20120513 - THẦY DẠY BAN ĐỜI SỐNG 06 - TRIỂN KHAI TRI KIẾN
20120513 - THẦY DẠY BAN ĐỜI SỐNG 06 - TRIỂN KHAI TRI KIẾN
THẦY DẠY BAN ĐỜI SỐNG 06 - TRIỂN KHAI TRI KIẾN
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 13/05/2012
Thời lượng: [25:32]
Tên cũ: 20120513-Triển khai tri kiến-Ban đời sống
https://thuvienchonnhu.net/audios/20120513-thay-day-ban-doi-song-06-trien-khai-tri-kien.mp3
1- TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT
(0:00) Trưởng lão: Bởi vậy trong cuộc đời tu hành mình phải xét cho rõ, kiếp làm người sanh ra khổ, mà giờ muốn chấm dứt khổ thì chỉ có nước tu, mà nếu tu thì chỉ phải sống một mình, không thể sống hai người được.
Rồi những gì người ta dạy thì mình cố gắng, mình khắc phục cái tâm đời của mình, để mình thực hiện cho được những cái mà Thầy dạy, những cái Phật dạy thì như vậy là mình giải thoát chứ có gì, rất là dễ.
Thầy nói, ở đây đức Phật có nói như thế này: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”, sáng nghe pháp chiều chứng đạo. Đức Phật xác định một cách rất cụ thể, rõ ràng.
(00:52) Hồi chưa biết tu, Thầy tu vất vả vô cùng, phải đi xa lên Hòn Sơn ở trên đó ăn lá cây chín tháng, nỗ lực tu hết sức mình, nhưng có được những gì đâu, toàn làm khổ mình. Mà khi hiểu rồi đâu có cái gì đâu mà khó. Cái trí chúng ta người nào cũng có cái trí cả hết. Người ta chửi mình, mình không giận đó là giải thoát. Mình không xấu mà người ta nói xấu mình là giải thoát. Lấy cái trí tuệ mà sống, thì đạo Phật là đạo trí tuệ mà, thì giải thoát, chứ còn tu, tu cái gì? Đâu phải thiền Đông Độ hay ngồi kéo chân làm cho đau khổ, gò bó thân thể bằng cách này, bằng cách khác. Đó là không phải thiền của đạo Phật, mà đó là thiền của ngoại đạo, của Trung Quốc, ảnh hưởng của Lão Tử.
Cho nên vì vậy mà cái cách thức ngồi, cách thức nhiếp tâm đều là ảnh hưởng của các nhà triết học của Trung Quốc. Còn chúng ta trực tiếp học hỏi trên kinh sách của Phật mà Hòa Thượng Minh Châu là người dịch từ tiếng Pali ra tiếng Việt của chúng ta, thiệt là chúng ta có phước báu vô cùng! Thế mà chúng ta cứ ở trên đó mà chúng ta thực hiện những lời mà đã dịch ra bằng tiếng Việt thì chúng ta thấy giải thoát ngay liền, có gì đâu.
(2:29) Bây giờ đó, ở trong mấy con ngồi trước mặt Thầy nè, phải không? Người ta chửi mình không giận thì chúng ta nhìn nhân quả. Nếu không gieo nhân làm sao hôm nay có quả. Các con chỉ cần hiểu nhân quả cái là mấy con, cái tâm sao mà nó thanh thản làm sao, nó không còn khổ sở, nó không còn tức bực, tu có vậy thôi, có gì đâu. Ở đời này, nhân quả nếu không nhân quả làm sao có thân chúng ta. Có nhân phải có quả, mà cái thân là cái quả. Đó, mấy con thấy rất rõ mà.
Do đó, cái tâm thì nó vô hình, vô ảnh cho nên nó tạo duyên này, nó tạo duyên khác, nó làm cho chúng ta có cái thân. Các con nhìn tất cả những cái khuôn mặt ngồi trước mặt Thầy, có người nào giống người nào không? Tâm tánh nó có người nào giống người nào không? Bằng chứng rất cụ thể rõ ràng mà. Do nhân quả chúng ta mới có sự sai biệt khác nhau đó, có gì đâu.
Còn bây giờ, chúng ta chỉ duy nhất vui vẻ, không giận, không hờn thì đó là con đường của đạo Phật. Thì còn ai mà làm chúng ta khổ được nữa đâu. Không phải giải thoát sao? Mà nghe rồi thì chúng ta nỗ lực sống y như Phật, làm như Phật: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả các pháp thế gian không có gì mà đáng cho chúng ta phải chú ý, phải để tâm”. Thì mấy con được giải thoát ngay liền. Ai nói gì mình như cục đất, phải không? Các con thấy giải thoát ngay liền. Tu hành dễ quá, đâu có gì khó!
