy con ngồi như thế, thì chừng im lặng chút chắc là gục à?
Cho nên người ta ngồi người ta truy tìm thì tỉnh táo, người ta sáng suốt, người ta rõ ràng tất cả. Cho nên cái sự sáng suốt đó, bữa nay các con thấy, ngày nay trước mặt chúng ta, có một số huynh đệ ngồi trước mặt, nhưng ngày mai cái phòng này bao nhiêu người, chúng ta biết rồi. Nhưng hiện bây giờ các con có trí tuệ, chứ đâu phải không có trí tuệ, nhưng ngày mai mấy người, các con có biết trong phòng này có mấy người không, hay là còn không? Vậy trí tuệ mấy con giấu đâu? Đang bỏ trong cái đầu của mấy con chứ đâu! Sao không lôi nó ra thử coi, phải không?
Ai cũng có hết mà tại sao không bắt nó làm việc? Thì đây là tu hành là bắt nó làm việc đó mấy con! Đặng nó ngồi đây bữa nay, nó ngồi đây chứ nó biết ngày mai, ngày mốt, bữa kia. Nó không còn cái thời gian chia cắt cái tâm của nó ra được. Vậy người ta mới tu chớ! Nó không uổng cái công phu của người ta. Rồi con.
19-CẦN THƯA HỎI ĐỂ KIỂM TRA TU ĐÚNG HAY KHÔNG
(49:46) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 5: Giờ đây con chẳng tu pháp nào hết, con chỉ có ngồi im, không nói, lắng tâm mình để vô sự, tự nhiên, có sự thì con tác ý xả để không dính mắc cho nó trở về vô sự. Nên cả ngày không nói một câu nào hết, chỉ khi có niệm phải nói thôi. Con thực hiện như vậy đã đúng chưa? Con kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Trưởng lão: Chưa! Ừ, các con chỉ hiểu một cách lầm lạc rồi. Cái này là sửa lại, phải thưa hỏi kỹ, đàng hoàng chứ không khéo vô cái ngoan không à. Nó lọt vô trong đó là nguy hiểm đó.
Cho nên nhiều khi mình thấy, mình nghĩ tưởng mình giữ được cái này vô trong đúng Chánh pháp chứ gì? Không ngờ nó không vô đâu. Nó đi trật đường đó. Cho nên ở đây, một cái pháp nào, bất cứ một cuộc đời mà bỏ hết rồi, mà đem cái thân của mình, cái tâm của mình vô đây rồi, mà mình không chịu thưa hỏi thì quá uổng cuộc đời của mình, phải thưa hỏi chứ!
Mấy con chưa, mình là người tu, mình chưa có hiểu biết được gì. Đừng nghĩ rằng tôi hiểu biết, trong kinh nó dạy vậy, Thầy viết cuốn kinh đó dạy vậy. Thầy viết cuốn kinh dạy cho người đó chứ đâu phải dạy cho mình. Mình hiểu qua mình như vậy thì mình hiểu sai mất rồi, đâu phải chỗ đó chỗ mình hiểu! Cho nên vì vậy đó, mình phải thưa hỏi ngay bản thân của mình, mình tu như thế nào?
Cho nên ở đây các con thấy không? Cái lớp bậc từ thấp đến cao có Thầy, người ta hướng dẫn mình đi từ thấp đến cao. Người mới tu khu Tiếp nhận, người ta tiếp nhận mình người ta chọn lấy mình không phải cái người đến đây chơi, đi năm ba bữa, một tuần lễ rồi đi về, thì mấy người này ai dạy cho mất công.
Cái người này là người quyết tu thật sự, do đó người ta ở trong cái khu Tiếp nhận người ta chọn lấy được rồi thì người ta đưa vào cái khu Chuyên tu. Khu Chuyên tu chọn được rồi đó, người ta đưa vào lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 của người ta, chứ đâu phải mà tu láng tu linh, phải không?!
Các con thấy bây giờ mình đụng đâu mình cũng tu hết, lớp nào mình cũng thấy mình tu hết. Như vậy người ta đang chọn mình đó mà mình không biết. Bởi vậy cái học sinh, cũng như con thấy cái trường học, học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3, chứ bây giờ đứa học sinh lớp 3 mà cho nó xuống lớp 1 học với mấy em lớp 1 thì làm sao nó học. Nó đang đọc chữ, nó viết chữ nó đã rành rồi mà bây giờ ngồi với mấy các em mới học A, B, C thì thử hỏi làm sao học.
Thành ra người ta chọn mấy người… Bây giờ tất cả các con ở ngoài, các con vào, coi như là, đó là học sinh chưa có lớp lang, chưa có biết lớp của mình học lớp nào? Người ta vô đây người ta mới… do trình độ của mình ở lớp nào đó, người ta mới chọn lần đúng ra cái lớp của nó rồi, thì người ra mới cho vào cái lớp của chính mình (thì) mình mới tu học. Chứ không phải mình muốn lớp nào…
Còn bây giờ mình vô đây cái mình muốn: tôi tu nay 5 năm, 10 năm rồi thì phải cho tôi ở lớp cao đó hoặc này kia, chứ cho tôi lớp mới vô tôi không tu đâu! Phải không? Thì người ta cũng cho mình vô, tu được thì nhờ, không tu được thì thôi chớ, các con hiểu chỗ đó!
Cho nên đối với cái người mà người ta quản lý, người ta có cái tổ chức của cái Ban quản lý, người ta theo dõi từng người để mà người ta sắp xếp cho đúng với trình độ, cái lớp lang của nó để mà tu tập.
Bởi vì có nhiều người tu 2, 3 chục năm rồi mà giờ nhìn ra, tâm nào tâm nấy, không có cái gì mà giải thoát hết! Chỉ biết nói chút ít nào đó thôi, chứ không có thấy nếm được một chút ít mùi vị giải thoát như thế nào! Bởi vì cái mùi vị giải thoát, các con thấy không? giải thoát thật sự mà. Đạo Phật là đạo như thật chớ đâu phải là đạo lừa đảo, nói dối chúng ta sao? Rồi con.
20- CHỌN TU ĐÚNG THỨ LỚP, TRÌNH ĐỘ, KHÔNG TU THEO THÓI QUEN
(54:27) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy! Câu hỏi thứ 6: Con kính thưa Thầy, biết là không tu pháp nào hết, nhưng lúc nào ý thức của con cũng hướng tâm đến từ trường tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự có được không? Hay hướng như vậy vẫn bị dính mắc, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được hiểu?
Trưởng lão: Đó là dính mắc. Mình quyết tâm tu thì mình đến đó, người ta mới xem coi cái trình độ của mình ở lớp nào, người ta đưa vào cái lớp đó, cho nó trình độ của mình ở cái lớp đó, cái trình độ đó có người chuyên môn ở lớp đó dạy lại cho mình, qua lớp đó rồi, người ta mới đưa mình lên lớp cao hơn. Cứ như vậy mình mới đến cái chỗ giải thoát hoàn toàn chớ. Chớ đâu phải vô cái muốn cái lớp cao. Tôi ở nay lớp Tứ Thiền rồi! Tứ Thiền gì?! Trời đất ơi, đâu phải vậy được!
Cho nên trong cái sự tu tập, mấy con nên nhớ là, mấy con tới đây là có Thầy, dưới đây là có Ban tổ chức. Cái gì mà Ban tổ chức giải quyết không được, họ sẽ đưa đến Thầy hoặc họ sẽ đến hỏi ý kiến Thầy chứ họ không có làm ngang đâu, để mà giúp cho mấy con! Bởi vì đâu có phải cuộc đời của mấy con sinh ra để rồi phí bỏ cuộc đời như vậy đâu. Ít ra ngoài xã hội, nếu mấy con không đi tu, nó cũng lợi ích cho xã hội, lợi ích cho bản thân, lợi ích cho xã hội. Còn bây giờ mấy con đi tu, nó lợi ích cho bản thân mấy con mà lợi ích cho Phật pháp. Quá lớn rồi!
