Skip directly to content

TỤNG KINH GIỎI, THÔNG GIÁO LÝ

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một vị thầy nói: “Tôi tuy chưa ăn chay trường, nhưng tôi tụng kinh giỏi và thông thạo giáo lý, tâm tôi lúc nào cũng nghĩ đến Phật là tôi mãn nguyện”. Kính thưa Thầy, tụng kinh nhiều, thông giáo lý đại Thừa mà sống và ăn, uống, ngủ, nghỉ phi thời, không giống như Phật, có thông giáo lý và tụng kinh nhiều thì cũng như chửi Phật, mắng Phật chứ đâu cónghĩa lý gì phải không thưa Thầy?

Đáp: Đúng vậy, thời mạt pháp bọn tà sư ngoại đạo chỉ biết tụng đọc và thông suốt Tam tạng kinh điển mà chẳng thực hành tu tập, chỉ khéo lý luận bằng mồm mép, thậm chí ăn, uống, ngủ, nghỉ còn không thanh tịnh “Tôi tuy chưa ăn chay trường nhưng tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách”. Tụngkinh giỏi, thông thạo kinh sách để làm gì, khi sống chẳng có từ tâm, ăn thịt chúng sanh mà chẳng biết thương yêu, chẳng biết sự đau khổ của chúng sanh?

Tụng kinh giỏi, thông thạo Tam tạng kinh điển để làm gì mà sống phạm giới phi đạo đức như vậy thì có nghĩa lý gì là một tu sĩ đệ tử Phật.

Tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách để làm gì, để lừa đảo gạt người bằng ba tấc lưỡi (vọng ngữ, nói thiền, nói đạo, thuyết giảng kinh sách) mà mình sống chẳng ra gì, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo?

Tụng kinh giỏi, đó là thầy tụng hay là thợ tụng, chứ không phải là người tu theo đạo Phật, là đệ tử Phật chỉ biết ngăn ác diệt ác pháp, sống đời sống phạm hạnh; tìm sự bất động nơi tâm của mình; ngày đi xin ăn một bữa ăn, không ăn uống phi thời như kẻ phàm phu tục tử. Trên đây là kẻ hành nghề tụng kinh để kiếm ăn sinh sống.

Quý Phật tử hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Bà La Môn trong bốn đức tánh này, có thể bỏ qua một đức tánh nào, chỉ có ba đức tánh thôi, mà vẫn có thể gọi là Bà La Môn và có thể khi nói: “Tôi là Bà La Môn”, lời nói ấy là lời nói chân chánh, không phải là lời nói dối”.

- Tôn giả Gotama, có thể được Tôn giả Gotama, trong bốn đức này, chúng tôi có thể bỏ, phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Vệ đà... Thật vậy, phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Vệ đà làm được gì? Khi một bà La Môn có đức hạnh, đức độ cao dày, đầy đủ giới hạnh cao dày, vị ấy là người học rộng sáng suốt, là người đệ nhất hay đệ nhị trong những người cầm muỗng. Những đức tính này, những vị Bà La Môn phải đầy đủ mới được gọi là Bà La Môn và để có thể khi nói: “Tôi là Bà La Môn”, lời nói ấy là chân chánh, không phải là lời nói dối”.

Đọc đoạn kinh trên đây, quý vị nghĩ sao? Có cần tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách chăng?

Đức Phật đã không chấp nhận tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách phát triển của ngoại đạo. Đức Phật chỉ cần những đệ tử của Người phải giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh, nên Người dạy: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời”.

Thông thạo giáo lý, đó là thầy thuyết giảng, thầy nói pháp (pháp sư, giảng sư), chứ không phải là người tu sĩ đệ tử của đức Phật. Họ là những người buôn Phật bán pháp để tìm miếng sống, cho nên không giới luật nào mà họ không vi phạm.

Bởi vậy, người Phật tử phải đề cao cảnh giác, họ là trùng trong lông sư tử, họ là những người giết Phật giáo cũng như trùng trong lông sư tử sẽ giết sư tử chết. Phật giáo ngày nay mất là vì những tà sư ngoại đạo này.