Skip directly to content

115. KINH ĐA GIỚI

(Bahudhàtukasuttam)

Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại Tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: – “Này các Tỷ-kheo”. – “Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những sợ hãi ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí (pandita). Phàm có những thất vọng gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả thất vọng ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Phàm có những hoạn nạn gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả hoạn nạn ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Ví như, này các Tỷ-kheo, tia lửa từ ngôi nhà bằng cây lau, hay từ ngôi nhà bằng cỏ, thiêu cháy ngôi nhà có lầu gác được trét trong trét ngoài, được che chở khỏi gió, có chốt khóa gài kỹ, có cửa sổ đóng kỹ; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những sợ hãi gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những sợ hãi ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí; phàm có những thất vọng gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những thất vọng ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí; phàm có những hoạn nạn gì sanh khởi, này các Tỷ-kheo, tất cả những hoạn nạn ấy sanh khởi cho người ngu, không phải cho người hiền trí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu đầy những sợ hãi, người hiền trí không có sợ hãi. Kẻ ngu đầy những thất vọng, người hiền trí không có thất vọng. Kẻ ngu đầy những hoạn nạn, người hiền trí không có hoạn nạn. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi cho người hiền trí, không có thất vọng cho người hiền trí, không có hoạn nạn cho người hiền trí. Do vậy, này các Tỷ-kheo, “Chúng tôi sẽ thành người hiền trí, biết suy tư tìm hiểu”, như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Đến mức độ nào, bạch Thế Tôn, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo là người hiền trí, biết suy tư tìm hiểu?”

– Cho đến khi, này Ananda, Tỷ-kheo thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về duyên khởi và thiện xảo về xứ phi xứ đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo là người hiền trí, biết suy tư tìm hiểu”.

– Đến mức độ nào, bạch Thế Tôn, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới?”

– Này Ananda, có mười tám giới này: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được mười tám giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”.

– Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới?”

– Có thể có, này Ananda. Này Ananda có sáu giới này: địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, không giới, thức giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”.

– Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”.

– Có thể có, này Ananda. Này Ananda có sáu giới này: lạc giới, khổ giới, hỷ giới, ưu giới, xả giới, vô minh giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu giới này, cho đến mức độ như vậy này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”.

– Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới?”

– Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có sáu giới này: dục giới, ly dục giới, sân giới, vô sân giới, hại giới, bất hại giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”.

– Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới?”

– Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có ba giới này: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được ba giới này, cho đến mức độ như vậy này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới”.

– Nhưng bạch Thế Tôn, có thể có pháp môn nào khác, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới?”

– Có thể có, này Ananda. Này Ananda, có hai giới này: hữu vi giới và vô vi giới. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được hai giới này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về giới.”

– Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về xứ?”

– Này Ananda, có sáu nội xứ, ngoại xứ này: mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu nội ngoại xứ này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về xứ”.

– Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về duyên khởi?”

– Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; do duyên sanh lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy, này Ananda, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng do sự diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt; do các hành diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt, do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt, do sanh diệt, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về duyên khởi”.

– Nhưng cho đến mức độ nào, bạch Thế Tôn, là vừa đủ để nói: Tỷ-kheo thiện xảo về xứ phi xứ?”

– Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: khi một người thành tựu (chánh) kiến lại đi đến các hành (samkhara) và xem là thường còn. Sự kiện như vậy không xảy ra”. Và vị ấy biết rằng: “Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người phàm phu đi đến các hành và xem là thường còn. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến, lại có thể đi đến các hành với ý niệm lạc thọ. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người phàm phu đi đến các hành với ý niệm lạc thọ. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người nào thành tựu (chánh) kiến, lại có thể đi đến các pháp với ý niệm tự ngã. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rằng: “Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người phàm phu đi đến các pháp với ý niệm tự ngã. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: khi một người thành tựu (chánh) kiến, có thể giết sinh mạng người mẹ. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu có thể giết sinh mạng người mẹ. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến, có thể giết sinh mạng người cha... (như trên)... có thể giết sinh mạng A-la-hán... (như trên)... Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến có thể với ác tâm làm Như Lai chảy máu. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu với ác tâm làm Như Lai chảy máu. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến có thể phá hòa hợp Tăng. Sự kiện như vậy không xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu có thể phá hòa hợp với Tăng. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người thành tựu (chánh) kiến có thể đề cao một Đạo sư khác. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một người phàm phu đề cao một Đạo sư khác. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi cùng trong một thế giới (lokadhatu), hai A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện (một lần) không trước không sau. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi cùng trong một thế giới, một A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra: Khi cùng trong một thế giới hai vua Chuyển luân có thể xuất hiện (một lần), không trước không sau. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi trong một thế giới, một vị vua Chuyển luân có thể xuất hiện. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể thành A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: Sự kiện này có xảy ra: Khi một nam nhân có thể thành một A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự kiện như vậy có xảy ra. “Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể thành Sakka (Đế -thích). Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một nam nhân có thể trở thành Sakka. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể trở thành Ma vương. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra khi một nam nhân trở thành một Ma vương. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một nữ nhân có thể trở thành Phạm thiên. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một nam nhân có thể trở thành Phạm thiên. Sự kiện này như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một thân ác hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện này không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một thân ác hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một khẩu ác hành... Khi một ý ác hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một ý ác hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một thân thiện hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một thân thiện hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một khẩu thiện hành... một ý thiện hành có thể sanh ra quả báo không khả ái, không khả hỷ, không khả lạc. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một ý thiện hành có thể sanh ra quả báo khả ái, khả hỷ, khả lạc. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì thân ác hành, do nhân thân ác hành ấy, do duyên thân ác hành ấy sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một người hành trì thân ác hành, do nhân thân ác hành ấy, do duyên thân ác hành ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện này có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì khẩu ác hành... hành trì ý ác hành, do nhân ý ác hành ấy, do duyên ý ác hành ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra, khi một người hành trì khẩu ác hành... ý ác hành, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì thân thiện hành, do nhân thân thiện hành ấy, do duyên thân thiện ấy, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rằng: “Sự kiện này có xảy ra: Khi một người hành trì thân thiện hành, do nhân thân thiện hành ấy, do duyên thân thiện hành ấy, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi một người hành trì khẩu thiện hành... hành trì ý thiện hành, do nhân ý thiện hành ấy, do duyên ý thiện hành ấy, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Sự kiện như vậy không có xảy ra”. Và vị ấy biết rõ rằng: “Sự kiện này có xảy ra, có hiện hữu: Khi một người hành trì khẩu thiện hành... hành trì ý thiện hành, do nhân ý thiện hành ấy, do duyên ý thiện hành ấy, có thể sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Sự kiện như vậy có xảy ra”. Cho đến mức độ như vậy, là vừa đủ để nói: “Tỷ-kheo thiện xảo về xứ phi xứ”.

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn pháp môn này có tên gì?

– Do vậy, này Ananda, Ông hãy thọ trì pháp môn này là Đa giới, hãy thọ trì pháp môn này là Bốn chuyển (Dhammadasa) hãy thọ trì pháp môn này là Pháp kính (Dhammdasa), hãy thọ trì pháp môn này là Trống bất tử, hãy thọ trì pháp môn này là Vô thượng chiến thắng.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.