Cho nên người ta trách nhiệm, người ta phải thấy có trách nhiệm chớ! Tại sao ở đây người ta có cái Ban tổ chức của người ta, có chớ không phải không!
Nghĩa là mình muốn vô mình học một cái lớp nào, thì cái trách nhiệm của ông thầy giáo của những người của thầy Hiệu trưởng cái trường đó, họ phải chịu trách nhiệm với học sinh cái trường đó. Còn ở đây các con vô tu, thì cái trách nhiệm đó, Thầy chịu trách nhiệm.
Cho nên cái Ban lãnh đạo ở đây là do Thầy đề cử họ. Họ phải tìm mấy con cách thức, trình độ như thế nào của mấy con như thế nào, được ở lớp nào? Trong khi mấy con đến đây mới có 3 tháng, 6 tháng đi mất, tu vậy tu cái gì? Người ta chưa có chọn được mình cái gì hết.
Ở đây theo cái thói quen của mấy con sống vậy, mấy con tưởng là mình tu giải thoát. Đâu phải! Người ta coi cái thói quen đó như thế nào? Rồi người ta gạt, lần lượt người ta tìm cách người ta gạt, người ta bỏ thói quen đó đi, để người ta đưa mình đi vào những lớp tu tập. Vậy mình tu mới được chớ!
Chớ đừng nghĩ rằng tôi tu trước, tu sau, tu cao hơn, tu nhiều năm hơn, tôi giỏi hơn. Ở đây chừng nào làm Phật mới giỏi. Chứ chưa làm Phật không có người nào giỏi hết, còn chúng sanh. Mấy con thấy chưa!
Các con còn gì không? Thưa hỏi Thầy cứ thưa hỏi, đừng ngại! Rồi, con cứ hỏi đi con.
21- KHI NÀO ÔM PHÁP THÂN HÀNH NIỆM, KHI NÀO BUÔNG?
(58:14) Tu sinh 2: Kính thưa Thầy! Cho con hỏi thăm: trong cái bài Thân Hành Niệm Thầy mới dậy đây đó, thấy nó có hai cái điều mà con chưa được rõ lắm, kính xin Thầy hướng dẫn thêm. Con thấy trong những cái bài Thân Hành Niệm Thầy dạy trước là nó có động tác “Lưng thẳng lên”, trong bài này không thấy có động tác đó? Thì không biết nó có khác gì không? Hay là thiếu?
Trưởng lão: Không khác gì hết! Cái này con. Nó có thể có giảm bớt một cái hành động của thân. Nhưng mà còn tất cả những hành động khác của thân nữa chứ đâu phải bỏ hết đâu!
Thân Hành Niệm tức là cái thân động dụng của nó, gọi là Thân Hành Niệm. Cho nên bắt đầu vô tu Thân Hành Niệm, thì người ta nói muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? Thân Hành Niệm! Thì lấy cái hành động của thân để mà nương vào đó, để mà nhiếp tâm thôi! Đó là cái khởi sự bắt đầu chớ không phải là pháp môn Thân Hành Niệm là chứng đạo. chứng đạo là giải thoát, là trí tuệ mới chứng đạo chứ không phải Thân Hành Niệm mà chứng đạo. Các con hiểu không?
Nhưng mà trước khi mà cái tâm mình bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, ngồi bất động được, thì không tập Thân Hành Niệm thì mấy con không bất động được, phải không? Người ta biết cách thức người ta dạy cho mình đi từng bước, từng bước, từng bước một để cho mình tu tập.
(59:39) Cho nên, thí dụ mấy con cứ nghĩ mình đi kinh hành mình nhiếp tâm không có niệm nào khởi, đó là đúng. Sai! Đâu phải, nhiếp tâm để diệt ý thức của chúng ta sao? Không. Chúng ta phải triển khai cái tri kiến của chúng ta. Ý thức của chúng ta phải hiểu biết mọi cái. Không ai làm gì động tâm chúng ta được. Ác ra ác, thiện ra thiện. Cái gì ra cái nấy chúng ta biết hết, không có gì mà che dấu chúng ta được hết. Người nào ra sao chúng ta hiểu biết hết.
Thậm chí như triển khai cái tri kiến như hồi nãy Thầy nói, hôm nay chúng ta ngồi đây, nhưng chúng ta sẽ biết ngày mai nó, cái phòng này sẽ xảy ra cái gì? Có người hay không người? Hay là hoặc ngày mai nó đông hơn, hoặc là ngày mai cái nhà này nó sẽ sụp đổ như thế nào người ta biết được cái thời gian sắp tới của nó! Đó. Như vậy người ta mới triển khai được cái tri kiến của chúng ta chớ.
Mấy con tu làm sao mà triển khai cái tri kiến của mấy con, ngày nay mấy con biết được ngày mai thì đó là cái tri kiến phát triển rồi. Còn bây giờ cái tri kiến của mấy con ù lì, nó không biết cái gì hết! Nói ngày mai nó mù tịt, nó không biết. Ngày mai không biết cái phòng này ra sao mấy con cũng không hiểu sao hết.
Ở đây Thầy thấy hầu hết cái tri kiến của mấy con đâu có chịu triển khai, người nào cũng ù lỳ cái tri kiến của mình. Mà Thầy bảo triển khai tri kiến, đạo Phật là đạo giải thoát bằng tri kiến giải thoát. Chứ đâu phải đạo Phật bằng Thiền Định. Mà tri kiến giải thoát nó là Thiền Định. Bởi vậy không có cái gì mà làm động tâm được nó, thì nó thanh tịnh. Mà nó thanh tịnh thì nó là Thiền Định.
Tu không khó mấy con, mà khó là sợ mấy con không hiểu. Thầy hỏi Thầy, Thầy không biết là Thầy nói tiếng Campuchia không ta? Nói tiếng Việt mà sao tụi nó nghe mình dường như nói tiếng Campuchia không à! Mới chết đó chứ! Thành ra Thầy cứ nghĩ mình là người Campuchia, chứ không phải là người Việt Nam. Nói vậy mà, nói tu vậy mà sao tụi nó tu kỳ vậy!
Thành ra Thầy mới nghĩ cái lỗi lầm của mình: Tại có lẽ là mình người Campuchia chăng? Rồi mình nói nó lộn xộn, nó không có ra Việt Nam, thành ra người ta không hiểu. Chắc mai mốt phải đi học một khóa tiếng Việt mới được!
(01:02:21) Tu sinh 2: Thưa Thầy, trong cái bài Thân Hành Niệm đó, chỗ Thầy thay thế hơi thở bằng cánh tay đưa ra, đưa vô đó; thì Thầy dạy là: “Tay trái đưa ra, tay trái đưa vô, 1; tay phải đưa ra, tay phải đưa vô, 2” thì con không biết là tiếp tục như vậy rồi: “tay trái đưa ra, tay trái đưa vô, 3; tay phải đưa ra, tay phải đưa vô, 4”; tức là mình xen kẽ nhau, có phải vậy không Thầy? Hay là mình đưa mỗi bên 5 cái hết luôn?
Trưởng lão: Không có. Xen kẽ, tay này rồi tới tay này, tay này rồi tới tay này. Đó là cái giai đoạn đầu mới tu. Nhưng mà không phải cứ ôm pháp đó hoài mới thành Phật. Dẹp!
Tu một thời gian nhiếp tâm được trên thân hành của mình rồi. Bây giờ thí dụ, bây giờ mình tu 5 phút: “Đưa tay này ra biết đưa ra, đưa tay này vô biết đưa vô” mà nó không có sanh một cái niệm nào hết, tôi thấy tôi nhiếp tâm được trên thân hành. Dẹp! Không tu cái này nữa, tu cái khác.
