Skip directly to content

077. KINH MAHA SAKULUDAYI

(Mahasakuludayisuttam)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương-xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, có rất nhiều vị du sĩ, có thời danh, có danh tiếng trú ở Moranivapa (Khổng Tước Lâm), tu viện các du sĩ, như Anugara, Varadhara, và du sĩ Sakuludayi cùng với các vị du sĩ thời danh, danh tiếng khác. Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Rajagaha để khất thực. Rồi Thế Tôn suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Rajagaha. Ta hãy đến Moranivapa, tu viện các du sĩ, đi đến gặp du sĩ Sakuludayi”. Rồi Thế Tôn đi đến Moranivapa, tu viện các du sĩ.

Lúc bấy giờ du sĩ Sakuludayi đang ngồi cùng với đại chúng du sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng, bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm như vương luận, tặc luận, đại thần luận, binh luận, bố úy luận, chiến đấu luận, thực luận, ẩm luận, y luận, sàng luận, hoa man luận, hương liệu luận, thân tộc luận, xa thừa luận, thôn luận, trấn luận, thị luận, quốc độ luận, phụ nữ luận, anh hùng luận, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, tạp thoại luận, thế giới luận, hải dương luận, hiện hữu, vô hiện hữu luận. Du sĩ Sakuludayi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền khuyến cáo chúng của mình:

– Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng! Các Tôn giả hãy lặng tiếng! Nay Sa-môn Gotama đang đến, vị Tôn giả ấy ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh, nếu biết chúng này an tịnh, có thể ghé tại đây.

Các du sĩ ấy đều im lặng. Rồi Thế Tôn đến chỗ du sĩ Sakuludayi. Du sĩ Sakuludayi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến! Bạch Thế Tôn, thiện lai Thế Tôn! Đã lâu Thế Tôn mới tạo cơ hội này, nghĩa là đến đây. Thế Tôn hãy ngồi! Đây là chỗ ngồi đã soạn sẵn.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ Sakuludayi lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Sakuludayi đang ngồi một bên:

– Này Udayi, nay các vị họp nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữa các vị bị gián đoạn?

– Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên vấn đề chúng tôi đang hội họp bàn luận. Về sau Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì! Bạch Thế Tôn, trong những ngày trước, nhiều ngày trước nữa, khi các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuộc nhiều ngoại đạo sai khác, ngồi lại và tập họp tại luận nghị đường, đối thoại này được khởi lên: “Thật lợi ích thay cho dân chúng Anga và Magadha thật tốt đẹp thay cho dân chúng Anga và Magadha khi được những vị Sa-môn, Bà-la-môn nay là những vị lãnh đạo hội chúng, lãnh đạo đồ chúng, những vị sư trưởng đồ chúng, những vị thời danh, những Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa! Ngài Purana Kassapa (Bất-lan Ca-diếp) này là bậc lãnh đạo hội chúng, lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Ngài Makkhali Gotala này... (như trên)... Ngài Ajita Kesakambali... Ngài Pakudha Kaccayana... Ngài Saniaya Belatthiputta... Ngài Nigantha Nataputta này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị này đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Sa-môn Gotama này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị này đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Trong những bậc Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này, những bậc lãnh đạo hội chúng, những bậc lãnh đạo đồ chúng, những bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, những bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị nào được các đệ tử cung kính tôn trọng, kính lễ, cúng dường? Và các đệ tử sau khi cung kính tôn trọng đã sống nương tựa như thế nào?” Ở đây, có một số người đã nói như sau: “Vị Purana Kassapa này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị ấy không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ cúng dường. Và các đệ tử, sau khi cung kính tôn trọng đã không sống nương tựa Purana Kassapa. Thuở xưa, Purana Kassapa thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người; ở đấy, một đệ tử của Purana Kassapa nói lớn tiếng như sau: “Chư Tôn giả, chớ có hỏi Purana Kassapa về ý nghĩa này. Vị ấy không biết ý nghĩa này, chúng tôi biết ý nghĩa này. Hãy hỏi chúng tôi về ý nghĩa này. Chúng tôi sẽ trả lời về ý nghĩa này cho chư Tôn giả”. Thuở xưa, Purana Kassapa dang tay, khóc lóc nhưng không được nghe theo: “Chư Tôn giả, hãy nhỏ tiếng! Chư Tôn giả hãy lặng tiếng! Những vị ấy không hỏi Chư Tôn giả. Những vị ấy hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời cho những vị ấy”. Nhiều đệ tử của Purana Kassapa, sau khi kích bác Purana Kassapa, bỏ đi và nói: “Ông không biết pháp và luật này. Ta biết pháp và luật này. Làm sao Ông có thể biết pháp và luật này? Ông theo tà hạnh. Ta theo chánh hạnh. Điều ta nói có tương ưng. Điều Ông nói không tương ưng. Điều đáng nói trước, Ông lại nói như sau. Điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Chủ trương của Ông đã bị lật ngược, câu hỏi của Ông đã bị bài bác. Ông đã bị thuyết bại. Hãy đến giải vây lời nói (ấy) nếu có thể được, gắng thoát khỏi lối bí”. Như vậy, Purana Kassapa không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và sau khi cung kính tôn trọng, các đệ tử đã không sống nương tựa Purana Kassapa. Trái lại, Purana Kassapa đã bị mạ lỵ với những lời mắng nhiếc vì hành động của mình.

