12- KHI NÀO NGỒI KIẾT GIÀ TU TẬP
LỜI PHẬT DẠY
“Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này.
Lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm.
Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt.
Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gọt rửa tâm hết dục tham.
Vị ấy từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gọt rửa tâm hết sân hận.
Vị ấy từ bỏ hôn trầm thùy miên, sống thoát ly hôn trầm thùy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gọt rửa tâm hết hôn trầm thùy miên.
Vị ấy từ bỏ trạo cử, hối quá, sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gọt rửa tâm hết trạo cử, hối quá.
Vị ấy từ bỏ nghi ngờ, sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân, lưỡng lự, gọt rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp ”.
(Kinh Trung Bộ, tập 2, trang 24).
CHÚ GIẢI:
Đọc hết đoạn kinh này, chúng ta thấy sự tu tập được chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn tu thứ nhất, chia làm ba pháp tu tập:
1- Thánh giới uẩn 2- Thánh hộ trì các căn 3- Thánh chánh niệm tỉnh giác Trong ba pháp này tu tập như thế nào? Trước tiên chúng ta phải tu tập Thánh giới uẩn. Vậy Thánh giới uẩn là gì?
- Thánh giới uẩn là giới luật. Vì phải tu tập Thánh giới uẩn, do đó Đức Phật khuyên bảo: “Phải hành trì học giới và hạnh sống các vị Tỳ Kheo”. Ở lời dạy này chúng ta nên lưu ý: “Hành trì học giới và hạnh sống”. Hành trì học giới nghĩa là gì? Là một hành giả tu theo Phật Giáo thì phải thông hiểu giới luật. Muốn thông hiểu giới luật thì phải học giới luật. Đây là bài kinh giới xin các bạn nên học cho thuộc để biết hành trì cho đúng. Trong mỗi giới luật đều chia làm bốn phần:
1- Giới cấm 2- Giới hạnh 3- Giới đức 4- Giới hành 1 - Giới cấm nghĩa là gì? Giới cấm là một điều luật bắt buộc mỗi tín đồ không được vi phạm, nếu ai vi phạm thì không được chấp nhận là tín đồ Phật Giáo nữa. Giới cấm giống như pháp luật trong một nước, mà mỗi công dân trong nước đó phải chấp hành, tuân thủ, không được vi phạm, nếu ai vi phạm thì sẽ bị toà án kết tội, nặng nhẹ tùy theo bộ luật đã qui định.
2 - Giới hạnh là gì? Giới hạnh là những hành động không vi phạm giới luật, là những hành động cao quý không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, là những hành động ôn tồn nhã nhặn, khiêm hạ, từ tốn, dịu dàng, an ủi, xoa dịu những vết thương của mọi người và tất cả chúng sanh, là những hành động không làm trái với lương tâm của mình, v.v...
3 - Giới đức là gì? Giới đức là đức từ, đức bi, đức hỷ, đức xả, đức nhẫn nhục, đức tùy thuận, đức bằng lòng, đức hiếu sinh, đức buông xả, đức ly tham, đức ly dục, v.v...
Trong bài kinh giới này gồm có nhiều giới cấm:
Như giới thứ nhất. Cấm sát sanh có nghĩa là không được giết hại chúng sanh, từ con người cho đến những loài vật nhỏ bé, nói chung là không được giết hại con vật nào cả.
Giết hại một con vật chết thì không thể nào tránh khỏi quả báo bị giết hại trở lại. Ví dụ một người ăn thịt chúng sanh, bị ghép vào hai tội. Tội thứ nhất là tội giết mạng sống; tội thứ hai là tội chiếm hữu mạng sống. Căn cứ theo luật nhân quả thì người ăn thịt chúng sanh sẽ bị giết hại và bị ăn thịt trở lại.
