20080724 - DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP
20080724-DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử chùa Phước Thành, Vũng Tàu
Thời gian: 24/07/2008
Thời lượng: [42:14]
https://thuvienchonnhu.net/audios/20080724-dung-lai-chanh-phap.mp3
1- TAM QUY, NGŨ GIỚI
(00:00) Sư thầy chùa Phước Thành: Sự hiểu biết con còn lu bu lờ mờ, nó không có cái gì rõ ràng lắm, xin Thầy cho chúng con biết bổn phận Phật tử tại gia hộ trì Phật pháp, con xin Thầy ạ.
Trưởng Lão: Mấy con ngồi lại hết đi con. Vô trong này ngồi ghế hết đi con, con lấy cái ghế ngồi đi con, con ngồi đi, con vô trong này ngồi đi, ngồi sát trong này đi con, con lấy cái ghế ngồi đi con…
Trong cái mùa hạ năm nay thì Thầy được dạy cái hạ ở chùa Phước Thành mấy con. Trong cái thời gian dạy có mấy ngày à, cho nên về dạy giới luật thì như vậy nó không có đủ. Cho nên Thầy chỉ tóm lược, rồi Thầy gửi sách cho quý thầy, quý cô ở ngoài đó thôi. Đi về đọc, nghiên cứu để thấy cái sự tu tập của đạo Phật phải đi từ giới luật đức hạnh mình đi vào, mới thiền định, rồi mới trí tuệ. Cho nên cái sự tu học có từng lớp lang nó rõ ràng, cụ thể. Cho nên trong cái khi mà Thầy đến dạy, Thầy có gợi ý cho cái bài làm, đạo Phật nó có ba cấp: cấp Giới, cấp Định, cấp Tuệ, rồi nó có tám lớp học.
Cho nên vì vậy mà những cái phương pháp và những bài học ở trong tám lớp học đó thì nó có ba mươi bảy pháp mà trong đạo Phật gọi là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, chứ không phải tám mươi bốn ngàn pháp môn mấy con. Bởi vì tám mươi bốn ngày pháp môn là sau này kinh sách phát triển nó triển khai, nó chấp nhận tất cả các pháp để dồn lại, coi như đạo Phật rất có nhiều pháp. Vì vậy mà tất cả pháp của ngoại đạo đều không có pháp nào- bỏ ra ngoài ra- của Phật giáo.
(02:07) Nhưng mà sự thật Phật giáo có ba mươi bảy pháp mà thôi, gọi là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo. Trợ đạo nghĩa là trợ cho Bát Chánh Đạo - tám cái lớp học, tức là học trong tám cái lớp đó phải học ba mươi bảy pháp.
Cho nên đầu tiên thì như mấy con cũng biết rằng người cư sĩ khi mà đến thọ Tam Quy thì phải thọ Ngũ Giới, thọ Tam Quy phải thọ Ngũ Giới.
Nhưng mà khi thọ Tam Quy thì quý thầy phải có nhiệm vụ và trọng trách, khi mình đại diện cho ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng thì mình phải giải thích cho rõ, cho cái người cư sĩ của mình phải hiểu cái đức hạnh, cái sự sống của đức Phật, cái oai nghi tế hạnh sống của đức Phật như thế nào?
Tại sao đức Phật lại bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh của mình mà đi tu? Đó, rồi cho đến khi mà chứng đạo, tại sao lại bốn mươi chín năm mà truyền giáo pháp dạy cho người tu tập? Dạy những pháp nào, dạy có thế giới siêu hình hay không?
Hay hoặc là tất cả những cái, trong thời đức Phật mà đức Phật gồm chung là cái thời đó người ta nghĩ đến có ba mươi ba cõi Trời chứ không phải có một cõi Trời. Nhưng mà đức Phật nói ba mươi ba cõi Trời đều là cõi tưởng, tức là cõi không có thật mấy con.
Đức Phật xác định trong cái bài kinh Pháp Môn Căn Bản, và ngay cả cái con người của chúng ta là có thân này, có tâm này, có cái sự hiểu biết này, nhưng mà đức Phật nói con người sống trong tưởng, tưởng tri chứ không phải liễu tri. Mấy con bữa nay mấy con ngồi đây mấy con nghĩ tưởng ngày mai phải làm cái gì, cái này kia … không phải tưởng sao? Chưa ăn cái đó mà nghĩ cái đó ngon thì tưởng chứ sao? Các con hiểu chưa?
Toàn là mình sống trong tưởng không à. Tưởng mà gia đình hạnh phúc nhưng mà sự thật mấy con có gia đình có hạnh phúc không? Không có hạnh phúc. Nó không có sự thật mấy con. Cho nên đó là cái tưởng tri chứ không phải liễu tri.
(04:07) Đức Phật xác định quá rõ ràng thế mà các tôn giáo, và ngay cả kinh sách của Phật giáo cũng xây dựng một cái thế giới siêu hình, tức là cõi Cực Lạc Tây Phương. Đó là cái thế giới siêu hình mấy con. Tức là cõi tưởng chứ đâu phải cõi thật? Cõi, mình ở trong cái tưởng của mình, tưởng ra, mình nghĩ ra có cái cõi đó chứ sự thật nó không có. Để cho mình hy vọng cái cõi tưởng đó để cho mình sống mấy con. Sự thật ra nó không có.
Mà chính đức Phật dạy chúng ta sống đạo đức không làm khổ mình khổ người.
2- GIẢI THOÁT NHỜ TÌNH THƯƠNG
(04:36) Thì cái bài pháp mà đầu tiên để đức Phật dạy chúng ta tu, ở trong Bát Chánh Đạo để tu, để mà được giải thoát đó là cái bài pháp Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả mấy con. Có lòng thương yêu thì mình mới có vui vẻ, mới có xả. Còn mình không có lòng thương yêu thì đâu có xả được.
Thì cái giới đầu tiên mấy con thọ, ở trong người cư sĩ mấy con thọ cái giới đầu tiên là cái giới không sát sanh chứ gì? Không nên sát sanh chứ gì? Đó là cái giới không sát sanh. Mà giới không sát sanh là Đức Hiếu Sinh mấy con. Mình có lòng thương yêu thì mình mới không giết hại chúng sanh, mình không ăn thịt chúng sanh.
Còn mình không có lòng thương yêu thì mình mới có giết hại và ăn thịt chúng sanh mấy con. Có phải không? Mình nỡ tâm mình cầm dao mình đập đầu cá, hoặc là mình cắt cổ gà, mình giết hại chúng sanh để mình làm thực phẩm. Mà hầu hết là con người chúng ta vừa sinh lên mà biết ăn thì cha mẹ cũng đã mớm cho mình từng món ăn bằng thịt động vật, bằng những cái sự đau khổ của chúng sanh.