(04:16) Bởi vì chúng ta sẵn có cái trí tuệ, chứ đâu phải không có, rồi bây giờ không có trí tuệ, phải đi tìm cái trí tuệ bằng cách này, bằng cách khác. Còn giờ đây có trí tuệ, triển khai cái trí tuệ này ra, mà nó thành ra cái tri kiến giải thoát. Mọi sự việc xảy ra đều có sự hiểu biết qua nó, thì làm gì mà có cái gì mà làm cho chúng ta đau khổ. Giải thoát hoàn toàn, sung sướng quá mấy con. Mấy con có đủ duyên gặp Thầy, Thầy dạy mấy con rất là ngắn gọn, dễ giải thoát. Không dạy lòng vòng theo câu kinh này, tiếng kệ kia. Rốt cuộc rồi chỉ được trên kinh sách chữ nghĩa mà chẳng có được giải thoát gì. Còn ở đây, chỉ ngay: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Người ta chửi tâm bất động, người ta làm gì cũng tâm bất động. Tâm bất động là tâm giải thoát chứ có gì đâu, tâm Phật chứ có gì đâu. Trời ơi! Tu dễ quá, có như vậy thôi.
Còn bây giờ mấy con ở trong nhà bếp mấy con làm này kia, người ta chê làm món ăn này dở, dở thì đồng ăn dở với nhau, chứ không phải vì dở mà tôi buồn, tôi phiền trong lòng tôi. Nay nấu ăn cực khổ gần chết mà nó chê dở, chê ngon đồ nữa. Đừng nghĩ vậy, thì đó là giải thoát mấy con.
(05:49) Bởi vậy Thầy nói: Thầy thì không có rảnh, chứ Thầy có rãnh mà các lớp học có rồi, bắt đầu từ lớp Chánh Kiến. Thấy như thế nào gọi là Chánh Kiến? Thấy như thế nào gọi là Tà kiến? Thầy dạy từng bước mấy con. Một sự kiện xảy ra cái đó là chánh hay là tà? Mà chánh thì chúng ta có buồn, giận, hờn đâu, chỉ vì tà kiến mà chúng ta buồn, giận, đau khổ. Có phải không?
Cho nên vì vậy mà học từ lớp Chánh Kiến, rồi mới tới Chánh Tư Duy. Khi mà thấy câu chuyện đó rồi, thì chúng ta chưa phán đoán đâu, chúng ta tư duy, suy nghĩ. Mà khi mà tư duy, suy nghĩ rồi, thì chúng ta nói hoặc làm cái hành động đều là Chánh Nghiệp nó đâu có tà nữa, hết rồi.
Từ cái Chánh Kiến đó, nó thành ra Chánh Tư Duy. Các con thấy chưa? Tiếc vì mình chưa có đủ cái khả năng, trường học chưa có, rồi cái người đứng lớp thì cũng chưa có. Nhưng về cái người đứng lớp thì nó cũng không phải khó, như mấy con nè Thầy chọn năm người hay mười người, Thầy mở cái khóa đào tạo cấp tốc giáo viên, sau khi học ba tháng, sáu tháng mấy con ra đứng lớp dạy cái lớp Chánh Kiến vanh vách.
(7:34) Thấy cái gì thì mấy con biết đó là Chánh Kiến, thấy cái gì đó mấy con biết đó là tà kiến. Mấy con điểm mặt cho những đệ tử của mình thấy rất rõ, thì như vậy nó thấy rất rõ. Không lẽ nó thấy Chánh Kiến, mà nó nói tà kiến nữa sao? Học tu là học như vậy, nó triển khai cái tri kiến của mình đạo Phật là đạo trí tuệ. Do đó mình triển khai cái tri kiến của mình thì nó được giải thoát, chứ có gì đâu mà khó khăn. Chứ đâu phải ngồi thiền, luyện thần thông, phép tắc này kia đâu có, không cần cái đó đâu.
Nhưng, các con nên nhớ rằng: Sáu tháng “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự*” *không ai làm động đến nó; Tam Minh, Lục Thông đầy đủ. Các con không cần luyện, tâm thanh tịnh nó đủ. Nó như vậy đó mấy con thấy, tự trong thân mình đó, nó thanh tịnh. Tự trong tâm mình nó thanh tịnh. Thì những cái thần thông mà người ta nói Tam Minh, Lục Thông này kia rồi tu hành phải có. Tôi đâu có cầu nó đâu, nhưng tâm tôi thanh tịnh là nó có à. Tôi đâu có cần, Tôi cần cái tâm tôi thanh tịnh, để tôi được giải thoát mà thôi. Các con thấy chưa?