Nếu liệt kê tất cả các giới ra đây thì trở thành bộ kinh giới, nên xin các bạn vui lòng nghiên cứu Mười Giới Đức Thánh Sa Di, Một Trăm Hai Mươi Giới Đức Thánh Tăng, Ni thì sẽ rõ, còn ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một số giới (của tu sinh) tượng trưng để sau này các bạn nghiên cứu bộ giới mới sẽ hiểu biết đầy đủ hơn:
Không tham lam trộm cắp Không dâm dục Không nói láo Không nói hai chiều Không nói lời hung ác Không nói lời phù phiếm Không làm hại hạt giống Không làm hại cây cỏ Ăn ngày một bữa Không ăn uống phi thời Không ăn ban đêm Không đi xem múa hát Không trang sức vòng hoa hương liệu Không nằm giường cao rộng lớn Không nhận bạc tiền vàng ngọc của cải Không nhận các hạt giống Không nhận thịt Không nhận đàn bà con gái Không nhận nô tỳ trai hay gái Không nhận cừu dê bò Không nhận gia cầm, heo gà Không nhận voi ngựa Không nhận ruộng vườn đất đai Không làm môi giới Không buôn bán Không gian lận bằng cân, đo, đong, thiếu Không ăn hối lộ Không làm tổn hại gây thương tích chúng sanh Ít muốn, biết đủ.v.v… 4 - Giới hành là gì? Giới hành là những pháp môn thực hành để tâm ly dục ly ác pháp, để sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai, để tâm thanh thản an lạc và vô sự, để tâm không phóng dật, để tâm vô lậu, để tâm có đủ Tứ Như Ý Túc, để tâm có đủ Tam Minh.
Các giới hành gồm có: Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Như Ý Túc, Thất Giác Chi, Ngũ Căn, Ngũ Lực. Như vậy tất cả pháp trên đây được gọi là 37 phẩm trợ đạo.
Trên đây là Thánh giới uẩn, một người tu hành để tìm cầu sự giải thoát mà không thành tựu Thánh giới uẩn này thì con đường giải thoát không bao giờ tìm thấy được. Cho nên Đức Phật dạy: “Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này ”.
Thành tựu Thánh giới uẩn là thành tựu phần một trong giai đoạn tu tập thứ nhất mà người tu sĩ cần phải nhiếp phục tâm mình và giữ gìn trọn vẹn những Thánh giới này.
Về phần thứ hai trong giai đoạn một là phần Thánh hộ trì các căn mà các bạn đã được học và tu tập trong tập II và tập III Những Lời Phật Dạy (sẽ trích lục ở những phần tiếp theo). Vậy phần này chúng tôi không cần giảng dạy trở lại. Nhưng các bạn phải nhớ lời dạy của Phật: “Thành tựu Thánh hộ trì các căn này”. Muốn tu tập làm chủ sanh tử luân hồi mà không thành tựu Thánh hộ trì các căn này thì chẳng bao giờ nếm được mùi vị giải thoát.
Khi đã thành tựu được phần thứ hai thì tiếp tục tu tập phần thứ ba trong giai đoạn một. Phần thứ ba này không kém phần quan trọng như hai phần trên. Nếu không tập chánh niệm tỉnh giác thì sức tỉnh thức không có. Sức tỉnh thức không có thì si mê sẽ hiện rõ qua những trạng thái thuỳ miên, hôn trầm, hôn tịch, vô ký, ngoan không, v.v...
Bởi vậy người tu sĩ phải tu tập nhiều về Chánh niệm tỉnh giác, như Đức Phật đã dạy: “Thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này”. Chỉ khi nào thành tựu Chánh niệm tỉnh giác tức là chúng ta không còn ngủ nghỉ phi thời, không còn hôn trầm thùy miên tấn công thì chúng ta mới tu tập xong giai đoạn một. Tu tập như vậy mới có căn bản, mới có kết quả hiện thực tốt đẹp, mới có niềm tin sâu về Phật pháp, mới thấy Phật pháp không dối người.
Tu tập xong giai đoạn thứ nhất, chúng ta mới bắt đầu tu tập giai đoạn hai. Bước qua tu tập ở giai đoạn hai, trước tiên chúng ta nên tìm một nơi cho xứng hợp với pháp môn tu tập trong giai đoạn này. Nơi xứng hợp để tu tập ở giai đoạn hai là nơi như thế nào? Chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm, v.v ...”. Như vậy rõ ràng Phật dạy chúng ta tìm nơi vắng vẻ yên tịnh để tu tập giai đoạn hai mới có kết quả. Vậy nơi chốn chúng ta đã tìm được rồi thì đây là thuận duyên còn nếu nghịch duyên thì chúng ta phải làm sao?
