Skip directly to content

ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ CÂU HỮU VỚI PHÁP HƯỚNG TÂM

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con ngồi kiết già 30' tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng tâm: Ly tham, sân, si, vô ngã, vô thường, bất tịnh. Tu như vậy thời gian bao lâu hết tham, sân, si?

Thân bị bệnh đau kinh niên hướng tâm xả thọ có hết đau không?

Đáp:Tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với pháp hướng xả tâm ly dục ly ác pháp, mà hỏi Thầy thời gian lâu mau thì các con nên tự hỏi mình tu hành con có quyết tâm xả, ly dục và ly ác pháp hay không. Còn thời gian tu tập lâu mau là do người tu tập có giữ gìn giới luật nghiêm túc hay không, chứ hỏi Thầy thì làm sao xác định đúng được. Các con mãi phạm giới ăn uống phi thời và phá giới hạnh độc cư thì làm sao xác định được thời gian.

Muốn tâm ly dục ly ác pháp nhanh chậm là còn tùy ở mức độ giữ gìn giới luật có nghiêm chỉnh hay không? Nếu có quyết tâm xả ly, từ bỏ dục và ác pháp thì giới luật là thước đo cho tu tập nhanh hay chậm và thời gian ngắn hay dài. Ngược lại, không có quyết tâm xả ly chỉ hướng tâm cũng giống như người niệm Phật tụng kinh cho hết thời công phu thì tu chẳng bao giờ xả ly được. Tu như vậy mất thì giờ vô ích, chẳng có kết quả gì, tâm nào tật nấy, không bao giờ thay đổi.

Khi có ý muốn tu tập xả tâm ly dục, ly ác pháp thì phải có quyết tâm xả bỏ. Ví dụ: Khi tâm khởi muốn ăn, thấy bụng đói mà chưa tới giờ ăn thì nhất định không ăn; đó là ly dục, đó là giữ giới, còn ăn là không ly dục, không giữ giới. Tâm khởi muốn nghe băng hoặc lấy kinh sách ra đọc thì nhất định không nghe băng, không đọc kinh; đó là ly dục, đó là giữ giới, còn nghe băng và đọc kinh là không ly dục, không giữ giới v.v.. Khi bị người khác chửi mắng mạ nhục mình, mà mình tức giận là không ly ác pháp, là không giữ giới; còn không tức giận mà biết thương người chửi mắng mình là ly dục, ly ác pháp, là giữ giới.

Dùng pháp hướng tâm là để pháp hướng tâm nhắc nhở tâm mình ly thì mình phải ly, nếu mình không ly mà nhắc nhở thì cũng như nước đổ trên lá sen, tu như vậy uổng công mà thôi.

Pháp hướng tâm chỉ giúp ta thấm nhuần lý giải thoát để không chấp nhận dục và ác pháp. Đã không chấp nhận thì quyết định xa lìa. Do quyết định xa lìa thì tu rất nhanh, còn tu lừng khừng, không quả quyết xa lìa thì tu chẳng có kết quả gì.

Thân bệnh đau, muốn hướng tâm xả thọ cho hết đau thì người ấy thấu suốt lý nhân quả, không sợ chết, không sợ đau bệnh thì pháp hướng tâm hỗ trợ, tâm người ấy không dao động và cảm thọ sẽ chấm dứt không còn đau khổ.

Còn người ấy sợ chết, sợ đau, hở ra một chút là cảm thấy đau khổ vô cùng, thì pháp hướng tâm không có hiệu quả, thọ không đẩy lui được, đầu óc suy nghĩ lăng xăng, tâm khởi đi bác sĩ này, đi bác sĩ khác, uống thuốc này, uống thuốc khác. Thì người ấy bệnh đau còn mãi mãi khó mà hết được.

Dùng pháp hướng mà tâm dao động như vậy thì pháp hướng không kết quả. Người dùng pháp hướng là người phải có ý chí, phải có nghị lực mạnh mẽ. Khi hướng tâm thì giống như lấy đinh đóng cột, nhất định là tâm không dao động, quyết chiến quyết thắng, có như vậy mới đẩy lui được bệnh khổ. Có như vậy, mới thấy pháp như lý tác ý của đức Phật rất mầu nhiệm mà trên đời này không có một pháp môn nào hơn được, một phương thuốc hay hơn được. Pháp như lý tác ý của đức Phật là một thần dược, nếu ai biết cách sử dụng.