Phải tiến tới chớ! Không lẽ tôi tu cứ đưa ra, đưa vô, đưa ra, đưa vô hoài. Năm này, năm kia sao tôi thấy ông thầy này kỳ vậy ta?! Sao cứ đưa tay ra, đưa tay vô hoài vậy. Không được! Dẹp đi!
Phải không? Cũng như con bây giờ, thí dụ bây giờ con thấy nhiếp tâm đi kinh hành thấy nó không có niệm gì hết, “Thôi mình vậy mình cứ đi kinh hành cho nó hết niệm”. Dẹp đi! Chứ ở đó mà tu cái kiểu đó chắc là riết mình khùng chứ ở đó.
Đâu có phải vậy đâu! Khi mình nhiếp tâm trên bước đi kinh hành của mình mà không niệm, đây ra tới ngoài đường ngoài kia không niệm. Dừng lại, không tu pháp này nữa, ta tiến tới chớ! Ta nhiếp được pháp này rồi, khoảng thời gian này đủ sức ta nhiếp tâm rồi thì ta phải tiến tới ta tu pháp khác. Chớ Phật pháp đâu phải có tu một pháp đó đâu! Một pháp làm sao đưa ta tới giải thoát được. Thành ra dẹp!
Cho nên cái tật của mấy con là phải tu một pháp, pháp nào tu được cứ ôm pháp đó tu hoài, không biết buông, người ta bỏ xuống chứ!
22- CÁC GIAI ĐOẠN XẢ NIỆM VỌNG TƯỞNG
(01:04:25) Tu sinh 2: Cho con hỏi thêm về cái vấn đề xả tâm đó thưa Thầy. Thí dụ như triển khai tri kiến giải thoát. Thí dụ như là nó khởi những cái niệm, mà thí dụ như cái niệm ở nhà, mà cái niệm trước đây nó thường làm cho mình dày vò, làm cho mình thấy khổ, mà bây giờ nó cũng hiện ra, nhưng mà mình cũng giải tỏa được niệm đó bằng cái tâm nó tha thứ, hay là buông xả gì đó không biết có đúng không?
Trưởng lão: Đúng! Không sao hết. Nó khởi niệm tức là con người mình phải có niệm chứ, ý thức là phải có niệm chứ! Mà niệm nó có hại gì đâu mà lại diệt nó làm chi! Các con làm xúc phạm các con cái gì đâu? Nó làm cho con đau khổ cái gì đâu? Thì mặc nó. Nó niệm gì nó niệm chứ ăn thua gì đâu? Tâm càng niệm tao cũng không sợ nữa, phải không?
Nhưng mà mình đừng có khởi niệm. Do mình mượn cái giai đoạn đó mình khởi niệm để nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ vợ, nhớ con, nhớ cái này, nhớ cái kia. Tôi hồi đó tôi ở cái nhà đó, tôi làm cái khu vườn, bây giờ không biết vườn đó ra làm sao? Cây trái như thế nào? Dẹp cái này đi! Ở đó ai lo làm ăn chứ tôi bây giờ tôi đi tu rồi tôi không có biết cái thứ này nữa. Dẹp hết! Cho nó dứt khoát, chứ không khéo nó cứ dính mắc hoài, không được!
Nó cho mình có niệm rồi mình cứ khởi niệm thì không được. Mình có niệm tự nó khởi ra thì nó khởi ra, mình không có cần phải dừng nó hay làm gì. Kệ nó! Rồi nó khởi ra rồi lát nó hết niệm, vậy thôi. Chứ mình đừng có khởi nối đuôi theo, đừng tiếp theo, tiếp tục thì không được!
Tu sinh 2: Thưa Thầy, có nghĩa là Thầy dạy là cái niệm nó tới thì mình để tự nhiên nó hiện ra, mình giải tỏa cái niệm đó đi chớ không phải mình tự khởi ra.
Trưởng lão: Mình không có khởi ra.
Tu sinh 2: Cái thứ hai nữa là thí dụ nó khởi ra mình giải tỏa được rồi nhưng sau đó nó cứ tới nó lui hoài, làm sao mình đuổi nó đi luôn?
Trưởng lão: Nó tới nó lui thì mình không cần đuổi. Tự nó tới lui rồi thời gian sau nó đi mất à! Chớ con đuổi nó rồi bắt đầu bây giờ các con dính vô trong pháp đuổi đó.
Tu sinh 2: Con thấy có cái niệm đó lúc đầu thì nó cũng làm cho mình khó khăn lắm, sau rồi mình giải tỏa. Sau con thấy nó được rồi thì nó lại tới nữa. Có thể mình giải tỏa chưa hết hay làm sao đó?
Trưởng lão: Tại coi như là nó không giải tỏa, vì nó bị cái pháp giải tỏa của con, thành ra nó nương vào đó nó tới lui viếng con hoài. Con đừng có dùng pháp nào nữa hết: “Mày tới thì tới tao không dính mắc vào mày nữa”, thì nó đến không làm gì được con nữa thì nó đi mất. Nó không tới nữa. Bởi vì mấy con tu chưa tới chỗ này nên mấy con không biết có phải vậy không?! Sợ nó tới lui hoài mới chết mình chớ, phải không?
Thầy nói, mấy con cứ nỗ lực mấy con tu đi. Nó tới tới mình đừng có diệt nó. Đừng có diệt niệm nào hết, cứ để nó tự nhiên đi, rồi nó sẽ hết.
(01:07:32) Mới đầu thì niệm mình nhiều lắm, buộc lòng Thầy phải cho cái câu tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, để nhắc cho cái niệm nó lặn xuống. Nhưng mà sau này mấy con tu lâu rồi, mấy con đừng có nhắc. Nhắc mấy con sẽ kẹt ở trong cái niệm, cái niệm bất động tâm, thanh thản, an lạc, vô sự nữa. Nó dính đó! Mà nó không có cái niệm đó thì nó có niệm. Do đó mà mấy con xả luôn. Cho mày khởi cái gì thì khởi: “Tao chẳng dính mắc cái niệm nào hết”. Nó khởi một thời gian sau nó hết luôn hà!
Đừng có dùng cái gì mà phá cái niệm của mấy con hết. Để nó trở thành cái tri kiến giải thoát của con, không phải quý sao? Trời đất ơi, mình có cái niệm mình mừng chớ! Có cái trí tuệ mình mừng chớ. Có cái trí tuệ mình triển khai nó theo cái chiều hướng giải thoát thôi. Để cho nó đừng có dẫn dắt mình theo cái chiều mà dục lạc của thế gian. Có vậy thì mấy con sẽ được giải thoát hoàn toàn.
Tu sinh 2: Kính thưa Thầy, có nghĩa là cái niệm nó khởi ra, mình hướng nó về cái hướng giải thoát, theo chiều hướng vậy đó, hướng buông xả, chứ đừng có để theo những gì hướng theo đời, hay là bình thường hay là…
Trưởng lão: À, mới đầu thì con vậy. Sau đó con chẳng có thèm hướng cho nó thường gì nữa hết. Nó tới, nó lui con riết rồi nó đi mất. Mà con hướng, con muốn cho nó thường thì coi chừng nó cứ tới, nó tới nó lui hoài, thăm con hoài ấy.
Tu sinh 2: Tại con thấy Thầy dạy là có niệm nào khởi lên mình xả hết.
Trưởng lão: Thì đó mới đầu con!
Tu sinh 2: Nhưng mà có những cái niệm mới đầu con thấy dùng cái tri kiến giải thoát xả nó khó khăn quá, con mới dùng tác ý tâm bất động thì nó nhẹ hơn.
Trưởng lão: Thì đó, nó nhẹ hơn, nó mau hơn, nó nhanh gọn hơn.
Tu sinh 2: Vậy được không Thầy?
