22- KHÔNG SỞ HỮU
LỜI PHẬT DẠY “Ai quá, hiện, vị lai Không một sở hữu gì Không sở hữu, không nắm Ta gọi Bà La Môn”. (Kinh Pháp Cú Phẩm Bà La Môn).
CHÚ GIẢI:
Bốn câu kệ trên đây để xác định một vị tu sĩ Phật Giáo đúng Thánh hạnh mà ngày xưa Đức Phật thường xem mình như một Bà La Môn nghiêm trì giới luật không hề sai phạm.
Câu kệ thứ nhất dạy: “Ai quá, hiện, vị lai”. Có nghĩa là người tu sĩ nào trong ba thời gian quá khứ, vị lai và hiện tại sống không có của cải tài sản, sống không gia đình, không nhà cửa, đời sống luôn luôn thiểu dục tri túc, chỉ có ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Đó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật Giáo. Người sống đúng Phạm hạnh như vậy mới được gọi là Bà La Môn.
Vì thế câu kệ thứ hai đã xác định điều này: “Không một sở hữu gì ”. Cho nên người tu sĩ không có của cải tài sản, không có gia đình, không có nhà cửa thì không có sự ràng buộc, không bị dính mắc. Do không bị tài sản, của cải ràng buộc, dính mắc thì đó là giải thoát các bạn ạ! Giải thoát phần thô về vật chất. Nếu phần vật chất đã lìa xa thì phần nội tâm quét cũng không còn khó khăn. Hai phần này gom lại là tâm đã ly dục ly ác pháp. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Cho nên câu kệ thứ ba dạy: “Không sở hữu, không nắm”.
Người tu sĩ tu tập mà đạt được tâm bất động như vậy thì Đức Phật mới gọi là Bà La Môn. Một vị tu sĩ Bà La Môn mà được Đức Phật chấp nhận là phải có những tiêu chuẩn hẳn hoi như trên đã nói. Các bạn có nhận xét điều này không?
Bởi vậy trong thời đại này, nhìn các tu sĩ Phật Giáo trong các hệ phái khác nhau thì chúng ta biết rõ Phật Giáo đã bị chia chẻ tan nát. Chia chẻ từ hình thức ăn mặc cho đến tinh thần giáo pháp, nhất là Đại Thừa Phật Giáo tự vỗ ngực xưng mình có 84 ngàn pháp môn. Có 84 ngàn pháp môn, nếu ai chấp vào pháp môn nào thì có thể chia ra làm nhiều hệ phái khác nữa. Và như vậy Phật Giáo còn gì gọi là nhất quán, giáo lý của Phật chỉ là những pháp môn góp nhặt. Đó là nói lên sự suy yếu rất lớn của Phật Giáo.
Phật Giáo chỉ có một pháp môn duy nhất, đó là “Đạo Đế”.
Đạo Đế là một chân lý trong bốn chân lý bất di bất dịch của Đạo Phật, không ai có thể thay đổi được. Thế mà bây giờ lại có (84.000) tám bốn ngàn pháp môn thì các bạn nghĩ sao. Có đúng là pháp môn của Phật không?
Ngày xưa Đức Phật tu hành không có tham vọng như các Tổ ngày nay. Ngài tự thấy mình là một Bà La Môn, một Bà La Môn sống có đạo đức, không mê tín, không cúng bái, cầu siêu, cầu an, v.v... không lừa đảo người, trước mặt cũng như sau lưng, chỉ tu hành sống đúng Phạm hạnh, nhờ đó Ngài mới tìm thấy có sự giải thoát rõ ràng, cụ thể.
Cho nên trong kinh Pháp Cú, Ngài thường nhắc nhở các vị Tỳ Kheo nào sống đúng giới luật thì người ấy được gọi là Bà La Môn chân chánh, còn những vị nào sống không đúng giới luật, phá giới, phạm giới thì Đức Phật gọi là Bà La Môn ngoại đạo.