(08:58) Cho nên mình tu như không tu, mình tu như chơi, mà rốt cuộc giải thoát thật sự. Làm công việc cũng tu, làm bếp cũng tu, cuốc đất cũng tu, tất cả những cái gì mình cũng tu, thì tất cả những cái điều kiện tu, nó đều là nằm ở trên cái hành động, Thân Hành Niệm mà. Các con thấy, cho nên lấy cái thân hành của mình mà nỗ lực tu trên cái Thân Hành Niệm, thì giải thoát ngay đó, không có gì khó khăn.
Một người tu trong Thân Hành Niệm không bao giờ cuốc chết một con trùng dưới đất, họ khéo đến cái mức độ như vậy đó, mấy con biết. Chứ không phải là tôi tu Thân Hành Niệm tôi cuốc ào ào, ào ào. Nhìn một hơi, trời ơi! Bao nhiêu con trùng chết láng lênh, trời đất! Thì như vậy không phải tu Thân Hành Niệm. Cái sức tỉnh giác của người ta, cái sức từ bi của người ta nó ban rải ở trên cái khu đất của người ta đang làm. Cho nên mỗi cuốc đất của người ta làm, là lòng từ bi của người ta ban rải. Tình yêu thương của người ta ban rải trên đó. Lòng tha thứ người ta ban rải trên đó.
Lỡ con bò cạp cắn, người ta không bao giờ người ta giết nó, mà người ta còn thương nó. Cho nên trên con đường tu hành, tu đúng là giải thoát ngay liền, tu sai là không có giải thoát.
(10:51) Phật tử : Thôi vậy, con bạch Thầy nghỉ.
Trưởng lão: Thôi bây giờ Thầy nghỉ.
Phật tử : Dạ.
Trưởng lão: Rồi có dịp Thầy sẽ, như mấy con nghỉ, nếu sau này nó được đổi thành cái lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn. Thì Thầy sẽ chọn mấy con là những người đệ tử được vào đó tu học. Thôi, Thầy nghỉ.
2- Ở THẤT CHƯA ĐƯỢC LÂU THÌ CẦN LÀM GÌ?
(11:18) Phật tử 2: Mô Phật! Giờ con chưa ở thất được lâu nhưng mà Thầy cho phép con làm công việc, con cũng làm một mình, thưa Thầy.
Trưởng lão: Bây giờ mấy con ở trong nhà bếp, mấy con ở ngoài đồng thấy có gì cho cháu nó làm không? Còn không thì mình tu, tu còn làm còn hơn ai nữa!
Phật tử 2: Dạ, con muốn những ngày con không ngồi trong thất (không nghe rõ) còn nếu không thì con quét nhà kho.
Trưởng lão: Ừ! Tùy theo, bởi vì cái công việc thì lúc nào cũng có chứ không phải không. Tùy theo, để rồi mình coi như là mình giúp chúng trong đó có mình. Sống hòa đồng, biết chia sẻ nhau, từng lao động với nhau thì đó là rất quý mấy con.
Mà phải hiểu, ở trong chúng thì nó có cái cấp lãnh đạo, chứ không thể thiếu các cấp lãnh đạo. Mình muốn làm cái gì đó, mình làm thì không được, mình phải hỏi, rồi coi được hay không thì cấp lãnh đạo người ta sẽ cho phép mình làm. Còn người ta chưa có cho phép thì đó là có người làm hoặc là làm cái chuyện đó không được. Người ta sẽ hướng dẫn cho mình chuyện khác. Có vậy thôi, chứ không có gì con.
Rồi bắt đầu bây giờ mấy con có hỏi gì không? Thôi, đi nghỉ mấy con, rồi có dịp Thầy sẽ giảng. Mong sao mình có được mấy cái lớp học.
3- MỖI NIỆM LÀ MỘT TRÍ TUỆ, ĐEM MỔ XẺ ĐỂ TRÍ TUỆ PHÁT SÁNG
(13:10) Phật tử 3: Bạch Thầy! Cho con hỏi câu là: Bình thường con bây giờ nó, khi cái tri kiến mình chưa đủ đó, nhưng mà tập pháp Thân Hành Niệm mình tỉnh thức nó hay rơi vô cái thọ thấy khổ, là nó hay gây nên, nó không có triển khai được tri kiến cho nên nó hay bị dạng như lâu lâu phóng ra những cái niệm rồi cái tâm mình nó hay bị chạy theo cái niệm đó mình không làm chủ được, nên là nó bị phóng tâm.
