Skip directly to content

ĐIỀU PHỤC TÂM MÌNH

 

LỜI PHẬT DẠY

“Dạy người như thế nào?

Hãy dạy mình như vậy

Khéo điều, mới điều người

Khó thay tự điều phục”.

(Kinh Pháp Cú XII: Phẩm Tự Ngã (159))

 

 

 

 

 

CHÚ GIẢI:

Thường ở đời người ta hay đem đạo lý này, đạo lý kia ra dạy người khác, nhưng chính bản thân chưa làm đúng những đạo lý ấy. Cho nên, đức Phật dạy:

“Dạy người như thế nào?

Hãy dạy mình như vậy”

Điều tâm là một việc làm rất khó, nếu ai có tu tập thì mới biết. Khó, vô cùng khó là phải điều tâm cho đúng cách, nếu điều tâm không đúng cách thì bị ức chế tâm; ức chế tâm là tự làm khổ mình, con đường tu hành chẳng đi đến đâu cả. Điều phục được tâm mình tức là làm chủ được tâm. Làm chủ được tâm có nghĩa là tâm ham thích một việc gì thì không làm theo.

Ví dụ 1: Tâm muốn ăn, ngủ phi thời thì không làm theo ăn ngủ phi thời, đó là điều phục tâm.

Ví dụ 2: Tâm tức giận, sân hận một người nào đó, ta không làm theo như vậy, luôn giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, đó là điều phục tâm.

Ví dụ 3: Khi thân bị bệnh đau nhức ta giữ tâm bất động, không dao động, không hề sợ hãi, không sợ chết, không lo bệnh nặng hay nhẹ, không đi bác sĩ uống thuốc này, thuốc nọ, để trấn áp tinh thần, v.v.. đó là điều phục tâm, chứ không phải điều phục tâm theo kiểu Đại Thừa và Thiền Đông Độ là tập trung tâm cho hết vọng tưởng.

Khi điều phục tâm được như vậy thì tâm được thanh thản, an lạc và vô sự. Khi tâm ta sống được an lạc và vô sự thì ta mới dạy người điều phục, như kinh dạy:

“Khéo điều, mới điều người

Khó thay tự điều phục”.

Bài kệ này hàm ý đức Phật dạy các đệ tử của mình, khi tu tập chứng đạo xong thì mới dạy người, còn nếu như tu chưa chứng đạo mà vội dạy người tu tập là dạy sai. Tại sao vậy?

Tại vì tâm mình còn như đống rác bẩn, chưa tự điều phục được:“Khó thay tự điều phục”. Vậy mà đi dạy người là dạy làm sao? Nhưng khi biết cách điều phục tâm, tâm không còn ương ngạnh tức là tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham sân si tức là tâm bất động; tâm bất động là tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng; tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng là tu đã xong. Chừng ấy, ta mới dạy người đâu có muộn. Phải không các bạn?

“Khéo điều, mới điều người

Khó thay tự điều phục”.

 Mục đích tu hành của chúng ta là nhắm vào chỗ cứu mình ra biển khổ, chứ không phải làm thầy dạy người tu. Cho nên, khi tu chưa xong mà dạy người thì làm sao người tu cho được. Phải không các bạn?

Hai câu đầu của bài kệ trên đây xin các bạn lưu ý: Đây là lời nhắc nhở của đức Phật đối với những người tu chưa chứng mà đi giảng đạo. Phần đông các giảng sư dạy người tu rất hay, nhưng chính ông dạy ông rất dở.

Ví dụ: Các bậc tôn túc thường truyền dạy Phật tử phải giữ gìn năm giới, tám giới hoặc mười giới, nhưng trái lại các ông đều phạm tất cả các giới cấm này, không còn một giới nào mà các ông không phạm. Cho nên, Phật dạy:

“Dạy người như thế nào?

Hãy dạy mình như vậy”.

Ghi nhớ lời dạy trên đây, các bạn hãy nhìn xem các ông giảng sư thời nay có đúng như lời chúng tôi đã nói không?

 

HẾT TẬP I