Trưởng lão: Được, mới đầu thì phải tu vậy! Nhưng mà tu một thời gian phải dẹp, bằng không nó dính pháp.
Tu sinh 2: Con xin cảm ơn Thầy!
23- THẦY KHÔNG TUYÊN BỐ NGƯỜI TU CHỨNG
(01:09:40)Trưởng lão: Ừ, nói chung là Thầy lớn tuổi rồi, chứ mà Thầy mà còn nhỏ tuổi thì Thầy kiểm tra. Thầy thí dụ như bữa nay Thầy kiểm tra 5 người, chỉ 5 người thôi. Ngồi Thầy coi, nhiếp tâm Thầy coi, hít thở Thầy xem, coi ra như thế nào? Còn bây giờ lớn tuổi rồi, tám mươi mấy tuổi rồi, mệt, cực!
Để Thầy cố gắng truyền thừa một người nào, cho họ xong họ thay thế Thầy làm công việc này, chứ không khéo Thầy ra đi rồi chắc mất luôn! Mấy con tìm được người được như Thầy cũng khó lắm! Cho nên Thầy cố gắng tìm một cái người thừa kế. Thừa kế để cho họ kiểm tra mấy con và dẫn dắt mấy con. Và Thầy di chúc lại là phải tổ chức chặt chẽ để kiểm tra.
Thí dụ như bây giờ Thầy kiểm tra 5 người, thì người thứ 1, thứ 2, thứ 3, thứ 4 cho đến thứ 5 phải kiểm tra như thế nào? Coi họ như thế nào? Tâm họ như thế nào? Cách thức ngồi, đi, đứng như thế nào? Kỹ lưỡng, đàng hoàng.
Người ta đã bỏ hết một cuộc đời người ta đi tu rồi, mình có cái trách nhiệm rất lớn, mà không thể nào mà bỏ qua được, bỏ qua hết cuộc đời của người ta. Ai cũng muốn tu giải thoát vì đời quá khổ mấy con! Cho nên vì vậy mà mình được giải thoát rồi, thì mình phải cố gắng mình giúp đỡ cho những người sau người ta được giải thoát chớ để không họ phí bỏ một cuộc đời!
Chứ bây giờ tu mà lại lờn như vậy, chắc chắn là phải phí bỏ một cuộc đời của mấy con mất. Giải thoát mấy con giải thoát không được, quá uổng!
Coi vậy Thầy sẽ nỗ lực Thầy tổ chức lại cho đàng hoàng, cho hẳn hòi, cho hoàn toàn, để rồi có cái sự kiểm tra, đôn đốc cho mấy con tu tập, cho tiến tới, cho nó đào tạo. Chớ mà tổ chức kiểu mà tu chơi chơi thì mấy con biết là, từ khi mà pháp Thầy đưa ra dạy tu cho đến bây giờ chưa có người tu chứng, trong số đó chưa có người tu chứng, Chớ đã có!
Bởi vì không phải vì, tại sao Thầy không dám tuyên bố cái người đó ra? Thầy sợ ba ông Đại Thừa ông tìm cách ông hại Thầy, người của Thầy mất. Ghét Thầy dữ lắm chớ không phải không đâu! Bởi vì có một người tu chứng của pháp Thầy thì Đại Thừa nó lép vế mất! Rồi con.
24- CÒN BUỒN VUI LÀ CÒN DÍNH MẮC
(01:12:25) Thầy Gia Hạnh: Kính thưa Thầy, có một tu sinh xin thưa hỏi.
Kính thưa Thầy cho con được hỏi: Xin Thầy giảng kỹ lại cho con, Tâm không dính mắc tức là tâm vẫn có các trạng thái buồn, vui, đau đớn, xúc động, bình thường nhưng không dính mắc có phải không? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Trưởng lão: Sao con nói không dính mắc mà con nói buồn vui trong đó. Có buồn, có vui là dính mắc rồi còn gì đâu! Nó không dính mắc thì nó không buồn, vui, có phải không mấy con? Mà nó có buồn, vui thì nó dính mắc rồi. Thành ra mấy con hỏi câu hỏi, mấy con coi chừng mấy con hỏi nó sai ý mất rồi.
Rồi, còn hỏi gì nữa không con? Rồi, con hỏi đi con.
25- TU TẬP BỊ RƠI VÀO ĐỊNH TƯỞNG THÌ DẸP ĐI ĐỪNG TU NỮA
(1:13:14) Tu sinh 3: Dạ, kính thưa Đức Thầy, cho phép con xin được thưa hỏi: Trên bước đường tu tập, khi rơi vào trạng thái của định tưởng, lâu ngày sẽ dẫn đến liệt ý thức, không làm chủ được sẽ rất nguy hiểm. Thưa Thầy, vậy khi ở trong trạng thái của định tưởng, chúng con phải làm sao để trở lại trạng thái bình thường ạ? Xin Thầy từ bi chỉ dạy!
Trưởng lão: Ờ, thì dẹp cái pháp đó đi, đừng có tu tập cái pháp đó nữa! Đừng có tu nữa, nó sai rồi, Đừng có tu nữa. Pháp đó sai rồi, dẹp! Bắt đầu bây giờ mình phải thưa hỏi kỹ lại một vị thầy hướng dẫn cho mình những cái phương pháp tu, người ta sẽ chỉ dạy cho mình phương pháp tu trở lại. Còn đừng có tu pháp mình đang tu.
26- ĐỪNG CHẠY THEO HỶ LẠC, MÀ LẤY TRI KIẾN ĐỂ GIẢI THOÁT
(1:13:57) Tu sinh 3: Kính thưa Thầy, khi ở trong trạng thái của hỷ lạc do ly dục ly ác pháp mà có, là nhờ ta tinh tấn, siêng năng hàng giây, hàng phút để có được. Lúc nào ta cũng tỉnh giác, sáng suốt nhận biết một cách rõ ràng trên bốn chỗ: nhớ, nghĩ, quán, niệm. Là Chánh Niệm lực, sức mạnh tinh thần, dùng ý thức lực để sai bảo, đẩy lui những chướng ngại, tâm tư và ác pháp trên thân. Vậy chúng con cần lưu giữ trạng thái hỷ lạc đó không? Hay chúng con phải để trạng thái tự nhiên, bình thường. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con!
(01:14:37) Trưởng lão: Ờ, tu thì bình thường thôi con! Đừng có chạy theo trạng thái hỷ lạc, hỷ lạc đó là một cái cám dỗ, cái quyến rũ của các cái tưởng của mình, ở trong người của mình. Mà nó dựa vào như Bốn Thiền hay hoặc là Nhị Thiền, hay Tam Thiền, mỗi thiền nó có cái hỷ lạc riêng của nó. Cho nên nó dựa vào đó khi mình rơi vào trong cái thiền nào đó thì nó hiện ra, mình thấy thích thì mình bị nó lôi cuốn mình.
Cho nên dẹp hết cái này đi. Bởi vì “tâm bình thường tâm thị đạo”, làm sao mà mấy con tu tập mình giữ sức tỉnh của mình, mình giữ được cái tâm mình bình thường. Ai nói gì không giận, ai làm gì không buồn, không phiền, ai làm gì không chướng ngại trong tâm của mình, đó là giải thoát, có vậy thôi!
Tu nó dễ, không khó! Mà cái Thiền Đông Độ, cái thiền mà hiện bây giờ mà ở trong kinh sách mà viết ra nói là Phật, chứ sự thật ra Thầy biết là của mấy sư Tổ của Thiền Đông Độ của Trung Quốc mà viết ra. Cho nên vì vậy mà chúng ta bây giờ gạt bỏ rất là khó, không phải dễ, cho nên người ta dễ lầm lạc mà người ta tu, rồi người ta bị rơi vào trong những trạng thái đó.