Trưởng lão: Ừ, không sao đâu con. Chính cái niệm đó là cái trí tuệ của con, chứ con đừng có diệt nó, con đừng có không cho nó hiện cái tướng của nó. Nó hiện ra, con đem cái niệm đó con mổ xẻ, làm cho trí tuệ con phát sáng ra nữa. Hiểu được cái niệm này, thì có những cái niệm khác, nó có cái nghĩa tương tự, con cũng sẽ hiểu. Đó, cho nên vì vậy đó rất tốt, đâu có gì đâu. Bởi vì đạo Phật là đạo trí tuệ, mình cứ diệt niệm. Đâu phải thiền Đông Độ.
Cho nên vì vậy mà có niệm, triển khai ngay liền cái niệm. Phải không? Thì như vậy là cái trí tuệ con càng ngày càng sáng suốt hơn, mà sáng suốt, càng sáng suốt thì sự giải thoát ngay trước mắt con. Phải không? Cho nên cũng do thiền Đông Độ, nó làm cho mấy con rất khó, sao mà cứ niệm hoài như thế này, mình đâu có phải tu theo thiền Đông Độ đâu, đâu có cần, cần cho nó nhiều niệm, chứ đâu phải là cần cho nó hết niệm đâu. Mỗi niệm là một cái trí tuệ của mình mà. Phải không? Mình chỉ cần triển khai nó ra để tìm hiểu cái niệm đó, nó dục cái gì? Nó muốn cái gì? Mà nó dục, nó muốn thì dừng lại không được tiếp tục những cái dục này. Đó, mình chấm dứt, mình làm chủ nó mà. Mà mình làm chủ một thời gian sau nó không còn niệm nữa. Đó, thành ra mấy con tu đúng pháp, mấy con hết niệm.
(15:24) Phật tử 3: Thầy! Bây giờ cái, những cái niệm mà do cái gốc dục của mình là đều do gốc dục sinh ra cho nên đôi lúc nó có thiện, có ác, nên mình không chạy theo cái niệm nào hết, thì tự nó, ngay chỗ đó nó bất động, nó không còn tham dục nữa.
Trưởng lão: Ờ, bởi vì nó có thiện, có ác. Mỗi một cái niệm của mình, nó có niệm thiện và có niệm ác. Mà hễ niệm ác nhất định là diệt, không dám gần. Mà niệm thiện, tăng trưởng và phát triển. Làm cái chuyện có lợi ích mình, lợi ích người đó là niệm thiện, mà làm chuyện lợi ích mình mà không lợi ích người thì đó là niệm ác. Các con cứ so sánh giữa hai người thôi, thì biết nó thiện với ác.
Cho nên đạo đức Nhân bản - Nhân quả mấy con, đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người. Thầy tiếc là cái bộ sách đó Thầy chưa viết xong. Viết xong các con đọc cái bộ sách đạo đức Nhân bản - Nhân quả. Nó có giá trị rất lớn.
4- TÊN TU VIỆN CHƠN NHƯ VÀ PHÁP DANH
(16:18) Cô Thanh Như: Dạ Thầy! Cho con xin hỏi câu: Tại vì hồi sáng tụi con ngồi bàn với nhau hỏi về từ “Chơn Như” đó Bạch Thầy, tụi con chưa có đứa nào biết, có nghe băng xong rồi quên hết. Sẵn đây có mấy đứa em, Thầy dạy về từ “Chơn Như” của mình đó, dạ.
Trưởng lão: Bởi vì trong lúc mà Tu viện Chơn Không của Hòa Thượng Thanh Từ ở ngoài Vũng Tàu thì Thầy ra đó Thầy tu theo Hòa Thượng Thanh Từ. Khi mà cái khóa tu học hết rồi Thầy nói Thầy về Trảng Bàng, Thầy sẽ cất một cái Tu viện. Vậy nhờ Thầy giúp cho cái tên. Thì cho nên Hòa thượng mới đặt “Chơn Như”. “Chơn Không”, “Chơn Như”.
Cô Thanh Như: Mà nghĩa của Chơn Như là gì Thầy?
Trưởng lão: Chơn Như tức là Chơn Không, như như là không không đó.
Cô Thanh Như: Chơn Như là Chơn Không, vậy là, vậy là ai hỏi tụi con…
Trưởng lão: Như như là không không đó
Phật tử 4: Như như là không không ạ?
Trưởng lão: Chứ như như có gì đâu.
Cô Thanh Như: Dạ, bạch Thầy. Thầy cho con hỏi thêm, cái chú Minh Tuệ chú nói là: Thầy đặt chú là Minh Tuệ vậy chắc chú vô minh lắm, bởi vì Thầy mới đặt chú Minh Tuệ. Con nói đâu phải vậy.