Có một số người đã nói như sau: “Vị Makkhali Gotala này... (như trên)... Ajita Kesakambali... Pukudha Kaccayana... Sanjaya Belatthiputta... Vị Nigantha Nataputta này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng. Vị ấy không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và các đệ tử sau khi cung kính, tôn trọng đã không sống nương tựa Nigantha Nataputta. Thuở xưa, Nigantha Nataputta thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người. Ở đây, một đệ tử của Nigantha Nataputta lớn tiếng nói như sau: “Chư Tôn giả, chớ có hỏi Nigantha Nataputta về ý nghĩa này. Vị ấy không biết ý nghĩa này. Chúng tôi biết ý nghĩa này. Hãy hỏi chúng tôi về ý nghĩa này. Chúng tôi trả lời về ý nghĩa này cho chư Tôn giả”. Thuở xưa Nigantha Nataputta dang tay, khóc lóc nhưng không được nghe theo: “Chư Tôn giả hãy nhỏ tiếng! Chư Tôn giả hãy lặng tiếng! Những vị ấy không hỏi chư Tôn giả. Những vị ấy hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời cho những vị ấy”. Nhiều đệ tử của Nigantha Nataputta, sau khi kích bác Nigantha Nataputta, bỏ đi và nói: “Ông không biết pháp và luật này. Ta biết pháp và luật này. Làm sao Ông có thể biết pháp và luật này? Ông theo tà hạnh. Ta theo chánh hạnh. Điều ta nói có tương ưng. Điều Ông nói không tương ưng. Điều đáng nói trước Ông lại nói sau. Điều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Chủ trương của Ông đã bị lật ngược. Câu nói của Ông đã bị bài bác. Ông đã bị thất bại. Hãy đến giải vây lời nói ấy. Nếu có thể được, gắng thoát khỏi lối bí”. Như vậy, Nigantha Nataputta không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và các đệ tử không có sau khi cung kính, tôn trọng sống nương tựa Nigantha Nataputta. Trái lại Nigantha Nataputta đã bị mạ lỵ với những lời mắng nhiếc vì hành động của mình.

