Skip directly to content

BÀI KỆ BA MƯƠI BẢY

“Mong cầu đoạn diệt ác (ái),
Sống hạnh không phóng dật,
Không đần độn câm ngọng
Nghe nhiều, giữ chánh niệm
Các pháp thường quán xét,
Quyết định, chánh tinh cần
Hãy sống riêng một mình
Như Tê Ngưu một sừng!”

Nhờ sống riêng MỘT MÌNH mới thấy được tâm ái, do thấy được tâm ái mới có cơ hội đoạn diệt chúng.

Trong cuộc đời tu hành theo Phật giáo chúng ta phải đoạn diệt tâm ái trước tiên. Bởi vậy những người theo Phật tu tập thì được Ngài bảo phải LY GIA CẮT ÁI. Nhưng người thời nay rất xem thường lời dạy này nên cứ sống trong gia đình cha mẹ, vợ chồng, con cái mà tu tập, nhất là dùng hơi thở nhiếp tâm để tâm hết vọng niệm. Một việc làm mà đức Phật không bao giờ chấp nhận. Hơi thở có mười chín đề mục tu tập, nhưng khi thân tâm chúng ta bị một trạng thái thọ khổ nào hay một trạng thái tưởng nào thì mới dùng hơi thở mà diệt nó.

Ví dụ 1: Khi chúng ta bị nhức đầu mà muốn bệnh nhức đầu không tác động vào thân được thì chúng ta nên tu tập ngay đề mục: “AN TỊNH THÂN HÀNH TÔI BIẾT TÔI HÍT VÔ, AN TỊNH THÂN HÀNH TÔI BIẾT TÔI THỞ RA”.

Ví dụ 2: Khi chúng ta đang bị hôn trầm thùy miên và vô ký thì nên tu tập đề mục: “VỚI TÂM ĐỊNH TĨNH TÔI BIẾT TÔI HÍT VÔ, VỚI TÂM ĐỊNH TĨNH TÔI BIẾT THỞ RA”.

Tu tập hơi thở là khi chúng ta bị chướng ngại thì mới dùng nó. Cho nên người mới sơ cơ tập nhiếp tâm phá loạn tưởng thì chỉ được tu tập trong 30’ mà thôi. Khi tu tập nhiếp tâm được thì không nên tu tập nó nữa mà hãy tu tập sang qua pháp khác chớ cứ tu tập hơi thở mãi thì cũng không tốt. Vì đây là phương pháp ức chế tâm chớ không phải phương pháp xả tâm, xin quý vị nên lưu ý.

Cha mẹ đó, vợ con còn đó đang sống một bên nhau mà tu tập buông xả cái gì. Đời sống thì ê chề chưa buông xả mà buông xả cái tâm làm gì được.

Khi đi tu thì phải rời bỏ gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng. Đó là bước đầu tiên mới vào TU VIỆN CHƠN NHƯ. Phải chặt đứt ái kiết sử như vậy rồi xin một cái thất để sống ở riêng MỘT MÌNH, tu tập xả tâm đến chừng nào tu hành chứng đạo mới ra thất, dù thời gian mấy chục năm hay cả năm sáu chục năm vẫn kiên trì không được rời khỏi thất.

Cuộc đời tu tập có quyết chí như vậy thì sự chứng đạo đâu còn khó khăn. Người tu tập cần phải sống MỘT MÌNH trong thất không giao tiếp với bất cứ một người nào khác dù cha mẹ, vợ con hay chồng con có đến thăm cũng phải từ chối xin không gặp để giữ gìn trọn hạnh sống MỘT MÌNH.

Cho nên người có quyết tâm sống hạnh MỘT MÌNH thì sự chứng đạo ngay liền đó mà không cần phải tu tập gì nhiều, do vậy người tu hành không phí sức.

Chứng đạo của Phật giáo rất đơn giản chỉ cần sống MỘT MÌNH từ ngày này sang ngày khác; từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, dù cho bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng và bao nhiêu năm cũng không cần biết tới, chỉ biết duy nhất là mình sống MỘT MÌNH mà thôi.

Cứ sống MỘT MÌNH cho đến khi nào chứng đạo mới thôi. Nếu có ý chí kiên cường, bền lòng sống MỘT MÌNH như vậy thì sẽ chứng đạo ngay liền mà không cần tu tập một pháp môn nào khác cả, đúng như trong bốn mươi hai bài kệ CON TÊ NGƯU MỘT SỪNG đã dạy.