Trưởng lão: Đâu phải như vậy! Minh là sáng, Tuệ là trí tuệ, trí tuệ sáng suốt. Phải tu luyện như thế nào để cho trí tuệ mình sáng suốt, chứ không khéo mình nghe Minh Tuệ cái mình tệ nữa, thì không được.
Cô Thanh Như: Dạ, bạch Thầy. Còn con, pháp danh Thầy đặt con là Thanh Như, nghĩa là sao Thầy?
Trưởng lão: Thanh Như hả? Thanh là trong sạch, trong sạch như làm Phật vậy đó, chữ “Như” có nghĩa là Phật đó.
Cô Thanh Như: Dạ
Trưởng lão: Bởi vậy nói như như đó. Con làm sao trong sạch như Phật, chứ không bị ô nhiễm đó.
Cô Thanh Như: Dạ
Trưởng lão: Nghĩa là bây giờ nói, ai nói gì nói, con không rầy ai, không nói ai hết thì đó là như như.
Cô Thanh Như: Dạ
Trưởng lão: Mà rầy thì không được.
Cô Thanh Như: Dạ rồi, vậy con cảm ơn Thầy.
5- CÁCH TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT
(18:43) Phật tử 5: Dạ! Kính thưa Thầy cho con hỏi: Cái đầu con nó bị rưng rưng lâu ngày thì con, theo xả cách nào cho nó hết?
Trưởng lão: Nó ở trong đầu con như thế nào?
Phật tử 5: Lúc nào nó cũng rưng rưng, rưng rưng làm cho con, cái tâm nó ảnh hưởng tới cái miệng, cái nơi cổ họng con cũng nhịp theo.
Trưởng lão: Đó là tu sai, tu sai pháp. Cho nên nó ảnh hưởng.
Bây giờ đó con không nên tu cái pháp đó, mà con nên tu cái pháp triển khai cái tri kiến giải thoát. Bây giờ, nó có một cái niệm gì thì con triển khai cái niệm đó ra để tìm hiểu cái niệm đó. Còn nó không có thì con khởi một cái niệm, rồi con đi tìm ý nghĩ của cái niệm đó thì những cái thói quen của con mà tu sai, nó mất đi. Chứ đừng để nó ngồi không đó nó cứ dính pháp, hiểu không? Phá nó bằng cách đó con.
Cô Thanh Như: Cưng nói cách của cưng tu cho Thầy nghe, hồi xưa cưng tu sao nói cho Thầy.
(19:55) Phật tử 5: Tại vì hồi xưa con đọc sách, dục những cái gì dính mắc trong đầu con, con tác ý nó đi ra, nhưng mà con nhắm mắt lại, con cứ tác ý riết cho nó ra, con nghĩ trong cái đó nó dính mắc là một cái tế bào nào nó dính mắc, con cứ tác ý ra phải gọt rửa cho sạch những cái đó đi, tác ý riết nó thành ra, nó làm cho con, đầu tiên nó làm cho con cợn, cợn, cợn trong cái đầu lúc nào cũng vậy.
Trưởng lão: Cái đó là cái sai của con. Tại vì cái đầu của con nó khởi cái niệm nào đó, con đưa cái niệm đó con triển khai nó ra, làm cho cái trí tuệ con hiểu biết. Còn đằng này con cứ gom nó lại, không cho nó, không cho nó hiểu gì hết, thành ra nó đi vào cái chỗ giống như thiền Đông Độ vậy đó con, thành ra nó sai pháp.
Bởi vì Phật pháp dễ, chứ đâu khó khăn. Nhưng mà tại mình tu sai rồi mình bệnh, bỏ đi, dẹp. Con bỏ pháp đó đi. Bây giờ đó, thí dụ như bây giờ trong đầu con nó rỗng rang, không niệm gì hết, con khởi niệm liền chứ đừng có để nó không niệm, mà khởi niệm, rồi tìm hiểu niệm. Thí dụ bây giờ thấy dãy nhà đằng trước người ta cất nè, thử hỏi cái dãy nhà này cất ở bao lâu nè? Lợi ích gì nè? Công lao của những người như thế nào nè? Rồi con tư duy, suy nghĩ những cái đó, con hiểu không?
Đem một cái đối tượng để mà quán xét, làm cho trí tuệ mình khi nó chưa hoàn thành, mà mình dám biết nó cất làm cái gì rồi, đó cái trí tuệ con nó sáng suốt liền đó.
Thôi, về nghỉ đi mấy con!
HẾT BĂNG