Cho nên mình thành một cái thói quen, nhưng mà không ngờ đó là cái ác nghiệp, nhân nào thì phải quả nấy mấy con. Cho nên khi mà cái người mà giết hại và ăn thịt chúng sanh thì mới, cái nhân quả đó từ tiền kiếp, cho nên kiếp này chúng ta sinh ra làm người có thân. Mà có thân thì chúng ta phải bệnh đau. Do cái nhân hành động giết hại và ăn thịt chúng sanh thì phải bệnh đau mà thôi chứ làm sao khác? Cho nên ai có thân mà không bệnh đau mấy con?
Trừ ra những người tu tập người ta sống đúng giới luật, người ta không giết hại và ăn thịt chúng sanh, thậm chí người ta còn ăn ngày một bữa.
(06:12) Như Thầy bây giờ đâu có bệnh đau nữa đâu, tám mươi tuổi rồi, sắp sửa tám mươi hai tuổi rồi mà Thầy chưa bao giờ đến bệnh viện, chưa bao giờ đến bác sĩ. Rõ ràng là mình sống đúng giới luật, cái cơ thể của mình cũng là cơ thể của nhân quả ác của đời trước, mới sanh ra làm người chứ không ác thì đâu có sanh ra làm người mấy con. Cho nên sanh ra làm người mà biết pháp tu rồi nó chuyển cái nhân quả, nó làm cho thân, cơ thể của mình không bệnh đau.
Từ khi Thầy sinh ra đời thì tám tuổi Thầy được cha mẹ cho xuất gia tu hành và nó có cái ý nguyện tu là phải được giải thoát, chứ không thể nào mà tu lừng chừng. Cho nên cuối cùng thì Thầy tìm thấy được con đường giải thoát thật sự. Và hôm nay Thầy đã viết kinh sách, Thầy chấn chỉnh lại Phật pháp. Thầy làm sáng tỏ lại con đường của Phật pháp, cái nền đạo đức của Phật pháp.
Ngày xưa mấy con thọ Ngũ Giới mấy con biết năm giới: Giới không sát sanh, giới không tham lam trộm cắp, giới không tà dâm, giới không vọng ngữ, giới không uống rượu. Phải không mấy con? Nhưng mà năm cái giới đó là năm cái đức nhân bản của con người mấy con. Mình là con người phải có năm cái đức nhân bản, mà nếu mà không có nhân bản thì nó là một động vật, tâm mình sẽ hung ác.
Cho nên vì vậy mà năm cái đức các con đã thọ các con cố gắng giữ, các con giữ nó không những cho bản thân mấy con được mạnh khỏe, mà cả gia đình của mình. Bởi vì trong gia đình của mình, năm người hay mười người, có người bị bệnh đau thì mình có vui được không? Không vui. Bởi vì nó là chùm nhân quả mấy con. Mà vì vậy mình giữ giới, nó chuyển cả gia đình của mình, và nếu cả gia đình của mình đều giữ giới trọn vẹn thì gia đình đó rất là bình an, không có tai nạn xảy ra.
(08:07) Thí dụ như một cái người trong gia đình mình đi làm thợ máy xay mì, hoặc là thợ cưa gỗ mà lỡ cái dây cưa - cái lưỡi của nó bị đứt đi thì lưỡi cưa sẽ quăng vào cái người thợ lao động, thì cái người đó sẽ bị thương mấy con. Phải không? Thì đó là tai nạn, mình đâu có bệnh đau, nhưng mà cái nhân duyên nào, cái nhân nào mà cái quả mà phải chịu cái tai nạn này? Thì không phải là chúng ta giết hại và ăn thịt chúng sanh sao? Các con thấy. Nó chưa đủ duyên, nó đủ duyên mấy con không tránh khỏi cái quả mình giết chúng sanh rồi mình ăn thịt. Mình tưởng là nó mập, nó bổ chứ sự thật ra một người ăn trường chay như Thầy có thấy sao đâu, có thấy cái gì đâu, nó còn khỏe hơn là cái người ăn thịt chúng sanh. Mấy con thấy trong cái vấn đề người cư sĩ, theo Thầy thiết nghĩ các con nên giữ gìn năm giới trọn vẹn.
Và đồng thời mấy con sẽ học như thế nào? Quy y Phật mấy con sẽ thấy những cái gương hạnh của đức Phật, cái sống của đức Phật. Tuyệt vời lắm mấy con! Người ta chửi đức Phật không giận mấy con. Cho nên vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta: “Thấy lỗi mình không thấy lỗi người". Ngay cái câu nói đó Thầy thấy thật sự giải thoát.
Đừng thấy lỗi ai hết, bởi vì người ta đang sống trong nhân quả thì người ta đang sống trong ác pháp chứ gì? Người ta chửi mình thì tức là người ta đang ở trong ác pháp chứ gì? Tại sao mình lại giận người ta làm gì? À mình suy nghĩ người ta ở trong ác pháp, nên thương yêu và tha thứ họ, chứ sao lại giận hờn họ làm gì? Mà họ chửi mình, trái lại khi mà họ chửi mình thì bị cái ngôn ngữ ác pháp đó nó lôi mình, mình tức giận rồi. Có phải người nào bị mắng, bị chửi, bị nói oan ức, tức không? Mấy con tức không? Mấy con tức là mấy con bị ác pháp nó lôi mấy con vào.
Cho nên một người giữ giới mà Đức Hiếu Sinh, tức là cái giới thứ nhất là cái đức lòng thương yêu của chúng ta, khi đó chúng ta thương yêu thì chúng ta xả bỏ. Cho nên tâm từ, bi, hỷ, xả đó mấy con, có lòng thương yêu thì mình mới có lòng hoan hỷ mà xả hết. Các con thấy chưa?
Cho nên đạo Phật dạy rất thực tế. Nếu chúng ta thiếu lòng thương yêu thì chúng ta sẽ bị đau khổ. Mà có lòng thương yêu thì chúng ta không bị đau khổ. Mà lòng thương yêu tức là Giới Sát Sanh, Giới Sát Sanh tức là Đức Hiếu Sinh, lòng thương yêu. Vì vậy mà mình càng tăng trưởng lòng thương yêu bao lớn, càng lớn ra thì mình sẽ được giải thoát. Tâm mình bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
3- PHÁP PHẬT CHÂN CHÁNH
(10:29) Và cái mục đích của đạo Phật thì mấy con nghe chữ ‘vô lậu’. Tâm vô lậu là chứng quả A la hán. A la hán là vô lậu. Mà khi chúng ta tâm vô lậu là nó thường xuyên nó bất động, nó không nghĩ ngợi, nó không lăng xăng, cơ thể ngồi đâu thì nó an trú đó nó không đau nhức.