Trong thời gian hoằng hóa độ sanh, Đức Phật cũng tự cảm thấy mình là một Bà La Môn, nhưng một Bà La Môn sống trước mặt cũng như sau lưng mọi người không hề thiếu mười hai Đức Thánh hạnh này. Đó là:
Như Lai A La Hán Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhơn Sư Phật.
Thế Tôn.
Chúng tôi xin giải nghĩa của mười hai hiệu Đức Thánh này:
1- Như Lai: Dịch âm tiếng Phạn Tathàgata có nghĩa là vì theo con đường như thật đi tới mà thành Chánh Giác.
Như Lai cũng có nghĩa là bậc tu hành đã xong, không còn tái sinh trở lại cuộc đời này nữa tức là đã làm chủ sinh, tử và chấm dứt luân hồi.
Như Lai là một “Đức Thánh Không Đến Không Đi”.
2- A La Hán : Dịch âm tiếng Phạn Arahant. A La Hán đồng nghĩa với Ứng Cúng có nghĩa là giết giặc phiền não, bất sanh mãi mãi ở trong Niết bàn, xứng đáng nhận sự cúng dường của Trời Người. Tóm lại bậc A La Hán đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả, có đủ sáu pháp huyền diệu, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai. Danh hiệu này Đại Thừa cho là còn thấp kém chỉ là quả cao nhất của Tiểu Thừa.
A La Hán còn gọi là “Đức Thánh Vô Lậu”. Đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
3- Ứng Cúng: Dịch âm tiếng Phạn Arhat nghĩa là bậc đã xa lìa mọi điều ác, xứng đáng được hưởng thọ sự cúng dường của Người, Trời. Bậc đầy đủ phước báu không ai hơn.
Ứng Cúng là đức hạnh xa lìa những điều ác xứng đáng là nơi phước báu vô lượng để chúng sanh Trời Người cúng dường, nên gọi là “Đức Thánh Phước Điền”.
4- Chánh Biến Tri: Dịch âm tiếng Phạn Samyasambuddha nghĩa là chánh trí biết rõ mọi pháp như thật. Chánh biến tri còn có nghĩa là trí hiểu biết chân chánh không bị tà pháp, tà kiến, tưởng kiến, tà giáo lừa đảo, trí hiểu biết vượt ra khỏi sự hiểu biết trong khuôn khổ nề nếp phong tục, tập quán và các hệ tư tưởng của các tôn giáo trên thế gian này.
Chánh Biến Tri còn gọi là “Thánh Hạnh Liễu Tri”.
5- Minh Hạnh Túc: Dịch âm tiếng Phạn Vidyàcarana- sampana có nghĩa là bậc có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh.
Trí Tuệ gồm đủ có ba:
a) Ý thức tuệ b) Tưởng thức tuệ c) Tam minh tuệ.
Tam Minh Tuệ gồm có ba:
+ Vô thời gian tuệ + Vô không gian tuệ + Vô lậu tuệ.
Thánh đức gồm có bốn:
Đức từ, Đức bi, Đức hỷ, Đức xả .
Thánh hạnh gồm có năm hạnh:
Thắng hạnh, Chánh hạnh, Trực hạnh, Diệu hạnh, Tịnh hạnh.
6- Thiện Thệ: Dịch từ tiếng Phạn Sugata nghĩa là bậc đã tu tập hoàn thành con đường Bát Chánh Đạo, bậc đã làm xong các hạnh lành, không còn trở lui về ác pháp và cuộc đời này nữa.
Thiện Thệ còn gọi là “Thánh hạnh tự tại sinh tử”.
7- Thế Gian Giải: Dịch từ tiếng Phạn Lokavit: Có nghĩa là giải thích rõ các pháp trong thế gian, không còn pháp nào mà không giải thích được. Thế gian giải có nghĩa là bậc thông suốt tất cả các pháp thế gian. Bậc có thể hiểu rõ các lý và sự của loài hữu tình và vô tình.
Thế Gian Giải còn gọi là “Thánh hạnh giải thông suốt các pháp thế gian”.