Thưa các bạn! Nếu chưa có nơi thanh tịnh vắng lặng để tu tập ở giai đoạn hai thì chúng ta nên tu tập trở lại ở giai đoạn một cho thấm nhuần giới luật, đức hạnh hiện bày, cho phòng hộ sáu căn miên mật hơn và cho chánh niệm tỉnh giác cao hơn nữa.
Nếu vị trí thanh tịnh để tu tập chưa có mà vội vàng tu thì tu cũng chẳng có kết quả gì. Vì thế Đức Phật dạy: “Lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm, v.v...”.
Đó là nơi lý tưởng tu tập ở giai đoạn hai. Là một tu sĩ đệ tử của Đức Phật, khi Đức Phật dạy như vậy thì chúng ta hãy tin tưởng và làm theo cho đúng lời dạy này.
Đọc đoạn kinh trên chúng ta quan sát thấy rất rõ Đức Phật dạy tu tập từng giai đoạn một, giai đoạn này tu xong mới tu tập đến giai đoạn khác.
Sau khi tìm được vị trí thanh vắng, yên tịnh, nhưng chúng ta cũng chưa vội tu, mà hãy theo lời Đức Phật dạy là phải xin cơm ăn cho no bụng. Khi ăn xong rồi mới vào vị trí thanh vắng đó, bắt đầu tu tập. Còn nếu chưa ăn cơm xong mà vội tu tập thì bụng đói sẽ khó tu tập. Vì thế Đức Phật dạy: “Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt” nghĩa là đi khất thực rồi đến một nơi nào đó ăn cơm.
Sau khi ăn cơm xong ta nên nghỉ ngơi một chút cho tiêu hóa cơm và thực phẩm, khoảng độ 30 phút hoặc một giờ thì chúng ta mới đến vị trí thanh vắng để tu tập.
Bài pháp này Đức Phật dạy chúng ta tu tập rất rõ ràng từng chi tiết. Bắt đầu khởi sự tu tập thì phải thực hiện cho bằng được “Thánh giới uẩn”. Khi giới luật được nghiêm trì, không còn vi phạm thì tiếp tục tu tập “Hộ trì các căn”.
Khi hộ trì các căn nghiêm chỉnh, các căn không còn dính mắc các trần thì tiếp tục tu tập cho bằng được “Chánh Niệm Tỉnh Giác” để phá sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký.
Xin các bạn lưu ý ba pháp trên đây và tu tập cho đúng bài bản thì kết quả giải thoát không thể lường được. Đó là một nền tảng tu tập vững chắc bảo đảm sự giải thoát sẽ đến với các bạn ngay liền, ở trong tầm tay các bạn. Trong sự tu tập các bạn nên nhớ là phải thiện xảo, linh động uyển chuyển khéo léo thay đổi pháp theo từng tâm niệm của mình. Cố định pháp, cố định giờ giấc thành ra tu tập ức chế. Đạo Phật dạy chúng ta chế ngự thân tâm, chứ không phải ức chế thân tâm. Chế ngự thân tâm chắc các bạn rõ chứ!
Sau khi thành tựu những pháp này rồi, mới bắt đầu tìm nơi thanh vắng yên tịnh tức là nhập thất tu hành ở giai đoạn thứ hai. Ở giai đoạn thứ hai “Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt”. Ở giai đoạn này có ba việc cần làm:
- Ăn cơm xong tức là giờ trưa (giờ ngọ), khoảng 12 giờ và nghỉ trưa 30 phút, tắm giặt 30 phút nữa tức là 1 giờ. Đúng 1 giờ bắt đầu tu tập. Vậy vào giờ này tu tập cái gì? Theo như lời Phật dạy: “Vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên” nghĩa là chúng ta phải tập luyện ngồi tréo chân kiết già và giữ lưng thẳng cho được, tại nơi thanh vắng yên tịnh đã chọn trước.
- Thưa các bạn! Đây là giai đoạn thứ hai của sự tu tập, các bạn nên nhớ kỹ: thứ nhất là tập ngồi kiết già, lưng thẳng.
Đó cũng là một phương pháp tu tập để giữ gìn thân bất động trong tư thế tỉnh thức. Ở giai đoạn tu tập này các bạn nên khép chặt thân bạn trong tư thế ngồi kiết già thì mới dễ nhiếp tâm an trú trong chánh niệm tỉnh giác. Nếu các bạn quá dễ dãi không khép chặt thân trong tư thế ngồi kiết già này thì các bạn khó mà an trú tâm.