Còn mấy con ngồi lâu nó sẽ bị mỏi, nó sẽ bị tê, nó bị đau nhức chỗ này, đau nhức chỗ khác. Còn cái người mà tu thân tâm vô lậu rồi, ngồi một giờ, hai giờ nghe nó an ổn vô cùng, càng ngồi nó lại càng an ổn. Còn mấy con ngồi lâu không được, rồi phải đi, đi mà đi mãi thì mấy con bị mỏi chân, cũng bị cảm thọ rồi. Cho nên bị lậu hoặc rồi. Cho nên mấy con phải ngồi, đi rồi nằm…, nó đủ mọi bốn oai nghi của mấy con, chứ không thể nào mà trong một oai nghi mấy con được an trú được.
Còn trái lại một cái người mà người ta tu tập, người ta sẽ ngồi suốt một ngày, hai ngày, cho đến thậm chí bảy ngày tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là cái trạng thái của pháp môn Tứ Niệm Xứ mấy con.
Cái người tu Tứ Niệm Xứ là cái trạng thái đó. Và một cái người mà nhập định mà xuất cái định ra thì họ cũng ở trong cái trạng thái đó rồi từ trạng thái đó họ nhập định. Như mấy con đọc cái bài kinh Niết Bàn mấy con nghe đức Phật nhập Sơ Thiền, rồi xuất Sơ Thiền mới nhập Nhị Thiền, rồi xuất Nhị Thiền mới nhập Tam Thiền, xuất Tam Thiền mới nhập Tứ Thiền, xuất Tứ Thiền mới vào Niết Bàn mà nhập diệt.
Vậy thì xuất cái Sơ Thiền đức Phật ở trạng thái nào? Đó là trạng thái tâm bất động. Rồi từ ở chỗ trạng thái tâm bất động của Tứ Niệm Xứ đó, đức Phật mới nhập vào Nhị Thiền. Nhập vào Nhị Thiền rồi đức Phật mới xuất ra khỏi cái trạng thái của Nhị Thiền mới nhập vào cái trạng thái bất động tâm của mình. Ở trạng thái đó rồi nhập vào Tam Thiền, Tứ Thiền. Cho nên ra khỏi Tứ Thiền nhập vào Niết Bàn, tức là trạng thái Niết Bàn. Các con thấy chưa?
(12:19) Đó là một cái cách thức mà cái người Phật tử phải thông suốt cái đường đi của đạo Phật rất là rõ ràng cụ thể. Chẳng hạn bây giờ mấy con vào, mấy con trở thành một người Phật tử thì mấy con phải thọ Tam Quy, Ngũ Giới. Mà khi mấy con thông suốt thọ Tam Quy, Ngũ Giới thì mấy con phải thông suốt những oai nghi, đức hạnh của đức Phật, đó là Phật Bảo.
Kế đó thì mấy con quy y Pháp Bảo thì mấy con phải thông suốt pháp nào đem lại lợi ích cho người cư sĩ? Thì đầu tiên người ta dạy các con pháp tu Tứ Chánh Cần. Người ta trang bị cho các con năm cái giới, giới đức như hồi nãy Thầy nói. Năm cái giới: Giới sát sanh, Giới tham lam trộm cắp, Giới tà dâm, cái Giới không vọng ngữ, cái Giới không uống rượu. Đó là năm cái giới. Khi năm cái giới đó mấy con thật thông suốt được những cái đức giới đó rồi thì mấy con áp dụng vào cái pháp Tứ Chánh Cần.
À mấy con ngồi lại, mấy con nhắc: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Bởi vì khi mà người ta quy y Pháp là người ta dạy cho các con phải thông suốt cái pháp của mấy con tu. Chứ không thể dạy cho mấy con tu theo cái người tu sĩ.
(13:29) Cái người tu sĩ người ta tu những cái pháp nào thì người ta đã đến cái giai đoạn mà người ta thọ mười giới để trở thành tu sĩ hoặc là thọ hai trăm năm chục giới để thành một cái người tu sĩ thì người ta dạy tu khác. Bởi vì người ta, khi người ta vào thọ Tam Quy, Ngũ Giới, thì như các con là cư sĩ, người ta đã tu cái pháp Tứ Chánh Cần nó rất là chuyên cần. Nhưng khi mà cái người tu sĩ là người ta đã bỏ hết cuộc đời rồi, người ta bước qua một cái lớp khác chứ không phải người ta còn tu cái pháp của người cư sĩ.
Còn bây giờ người tu sĩ họ chưa tu được cái pháp đầu tiên là Tứ Chánh Cần và họ chưa giữ gìn được năm giới, thì các con thấy hầu như tất cả các thầy bây giờ năm giới chưa hẳn đã giữ trọn. Chưa giữ trọn mấy con. Có thầy còn uống rượu, có thầy còn hút thuốc thì làm sao mà giữ trọn? Các con thấy chưa? Còn phạm giới mà. Có thầy còn … nếu mà nói về Sa di, Thập Giới Sa Di, một người mới vào trở thành một tu sĩ Sa Di thôi vẫn còn cất giữ tiền bạc, vẫn còn ăn uống phi thời thì làm sao mà tu tập được? Các con thấy chưa?
Các con là cư sĩ các con không có những cái Giới ăn phi thời, còn tu sĩ là thêm những cái Giới ăn phi thời. Cho nên người tu sĩ mà còn ăn ba bữa là không có tu được cái gì cả. Không làm chủ được cái ăn thì còn làm chủ được cái gì nữa mà tu? Các con hiểu?
(14:51) Còn mấy con thì chỉ có năm Giới, năm Giới thôi không có những cái giới này. Cho nên mấy con còn quyền cất giữ tiền, còn ăn uống ngày ba bữa. Nhưng người ta sẽ dạy mấy con ăn ba bữa không được ăn phi thời, không được ăn lặt vặt. Các con là cư sĩ mà ăn lặt vặt, lát ăn cái bánh, lát ăn trái chuối, lát ăn cái này kia thì không được, tới giờ ăn thì mấy con ăn trong cái giờ đó mà thôi. Đó là mấy con phải sống cái hạnh của một người cư sĩ, mà người cư sĩ là một cái người đệ tử của Phật rồi, ăn uống phải điều độ, ăn uống phải có giờ giấc, chứ không phải là ăn lặt vặt. Cho nên người cư sĩ bắt đầu người cư sĩ rất tốt, không ăn lặt vặt nữa. Chứ còn ngày ba bữa thì mấy con vẫn tự nhiên ăn ba bữa, sáng mấy con điểm tâm, rồi trưa ăn bữa cơm chính, hoặc là chiều mấy con ăn một bữa tiểu thực nhẹ cũng tốt rồi, không có gì hết.
