Skip directly to content

NẾU CON NGƯỜI KHÔNG ĂN THỊT CHÚNG SANH THÌ CHÚNG SANH SẼ TRÀN NGẬP TRÁI ĐẤT

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi: Kính thưaThầy, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trên trái đất này gà, vịt,bò, chó, ngựa, cá tôm, và tất cả loài động vật khác, sẽ sinh sôi nẩy nở chật đất, nhất là gà, vịt, heo, dê, bò, ngựa thì nhà cửa đất đai ở đâu chứa cho hết?

 Đáp: Theo định luật nhân quả, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Khi người ta càng ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh lại càng sanh ra nhiều hơn nữa. Nếu người ta không ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh lại không sanh ra. Tại sao vậy?

Vì chúng sanh có sanh ra tức là có diệt mất. Cho nên, có sự tàn nhẫn sát hại và ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh phải chịu mọi sự khổ đau sinh ra. Đó là nhân ác, là những hành động ác của mọi người. Chính những hành động ác đó tạo ra nghiệp quả khổ, và nghiệp quả khổ này chiêu cảm, tương ưng liền sanh ra tất cả loài chúng sanh để trả quả giết hại do mọi người tạo tác, bằng cách để cho chúng sanh khác, giết chúng ta ăn thịt trở lại.

Nếu chúng ta không giết hại và không ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh không sanh ra, đó là nhân quả thiện. Do nhân quả thiện nên không có chúng sanh sinh ra để ăn thịt lẫn nhau trở lại. Nếu con người không ăn thịt chúng sanh, thì trên quả đất sẽ không có chúng sanh hung dữ, độc hại, chỉ có chúng sanh hiền lành và số lượng sanh ra rất ít. Tại sao vậy?

 Khi con người không giết hại và ăn thịt chúng thì tâm của họ ít dục hơn; tâm dục ít hơn thì sự sanh sản ít hơn. Do đó, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trái đất này, không bao giờ có tràn ngập chúng sanh. Bằng chứng, con người hiện giờ vì ăn thịt chúng sanh, nên tâm ác nhiều và tâm dục thì dẫy đầy, nên con người cũng sanh nhiều để thọ lấy quả khổ cùng nhau.

Con người ít dục, thì sự sanh sản cũng ít, sanh sản ít thì việc làm ác cũng ít, và chúng sanh sinh ra cũng ít. Với đôi mắt phàm phu của con người, chúng ta không nhìn thấu hết qua lốt nghiệp của mỗi chúng sanh. Ví dụ, một người đang cắt cổ một con gà, tiếng con gà kêu là dongười ấy nhẫn tâm vặn tréo hai cánh con gà, đạp dưới chân rồi tiếp tục cắt cổ, con gà giãy dụa với toàn sức lực của nó, nhưng không làm sao thoát khỏi bàn tay hung ác của con người.

Người giết con gà ấy, đâu có biết rằng, có thể mình đang cắt cổ mẹ mình.Khi còn sống bà thường giết gà cách này, để làm thực phẩm ngon cho các con ăn, bây giờ trả quả thì chính các con của bà, đã cắt cổ bà để làm thịt bà cho con chúng nó ăn, tức là cháu bà.

Luật nhân quả vay một mạng con gà chết, phải trả 10 mạng con gà ở kiếp hiện tại và còn tiếp tục mang kiếp con gà ở kiếp sau nữa và còn nhiều kiếp sau hơn nữa, tức là phải chịu cắt cổ nhổ lông và nhúng nước sôi 10 lần, 100 lần, 1000 lần. Ở trên đời này, chúng ta làm một điều ác thì phải trả quả 10 lần, 100 lần, 1000 lần, cho nên chúng sanh càng ăn thịt thì loài vật cũng sanh ra nhiều để trả quả. Phần nhiều những người ăn thịt chúng sanh là họ đang ăn thịt ông bà, cha mẹ, những người thân quyến thuộc của họ đang tái sanh làm kiếp súc sanh trả quả ăn thịt chúng sanh ngày xưa.

Đức Phật dạy: được làm thân người là đã vay một món nợ rất nặng. Một món nợ phải bằng trả mười, trả trăm”. Ví dụ, ta ăn một con cá mà phải tái sanh làm một trăm con cá, một trăm lần chết trên chảo dầu sôi nước bỏng, và bị cắt cổ nhổ lông vô số vô lượng lần, chừng nào trả hết quả của kiếp làm người, đã giết và ăn thịt chúng sanh thì mới được sinh làm người. Như vậy, thử hỏi trong một đời người, chúng ta đã giết và ăn thịt bao nhiêu chúng sanh? Số lượng cũng khó mà lường được, phải nói là quá nhiều, nhiều không thể đếm được. Như vậy, muốn làm người rất là khó, phải trả hết nợ máu xương này, rồi mới được đi tái sanh làm người trở lại.