10- XÁC ĐỊNH CÁC PHÁP TU TẬP
LỜI PHẬT DẠY 1- Nhất tâm là định 2- Bốn niệm xứ là định tưởng 3- Bốn tinh cần là định tư cụ 4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy 5- Thở vô và thở ra là thân hành 6- Tầm tứ là khẩu hành 7- Tưởng thọ là tâm hành. (Tăng Nhất A Hàm tập 3).
CHÚ GIẢI:
Trên đây là sự xác định rất rõ ràng của Đức Phật trong các pháp môn tu hành về thiền định phải tu pháp nào và tu tập như thế nào, nhất là Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy phải dùng thân hành nào trong thân để nhập các loại định và nhập định nào làm chủ được sanh tử luân hồi.
Vậy, muốn thấu hiểu rõ thì chúng ta phải thông hiểu từng câu, từng lời dạy của Đức Phật như dưới đây:
1- Nhất tâm là gì? Nhất tâm là “tâm ly dục ly ác pháp”, chứ không phải nhất tâm là tâm “không vọng tưởng, tâm không niệm thiện niệm ác”. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, cho nên Đức Phật gọi là “Bất Động Tâm Định”. Do vậy nên câu này Đức Phật dạy: “Nhất tâm là định”. Ở đây các bạn phải khéo hiểu, nếu hiểu không đúng nghĩa thì các bạn sẽ hiểu theo kiểu kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông. Hiểu theo kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông thì dù các bạn có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ có giải thoát.
2- Bốn Niệm Xứ là gì? Bốn Niệm Xứ là một phương pháp tu tập trên bốn chỗ của thân ngũ uẩn là: thân, thọ, tâm và pháp để đạt được ý thức ly dục ly bất thiện pháp, tức là ý thức không phóng dật (không khởi niệm).
Sao lại gọi: “Bốn Niệm Xứ là định tưởng”? Khi mới bước chân vào tu tập Bốn Niệm Xứ thì phải tu tập 16 loại tưởng. Nhờ tu tập 16 loại tưởng này nên tâm mới sinh ra nhàm chán các pháp thế gian vì thấu suốt lý các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, uế trược, do qui luật nhân quả duyên hợp tạo thành chẳng có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do ý nghĩa này mà Bốn Niệm Xứ là Định Tưởng. Các bạn nên hiểu: “Định Tưởng chứ không phải Tưởng Định ”.
3- Bốn Tinh Cần là gì? Bốn Tinh Cần là một tên khác của Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là một phương pháp tu tập dùng ý thức ngăn ác và diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Một pháp môn dùng cho mọi người tu tập lúc mới bắt đầu theo Đạo Phật. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà mọi người mới giữ gìn giới luật trọn vẹn. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà giới luật không bao giờ vi phạm.
Do tu tập Tứ Chánh Cần mà tâm hồn mới được thanh thản, an lạc và vô sự. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà cuộc sống gia đình mới được an vui và hạnh phúc. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà không còn nạn trộm cắp cướp giựt giết người, làm mất trật tự, an ninh. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà các tệ nạn xã hội không còn nữa, tạo nên một xã hội có trật tự, một đất nước phồn vinh, thịnh trị, v.v...
Sao lại gọi Bốn Tinh Cần là Định Tư Cụ? Bốn tinh cần là pháp môn tu tập làm cho giới luật thanh tịnh như trên chúng tôi đã nói. Vì giới luật thanh tịnh là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm định, nên Đức Phật dạy: “Giới sinh định”. Muốn có thiền định thì chỉ cần tu tập giới luật cho thanh tịnh. Giới luật thanh tịnh tức là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm ly dục ly ác pháp; tâm ly dục ly ác pháp thì ngay đó là thiền định, nên Đức Phật dạy: “ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”.
Đọc đến đây các bạn thấy rất rõ thiền định của Đạo Phật là thiền định từ giới luật sinh ra. Nó không giống bất cứ một loại thiền định nào của Đại Thừa và Thiền Tông.
Phải không các bạn?
Nếu các bạn tu tập thiền định mà loại thiền định đó không lấy giới luật làm tiêu chuẩn, sống không đúng Phạm hạnh, thường phạm giới, phá giới mà cứ bảo đó là thiền định của Phật Giáo thì các bạn đừng có tin.
Khi biết rõ pháp môn thiền định của Phật do từ giới luật sinh ra thì không ai còn đưa ra một pháp môn nào khác để lừa đảo chúng ta được nữa. Vì lý do này nên lời dạy trong bài kinh nói: “Bốn Tinh Cần Là Định Tư Cụ ”. Đúng vậy. Pháp môn tu tập thiền định của Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ có Định Tư Cụ (Tứ Chánh Cần), ngoài Tứ Chánh Cần ra thì không còn pháp môn nào khác nữa để tu tập thiền định đúng chánh pháp. Nếu có pháp môn nào khác nữa để tu tập thiền định thì chúng ta phải biết đó không phải là pháp môn của Phật Giáo, mà chính là pháp môn của ngoại đạo Bà La Môn.
4 - Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.
Chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Phật xác định những pháp môn Đức Phật đã dạy ở trên đây là những pháp môn tu tập thiền định của Đạo Phật. Vì vậy quán niệm hơi thở có đúng là pháp môn tu tập thiền định của Đạo Phật không? Không đúng đâu các bạn ạ, nó chỉ là một phương pháp tu tập tỉnh thức mà thôi, chứ nó không phải thiền định. Tu hơi thở không thể nhập định được, tu hơi thở là để an trú thân tâm. An trú thân tâm trong hơi thở là để đẩy lùi các chướng ngại pháp.
Quý Sư, Thầy hiện giờ dạy người tu tập thiền định bằng quán niệm hơi thở, quán phình xẹp cơ bụng (Minh Sát Tuệ), quán niệm Phật nhất tâm (Tịnh Độ), quán tri vọng (biết vọng liền buông), niệm chú bắt ấn (Mật Tông), tham công án, tham thoại đầu (Thiền Tông),v.v... Các bạn hãy xem các pháp trên đây có phải từ giới luật mà thành định không? Nếu không phải từ giới luật sinh ra định thì những pháp thiền định này là thiền tưởng, thiền của Bà La Môn, thiền của các nhà học giả nặn ra.
Tóm lại muốn tu tập thiền định của Phật Giáo là phải tu tập giới luật. Tu tập giới luật là có giải thoát ngay liền; tu tập giới luật là tu tập đạo đức làm Người, làm Thánh; tu tập giới luật là xây dựng cho mình một cảnh giới Cực lạc, Thiên đàng ngay tại thế gian; tu tập giới luật là tu tập giúp cho thân tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự; tu tập giới luật là tu tập tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, một trạng thái Niết bàn thật sự hiện tiền mà mọi người không ai ngờ được.
5 - Thở vô và thở ra là thân hành. Tại sao hơi thở ra, vô gọi là thân hành?
Hơi thở ra, vô là sự hoạt động tự động của thân để tạo thành sức sống của cơ thể để tiếp nhận dưỡng khí (gió) bên ngoài. Có thở mới có sống, hết thở là chết. Hơi thở là sự hoạt động của thân cũng giống như sự hoạt động đưa tay, đưa chân hay là chúng ta bước đi kinh hành. Về thân chúng ta có thể chia ra làm hai phần hoạt động:
a) Hoạt động bên trong thân gồm có: Hơi thở, đó là sự hoạt động về hô hấp (phổi) Mạch máu khắp châu thân đang chuyển tải máu đi, máu về. Đó là sự hoạt động về tuần hoàn (tim) gan, bao tử, ruột bộ óc và các tế bào đều đang hoạt động trong thân. Tất cả những sự hoạt động đó gọi là thân hành nội.
b) Thân hành ngoại gồm có: Đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi chân, nói nín, cúi, gật, v.v...
Cho nên sử dụng thân hành nội cũng như thân hành ngoại chỉ tu tập cho tâm được tỉnh thức mà thôi, chứ nó không phải thiền định gì cả. Nếu lấy hơi thở nhập định được thì đi kinh hành cũng nhập định được, hay làm tất cả các công việc cũng đều nhập định được sao? Điều này không thể xảy ra được. Do hiểu rõ điều này nên chúng tôi khẳng định: Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và tất cả các loại thiền định ức chế tâm đều không nhập chánh định được, chỉ nhập vào tưởng định, định điên khùng rối loạn thần kinh.
Tóm lại hơi thở ra, vô chỉ là một thân hành trong nhiều thân hành. Vì trong thân có rất nhiều hành động mà Đạo Phật lấy đó làm niệm để tu tập tỉnh thức gọi là Thân Hành Niệm. Người tu nương vào thân hành niệm là mục đích để tu tập tỉnh giác mà thôi. Đừng nghĩ rằng: quán niệm hơi thở theo Sổ Tức Quán của Đại Thừa hay Lục Diệu Pháp môn của Ngài Trí Khải Đại Sư (sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh), tu tập như vậy là để nhập định. Đó là quan niệm sai lầm, không đúng pháp môn của Phật dạy.
Sao các Tổ tự đặt ra nhiều pháp môn quá vậy để làm gì trong khi mọi người tu tập chỉ tìm cầu sự thoát khổ: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, chứ không cầu thần thông, không cầu vãng sanh Cực lạc, không cầu Phật tánh, bản thể chân như vô phân biệt? Chính vì các Tổ sản sinh thần quyền và thêu dệt thần thông huyễn hoặc quá nhiều.
Các Tổ dựa vào hơi thở Yoga sinh ra lắm thiền định, khiến người tu hành điên đảo chẳng biết tu pháp nào, họ như lọt vào rừng hơi thở.
6- Tầm, tứ là khẩu hành. Có nghĩa là gì? Câu này Đức Phật xác định để chúng ta nhận xét khi nhập Nhị Thiền để thấy và hiểu biết cho rõ ràng.