Còn trái lại người tu sĩ không được. Trưa ăn bữa thôi. Bởi vì mình tu sĩ mình bỏ hết, mình không có làm, mình không có làm ra của cải, không có làm ra cơm nữa thì mình chỉ còn đi xin. Đi xin ăn mà xin nhiều bữa làm sao người ta có cho mình ăn? Các con hiểu điều đó. Cho nên người tu sĩ chỉ ăn một bữa thôi. Mà chính ăn một bữa lại giải thoát mấy con.
Sáng khỏi mất công nhai nuốt, khỏi mất công rửa bát, rửa chén. Chiều cũng khỏi mất công rửa bát, rửa chén, chỉ có cái bình bát đi xin ăn. Tất cả mọi thực phẩm người ta bỏ vào trong cái bình bát. Về ăn xong rồi rửa bình bát, có cái muỗng với cái bình bát thôi, không có mâm, đĩa, bàn, cỗ… lung tung rất là cực khổ, phải rửa bát, rửa chén, rửa này kia đủ thứ rất là vất vả. Vì vậy ngay cả cái ăn mà không giải thoát thì còn tu giải thoát được cái gì?
Cho nên cuộc đời của Thầy lúc nào cũng có cái bát, tới giờ trưa ai cho ăn gì ăn, đến đó thì Thầy chỉ xớt vừa đủ ăn cơm và đồ ăn trong một cái bát của mình rồi thì về thất của mình ngồi ăn với một cách tỉnh giác hẳn hoi, ăn từng miếng, từng món ăn. Không tham đắm món ngon mà cũng không chê món dở. Ăn để sống. Lúc nào cũng tỉnh giác, để làm chủ được cuộc đời, mấy con. Rồi mấy con.
4- CHỌN THẦY XIN THỌ GIỚI
(17:05) Cho nên trong khi đó các con đã thọ Tam Quy, Ngũ Giới với một vị thầy, người ta thông suốt, người ta đã thọ Tam Quy, người ta đại diện cho ba ngôi Tam Bảo, người ta sẽ dạy cho con về Phật Bảo. Người ta sẽ dạy cho mấy con về Pháp Bảo của một người cư sĩ tu tập. Rồi người ta dạy về Tăng bảo để mấy con chọn một vị thầy, chọn một vị thầy đó là một vị xứng đáng.
Để mấy con có gặp những hoàn cảnh gia đình rắc rối, buồn phiền… tất cả mọi sự buồn phiền trong gia đình của mình đều đến thưa hỏi vị thầy. Và vị thầy sẽ giúp đỡ cho chúng ta những cái ý kiến, những cái phương pháp để chúng ta giải quyết gia đình của mình. Từ cái chỗ mà bất an thì đi đến chỗ an ổn, từ cái chỗ bạo lực gia đình nó sẽ đem đến cái chỗ không còn bạo lực gia đình, đem lại hạnh phúc cho mấy con. Nếu mấy con không chọn được một vị thầy đúng đắn như vậy thì mấy con không thể giải quyết được cái hoàn cảnh của mấy con. Đó mấy con thấy chưa?
(18:00) Cho nên khi mà tu học, đến với đạo Phật là phải chọn một vị thầy, vị thầy đó đương nhiên là phải chọn một vị thầy, phải giới luật nghiêm chỉnh. Một vị thầy mà giới luật không nghiêm chỉnh thì mấy con hỏi về giới luật thì người ta sẽ bàn tránh, người ta sợ mấy con giữ giới hơn quý thầy nữa. Thí dụ như một vị thầy mà còn uống rượu còn này kia thì làm sao dám dạy mấy con đừng uống rượu. Các con hiểu chưa?
Cho nên một vị thầy phải giới luật nghiêm chỉnh. Mà nếu tốt nữa là mấy con chọn một vị thầy tu chứng, làm chủ được sự sống chết. Đó là vị thầy xứng đáng cho mấy con.
Còn mấy con đụng ông thầy nào cũng đại diện, cũng quy y Tam Bảo… Họ chẳng biết làm sao dạy mấy con hết, bởi vì họ đâu có kinh nghiệm đâu, họ đâu có biết làm sao giải thoát đâu, làm sao? Cả giới luật họ còn phạm thì họ còn lậu, làm sao họ biết đường đâu mà họ dạy mấy con. Cho nên cuối cùng mấy con cũng chỉ thọ để mà có thọ thôi chứ giới luật mấy con sẽ phạm. Cho nên có nhiều người Phật tử, mấy con thấy thọ Tam Quy, Ngũ Giới từ năm năm, mười năm rồi, mà cuối cùng mấy con thấy sao? Giới luật không nghiêm chỉnh mấy con, thì sự giải thoát không có mấy con. Phải không?
(19:10) Đó thì hôm nay Thầy nói để mấy con thấy từ căn bản đó, còn tất cả tu sĩ mà là người tu như Thầy đây, hoặc là quý thầy, họ không thể tu pháp Tứ Chánh Cần đâu. Họ bước đầu vào mà Thầy dạy thì họ phải tu pháp Tứ Niệm Xứ. Tại sao vậy?
Tại vì họ phải trải qua Tứ Chánh Cần là trong chiếc áo của người cư sĩ, họ “ngăn ác diệt ác”. Hàng ngày họ dùng tâm họ, họ diệt tất cả những cái tâm ác của họ, họ không bao giờ để một cái niệm đau khổ buồn phiền trong lòng của họ. Họ xả hết, họ ly dục ly ác pháp hết, hoàn toàn không còn một niệm. Cho nên cái người tu sĩ như quý thầy người ta ngồi lại tâm người ta bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
Còn quý thầy bây giờ ngồi lại thì vọng tưởng nghĩ cái này, lo cái kia, nghĩ cái nọ đủ thứ tùm lum còn hơn người cư sĩ nữa thì thử nói làm sao mà vào Tứ Niệm Xứ được? Làm sao tu Tứ Niệm Xứ được mấy con?
