BỌN TRẺ XÓM CỐNG
Giáo dục trẻ em không tham lam trộm, cắp, lấy của không cho là trách nhiệm của người lớn. Cho nên bổn phận làm cha mẹ là làm gương hạnh tốt cho con cái sau này. Cha mẹ không tham lam trộm cắp, lấy của không cho thì con cái sau này cũng không tham lam, không trộm cắp và cũng không lấy của không cho.
Tại sao hiện giờ cả một xã hội bất an vì trộm cướp giết người, nếu bảo rằng do xã hội không tốt thì không đúng mà phải bảo rằng do gia đình thiếu giáo dục con cái. Con cái tốt đều từ gia đình có giáo dục. Nếu cha mẹ sinh con cái mà thiếu giáo dục con cái là cha mẹ có lỗi với xã hội.
Cha mẹ gian tham trộm cắp thì con cái cũng gian tham trộm cắp, cha mẹ như thế nào thì con cái như thế nấy, đừng bảo rằng “Cha mẹ hiền sinh con dữ”, điều này không đúng vì con cái chịu ảnh hưởng của cha mẹ rất lớn trong cuộc sống.
Cho nên xã hội bất an là do gia đình thiếu giáo dục con cái. Bổn phận trách nhiệm của người làm cha mẹ phải thấy những điều này.
Hiện giờ cả một xã hội như vậy mà đi tìm một người không tham lam là không bao giờ tìm được. Người nào cũng tham lam trộm cắp nhưng lối tham lam trộm cắp khéo léo mà pháp luật không tri tố tội họ được.
Con người sinh ra đều có sẵn tính thiện, nên Khổng Phu Tử dạy: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Nếu trẻ em được giáo dục thì trẻ em đứa nào cũng tốt vì chúng sinh ra đã có sẵn tánh thiện, nếu chúng ta không giáo dục chúng thì trẻ em sẽ lần lần chịu ảnh hưởng những tánh ác xấu của những trẻ em mất dạy.
Bọn trẻ tốt không tham lam, không lấy của không cho là do người lớn giáo dục, vậy chúng ta hãy đọc câu chuyện “BỌN TRẺ XÓM CỐNG”:
“Trên đường xuống Hội An, qua quán giải khát của anh Hứa Văn Thức, anh ra đón xe tôi, kéo tôi vào quán. Lâu mới gặp, anh kể nhiều chuyện trong xóm trong thôn. Ngồi bên tách cà phê, nghe anh kể chuyện người bị nạn trong đợt lũ năm ngoái, chuyện tìm xác anh thuế vụ Điện Bàn, chuyện mai táng người ăn xin, chuyện góp tiền đi nuôi người bệnh neo đơn ở bệnh viện Hội An, chuyện nhà cháy trong đêm 30 Tết… Nghe anh kể, tôi ngạc nhiên quá! Một thôn trên 100 hộ dân, mưu sinh sống bằng nghề gạch và bắt cá sông Cẩm Hà, còn nghèo lắm, thế mà trong năm 1996 đã có hơn sáu lần quyên góp giúp người bất hạnh, mà đa số là người từ phương xa gặp nạn…
Bỗng tôi thấy một gói nilông nhỏ rơi xuống đường từ một chiếc Minsk, ngồi sau là một phụ nữ và chồng rổ. Một chiếc xe tải vượt qua, những tờ giấy bạc bay tung lên, rơi tung toé trên mặt đường. Từ nhà ông Châu, hằng chục cháu nhỏ ào ra nhặt tiền. Tôi định đứng lên băng qua đường cản chúng lại, nhưng anh Thức kéo tay tôi lại và nói: Yên chí, để xem.
Tôi lấy làm lạ vì các em nhặt tiền xong lại không chạy đi, mà bình thản đếm tiền trên tay, đưa ra trước mặt các bạn như khoe nhặt được ngần này… Lúc đó, anh Thức mới kéo tôi sang, và cùng lúc chiếc xe Minsk quay trở lại với gương mặt thất thần của người phụ nữ bán cá. Bọn trẻ chủ động ra hiệu, và lần lượt chúng đặt tiền vào tay chị. Chị nhìn tiền và bọn trẻ như không tin là sự thật.