Cho nên vì vậy bây giờ mấy con cứ giữ tâm bình thường thôi, “bình thường tâm thị đạo”. Đó là đạo ở trong tâm bình thường. Mình giải thoát là giải thoát ở tâm bình thường. Ai làm gì không giận, không buồn, không phiền, không rầu, không lo, không lắng gì hết, còn thì còn, mất thì mất, tất cả các pháp đều vô thường. Mình chỉ học tất cả các pháp đều vô thường đủ rồi! Mình không dính vào cái chỗ nào đó là giải thoát. Hôm nay tôi có duyên tôi ở Tu viện tôi tu, ngày mai tôi không duyên tôi ở chỗ nào tôi cũng tu. Chỗ nào tu cũng tốt.
(01:16:31) Theo Thầy thiết nghĩ, cái sức mình ăn nhiêu mình ăn, ăn no thì thôi, đừng ăn đói, đừng ăn ít. Đừng có theo cái ăn bằng phương pháp này, bằng phương pháp kia. Mình ăn như người bình thường rồi mình tu, là mình lo tri kiến giải thoát của mình, thì mình tìm hiểu, hôm nay mình ăn mà mình thấy mình còn thèm, thì mình dùng cái tri kiến giải thoát của mình, tất cả các thực phẩm là bất tịnh. Người ta nấu thơm tho vậy, chứ nó để một bữa, qua ngày hôm sau nó thiu thối, nó không có thanh tịnh gì đâu mà ham ăn. Đó, mình ngăn chặn bằng cái tri kiến của mình thì do vì vậy mình giải thoát khỏi cái ăn, cái uống của mình, Chứ có gì đâu con!
Cho nên trong cái sự tu tập của mình, mình dùng cái tri kiến của mình rất nhiều, để cho mình làm chủ lấy mình, mình tu tập cho nó tốt. Nó không khó cái gì. Còn mình cứ chạy theo lo ăn, lo uống, phải ăn ít, phải ăn này kia mới tu được. Phật đâu có dạy mình ăn ít. Ngày đi khất thực đi xin ăn, may mà người ta cho ăn no đó là phước, còn không khéo rồi người ta không cho, về nhịn đói nữa là khác.
Cho nên vì vậy đó, bây giờ mình ở trong Tu viện của mình, có, mình cứ ăn no thôi. Ngày ăn một bữa, ăn no thôi, có vậy thôi! Rồi còn thời gian rảnh rang đó, mình ngồi chơi, mình nhiếp tâm, mình triển khai tri kiến của mình ra để cho tất cả các pháp thế gian không dính mắc, không làm cho mình phải thích cái này, cái nọ, cái kia, đủ rồi!
27- CHƯA ĐỦ LỰC ĐUỔI BỆNH THÌ CỨ ĐI BÁC SĨ
(1:18:12) Tu sinh 4: Cho con hỏi thêm cái pháp của Sư Ông hướng dẫn, ví dụ như là mình có cái bệnh mà đau ruột thừa, thưa Sư Ông ạ! Vậy mình có thể đuổi cho bệnh hết hay là mình đi bệnh viện để mình mổ ruột, chuyển nghiệp, thưa sư ông cho con biết rõ?
Trưởng lão: À, nếu mà cái sức mà tác ý của mình nó đủ lực, thì mình không cần đi bệnh viện, không cần đi bác sĩ. Còn mình tác ý đuổi: “Thọ là vô thường, tất cả bệnh trên thân này, ruột thừa hay bệnh gì.. Đi, tao cho mày chết. Chết là nhân quả, nó chết là do nhân quả tao hết tao chết, chứ không phải mày muốn mà tao chết được đâu, tao không sợ!” Thì nó đi. Còn mình sợ thì thôi, làm ơn đi bác sĩ đi. Để đây rồi run à.
Tu sinh 4: Rồi thưa Sư Ông ạ! Thí dụ như là có những người ăn 1 ngày vẫn 3 bữa bình thường nhưng vẫn là ăn chay, nhưng mà ví dụ như là bệnh trong thân có thể đuổi theo pháp Sư Ông hướng dẫn có thể nó đi hay là không?
Trưởng lão: À, cái người ăn chay phải không?
Tu sinh 4: Dạ, dạ, ăn chay hoàn toàn. Dạ.
Trưởng lão: Rồi bây giờ bệnh phải không? Rồi, định đi bác sĩ hay sao?
Tu sinh 4: Dạ, không đi bác sĩ mà nghe con kể theo cái pháp của Sư Ông hướng dẫn đó, rồi bớt bệnh đó. Cho nên là mấy người muốn tìm tòi đến, để hỏi theo cái pháp này. Mà người ta không ăn theo đúng giống như là mình ở nơi này. Nhưng mà người ta ở chùa thưa Sư Ông ạ! Người ta muốn đi theo cái pháp này có bớt bệnh theo được phần trăm nào hay không, thưa Sư Ông cho con biết?
Trưởng lão: Ờ, Coi như là người ta dùng cái pháp của Thầy mà đã giảm bệnh rồi thì người ta tin. cái Tín lực, cái lòng tin người ta dùng cái lòng tin, người ta chẳng đi bác sĩ, chẳng uống thuốc gì hết, bệnh nó cũng rút lui mất à! Đừng có sợ!
Tu sinh 4: Dạ, Nhưng mà thưa Sư Ông , vẫn ăn 3 bữa được?
Trưởng lão: Ờ, được chứ, không sao hết, ăn chay chứ đừng ăn mặn.
Tu sinh 4: Dạ, ăn chay chứ, thưa Sư Ông ạ. Dạ con cảm ơn Sư Ông ạ.
28- Ở GIA ĐÌNH CỨ GIỮ TRỌN NĂM GIỚI ẮT SẼ TU ĐƯỢC CAO HƠN
(01:20:14) Tu sinh 5: Con xin kính bạch Thầy, chị con thì đang bị bệnh rất nặng ạ, vì chị con bị ung thư ạ. Nhưng mà vì cái tình thương khi mà chúng con biết pháp Thầy thì chúng con muốn cho chị con vào tác ý đuổi bệnh, thì chị con cũng nghe và làm theo. Thì từ năm ngoái thì cái bệnh của chị con thì nó cũng ổn ạ.
Cái đợt này chúng con đưa chị con vào đây thì chúng con cúi xin Thầy quy y cho chị con, để chị con được gieo duyên với Chánh pháp, và chị con có niềm tin, có cái trí tín để chị con có quyết tâm đuổi bệnh. Vì quê hương Thái Bình của chúng con, con bạch Thầy rất là khổ. Người dân thì, một vụ lúa thì 5, 6 lần là phun thuốc trừ sâu, người ta mò cua bắt ốc để thọ dụng hàng ngày, cho nên là suốt ngày dùng thuốc.
Con bạch Thầy, và chị con thì cũng không ngoài cái chùm nhân quả đó. Cái ước nguyện của chúng con, là muốn cho chị con dùng pháp Phật, pháp Thầy đuổi được bệnh, để pháp thân của chị con có thể giáo hóa cho tất cả mọi người. Để cho người dân quê con, người ta biết ăn chay, biết hướng thiện để người ta bớt khổ. Thì đấy là cái tâm niệm của chúng con, cái tâm niệm thứ 1 của chúng con, thì con mong Thầy tiếp thêm sức mạnh.
Con xin Thầy chỉ dạy để chị con nỗ lực, để vượt qua được nhân quả, sống với cái tình Thương. Và con nghĩ rằng cái tình Thương nó có thể thay đổi được nhân quả. Thì con xin Thầy chỉ dạy để cho con tiếp tục trong gia đình với gia duyên nặng, thì chúng con cũng có thể tiếp tục để được giải thoát ngay trong hiện tại. Con cúi xin Thầy ạ!