(20:03) Giới luật không nghiêm chỉnh thì làm sao “ly dục, ly ác pháp”? Giới luật phải nghiêm chỉnh, bởi vì giới nó mới “ly dục, ly ác pháp”. Chúng ta sống cái đời sống giới luật. Mà giờ sống đời sống giới luật thì mới cái giới thứ nhất thôi, thì mấy con thấy Đức Hiếu Sinh-Lòng Thương Yêu, mà lòng thương yêu thì có ai mà làm cho chúng ta động được đâu? Ai làm gì chúng ta cũng thương yêu, chứ chúng ta không có động.
(Con nói với cô Út, có xe ở ngoài đó, mở cửa cho người ta vô, để người ta đứng ngoài cửa tội.)
5- CHỌN THẦY XIN XUẤT GIA TU HÀNH
(20:30) Tu sĩ chùa Phước Thành: Bạch Thầy, Thầy cho con….
Trưởng lão: Con hỏi đi con.
Tu sĩ chùa Phước Thành Dạ, bạch Thầy như vậy là cái duyên của mỗi vị tu sĩ đó Thầy? Cũng phải, con nghĩ là có cái phần phước, khi mình xuất gia hoặc khi mình mới đến đạo đó, phải cần có một vị thầy phải là tu chứng, hoặc là có cái sự mà xả của phần nội tại.
Nhưng mà chúng con thì, ví dụ như khi xuất gia rồi đến gặp cái vị thầy của mình thì chỉ dạy cho được mấy cái thời công phu, học phổ thông cho biết chữ đặng đọc kinh hoặc là ứng phú đạo tràng…và cứ như thế, như thế.
Rồi đa phần những cái chùa ở bên Tịnh Độ Tông đó, cái, đôi lúc nhiều khi, đến hôm nay mình nhìn lại, xung quanh mình trong cái trường hạ thôi có những các chú bằng tuổi của mình ngày xưa xuất gia, rồi hỏi ông ra làm sao, nói tôi là tôi xong hạ trường này là tôi sẽ đi học tới, tôi học đạo Phật, tôi không ngồi nhà.
Có nghĩa rằng là mấy cái chuyện Phật sự về cúng kiếng đó, nằm trong sự, làm cho, lấy cái đó làm sự sự cứu kính. Như thế bây giờ đó, có nghĩa rằng là cái sự, đường lối mà tu học đa phần của các bậc tu sĩ bên luật đó, hoặc là không có được cái hạnh nghiêm túc. Nếu mà muốn vực lại vấn đề đó là bây giờ ngoài cái… Về cái đường lối của Thầy trình bày trong trường hạ đó, thì con thấy như một trái bom nó nổ bung ngay ở giữa trường hạ nói riêng và Tây Ninh nói chung, và cả Việt Nam nói chung luôn.
(22:07) Đôi lúc khi mà nghe một thời pháp của Thầy về, ngày nay còn miên man suy nghĩ đó, thậm chí con đảnh lễ Thầy là người ta cũng nói con bệnh thần kinh đó. Thế cho nên con nghĩ một mình Thầy là chưa đủ, mà Thầy làm sao Thầy đào tạo xung quanh Thầy đệ tử vào để có những cái người gọi là chỉ cần được một phần nào đó của Thầy thôi, để phụ hoặc trợ lực với Thầy thì con nghĩ cái vấn đề mà làm sống dậy cái hình ảnh Tăng già thời Phật thì mới được. Không thôi thì con thấy, thậm chí con cầm cuốn sách của Thầy lên con cầm đọc thôi, đi ngang nói là bệnh dữ rồi.
(23:03) Trưởng lão: Ừ đúng rồi quý thầy sẽ nói vậy rồi mấy con.
Sư thầy chùa Phước Thành: Cho nên khi con, đôi lúc nhiều khi mình mở miệng ra mình nói một cái sự bênh vực thôi là người ta cô lập mình liền. Và người ta bóp mình chết trong trứng nước.
Trưởng lão: Ừ. Cho nên hôm nay thật sự ra cái mục đích của Thầy nó không phải là viết kinh sách để dựng lại chánh pháp của Phật mà đi giảng nói như vậy suông đâu. Mà ngầm Thầy đã cố gắng đào luyện cho một số người, ít ra cũng phải từ mười người chứng được như Thầy, làm chủ được sự sống chết, giới luật nghiêm chỉnh mới có thể làm sống lại Phật giáo. Chứ mình Thầy… thì mấy con cũng biết là ở đây thì người ta nói này khác.
Nhưng mà ở trên Đà Lạt người ta tạo ra cái hình ảnh của Thầy rất đẹp, rồi người ta để người ta thờ, chứ người ta không nói. Người ta nói như thế này: "Chỉ ở trong đất nước này hoặc là trên thế giới này, Phật giáo chỉ có Thầy Thông Lạc là người tu được như vậy thì chúng ta không ai mà tu nổi đâu". Bởi vì trong cái, qua cái giai đoạn mà Thầy đến với Hòa thượng Thanh Từ, Thầy tu thì Thầy cũng có nói Thầy chưa có tu thiền định gì cả, từ chỗ mà đi vào tu tập theo Phật giáo thì học hỏi từ các học viện này, các trường học này, nọ, kia.
(24:33) Cho đến khi mà theo Hòa thượng Thanh Từ ngồi tu thì ba mươi phút không niệm. Họ nói: "Trời đất ơi một người mà ngồi ba mươi phút không niệm thì mình làm sao mình theo cho kịp? Mà chưa tu gì hết. Còn mình bây giờ tu nào Niệm Phật, nào này kia mà vọng tưởng tùm lum hết. Làm sao mà làm sạch cho được. Cho nên Thầy Thông Lạc chỉ là một cái người căn cơ như thế nào vậy mà Thầy mới làm chủ được chứ chúng ta làm sao tu được". Không phải đâu. Tại vì thật sự ra nếu mà Thầy không có một căn cơ như vậy đó, thì chắc chắn là Thầy không có đạt được cái tu tập này được. Không phải dễ đâu mấy con. Coi vậy chứ không phải dễ. Nói thì dễ chứ không phải dễ.
Nhưng mà Thầy biết cách thức dạy mấy con đi từng bước, từng bước. Hồi đó Thầy vào ngồi tu ba mươi phút không niệm, nhưng bây giờ Thầy dạy mấy con tu một phút không niệm mà thôi.
Học có phương pháp đàng hoàng, mấy con tu phút mấy con sẽ nhiếp tâm một phút không niệm. Từ một phút không niệm Thầy dạy mấy con sẽ lần đi tới ba mươi phút. Ba mươi phút thành, mấy con sẽ tới một giờ, hai giờ… Cho nên năm, mười giờ, một ngày, hai ngày không niệm chứ?
