HỔ THẸN
LỜI PHẬT DẠY “Có hai nhân duyên mà người tu sĩ đệ tử của đức Phật phải hết sức quý trọng. Đó là biết hổ và biết thẹn. Nếu con người không biết hai việc này thì cha, mẹ, anh, em, dòng họ thân tộc, tôn ti cao thấp không thể phân biệt. Như các loài gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa chúng đều cùng một loại nhưng không có tôn ti, trật tự, vì chúng không biết hai pháp này”. “Do có hai pháp đạo đức này ở đời nên ắt biết có tôn ti sai khác, nhưng những người lìa hai pháp này thì cũng giống như bầy gà, chó, heo, dê, lừa, ngựa, v.v.. kia vậy, thật không thể lễ bái họ được’’. (Tăng Nhất A Hàm trang 117)
|
CHÚ GIẢI:
Đạo Phật lấy thiện pháp làm pháp môn tu tập để đẩy lùi các ác pháp, nên Đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm Người, làm Thánh được đức Phật chú ý hàng đầu. Vì thế, toàn bộ kinh sách Phật giáo đều lấy giới luật làm gốc để dạy người tu tập từ cơ bản đến Tam Minh. Bởi vì con người cũng chỉ là một loài động vật, nhưng loài động vật cao cấp. Dù cao cấp đến đâu bản chất loài động vật vẫn còn. Muốn trở thành một con người thật là con người, thì phải sống có đạo đức trọn vẹn, sống một đời sống biết thương người, thương vật như thương chính mình. Đạo đức làm người chưa đủ để giúp cho chúng ta thoát kiếp làm người đầy khổ đau. Vì vậy, chúng ta phải tiến bước trên đường đầy đủ trọn vẹn đạo đức cao hơn nữa để trở thành những bậc Thánh vô lậu, làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Đó là ước vọng của những người có cái nhìn thấy thế gian này khổ như thật, và biết pháp Phật là giới luật đạo đức cao quý tuyệt vời, giúp con người mãn nguyện.
Cho nên, những vị Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni hoặc những vị cư sĩ xem thường giới luật, luôn luôn sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, để chạy theo dục lạc thế gian, thì dù có tu trăm ngàn kiếp cũng chỉ thành loài sâu bọ trong Phật giáo mà thôi. Những người tu sĩ hoặc cư sĩ sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, thường đắm chìm trong dục lạc thế gian thì không bao giờ tìm thấy sự hỷ lạc, giải thoát trong Đạo Phật, bởi vì đức Phật đã xác định: “Do ly dục sanh hỷ lạc”. Còn các thầy Đại Thừa và Thiền Tông hiện giờ xem thường giới luật thì dù cho các vị có ngồi thiền một ngàn năm cũng chỉ lạc vào ma thiền, chứ không bao giờchứng được sự giải thoát chân thật.
Giớilà một pháp môn vô lậu mà cũng là một pháp môn dạy về đạo đức tuyệt vời. Giới làm Người, giới làm Thánh một cách rõ ràng và cụ thể; giới cũng là một pháp môn để chuẩn bị cho hành giả nhập các loại chánh định. Nếu không tu giới luật thì không bao giờ nhập chánh định được. Không nhập chánh định được mà nói nhập định là nói vọng ngữ lừa đảo người khác, bởi chánh định là loại thiền định không dành cho những người phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới. Đúng như vậy quý vị ạ!
Người muốn giữ gìn giới luật mà không biết xấu hổ thì không bao giờ giữ gìn giới luật được, cũng giống như người muốn tu thiện pháp mà không biết xấu hổ thì không bao giờ tu tập thiện pháp được. Đó là một điều xác quyết chắc chắn như vậy, không ai có thể thay đổi được điều này. Nếu ai dám cả gan thay đổi pháp môn của đức Phật là sẽ tu tập lạc vào pháp tà đạo.
Người muốn giữ gìn đức hạnh làm Người, làm Thánh mà không biết xấu hổ thì chẳng bao giờ giữ gìn đức hạnh được, cũng như thế, người muốn tu hành giải thoát mà không biết xấu hổ thì không bao giờ có giải thoát được. Chỉ có pháp ngoại đạo mới không biết xấu hổ.
Bởi vậy, tàm quý (xấu hổ) là đức hạnh mà người không tôn giáo cũng như người có tôn giáo đều phải quý trọng hơn vàng bạc, châu báu, ngọc ngà vì nó giúp cho con người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh; nó giúp cho con người giải thoát khỏi tâm phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét; nó giúp cho con người có một cuộc sống an vui, thanh thản và vô sự; nó giúp chuyển cảnh giới thế gian thành Thiên đàng, Cực lạc.
Nếu người nào không biết tàm quý thì người đó chẳng khác loài cầm thú, chẳng còn biết luân thường đạo lý gì cả.
Nếu người nào sống trong ác pháp thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, mà không biết xấu hổ (tàm quý), thì đó cũng là loài ác thú chứ không còn là con người và còn tệ hơn thế nữa, họ là loài ác quỷ.
Nếu một vị Tỳ Kheo Tăng hay một vị Tỳ Kheo Ni hay một vị Cư sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà không biết xấu hổ (tàm quý) thì họ là loài bọ chét trong lông thú vật, đức Phật thường nhắc nhở chúng Tỳ Kheo trong câu nói này: “Trùng trong lông sư tử ”. Những tu sĩ và cư sĩ này không phải đệ tử của đức Phật. Họ là những người tán tận lương tâm và tệ hơn nữa họ là loài Ma vương cùng với ma chúng đang cố tình diệt Phật giáo.
Tóm lại, tàm quý là đức biết xấu hổ, nó là một pháp môn rất cần thiết cho người đời cũng như người trong đạo. Người có quyết tâm tìm đường cứu mình thoát ra sanh, già, bệnh, chết và luân hồi thì tàm quý là pháp môn hàng đầu.
Nếu làm người mà không biết xấu hổ, như đã nói, thì có khác nào là thú vật, luân thường đạo lý trong thế gian này sẽ đảo lộn, cang thường đạo đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) không còn nữa. Người ta sẽ chà đạp lên nhau vì sự sống miếng ăn, manh áo và vật chất; tình người sẽ bị mất đi; trên hành tinh này chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Loài người chỉ còn là một loài thú vật thông minh cấu xé, giết hại lẫn nhau mà thôi.
Tóm lại, đoạn kinh trên dạy cho chúng ta tu tập đức xấu hổ. Đức xấu hổ là một hành động cao quý tốt đẹp của loài người, nếu không có đức xấu hổ con người chỉ là con thú vật. Nhờ đức xấu hổ mà con người không làm điều ác, tăng trưởng làm những điều thiện khiến cho sự sống trên hành tinh này được an vui và hạnh phúc.