Trưởng lão: À, Đức Phật đã dậy mấy con rất rõ ràng, tâm còn sống trong chiếc áo cư sĩ, trong gia đình, mấy con có 5 giới. Giữ trọn 5 giới cho thanh tịnh, tức là mấy con đã sống đúng theo Phật giáo rồi, có gì đâu! Tu tập và giữ gìn 5 giới, tức là tu 5 giới chứ có gì. Mình vi phạm một giới nào ở trong 5 giới đó thì tức là mình không tu tập, thiếu sự tu tập. Cho nên có 5 giới rõ ràng, vì vậy mà mấy con lấy 5 giới làm căn bản cho cái người tu tập tại gia đình của mình. Quá tốt!
Cho nên mấy con hỏi pháp cho cao, rốt cuộc rồi 5 giới mấy con lung tung ở trong đó thì coi như là nó không đạt được cái gì hết đâu. 5 giới thôi! Thầy ở đây Thầy chỉ dạy cho mấy con, cứ 5 giới giữ trọn cho 5 giới trọn vẹn, không có cái giới nào vi phạm. Từ 5 giới đó nó sẽ đưa dần mình…
Bởi vì con đường tu nó không phải ở trong gia đình mình tu để mình làm Phật ngay liền được đâu! Đức Phật ông còn không ở trong cung vàng điện ngọc để làm Phật, mà còn phải đi ra rừng, ra rú, ở một mình ở cái cội cây, thì mấy con biết đâu có phải cái chuyện dễ.
Cho nên vì vậy muốn tu làm Phật không phải dễ đâu! Mà ở trong gia đình mình phải tu đúng pháp ở trong gia đình, nó có 5 giới. À, bây giờ về coi lại 5 giới của mình, coi mình có đúng không, có phạm cái lỗi nào không?
Bây giờ thí dụ như thân con không ăn thịt cá, mà con thấy: “Trời ơi, con cá này ngon quá!”, đó! Phạm rồi đó! Mấy con thấy không? Một chút xíu à, cái ý mình gợi lên mình thấy “Ôi, con cá này ngon quá!”. Thì cái đó là mình đã phạm giới rồi, chứ chưa phải là mình ăn đâu! Mà cái ý của mình, ý của mình.
Cho nên vì vậy mà trong lúc đó, trong 5 giới mấy con phải cố gắng giữ gìn cho trọn vẹn thì nó thanh tịnh, trong sạch của 5 giới thì mấy con thấy hạnh phúc gia đình của mình tràn đầy, chừng đó cái mức độ đó nó sẽ đưa mấy con đi đến cái chỗ vị trí của mấy con tu cao hơn.
Chứ bây giờ mấy con muốn nó cũng dẫn tới, dẫn lui mấy con cũng trở về gia đình à. Thầy thấy bây giờ mấy con ngồi tịnh tâm vậy chớ, rồi nó dẫn tới dẫn lui mấy con, cũng gia đình nó cũng réo rắt mấy con, nó cũng kêu réo mấy con, nó cũng tới, cũng lui chứ nó không có bỏ qua mấy con đâu. Ờ, Nó cũng tìm cách nó đến nó gặp mấy con, nó làm động mấy con, chứ chưa chắc nó để cho mấy con yên tu đâu. À, tôi thương mẹ tôi, mà biết mẹ mình đi tu rồi, mà thương mẹ, cứ đến làm cho động mẹ làm sao mẹ tu được. Mẹ đi tu chứ bộ mẹ đi làm công việc gì sao mà đến đây phụ giúp làm!
(01:25:13) Thì mấy con thấy, nội ở đây Thầy thấy trong mấy con có con có cái, có này kia, mấy con thấy nó đến nó phá, nó làm động mấy con chứ chưa chắc.. Nó thương, nó thương theo kiểu thế gian của nó chứ không phải nó thương theo kiểu tu hành.
Còn người ta thương theo kiểu tu hành: “À, mẹ mình tu vậy, mình mong sao mẹ mình sống yên ổn một mình để mẹ mình đạt được kết quả làm chủ được thân tâm này. Đó là làm sao mình cố gắng mình tránh chớ, chứ mình đem cái tình thương của mình, mình đến mình gặp mẹ mình, mình nói chuyện này, chuyện kia, mình gợi cái ái kiết sử hoài vậy thì làm sao mẹ mình tu”.
Mà trong khi mà mẹ, con cái bả không thương sao được. Cho nên bà gặp con nó cũng mừng, cũng rỡ, cũng này, cũng kia làm cho tâm bà cũng rối ren chứ đâu phải làm cho tâm bà được giải thoát đâu! Khổ nỗi vậy đó! Mà chuyện đó làm sao Thầy rầy. Mẹ con người ta mà. Trời đất ơi! Rầy, rầy sao? Nó khó khăn vậy đó.
29- ĐÃ QUYẾT TU THÌ BUÔNG HẾT, KHÔNG CÒN LO LẮNG NGHĨ NGỢI
(1:26:16) Tu sinh 6: Bạch Thầy, bạch Thầy cho con hỏi.
Trưởng lão: Ừ con.
(01:26:20) Tu sinh 6: Con ngồi hít thở, ngồi hít 5 hơi thở, hôm nay chỉ có là đi Chánh Niệm Tỉnh Giác đứng một tí, như thế là cũng thấy là tâm của mình cũng nhẹ nhàng hơn, và thoải mái hơn. Dạ, phần thứ 2 nữa là 18 cái đề mục Định Niệm Hơi Thở thì cũng không ngồi Định Niệm Hơi Thở mà chỉ có sau suy nghĩ, thì ngồi để quán xét, quán vô lậu để đẩy lùi tất cả chướng ngại pháp. Khi con nhận được cái pháp đó thì con cũng thấy nhẹ nhàng, trong gần 1 tháng chúng con thực hiện ở đây thì chúng con thấy được nhẹ nhàng.
Như thế thì con xin bạch Thầy là có đúng không, thì xin Thầy hướng dẫn? Để rồi đây chúng con về, hàng tháng chúng con Thọ Bát Quan Trai để hướng dẫn cho chị em hành theo sự hướng dẫn của Thầy sớm được thanh thản hơn. Xin Thầy chỉ dạy.
Trưởng lão: Ừ, sự thật ra mấy con tu, mấy con phải biết, mình tu mình phải biết cái sống, cái cuộc sống của mình nó ảnh hưởng đến cái pháp tu tập lắm. Mà cái sống của mình nó chưa trọn, nó chưa đầy đủ, nó chưa trọn nó còn động thì cái pháp tu nó bị ảnh hưởng, nó khó tu lắm.
Cho nên cái cuộc sống của các con, các con phải biết. Ờ, mình đến đó, mình quyết tu rồi, thì mình phải đến đó mình tìm cái sống trước, cái cuộc sống, chỗ ăn, chỗ ở của mình như thế nào cho nó ổn định hoàn toàn. Cho nó không còn lo lắng, không còn nghĩ ngợi, không còn gì hết. Thấy nó đúng, nó hợp với tinh thần của mình rồi thì chừng đó mình mới ở đó mình quyết tâm tu. Còn nó chưa hợp thì thôi, mình nên đi chỗ khác, chứ đừng ở đó mình tu không được đâu.