Nhưng mà Thầy không điên khùng gì mà dạy cho mấy con ức chế tâm để lọt vào định tưởng. Thầy biết, ức chế cái vọng tưởng của mình không khởi niệm thì mấy con sẽ lọt vào tưởng mất đi.
Cho nên vì vậy mà Thầy dạy mấy con nhiếp tâm và an trú để đẩy lui các cảm thọ trên thân mấy con thôi. Khi đau ốm con đẩy lui thôi, chứ không phải chỗ đó là chỗ vào đạo.
Mà cái chỗ dạy mấy con hàng ngày xem từng cái tâm niệm của mình coi nó niệm gì để cho mình quán tư duy, mình tác ý mình xả nó, tức là “ly dục, ly ác pháp”. Khi tâm mấy con “ly dục, ly ác pháp” hoàn toàn, Thầy đưa vào coi như là qua cái giai đoạn cư sĩ của mấy con rồi thì Thầy đưa vào Tứ Niệm Xứ mấy con. Mấy con sẽ giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự cho đến khi mấy con đủ Tứ Thần Túc, Thầy dạy mấy con nhập định. Nó đâu đó có đường lối đàng hoàng mấy con.
(26:21) Vì vậy mà ở trong Tu viện hôm nay, bên nữ Thầy cũng đào tạo có thể một số ni và cư sĩ cũng khoảng mười mấy người, và bên tăng cũng mười mấy người, cộng lại hai mươi mấy người. Dạy mấy cái người này Thầy sẽ hướng dẫn cho họ đến khi họ tu chứng.
Thầy nói chỉ có con người tu chứng thì nó mới dựng lại cái chánh pháp của Phật. Chứ còn Thầy có nói gì, có viết kinh sách gì đi nữa mà không có người tu chứng, mà Thầy tịch rồi một cái là tất cả kinh sách Thầy nó bị phủ trùm lên bởi tất cả những giáo pháp cầu cúng, cầu an, cầu siêu thôi chứ không còn cách nào khác nữa. Chẳng hạn cái mê tín nó dễ lắm mấy con. Mà cái tu mà thật sự- không mê tín- nó thực tế, cụ thể, nó khó lắm, nó khó.
(27:06) Cho nên vì vậy mà Thầy nói chỉ có Thầy mới hướng dẫn mấy con. Mấy con về đây mấy con thọ Tam Quy, là Thầy sẽ dạy quy y Phật như thế nào, đức Phật làm sao, sống làm sao, cách nào? Đặng cho mình noi cái gương của Ông Phật mình tu chứ. Mình hiểu biết mình mới noi.
Còn bây giờ quy y Phật, rồi nói ông Phật, nhiều khi, nói không rành ông Phật mà mình quy y nữa. Không biết quy ông Phật Di Đà hay là quy ông Phật Thích Ca, quy theo Phật Di Lặc nữa… mình cũng chả biết nữa. Có phải không?
Mà trong cái thế gian này thì chỉ có duy nhất một đức Phật Thích Ca mà thôi, chứ làm sao có ông Phật Di Đà? Ông Phật Di Đà đâu có hộ khẩu trên hành tinh này. Các con có thấy không? Người ta tưởng tượng ra người ta đặt cái tên ông Phật Di Đà chứ đâu có? Cho nên vì vậy mà từng đó mình quy y Phật Thích Ca mà lại niệm danh hiệu Phật Di Đà. Chính con thấy cái đó là cái sai của mấy con chứ? Cho nên vì vậy mà cái người dạy sai là tại vì họ không biết cho nên họ dạy mấy con sai, chứ họ biết họ đâu dạy?
(28:05) Cho nên những người đó họ đều theo kinh sách, họ nghĩ rằng từ Tiểu thừa cho đến Đại thừa dạy như vậy đều là của Phật hết. Cho nên họ dạy cái hiểu biết của họ, họ dạy chứ đâu phải là cái họ tu?
Còn Thầy dạy mấy con là cái Thầy đã tu, đã thực hiện được. Cho nên Thầy biết ông Phật nào, và dạy pháp tu như thế nào, cách như thế nào, Thầy dạy mấy con. Cho nên nãy giờ Thầy nói mấy con thấy rõ ràng, từ cái Tam Quy, Ngũ Giới không mấy con đã được giải thoát, giải thoát được cái tâm mấy con. Mà ngay khi dạy mấy con nhiếp tâm và an trú, mấy con đẩy lui được bệnh mấy con rồi. Trên thân mấy con đã đẩy lui được bệnh. Cái pháp mà Thầy dạy mấy con là thực tế, làm cho mấy con được giải thoát.
Cho nên đức Phật nói: "Các con phải tự thắp đuốc lên mà đi". Vừa rồi Thầy nói điều đó, Thầy rất biết, tất cả bây giờ Phật giáo hoàn toàn là sống ở trong cái không đúng chánh pháp của Phật. Mà vì dựng lại chánh pháp của Phật thì đụng chạm họ vô cùng vì giới luật họ quá vi phạm, họ không sống đúng giới luật. Cho nên muốn sống được đúng giới luật thì nó phải có người tu chứng, và có người đứng lớp dạy bằng thân giáo của họ tu chứng. Chứ không thể nói suông được. Người làm được mới dạy, còn người mà chưa làm được thì không nên dạy. Đó là những cái điều mà tiên quyết hôm nay.
Cho nên hôm nay mà cái Tu viện của chúng ta mà nó sừng sững như thế này, nó phát triển từ ở trong cái Tu viện sáu bảy mẫu đất như thế này, mà khu rừng như thế này, nhà lúp xúp như thế này… Và đến nó phát triển thêm những cơ sở của nó nữa. Như mấy con vô mấy con thấy ở đằng trước, nó phát triển thêm những lớp học để nó dạy đạo đức cho bà con trong xóm nữa chứ nó không phải riêng dạy cho chúng ta đây không. Nhà nước ủng hộ, giúp đỡ chúng ta rất nhiều chứ nếu mà không nhà nước đâu cho. Về giáo dục mà nhà nước đâu có cho, nếu mà nhà nước không thông hiểu được cái nền đạo đức mà Thầy đã đưa ra thì chắc gì mà Thầy mở các cái lớp đó, họ cho.