Khi nhập Nhị Thiền tầm tứ diệt. Tầm tứ là ý thức, thuộc trong nhóm sáu thức: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Khi tầm tứ diệt thì mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý đều diệt. Sao ở đây Đức Phật dạy: “Tầm tứ là khẩu hành ”? Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Sự hoạt động của miệng có hai phần:
a) Ăn b) Nói Khi nhập Nhị Thiền thì miệng không còn ăn và nói chuyện. Nếu còn ăn và nói chuyện là không nhập Nhị Thiền. Hiển nhiên đúng như vậy các bạn ạ!
Cho nên câu nói: “Tầm, tứ là khẩu hành” là để chúng ta biết rõ khi nhập Nhị Thiền là không nói chuyện, không ăn uống được, có nghĩa là miệng không còn hoạt động. Do từ chỗ Tầm tứ diệt là khẩu hành diệt ta suy ra và biết ngay tầm tứ diệt là sáu thức diệt, có nghĩa là khi nhập Nhị Thiền thì người nhập định không phải giống như cây đá vô tri, vô giác, không phải giống như thây ma người chết.
Khi nhập Nhị Thiền Đức Phật còn xác định rõ ràng:
“Định sinh hỷ lạc ”. Vậy, cái gì còn biết hỷ lạc khi sáu thức bị ngưng hoạt động. Cái biết trong Nhị Thiền là cái biết của tưởng thức. Tưởng thức biết là nhờ thức uẩn hoạt động.
Thưa các bạn! Khi các bạn ngủ thì sáu thức không hoạt động nên bạn mới có chiêm bao. Trong chiêm bao cái gì biết, nghe, thấy và cảm nhận, các bạn có biết không? Đó là tưởng thức các bạn ạ!
Nhập Nhị Thiền, nói cho dễ hiểu là nhập vào thế giới chiêm bao. Thế giới chiêm bao là thế giới tưởng. Cho nên nhập Nhị Thiền là nhập vào trạng thái của tưởng căn (nhóm tế bào tưởng) do tưởng uẩn hoạt động.
Tóm lại “Tầm, tứ là khẩu hành”, là chỉ cho trạng thái Nhị Thiền cần phải diệt.
7- Tưởng, thọ là tâm hành. Vậy tưởng, thọ là tâm hành là gì? Tưởng là tưởng uẩn; thọ là thọ uẩn. Khi tưởng uẩn và thọ uẩn còn hoạt động thì không bao giờ nhập diệt thọ tưởng định được. Ở đây Đức Phật nêu: “Tưởng, thọ là tâm hành” để nhắc khéo cho chúng ta biết khi nhập Tam Thiền thì phải ly tưởng dục (ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền), nếu còn một chút xíu tưởng hỷ dục thì không bao giờ nhập Tam Thiền được. Khi nhập Tứ Thiền thì phải xả hết cảm thọ, còn một chút cảm thọ nơi thân tâm thì không nhập được Tứ Thiền.
Ở đây chúng tôi xin nhắc lại các bạn cần lưu ý: Khi muốn nhập Sơ Thiền thì các bạn cần ly dục, ly ác pháp. Muốn ly dục ly ác pháp thì các bạn cần phải tịnh chỉ ngôn ngữ (lời nói) tức là sống độc cư trầm lặng một mình mà tâm không phóng dật thì mới có thể nhập được Sơ Thiền. Khi tâm không phóng dật là tâm bất động. Tâm bất động là tâm có đầy đủ bảy năng lực Giác Chi, do đó mới nhập được Sơ Thiền.
Khi muốn nhập Nhị Thiền thì các bạn phải diệt tầm tứ.
Muốn diệt tầm tứ thì các bạn phải tịnh chỉ khẩu hành.
Muốn tịnh chỉ khẩu hành thì phải có đủ bảy năng lực Giác Chi, nếu không có đủ bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ tịnh chỉ khẩu hành được. Và như vậy các bạn cũng không bao giờ nhập Nhị Thiền được.
Khi muốn nhập Tam Thiền thì các bạn phải ly các trạng thái hỷ tưởng. Ly các trạng thái hỷ tưởng tức là tịnh chỉ mộng tưởng, có nghĩa là người nhập Tam Thiền thì thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng. Muốn thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng thì phải dùng bảy năng lực của Giác Chi, nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ ly hỷ được.
Khi muốn nhập Tứ Thiền thì phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là xả thọ. Muốn xả thọ thì phải tịnh chỉ hơi thở ra, hơi thở vô. Muốn tịnh chỉ hơi thở ra, hơi thở vô thì phải có đủ bảy năng lực của Giác Chi, nếu không có đủ bảy năng lực Giác Chi thì khó mà nhập được Tứ Thiền.
Khi muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì phải có đủ bảy năng lực Giác Chi mới nhập Diệt Thọ Tưởng, nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ nhập Diệt Thọ Tưởng được.
Tóm lại bảy lời dạy trên đây của Đức Phật là chỉ thẳng mục đích tu tập từ con người phàm phu để trở thành những bậc Thánh nhân A La Hán vô lậu, làm chủ sự sống chết hoàn toàn và chấm dứt luân hồi, không còn trở lui trạng thái này nữa.