Tu sinh 6: Dạ, bạch Thầy, con năm nay 80 tuổi rồi. Mà tổ Nguyên Thủy của Nghệ An chúng con thì cũng là, cũng không phát triển được mấy, cũng chỉ có khoảng trên dưới độ trên 30 người thôi, qua sư Minh Quang hướng dẫn. Thì chúng con cũng thấy rằng là cuộc đời cũng hết rồi, không còn gì nữa, cho nên cũng buông xả, cũng cố gắng theo sự hướng dẫn của Thầy. Pháp của Phật và sự hướng dẫn của Thầy thì chúng con sớm được thanh thản hơn. Vào đây con cũng mong Thầy, được gặp Thầy để đảnh lễ Thầy, rồi mong Thầy…
Trưởng lão: Ờ, Thầy cũng chỉ lo vô đây ở đây chừng 1 tuần lễ, hay 1 tháng, nửa tháng chạy về. Chạy về, chứ chạy vô ở bữa, hai bữa chạy về. Thôi, cái chuyện đó thôi, mất công Thầy. Bởi vì khi tu thì bỏ hết, con cái, không có còn mà chạy tới, chạy lui, chay qua, chạy dọc, chạy ngang gì nữa hết. Bỏ dẹp xuống hết. Ở đây đó, tu với cái cuộc đời nó khác. Nó không có giống nhau, nó xa lạ lắm. Hai bên, một bên thì sống một mình độc cư trọn vẹn, còn một bên thì sống con cái, rồi gia đình này kia, ồn náo lắm.
Thành ra cái sự tu, chọn lấy con đường tu là chọn lấy con đường sống một mình. Mà vô đây mà, cái Ban quản lý ở đây mà thấy mình sống một mình, mình chạy lại thất người này, người kia mình nói chuyện thì thôi, mấy người này thôi, trông cho họ đi về đi cho rồi! Còn không muốn họ ở chỗ này chút nào hết. Tại sao vậy?
Bởi vì họ ở đây mất công mình. Thà là một người mà tu chứng làm Phật còn hơn là nhiều người mà tu không chứng.
Con!
30- CÓ CHÁNH KIẾN MỚI TRIỂN KHAI ĐƯỢC TRI KIẾN GIẢI THOÁT
(01:29:46) Tu sinh 7: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Thầy, hàng ngày, khi ngồi chơi thì con có những cái niệm tào lao khởi lên thì con có suy nghĩ rằng, đây là, thì con nhận biết niệm đó là niệm tào lao thì con có suy nghĩ là: “Đó là những cái niệm nó không hại gì ta hết. Nó đến thì nó tự đi, ta không cần phải bận tâm”. Còn có những lúc có những niệm, như trước đây khi chưa gặp được Chánh Pháp thì nó cũng làm cho con buồn rất là nhiều.
Nhưng hiện giờ nó khởi lên thì con có suy nghĩ là “Tất cả đều là nhân quả, không có gì là phải buồn phiền, bực bội gì hết” thì con chỉ suy nghĩ vậy thôi, con không tác ý gì thêm hết. Thì con không biết là con tu như vậy có đúng hay không? Thì con cũng kính xin Thầy chỉ dạy. Và những cái niệm nó khởi lên như vậy, con có dùng những niệm đó để triển khai tri kiến hay không? Kính xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ!
Trưởng lão: À, muốn triển khai tri kiến cho đúng thì phải thưa hỏi cái Ban tổ chức, cái người mà người ta hướng dẫn cho mình, người ta chỉ cho cách thức mình triển khai tri kiến giải thoát. tri kiến giải thoát mình không triển khai mà triển khai cái tri kiến mà không giải thoát mới chết mình đó chớ!
Bởi vì hi cái này cũng là tri kiến hết, nhưng một cái nó giải thoát, một cái nó không giải thoát. Một cái nó nằm trong Chánh Kiến của đạo Phật, còn một cái nó nằm ở trong tà kiến của đạo Phật. Cho nên vì vậy cái gì mình cũng phải hỏi những cái bậc Thầy người ta tu tập, người ta đã đi qua thì người ta sẽ hướng dẫn cho mình biết cái tà kiến, cái Chánh Kiến .
Bởi vì các con biết rằng, đạo Phật có 8 lớp Bát Chánh Đạo. Nhưng mà cái lớp Chánh Kiến các con chưa học, các con đâu có biết cái nào là Chánh Kiến đâu?! Nghe nói Chánh Kiến thì hay Chánh Kiến chứ mấy con chưa biết. Cho nên vì vậy mà do đó, sau này nếu mà có đủ duyên thì có người, có trường lớp đàng hoàng, thì cái lớp Chánh Kiến người ta sẽ mở ra, thì mấy con sẽ biết Chánh Kiến.
Vì Chánh Kiến đó, nhìn cái đống cát, nhìn cái cây kia nó là Chánh Kiến hay là tà kiến biết liền. Còn mình giờ mình nhìn, mình thấy cái cây nó vậy, vậy, đống cát nó vậy, vậy, chứ mình chưa biết đó là Chánh Kiến hay là tà kiến của mình. Mình chỉ thấy biết nó thôi, chứ mình chưa biết nó tà kiến hay Chánh Kiến.
Còn người mà người ta đã học Chánh Kiến, tà kiến thì người ta biết. Cái thấy biết của mình hiện giờ trong trí của mình đây là Chánh Kiến này. Còn cái thấy biết của mình hiện giờ cái này là tà kiến này. Nhìn cái đống cát đó mà nghĩ tưởng đến nhà cửa sang đẹp, thì đó là tà kiến, chứ đâu phải Chánh Kiến được, còn ham thích pháp thế gian. Cho nên người ta sẽ dạy mình học. Tiếc vì mình chưa có đủ lớp, chưa có đủ lớp.
Các con thấy không? Tám lớp học của Phật giáo mà bây giờ mình chưa có được một cái lớp nào mà để cho mình giảng dạy cho tu sinh học hết. Cái tri kiến, cái sự hiểu biết, cái tri kiến của tu sinh mà không có, thì giờ có tu thì tu cũng tu trật đường hết chứ không có tu đúng được. Mình hiểu rồi mình tu mới đúng đường.
Tu sinh 7: Mô Phật, kính bạch Thầy, như theo sự hiểu biết của con, thì con nghĩ mọi việc xảy ra không có gì ngoài nhân quả hết. Nên mỗi khi niệm, các cái niệm mà làm cho tâm con chướng ngại, làm buồn phiền, con chỉ tác ý “Tất cả đều là nhân quả, đã gieo nhân thì phải có quả, mắc gì phải buồn phiền”, Con chỉ tác ý về pháp nhân quả đa phần là như vậy có đúng không thưa Thầy?
Trưởng lão: Ờ, nó cũng được. Nhưng mà nó đỡ lạc thôi chứ nó, nó không đi sâu vào nó không hết, nó cũng còn hoài, nó không hết. Còn cái này là người ta sử dụng Chánh Tri Kiến của người ta, người ta hiểu tận nguồn gốc của nó, cho nên vì vậy mà nó không khởi niệm ra được nữa.
Tu sinh 7: Có nghĩa con phải, cần phải triển khai trí tuệ, tri kiến cho sâu, thưa Thầy.
Trưởng lão: Ừ, bởi vì Thầy nói đạo Phật là đạo trí tuệ mà, cần phải triển khai tri kiến của mình, mình càng hiểu biết càng rộng sâu chừng nào thì sự giải thoát càng rõ chừng nấy.
Tu sinh 7: Mô Phật, Dạ, con kính đội ơn Thầy.
Trưởng lão: Rồi con, có gì không con?
31- TÙY DUYÊN, TU TẬP ĐƯỢC CHÚT NÀO HAY CHÚT ẤY
(01:34:30) Cô Liễu Phú: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Trưởng Lão Thích Thông Lạc.
Kính bạch các thầy, các cô. Hôm nay con là pháp danh Liễu Phú. Trước các năm trước con vẫn về dưới Tam Điệp để Thọ Bát Quan Trai một tháng hai lần cùng với chị em. Thế nhưng sang năm nay, phu quân nhà con chỉ có hai vợ chồng, anh cũng yếu hơn. Con nghĩ là thôi Thọ Bát Quan Trai ở nhà để cho chồng cùng cháu ăn chay, thế có được hay không? Con hỏi Thầy, để xin ý kiến Thầy có được không hay là xuống đấy Thọ Bát Quan Trai tập thể?
