Skip directly to content

TÂM BẤT ĐỘNG

 

LỜI PHẬT DẠY

“Như đá tảng kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy giữa khen chê

Người trí không dao động”.

Kinh Pháp Cú

 

 

 

CHÚ GIẢI:

Người tu theo Đạo Phật, mục đích đạt được là phải giữ gìn tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Cho nên, trong kinh Pháp Cú dạy:

“Như đá tảng kiên cố

Không gió nào lay động”.

 Đúng vậy, khi tu tập tâm kiên cố như tảng đá thì tám gió thổi không động (Bát phong xuy bất động). Muốn được tâm bất động như vậy thì phải biết pháp môn nào tu tập sẽ được tâm bất động, còn ngược lại thì sẽ không đạt được.

Trong Phật giáo duy nhất chỉ có Giới luật là giúp cho hành giả tu tập tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Trong giới luật có những pháp môn tu tập để tâm được thanh tịnh gọi là giới hành. Giới hành còn có tên là Tứ Chánh Cần. Trong Tứ Chánh Cần gồm có bốn loại định:

1-      Định Chánh Niệm Tỉnh Giác

2-      Định Sáng Suốt

3-      Định Niệm Hơi Thở

4-      Định Vô Lậu.

Nếu một người tu hành thật kỹ bốn loại định này thì giới luật sống rất nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Giới luật thanh tịnh tức là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh tức là tâm bất động như trong kinh Trường Bộ dạy: “Giới luật làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh giới luật”.

 Như chúng ta đã biết tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ là mục đích giải thoát của Phật giáo. Vì thế, trong kinh Pháp Cú cũng dạy: “Cũng vậy giữa khen chê. Người trí không dao động”. Tâm không dao động là mục đích tu hành của chúng ta, chúng ta đã hoàn tất con đường giải thoát.

Xem thế, chúng ta mới thấy Phật giáo lấy đạo đức nhân bản – nhân quả của con người làm hàng đầu tu tập trong các pháp.

Tóm lại, bốn câu kệ này nói rõ mục đích tu chứng của Phật giáo cần phải đạt cho bằng được. Mặc dù với bất cứ một giá nào, ta cũng phải giành phần chiến thắng về mình thì mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật, mới đem lợi ích cho mình, cho người và nhất là làm sáng tỏ lại Phật giáo không bị những lớp giáo lý của các Tổ trù dập Đạo Phật từ lâu.

Bởi vì, chỉ cần có một người tu chứng quả A La Hán thì sẽ là một bằng chứng để chấn chỉnh lại Phật giáo. Nhưng ai tin người này?

Thưa các bạn! Nếu muốn cho mọi người tin thì phải thể hiện thần thông, nhưng thể hiện thần thông thì đức Phật không chấp nhận và cho đó là ngoại đạo dùng thần thông lừa đảo người. Vả lại, mục đích của Đạo Phật là chỗ tu chứng bất động tâm, chứ không phải thần thông. Vì thế, đem thần thông ra bảo chứng cho Phật giáo là không đúng.

Vì muốn hiểu biết điều này (chứng quả A La Hán) nên vua Ba Tư Nặc hỏi đức Phật:

-         Bạch Thế Tôn! Những vị khất sĩ đi ngang qua đây muốn biết vị nào chứng quả A La Hán thì phải làm sao?

Đức Phật trả lời:

-         Nên ở gần bên họ từ một ngày đến bảy ngày, từ một tháng đến bảy tháng thì sẽ rõ.

Như vậy, lời dạy này các bạn có hiểu ý của đức Phật không? Đó là đức Phật dạy các bạn muốn biết người nào chứng quả A La Hán thì nên quan sát họ trước mặt cũng như sau lưng có sống đúng những Đức Thánh giới hạnh không? Nếu sống đúng là chứng quả A La Hán mà sống không đúng thì chưa chứng quả, còn đang hướng đến quả A La Hán. Chỗ giới đức thanh tịnh, đó chính là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Người nào tâm bất động thì đó là một vị Thánh đệ tử của Phật.

Cho nên, bài kệ trên đây xác định mục đích tu chứng của Phật giáo rất đơn giản, tu tập không có gì khó khăn mệt nhọc, chỉ cần biết các pháp đều do qui luật nhân quả tác dụng, chứ chẳng có gì là chân thật cả, cho nên khen chê đều cũng như nhau chẳng có gì mừng vui, chẳng có gì buồn rầu. Phật giáo chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Phải không các bạn?

“Như đá tảng kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy giữa khen chê

Người trí không dao động”.