Có một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng. Và vị này được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và các đệ tử sau khi cung kính tôn trọng, sống nương tựa Sa-môn Gotama. Thuở xưa, Sa-môn Gotama đang thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người. Ở đây, một đệ tử của Sa-môn Gotama ho (thành tiếng). Một vị đồng Phạm hạnh dùng đầu gối đập (nhẹ) vào người ấy và nói: “Tôn giả hãy lặng tiếng! Tôn giả chớ có làm ồn! Thế Tôn, bậc Đạo sư của chúng ta đang thuyết pháp”. Trong khi Sa-môn Gotama đang thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người, trong khi ấy không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho giữa các đệ tử của Sa-môn Gotama. Từng nhóm đại thính chúng đang sống trong nhiệt tình kỳ vọng; nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ thuyết pháp cho ta và ta được nghe”. Ví như có người tại ngã tư đường, đang bóp vắt một bánh mật ong nhỏ trong sạch, và đại chúng đang sống nhiệt tình kỳ vọng. Cũng vậy, trong khi Sa-môn Gotama đang thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người, trong khi ấy không có một tiếng đằng hắng, không một tiếng ho giữa các đệ tử của Sa-môn Gotama. Từng nhóm đại thính chúng đang sống trong nhiệt tình kỳ vọng nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ thuyết pháp cho ta và ta sẽ được nghe”. Các đệ tử của Sa-môn Gotama sau khi cãi lộn với các vị đồng Phạm hạnh từ bỏ tu học, trở lại hoàn tục, các vị ấy vẫn tán thán bậc Đạo sư, tán thán Pháp, tán thán Tăng, tự quở trách mình, không quở trách người khác: “Chính chúng ta thật bất hạnh, chính chúng ta thật thiếu phước, dầu chúng ta xuất gia trong pháp luật được khéo giảng như vậy mà không thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh cho đến trọn đời”. Họ trở thành những người giữ vườn, hay những người cư sĩ và sống thọ trì năm giới”. Như vậy Sa-môn Gotama được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường, và các đệ tử sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Sa-môn Gotama.

– Này Udayi, Ông thấy nơi ta có bao nhiêu pháp mà do các pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính tôn trọng, sống nương tựa vào Ta?

– Bạch Thế Tôn, con thấy nơi Thế Tôn có năm pháp mà do năm pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn. Thế nào là năm?

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ăn ít và tán thán hạnh ăn ít. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ăn ít và tán thán hạnh ăn ít. Chính pháp này, bạch Thế Tôn, là pháp thứ nhất, con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào. Chính pháp này, bạch Thế Tôn là pháp thứ hai con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào. Chính pháp này, bạch Thế Tôn, là pháp thứ ba con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào. Chính pháp này, bạch Thế Tôn, là pháp thứ tư con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly. Chính pháp này bạch Thế Tôn, là pháp thứ năm con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Chính năm pháp này, bạch Thế Tôn, con thấy nơi Thế Tôn. Do năm pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng sống nương tựa vào Thế Tôn.