Trưởng lão: Được chứ con, bởi vì cái đó là…
Cô Liễu Phú: Từ nhà con xuống tới Tam Điệp là 18 cây ạ, thì con cứ đi xe xuống, từ trước tới giờ là con cứ duy trì như vậy. Thế nhưng năm nay con vẫn thọ ở nhà thì con cũng duy trì như vậy một tháng hai ngày. Còn thì tối và ban ngày con không tập được. Con chỉ tập được tối và sáng sớm từ 3h – 5h sáng thì con lại phải đi làm việc rồi. Nên là điều kiện của con thì con rất là kém và chưa được vào đây tu được, con rất là thèm. Thế nhưng mà vào đây, thì năm ngoái con cũng tranh thủ vào đây được ít ngày, và năm nay cũng vậy, con chỉ muốn là dứt bỏ luôn để vào tu. Con vào đây con tu…
Trưởng lão: Cái đó thì tùy duyên à con! Tùy cái duyên của con, tu tập được cái phút nào hay phút nấy. Chứ còn cái duyên nó đủ rồi, nó đưa con đi vào Tu viện, nó sẽ sống độc cư một mình tu nó mới sâu được, nó mới đi tới nơi, tới chốn mới được. Còn cái này, là mình có cái duyên, tùy duyên của nó mà thôi, có vậy thôi! Mình chỉ ước ao thôi, hàng đêm, hàng ngày mình chỉ ước ao thôi, chứ còn mình cũng không làm gì được.
Cái duyên của mình, cái duyên phận của mình như vậy, mình ước ao, rồi nó sẽ có ngày nó tới.
Cô Liễu Phú: Con xin ý kiến Thầy vậy là con nên thọ ở nhà để kéo chồng ăn chay cùng các cháu hay là xuống thọ tập thể ở dưới Tam Điệp?
Trưởng lão: Theo Thầy thấy con nên ở nhà để mà dẫn dắt, hướng dẫn chồng con của mình ăn chay, điều đó điều tốt. Bởi vì đó là cái nghiệp của mình mà! Mình được giải thoát mà chồng con của mình ở địa ngục thì mình đâu có nỡ.
Cô Liễu Phú: Từ năm con được biết theo thầy Thanh Quang vào đây và để đảnh lễ Thầy, và các thầy, các cô, thì từ đó con tu tập không có ốm gì cả. Và năm nay thì cũng báo cáo với Thầy, và báo cáo với Trưởng lão và các thầy, các cô. Vì ở xóm làng nhà con hay có các người chết, thì ngày xưa con báo cáo với Thầy, con đã bạch với Thầy là con làm Hội trưởng Quy y, thì con đã nghỉ rồi, 4 năm nay con không làm nữa. Nhưng khi họ hấp hối, họ lại cứ tìm đến con để con đến gieo duyên.
Con đến gieo duyên cho họ thì coi như vậy là con hay sờ hai tay họ và con đưa vào trán. Có người đã chết lâm sàng 3 ngày thì lại sống lại Thầy ạ, thế là họ cứ bảo “Ôi Phật pháp sao vi diệu thế”. Thế thì con lại rang cái ruốc lá mơ, họ sống lại con lại rang cái ruốc lá mơ con cho họ ăn và con thấy họ sống được là, vậy là họ đi lễ khác, họ chỉ sống được là 1 tháng 20 ngày.
Vâng. Và còn cái bà ở cái xóm nhà con, con xin ý kiến Thầy là những người đó thì có nên đến gieo duyên cho họ hay không? Mà con cứ đến gieo duyên, thì con bảo “Thôi thì bác giữ cái tâm cho thanh thản, an lạc, vô sự, không có suy nghĩ gì cả, và cứ vui vẻ mà đi thì sẽ tốt”, thế, con chỉ có nói vậy thôi, mà con không giúp cái gì được cho họ.
Trưởng lão: Con giúp vậy là quá quý rồi.
Cô Liễu Phú: Vâng. Thì bạch Thầy là cái người thứ hai, con nể quá con lại tụng một biến kinh thì đêm hôm đó con về con bị ho đến đúng 10 rưỡi. Không biết… Con bảo con đúng bị phạt rồi, con cứ ôm pháp. Chồng con bảo thôi, phải đi khám bệnh, đưa đi bệnh viện thì con dứt khoát là mua thuốc về con không uống, là con chết bỏ.
Về sau con gan lỳ là con vất thuốc đi con không uống. Con cứ hò: “Ôi, Thầy Thích Thông Lạc ơi, Thầy cứu con với” con hò 3 lần thì độ nửa tiếng sau con khỏi ho, thì con bỏ từ đó, thuốc vẫn còn vất đây. Con hỏi, có phải con bị phạt không? Thưa Thầy, con cứ nghĩ miên man, đúng là hỏi ra thì Thầy và các cô, Trường Lão và thầy và các cô cũng tức cười thật.
Bởi vì con là con cũng hay thương người. Ở đấy, hễ hơi tí là họ gọi con, lúc hấp hối là họ cứ tìm con, con rất nể nên mấy hôm rồi là con không dám đến nữa ạ! Con cũng là con nói dối lương tâm là con bảo hôm nay con tránh con không đi được ạ. Một giờ đêm họ cũng gọi Thầy ạ! Gọi thì có việc là đến gieo duyên xong là liệm cho họ. Khổ vậy!
Nên là con cũng xin ý kiến hỏi Thầy là nhân tiện này con vào. Năm ngoái con cũng vào, thời gian rất là quý hóa, con tranh thủ con vào được và con xin một bộ sách “Đường về xứ Phật” mới và con xin hỏi Thầy mấy việc để cho con, từ đó trở đi để con về là thu xếp gia đình dần để con cũng muốn vào trong này con tu để cho cái gia đình được tốt đẹp hơn.
Trưởng lão: Vậy quý quá! Tùy duyên mà con. Bây giờ nếu có duyên được vào trong này, rồi xin kinh sách về đó mà hướng dẫn cho gia đình của mình ăn chay, tu tập. Chừng giữ tâm bất động chừng một phút cũng là quý lắm rồi, có gì đâu!
Cô Liễu Phú: Thầy ơi cái nhà mà sống lại có một bà bây giờ xuống dưới chợ thì con đưa sách cho họ xem và đưa cả cái băng hôm mà chú Thích Thanh Châu chú xin sách Thầy về thì con đưa cái đĩa “Khéo tu kẻo phí một đời” thì họ cũng xem và họ cũng truyền nhau. Con đưa cả sách, các sách để cho họ xem, thì không biết là, đấy, con cũng suy nghĩ lung bung là con bảo biết nên hay không nên làm cái việc này.
Mà cái bà 87 tuổi bà cứ ăn mửa ra thì con rang ruốc lá mơ cho họ ăn thì họ lại khỏi Thầy ạ! Con bảo cố gắng ăn chay thì ăn từ hôm ấy đến nay thì giờ bà lại khỏe ạ. Vâng.
Trưởng lão: Có vậy là tốt. Có gì đâu con. Có sách cho người ta mượn người ta đọc, hoặc là cho người ta đọc như vậy là quá quý. Tu tập mà, đâu có gì đâu mà không quý.
Tu sinh 7: Kính thưa Trưởng lão, kính thưa quý sư và kính thưa quý cô, vì thời gian cũng có hạn, đến đây thì thời gian đã hết. Vậy xin quý cô với quý sư có gì thắc mắc thì để lại một cái lễ khác. Xin quý cô và quý sư nghỉ…
Trưởng lão: Thôi, bây giờ Thầy ra về Thầy nghỉ. Rồi có dịp khác gặp Thầy, các con ghi lại những câu hỏi sẽ hỏi Thầy trong cái kỳ tới để cho mình tu tập đừng có sai, đừng có sai lạc mấy con.
Thôi, xá Thầy thôi mấy con, xá Thầy thôi!
HẾT BĂNG