(30:05) Cho nên vì vậy mà sau này bà con ở đây vừa học mà chúng ta những người mới vào Tu viện, chúng ta đều được an nghỉ ở khu vực bên ngoài Tu viện để tập luyện. Chứ để không vô đây bắt buộc mấy con ăn ngày bữa, mấy con chưa quen mấy con vô đây vài bữa mấy con chỉ còn nước chạy về chứ mấy con dám ở đây được không?
Bây giờ mấy con ra ngoài kia, ngoài cái Tu viện mấy con ra ngoài kia Thầy cho các con ba bữa. Nhưng mà tập dần dần, dần dần mấy con thấy được mấy con vô trong này trở thành một tu sĩ hay cư sĩ ở trong này rồi thì mấy con ăn ngày một bữa. Phải tập cho nó quen chứ. Còn chưa tập quen, ở đâu ở thành phố, ở chỗ nào mấy con về đây một cái, cho mấy con khép vô, chứ ở đây làm sao trong Tu viện người ta cho mấy con ăn ba bữa được? Có phải không? Ở đây mấy con ăn một bữa thì mấy con chừng ba bữa thôi mấy con chắc là chịu hết nổi. Thì mấy con phải dũng cảm.
(30:54) Cô Út: Dạ con bạch Thầy. Dạ con mời mấy Phật tử dùng cơm.
Trưởng lão: Dùng cơm đi con. Ờ con lo cơm nước đi, Phật tử ăn cơm.
Sư thầy chùa Phước Thành: Bạch Thầy, con xin phép Thầy thế này. Lát nữa, thăm Thầy, được Thầy cho nói chuyện cả buổi hôm nay và sau đó cũng qua bên thầy Mật Hạnh một chút, đảnh lễ Viện chủ rồi sau đó thì đi về cho kịp trong ngày.
Trưởng lão: Vậy hả con, cũng được mấy con. Rồi Thầy nói cô Út khỏi lo cơm, xong đi về. Bây giờ thăm Thầy mấy con biết Thầy rồi phải không con?
Rồi sau này mà nếu mấy con có duyên mấy con về thăm Thầy, Thầy sẽ dạy mấy con từng bước mấy con. Cái gì đi nữa cũng phải tu tập từng chút, rồi từ cái chỗ nó quen thành ra mình tu tập được kết quả, chứ còn không khéo mấy con chỉ biết chung chung thôi, thì cũng như đại khái. Còn cái sự tu tập là phải đi như thế nào, tập như thế nào cho đúng với chánh pháp của Phật thì nó mới tốt mấy con.
Mà chỉ có Thầy, trực tiếp Thầy dạy mấy con, cho nên Thầy quyết định là Thầy sẽ đào tạo cho những người tu chứng, thực tu thực chứng mấy con.
Số lớp này rồi, ở trong cái cơ sở này thì sẽ có ba cấp: cấp một là cấp Giới, cấp hai là cấp Định, cấp ba là cấp Tuệ.
(32:08) Mà bây giờ cấp Giới thì coi như được một số người sắp xong rồi, coi như là tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự rồi. Tức là cấp Giới họ xả tâm chứ không phải mình học giới suông đâu. Các con hiểu không? Chứ không phải là giới xin giữ hình thức mà mình ngày ăn một bữa. Mà thực sự ly ở trong cái ý của mình, nó không còn ham muốn ăn nữa mấy con. Ăn để sống thôi.
Cho nên tất cả những cái này Thầy đã đạt được kết quả, thì cái số lượng mà sẽ đưa vào tu tập Thiền Định thì nó không khó đâu mấy con. Thiền Định nó dễ hơn giới luật mấy con. Giới luật nó khó lắm mấy con.
(32:38) Sư thầy chùa Phước Thành: Cho nên hôm nay thì cũng là cuối hạ, thay vì ra hạ thì con cũng đến đây là con đảnh lễ Thầy, thì con cũng có cái hành trang của con. Thật sự đảnh lễ một vị tu chứng là bằng một vạn lần đảnh lễ với một người bình thường. Hôm qua có các Phật tử ở dưới Vũng Tàu gọi lên, hàng năm chúng con có một lần đi như vậy đảnh lễ một vị thầy (…) Hôm nay mới có cái duyên hội tụ ở đây, và nay mai thì con cũng có cái đạo tràng nhỏ nhoi của con dưới đó thì con cũng sẽ sắp xếp để cho các Phật tử đó được đến trực tiếp để nghe Thầy giảng dạy. Kính mong Thầy giúp đỡ.
Trưởng lão: Ừ Thầy thấy hay lắm. Những cái điều mà con đã đi học hạ, cái nhìn thấy những cái sai, cái đúng, những cái mà Phật giáo của mình nó đang lệch lạc quá nhiều. Cố gắng, dù một cái nơi đạo tràng mình nhỏ nhưng mình làm sao mình hướng dẫn số Phật tử đi cho đúng là mình đã đền đáp ơn Phật rồi con. Mấy con cố gắng.
Sư thầy chùa Phước Thành: Dạ bạch Thầy, dù con không có hướng dẫn được những Phật tử đó theo cái đường lối, bởi vì ngay bản thân con cũng chưa là gì cả, nhưng con sẽ sắp xếp rồi hướng dẫn, khích lệ cho người ta đến đây trực tiếp với Thầy. Từ đó họ thấm nhuần cái giáo lý của đức Phật hơn. Cái sự nói ra của con là bằng một sự chưa chứng, nhưng mà cái sự nói ra của Thầy là bằng sự thực chứng. Hai cái nó xa nhau ghê gớm lắm.
(34:28) Trưởng lão: Đúng vậy, khi nào mà mình tu chứng rồi mình nói, cái lời nói của mình là nói thật. Còn cái lời nói mình hiện giờ đó, bây giờ mình có dạy gì nữa thì cũng dựa trong kinh sách, cái nghĩa lý mình nói ra chứ hoàn toàn mình chưa biết đâu… Đúng đó con.
Sư thầy chùa Phước Thành: Dạ con nghĩ dù chưa đúng mình cũng cần phải nói.
Trưởng lão: Ừ, bây giờ mấy con chuẩn bị mấy con về đi, bên trường hạ mấy con, còn qua bên trường hạ nữa. Rồi!
(34:57) Phật tử 1: Bạch Sư Ông! Đây là cũng nhờ có căn duyên, thành ra rồi chúng con Phật tử về đến được gặp Sư Ông. Vì cũng không có cái gì, coi như Sư Ông nãy giờ giảng không có bao nhiêu nhưng mà ít nhưng mà cái lý giải rất nhiều. Thành ra rồi thấu trong cái tâm của chúng con. Thì bây giờ coi như cũng không có gì, cũng có chút lễ mọn xin Sư Ông hoan hỷ.