– “Sa-môn Gotama ăn ít và tán thán hạnh ăn ít”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta chỉ ăn với một bát (kosa), chỉ ăn với nửa bát, chỉ ăn với trái cây veluva, chỉ ăn với nửa trái cây veluva, và này Udayi. Còn Ta, có khi Ta ăn hơn một bình bát này, có khi Ta ăn nhiều hơn như vậy nữa. “Sa-môn Gotama ăn ít và tán thán hạnh ăn ít”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi tôn trọng, cung kính sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, những đệ tử ấy của Ta, sống nương tựa vào Ta chỉ ăn với một bát, chỉ ăn với nửa bát, chỉ ăn với trái cây veluva, chỉ ăn với nửa trái cây veluva; những vị ấy vì pháp hạnh này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không tôn trọng cung kính không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta sống mặc phấn tảo y, mặc thô y. Những vị ấy lượm từng mảnh vải từ bãi tha ma, hay từ đống rác, hay từ tiệm phố, và sau khi làm thành áo sanghati (tăng-già-lê), họ mang loại áo ấy. Còn Ta, này Udayi, có khi Ta mặc vải y của cư sĩ cúng dường, các chỗ sờn mỏng được bện chắc lại với dây tơ cây bí trắng. “Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi tôn trọng cung kính, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, những vị đệ tử ấy của Ta, sống mặc phấn tảo y, mặc thô y. Những vị ấy lượm từng mảnh vải từ bãi tha ma, hay từ đống rác, hay từ tiệm phố, và sau khi làm thành áo sanghati, họ mang loại áo ấy; những vị ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào”, nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta chỉ ăn những món ăn nhận trong bình bát khất thực, chỉ đi khất thực từng nhà một (không bỏ sót nhà nào); tự thỏa mãn với những món ăn mảy mún, khi đi vào trong nhà, dầu được mời ngồi, cũng không chấp nhận. Còn Ta, này Udayi, đôi khi Ta nhận ăn những chỗ được mời, nhận ăn các thứ gạo, cháo trong ấy các hạt đen được vứt bỏ, các loại canh, các loại trợ vị. “Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào”; này Udayi nếu vì vậy, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, những vị đệ tử ấy của Ta, chỉ ăn những món ăn nhận trong bình bát khất thực, chỉ đi khất thực từng nhà một, tự thỏa mãn với những món ăn mảy mún, khi đi vào trong nhà, dầu được mời ngồi cũng không chấp nhận; những vị ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào”; nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta sống dưới gốc cây, sống ở ngoài trời. Những vị ấy trong tám tháng không sống dưới mái che nào. Còn ta, này Udayi, có đôi khi Ta sống dưới những ngôi lầu có gác nhọn, có tô vôi trong và ngoài, được che gió, có then chốt đóng lại và có các cửa sổ khép kín. “Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào” và nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, các vị đệ tử ấy của Ta, sống dưới gốc cây, sống ở ngoài trời, trong tám tháng không sống dưới mái che nào; những vị ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không cung kính tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama là vị sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng. Sau khi đi sâu vào trong rừng núi, trong các trú xứ xa vắng, sống tại các chỗ ấy, và nửa tháng một lần mới trở về giữa Tăng chúng để tụng đọc Giới bổn. Còn Ta, này Udayi, đôi khi ta sống đoanh vây xung quanh bởi các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, Quốc vương, Đại thần, Ngoại đạo, đệ tử các ngoại đạo. “Sa-môn Gotama là vị sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly”; và nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, các vị đệ tử ấy của Ta, sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng. Sau khi đi sâu vào trong núi, trong các trú xứ xa vắng, sống tại các chỗ ấy và nửa tháng một lần, mới trở về giữa Tăng chúng để tụng đọc Giới bổn; những vị đệ tử ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

Như vậy, này Udayi, các đệ tử của Ta do năm pháp này không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

Này Udayi, lại có năm pháp khác, do năm pháp này, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa (vào Ta). Thế nào là năm?

Ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng giới: “Sa-môn Gotama là vị có giới hạnh và thành tựu giới uẩn tối thượng”. Này Udayi, chính đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng giới, nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị có giới hạnh và thành tựu giới uẩn tối thượng”, đây là pháp thứ nhất, này Udayi, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Lại nữa, này Udayi, các đệ tử của Ta thán phục tri kiến vi diệu. Khi nói: “Ta biết”, nghĩa là Sa-môn Gotama có biết. Khi nói: “Ta thấy”, nghĩa là Sa-môn Gotama có thấy. Sa-môn Gotama thuyết pháp với thắng trí, không phải không với thắng trí. Sa-môn Gotama thuyết pháp có nhơn duyên, không phải không có nhơn duyên. Sa-môn Gotama thuyết pháp có thần thông lực (Sappatihariyam), không phải không có thần thông lực. Này Udayi, chính đệ tử của Ta thán phục tri kiến vi diệu và nghĩ rằng: “Khi nói: “Ta biết”, nghĩa là Sa-môn Gotama có biết: Khi nói: “Ta thấy”, nghĩa là Sa-môn Gotama có thấy. Sa-môn Gotama thuyết pháp với thắng trí, không phải không với thắng trí. Sa-môn thuyết pháp với nhơn duyên, không phải không có nhơn duyên. Sa-môn Gotama thuyết pháp có thần thông lực, không phải không có thần thông lực”. Đây là pháp thứ hai này Udayi, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Lại nữa, này Udayi, đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng trí tuệ và sự kiện này không thể xảy ra khi họ nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị có trí tuệ và thành tựu tuệ uẩn tối thượng. (Tuy vậy) Ngài không thấy trước một luận đạo nào ở tương lai, hay một luận nạn ngoại đạo nào khởi lên (trong hiện tại) mà Ngài không luận phá sau khi khéo léo nạn phá với Chánh pháp”. Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Các đệ tử của Ta, sau khi biết như vậy, thấy như vậy, có thể làm gián đoạn một cuộc đàm thoại đang diễn tiến nửa chừng không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Này Udayi, Ta không chờ đợi sự giáo giới từ nơi những đệ tử của Ta. Trái lại, chính những đệ tử của Ta chờ đợi sự giáo giới từ nơi Ta. Do vậy, này Udayi, sự kiện này không thể xảy ra khi các đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng trí tuệ và suy nghĩ: “Sa-môn Gotama là bậc có trí tuệ và thành tựu tuệ uẩn tối thắng. (Tuy vậy) Ngài không thấy (trước) một luận đạo nào ở tương lai, hay một luận nạn ngoại đạo nào khởi lên (trong hiện tại) mà Ngài không luận phá, sau khi khéo léo nạn phá với chánh pháp”. Đây là pháp thứ ba, này Udayi, mà các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Lại nữa, này Udayi, những đệ tử của Ta bị đắm chìm trong đau khổ, bị đau khổ chi phối, đến Ta và hỏi về khổ Thánh đế. Được hỏi về Khổ Thánh đế, Ta trả lời cho họ. Ta làm cho tâm của họ thỏa mãn với câu trả lời của Ta. Họ hỏi Ta về Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế, Ta trả lời cho họ. Ta làm cho tâm của họ thỏa mãn với câu trả lời của Ta. Đây là pháp thứ tư, này Udayi, mà các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Bốn Niệm xứ. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu trên đời, quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu trên đời. Và ở đây các đệ tự của Ta, phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bốn Chánh cần. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng; tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm... Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này tu tập Bốn Thần túc. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập thần túc, câu hữu với dục Thiền định tinh cần hành... tinh tấn Thiền định... tâm Thiền định, tu tập thần túc, câu hữu với tư duy Thiền định tinh cần hành. Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này tu tập Năm Căn. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập tín căn hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ, tu tập tinh tấn căn... tu tập niệm căn... tu tập định căn... tu tập tuệ căn, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Năm Lực. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập tín lực, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ, tu tập tinh tấn lực... tu tập niệm lực... tu tập định lực... tu tập tuệ lực, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bảy Giác chi. Ở đây, này các Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ diệt, hướng đến xả, tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ diệt, hướng đến xả. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Thánh đạo Tám ngành. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, tu tập chánh tư duy, tu tập chánh ngữ, tu tập chánh nghiệp, tu tập chánh mạng, tu tập chánh tinh tấn, tu tập chánh niệm, tu tập chánh định. Và ở đây, này Udayi, các vị đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này tu tập Tám Giải thoát. “Tự mình có sắc, thấy các sắc”, đó là giải thoát thứ nhất. “Quán tưởng nội sắc, thấy các ngoại sắc”, đó là giải thoát thứ hai. “Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy”, đó là giải thoát thứ ba. Vượt hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng đối ngại, không suy tư đến những tưởng khác biệt, với suy tư “Hư không là vô biên”, chứng và trú “Không vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ tư. Vượt hoàn toàn Hư không vô biên xứ, với suy tư “Thức là vô biên”, chứng và trú “Thức vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ năm. Vượt hoàn toàn “Thức vô biên xứ”, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú “Vô sở hữu xứ”, đó là giải thoát thứ sáu. Vượt hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy. Vượt hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng, đó là giải thoát thứ tám. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này tu tập Tám Thắng xứ. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng. “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ nhất. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ hai. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ ba. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tư. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh... như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh... như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta thấy, ta biết”, đó là thắng xứ thứ năm. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng... như bông Kanikara màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng... như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ sáu. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc màu đỏ, ánh sáng đỏ... như bông Bandhujivaka màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ... như lụa sa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ bảy. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng... như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng... như lụa sa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tám. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này tu tập Mười Biến xứ. Một vị biết được đất biến xứ: trên dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Một vị biết được nước biến xứ... Một vị biết được lửa biến... Một vị biết được gió biến... Một vị biết được xanh biến... Một vị biết được vàng biến... Một vị biết được đỏ biến... Một vị biết được trắng biến... Một vị biết được hư không biến... Một vị biết được thức biến xứ: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này tu tập Bốn Thiền. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này Udayi, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt, cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần; tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú vào Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng; những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi. Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này tuệ tri như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Ví như, này Udayi, một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: “Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi dây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này biết được như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào. Ví như, này Udayi, một người rút một cây lau ra ngoài vỏ, người ấy nghĩ: “Đây là vỏ, đây là cây lau, vỏ khác, cây lau khác, và cây lau từ vỏ rút ra”. Ví như, này Udayi, một người rút thanh kiếm từ bao kiếm. Người ấy nghĩ: “Đây là thanh kiếm, đây là bao kiếm; thanh kiếm khác, bao kiếm khác; và thanh kiếm từ nơi bao kiếm rút ra. Ví như, này Udayi, một người lột xác một con rắn. Người ấy nghĩ: “Đây là con rắn, đây là xác rắn; con rắn khác, xác rắn khác; và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Ví như, này Udayi, một người thợ gốm khéo tay, hay đệ tử người thợ gốm, với đất sét khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích. Ví như, này Udayi, một người thợ ngà khéo tay, hay đệ tử người thợ ngà, với ngà khéo đẽo khéo dũa, có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích. Ví như, này Udayi, người thợ vàng khéo tay, hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm các loại đồ vàng tùy theo sở thích; cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trong nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần. Ví như, này Udayi, một người đang đi qua đường, nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xỏa và tiếng kiểng. Người ấy nghĩ: “Đây là tiếng trống lớn, đây là tiếng trống nhỏ, đây là tiếng loa, tiếng xập xỏa, tiếng kiểng. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta, y cứ con đường tu hành này, với thiên nhĩ, thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình được biết như sau: “Tâm tham biết là tâm tham; tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si, biết là tâm si; tâm không si, biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú, biết là tâm không chuyên chú. Tâm đại hành, biết là tâm đại hành; tâm không đại hành, biết là tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định, biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát. Ví như, này Udayi, một người đàn bà, một người đàn ông, một thiếu niên trẻ hay một thanh niên ưa trang sức, nhìn mặt của mình trong tấm gương trong sạch sáng suốt, hay một chậu nước trong; nếu mặt có tỳ vết, liền biết mặt có tỳ vết; nếu mặt không có tỳ vết, liền biết mặt không có tỳ vết”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta, y cứ con đường tu hành này, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình được biết như sau: “Tâm tham, biết là tâm tham; tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si biết là tâm si; tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú; biết là tâm không chuyên chú. Tâm đại hành, biết là tâm đại hành; tâm không đại hành, biết là tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định, biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát; biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát”. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy các vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với nét đại cương và các chi tiết. Ví như, này Udayi, một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời... (như trên)... Như vậy các vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, các vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Ví như, này Udayi, một tòa lầu có thượng đài giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: “Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư hay trên đài thượng”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... (như trên)... đều do hạnh nghiệp của họ. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ví như, này Udayi, tại dãy núi lớn có một hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt đứng trên bờ sông thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại, hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Đây hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Đây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Này Udayi, đây là pháp thứ năm, do pháp này các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Này Udayi, do năm pháp này, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Du sĩ Sakuludayi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.