Skip directly to content

BÀI KỆ THỨ MƯỜI BA

“Nếu không được bạn lành,
Thận trọng và sáng suốt
Cũng đừng sống với họ
Họ chẳng phải hiền trí
Hãy như vua từ bỏ
Đất nước bị bại vong,
Hãy sống như voi chúa
Một mình trong rừng sâu
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu một sừng!”

Trên cuộc đời tu hành nếu không gặp được bạn đồng tu giữ gìn hạnh sống MỘT MÌNH trọn vẹn thì chúng ta không nên tìm những người bạn đồng tu khác không giữ hạnh sống MỘT MÌNH như bài kệ thứ mười ba trên đây đã nhắc nhở:

“Nếu không được bạn lành,

Thận trọng và sáng suốt

Cũng đừng sống với họ

Họ chẳng phải hiền trí,

Hãy như vua từ bỏ

Đất nước bị bại vong”

Nếu không có bạn đồng tu sống MỘT MÌNH thì chúng ta hãy sống MỘT MÌNH như con voi chúa sống trong rừng sâu mà chẳng hề biết sợ ai cả. Muốn đi dọc đi ngang như thế nào tùy thích.

Mục đích tu hành của chúng ta là đi tìm đường thoát khổ đau. Nhưng con đường thoát mọi khổ đau thì chỉ có con đường của Phật giáo mà con đường của Phật giáo thì có 37 pháp môn tu tập. Vì thế người tu hành theo Phật giáo phải có một thời gian dài tu tập. Vì phải mất một thời gian dài như vậy nên đức Phật cố gắng đưa ra một pháp môn ngắn gọn dễ dàng tu tập và có kết quả ngay liền. Đó là TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ.

Với pháp môn này ai tu cũng được, già trẻ bé lớn hay những người đang gặp tai nạn tù tội hoặc bệnh tật nằm liệt giường, liệt chiếu cũng đều tu tập được cả.

Với pháp môn này không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ ngoại đạo hay không ngoại đạo đều tu tập được cả. Người già yếu hay người trẻ trung; người bệnh tật hay người khỏe mạnh cũng đều tu tập được cả.

Với pháp môn này tu tập là có kết quả giải thoát ngay liền, chỉ những người có quyết tâm, có ý chí, có nghị lực siêng năng, tinh tấn tu tập thì sự giải thoát hiện tiền.

Muốn đạt được kết quả tốt đẹp này thì không gì hơn là phải sống MỘT MÌNH NHƯ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG. Chỉ có sống MỘT MÌNH như vậy mà làm nên sự chứng đạo giải thoát.