Tôi hỏi tên, các em nhìn tôi rồi nhìn anh Thức, và chúng hiểu ra. Một đứa lớn chừng 14 tuổi nói: “Mười hai đứa chú ghi sao hết, thôi chú cứ ghi là bọn trẻ thôn 5B Cẩm Hà”. Tôi không đồng ý, cháu tiếp: “Thì bọn trẻ xóm cống vậy”. Tôi chợt nhìn xuống nơi mình đang đứng và nhận ra chiếc cống chìm chảy qua một bụi tre sum xuê nằm sát mép đường. Lúc này, nhiều người lớn gần đó đi đến và góp chuyện: “Anh định ghi lại như vậy là đúng, bọn trẻ ở đây ngoan lắm!”
Một đứa khác đến bên tôi và nói: “Chú viết về bác Thức đi, bác tốt lắm!”. Tôi nhìn anh, anh cười xuề xoà rồi nói: “Bay đi theo bác”. Lúc này nhóm trẻ chia thành hai tốp, tốp nhỏ ngoan ngoãn đi theo anh, tốp lớn do dự, rồi một cháu lại gần tôi nói nhỏ: “Bác ấy định thưởng tụi cháu đấy, 12 ly chè chứ ít đâu, mất của bác ấy hơn 10.000 đồng, tụi cháu không nỡ”.
Một cháu khác tiếp: “Nhà bác ấy nghèo, thường qua nhà cháu mượn gạo khi chưa nhận lương hưu”. Rồi chúng gọi bọn nhỏ lại. Cuối cùng, chỉ còn anh và tôi quay lại quán. Lúc này tôi mới trách anh: “Chuyện người thì nói, chuyện mình thì giấu, tại sao?”. Hỏi vậy thôi, chứ tôi quí anh lắm.
Cuối cùng anh kể: “Tết năm ngoái, có hai vợ chồng người Duy Xuyên đưa con đi bệnh viện Hội An, qua đây đánh rơi một bọc vải, mình lao ra gọi nhưng không kịp, đem vào nhà thôn trưởng là anh Như, hai người mở ra thấy hai bộ đồ con nít, một phích nước và 265.000 đồng. Tôi giao cho anh Như đi thông báo, ra ngõ lại gặp ngay vợ chồng nọ quay lại”. Anh kết luận: “Chuyện có thế, to tát gì mà kể với viết”.
Chuyện nhỏ thật, nhưng tấm lòng anh Thức, của các cháu và bà con trong thôn lớn lắm, lớn đến mức nào thì cũng chỉ cảm nhận mà thôi, lòng nhân ái làm sao đo đếm được! Ai tính được cử chỉ từ chối của lũ trẻ khi anh Thức thưởng? Không tính được, nhưng ai cũng có thể thấy được sự cao thượng trong những tâm hồn bình dị ấy”.
BỌN TRẺ XÓM CỐNGđã được giáo dục không tham lam như vậy là do những người lớn không tham lam. Nếu trẻ con ở chung trong một xóm mà có nhiều người tham lam trộm cắp thì bọn trẻ sẽ chịu ảnh hưởng xấu đó và trở thành những đứa trẻ tham lam trộm cắp. Bởi vậy giáo dục trẻ con phải tìm những nơi mọi người sống có đạo đức, vì vậy bà Mạnh Mẫu bảy lần di dời chỗ ở để giáo dục con cái. Người xưa muốn giáo dục con cái mà còn chịu khó khổ bảy lần dọn nhà như vậy huống là đời nay nếu chúng ta không quan tâm đến sự giáo dục con cái như vậy thì con cái chúng ta sẽ hư thân mất nết.
BỌN TRẺ XÓM CỐNG là một câu chuyện khéo nhắc nhở chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm với con cái của mình.
Sinh con ra không phải chỉ lo nuôi dưỡng bằng thực phẩm vật chất mà còn phải nuôi dưỡng bằng tinh thần đạo đức thì con cái sau này mới trở thành những người tốt trong gia đình và xã hội. Có như vậy bổn phận làm cha mẹ mới trọn vẹn không có lỗi với con cái. Nếu cha mẹ sinh con ra rồi quăng ném nó vào xã hội để trở thành những người tham lam, hối lộ ăn lo hoặc trộm cắp cướp của của người khác thì bổn phận cha mẹ làm chưa tròn và như vậy cha mẹ có lỗi trước mọi người và xã hội.