8- Vô Thượng Sĩ: Dịch từ tiếng Phạn Anu Hara: Có nghĩa là bậc cao hơn hết trong các hàng chúng sanh. Một con người làm chủ tột đỉnh giải thoát, không còn có sự giải thoát nào cao hơn nữa.
Vô thượng sĩ còn gọi là “Thánh hạnh giải thoát cao nhất”.
9- Điều Ngự Trượng Phu : Dịch từ tiếng Phạn Purusa- danya-sàrathi: Có nghĩa là bậc điều khiển được mình và tất cả chúng sanh tức là bậc đã làm chủ được mình và tất cả các pháp, nói một cách dễ hiểu hơn là bậc tâm đã bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Điều Ngự Trượng Phu còn gọi là “Thánh hạnh nhiếp phục các pháp và các cảm thọ”.
10- Thiên Nhân Sư: Dịch theo tiếng Phạn Sàtàde- vanàsyànàm: Nghĩa là bậc Thầy của Trời, Người. Dạy cho Trời, Người những gì nên làm và những gì không nên làm.
Thiên Nhân Sư còn gọi là “Đức Thánh Thầy Trời, Người”.
11- Phật: Dịch âm chữ Buddha có nghĩa là bậc giải thoát hoàn toàn, bậc Giác Ngộ.
Phật còn gọi là “Đức Thánh Giác Ngộ”.
12- Thế Tôn: Dịch âm tiếng Phạn Bhagavat có nghĩa là bậc cao hơn hết trong cõi Trời, Người, được tất cả Trời, Người đều tôn kính quí trọng.
Thế Tôn còn gọi là “Đức Thánh tôn kính”.
Mười hai đức hạnh tối cao trên đây nếu người Tu sĩ nào làm được thì Đức Phật gọi người ấy là Bà La Môn.
Tóm lại bài kệ trên đây đã xác định một người Bà La Môn đúng tiêu chuẩn của Phật Giáo là không có một vật sở hữu nào cả suốt trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai thì mới đúng nghĩa:
“Ai quá, hiện, vị lai.
Không một sở hữu gì.
Không sở hữu, không nắm Ta gọi Bà La Môn”.
Đúng vậy, lúc nào cũng nhớ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và hạnh tri túc thì mới xứng đáng là Bà La Môn của Phật Giáo.
Đọc bài kệ này chúng ta mới biết Phật Giáo là do người sau lập thành tôn giáo lấy tên là Phật Giáo, còn riêng Đức Phật thì không có ý đó. Tại sao vậy?
Bởi Đạo Phật là đạo đức của con người trên hành tinh này, nó là chân lý của loài người, nên không thể xây dựng nó thành tôn giáo được, vì tôn giáo sẽ bị hạn cuộc trong một số người rất ít, chứ không được phổ cập rộng rãi khắp mọi người, mọi nơi. Và khi thành lập ra tôn giáo là sẽ chia chẻ con người, mà chia chẻ con người thì không còn là đạo đức. Hình thức chia chẻ là vì quyền lợi riêng tư cho cá nhân hay tập thể nhỏ. Cho nên các Tổ không hiểu điều này, vì quyền lợi riêng tư mà các Tổ đã làm một việc rất sai lầm, biến chân lý và đạo đức của loài người thành chân lý và đạo đức riêng tư của tôn giáo. Một bằng chứng rất hùng hồn, từ những tham vọng ấy, các Tổ đã chia nát Phật Giáo ra nhiều hệ phái, làm cho Phật Giáo suy yếu và mất gốc. Từ Phật Giáo của chung của nhân loại đã trở thành của riêng và còn của riêng nhiều vị Tổ nữa. Thật là đau lòng, phải không hỡi các bạn?
Riêng Đức Phật chỉ thấy mình là một Bà La Môn và cố gắng làm tốt hơn cho Bà La Môn Giáo, chứ không có mục đích thành lập tôn giáo riêng tư, chỉ vì người sau không hiểu ý Phật nên dựa vào 12 danh hiệu của Ngài mà đặt tên cho tôn giáo. Từ đó mới có tên là Phật Giáo.