Trưởng lão: Rồi đưa đây Thầy nhận cho. Nhưng con lớn tuổi rồi con hãy cất lại, Thầy nhận cái lòng của con cúng dường cho chúng tăng…
Phật tử 1: Dạ đây là coi như ở trong mấy con nguyện đóng góp Thầy…
Phật tử 1: Bạch Thầy cho Phật tử chúng con được gieo cái duyên.
Trưởng lão: Thầy xin cám ơn mấy con.
Sư thầy chùa Phước Thành: Đảnh lễ Thầy một lần ba lễ.
Thăm Thầy rồi con có dịp con lên lại, hoặc đi theo với những cái người Phật tử của mình, Thầy cũng tạo điều kiện cho con cùng với họ được gặp gỡ Thầy.
(36:15) Trưởng lão: Ờ được con, Thầy sẽ gặp. Khi mà Thầy ở sau đó, ở trong cái thất thì khi mà được tin thì Thầy sẽ ra mấy con. Thầy không bỏ mấy con đâu.
Sư thầy chùa Phước Thành: Dạ xin hẹn gặp Thầy.
Trưởng lão: Con ra nói với Út có Phật tử họ về con, họ về thì đi cùng qua bên trường hạ bên kia nữa con.
Giờ thôi mấy con chuẩn bị mấy con về con.
Sư thầy chùa Phước Thành: Dạ con kính bạch Thầy, về…
Trưởng lão: À con, được con. Con về con, có duyên gặp lại Thầy con.
Thầy nhận của mấy con là cúng dường cho chư tăng ở đây, rồi Thầy sẽ có duyên để mà gặp mấy con nữa đó.
Phật tử 1: Con cũng rất mong được Thầy nhận tấm lòng cho chúng con vui.
Trưởng lão: Được rồi để đây.
Phật tử 1: Được gặp Thầy con rất là vui.
Trưởng lão: Ờ thôi bây giờ mấy con về nha.
(37:32) Phật tử 2: Nam mô Bổn Sư. Gần hai năm, hai năm rưỡi, được hướng dẫn của Thầy từ trước, về thăm, con ở Bắc Cạn. Hôm nay con xin về đây được nhờ đức Thầy giúp cho chúng con, tiếp sức để về tại gia tu tập.
(38:21) Trưởng lão: À được rồi con Thầy sẽ nhận cái tấm lòng của con.
Phật tử 2: Bà xã con là bà chưa có điều kiện đi được, nay nhờ đức Thầy quy y giúp bà, từ lâu chưa có được quy y.
Trưởng lão: Chưa quy y hả con. Ờ để rồi Thầy sẽ quy y, mấy con viết cái tên tuổi của mình, rồi địa chỉ của mình, rồi mấy con gởi cho Thầy, gửi cho cô Út, cô Út đưa cho Thầy. Thầy sẽ làm cái điệp phái, Thầy cho con pháp danh, Thầy sẽ quy y cho mấy con. Rồi có dịp Thầy sẽ về Thầy giảng cho mấy con về Tam Quy, Ngũ Giới. Rồi truyền cho mấy con để mấy con thọ Tam Quy, Ngũ Giới cho nó thanh tịnh mấy con.
6- TỪ TRƯỜNG TƯƠNG ƯNG
(39:01) Phật tử Tường Phúc: Mô Phật. Dạ, con là pháp danh Thích Tường Phúc, con gặp được Phật pháp năm nay là được sáu năm, nhưng mà con bị đốt cháy hết bốn năm. Dạ vừa rồi con gặp được cái pháp của Thầy, con vào đây hai lần, nhưng mà cũng không đủ duyên, bởi vì con vào đây chỉ có được nửa tháng thôi. Hôm nay thì con cũng có một cái phát nguyện là con sẽ vào đây độ khoảng ba tháng đến sáu tháng để thử cái sức của mình, thử có ôm nổi cái pháp của Phật hay không.
Nhưng mà với con cũng cái duyên nó bị ràng buộc, thì con định là đi tháng Giêng, nhưng mà cuối cùng tháng Giêng thì vợ con nó đau. Nó đau mà bây giờ nó cũng vẫn chưa hết, cho nên con cũng thấy con cũng không đủ duyên để mà ôm được cái Pháp của Thầy.
Hôm nay con cũng đi không được thì con cũng mượn người hàng xóm để tới giúp giùm cho con một tuần lễ để con vào đây. Dù có không gặp được Thầy, con cũng gặp được cái tấm gương, cái đất của Phật để mà gieo duyên với cái Chánh Pháp. Và con quyết chí là dù không vào đây, con ở nhà con cũng cố gắng để mà con chỉ thực hiện là không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sinh. Đó là cái mà của con, mà con tiếp tục để mà xả cái tâm và xả cái sân si. Dạ con chỉ cố gắng chừng đó thôi, còn những cái khác thì con chưa dám nói được. Dạ con cố gắng khắc phục những cái đó để mà gieo cái duyên một ngày nào đó đủ giống thì con sẽ trở về đây.
(41:08) Trưởng lão: Với Thầy nhắc nhở mấy con khi gặp cái hoàn cảnh, cái gì mà gặp khó khăn ở trong gia đình của mấy con đó, hoặc cái cơ thể mấy con bệnh đau nhức chỗ nào đó, mà mấy con thấy nó khổ quá thì mấy con sẽ nhớ Thầy, kêu tên Thầy đi mấy con: "Thầy cứu con". Và đồng thời mấy con tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Mấy con cố gắng giữ cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, chừng trong một phút thì mấy con sẽ tiếp nhận được cái từ trường thanh thản của Thầy. Thì nó có cái lực nó giúp mấy con vượt qua những cái sự khổ đau đó mấy con.
Thầy chỉ biết cứu mấy con vậy thôi chứ không khác. Bởi vì cái con người sinh ra thì nó có cái nhân quả mấy con, mình phải trả, mấy con nhớ không? Cho nên vì vậy đó mà nhớ lời Thầy dặn, có gì khó khăn thì mấy con cứ gọi Thầy, rồi mấy con giữ tâm bất động.
Mà gọi Thầy mà không giữ tâm bất động thì không thể nào tương ưng với Thầy được. Các con hiểu không?
Giữ tâm bất động mới tương ưng được với cái tâm trạng bất động của Thầy, thì chừng đó thì Thầy trò sẽ hỗ trợ nhau để mà vượt qua cái nghiệp, cái nghiệp khổ của mấy con. Mấy con nhớ không?
Phật tử Tường Phúc: Dạ.
HẾT BĂNG