Cần phải tập ngồi vững vàng từ 5 phút đến 30 phút. Trong khi vừa tập ngồi kiết già vừa nhiếp tâm an trú chánh niệm trước mặt mình, như Đức Phật đã dạy: “Và an trú chánh niệm trước mặt ”. Như vậy chánh niệm trước mặt là niệm gì? Có phải là niệm hơi thở vô, hơi thở ra không?
- Thưa các bạn! Không phải niệm hơi thở vô, hơi thở ra mà là niệm từ bỏ tâm dục tham ở đời, sống thoát ly dục tham, gọt rửa tâm hết dục tham các bạn ạ! Các bạn có tin lời chúng tôi nói này không? Nếu không tin thì các bạn hãy nghe Đức Phật dạy: “Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gọt rửa tâm hết dục tham”. Như vậy rõ ràng Đức Phật dạy chúng ta đặt chánh niệm tỉnh thức là niệm từ bỏ, thoát ly, gọt rửa dục tham. Niệm tu tập như vậy không giống như kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông chút nào. Phải không các bạn?
Các bạn nên lưu ý ở chỗ chánh niệm đặt trước mặt mà Đức Phật đã dạy đó là “niệm từ bỏ dục tham, niệm thoát ly dục tham, niệm gọt rửa hết dục tham”. Ba niệm này là ba pháp được đặt trước mặt bạn quán xét để bạn từ bỏ, thoát ly và gọt rửa tâm dục tham của bạn. Khi tâm tham dục hết là bạn được giải thoát.
Con đường tu hành theo Phật Giáo thật là đơn giản chỉ có tìm chỗ thanh vắng, ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú chánh niệm từ bỏ, chánh niệm thoát ly và chánh niệm gọt rửa tâm dục tham của bạn. Chỉ có bấy nhiêu đấy thôi mà quý bạn sẽ thấy một cuộc đời giải thoát, một bầu trời an lạc hạnh phúc tuyệt vời mà người thế tục không thể nào ngờ được, không thể nào hưởng được.
Ôi! Được sinh làm người là khó, gặp được chánh Phật pháp còn khó hơn. Thế mà được làm người, được gặp chánh Phật pháp, chúng ta lại không tu tập thì quá uổng phí một đời người. Phải không hỡi các bạn? Chúng tôi phải thành thật tiếc thay cho các bạn đấy! Các bạn có biết không? Chúng tôi cũng từ pháp này tu tập sáu tháng làm chủ sinh, già, bệnh, chết.
Khi các bạn tu tập đã từ bỏ, thoát ly và gọt rửa tâm dục tham của bạn xong thì các bạn lại tiếp tục đặt những niệm khác như: từ bỏ tâm sân hận, sống với tâm không sân hận, gọt rửa tâm hết sân hận và luôn luôn khởi lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh loài hữu tình. Có tu tập như vậy mới đúng theo lời Đức Phật đã dạy: “Vị ấy từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, vị ấy sống lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, vị ấy, gọt rửa tâm hết sân hận”.
Khi các bạn tu tập từ bỏ tâm sân hận, sống với tâm không sân hận, gọt rửa tâm hết sân hận và sống với lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh loài hữu tình xong thì các bạn lại tiếp tục tu tập quét sạch hôn trầm thùy miên, theo như lời Đức Phật đã dạy: “Vị ấy từ bỏ hôn trầm thùy miên, sống thoát ly hôn trầm thùy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gọt rửa tâm hết hôn trầm thùy miên”. Các bạn cứ theo lời dạy này mà đặt niệm hôn trầm thùy miên trước mặt mà tác ý tu tập thì sẽ không còn thùy miên và hôn trầm nữa.
Tất cả các bạn về tu viện Chơn Như tu tập, hầu hết các bạn đều bị hôn trầm thùy miên tấn công dữ dội, cuối cùng các bạn đều là những người lính chiến bại ở mặt trận này.
Các bạn có biết tại sao các bạn thất trận không? Các bạn thất trận là vì các bạn không theo lời Phật dạy tu tập đúng cách xả tâm.
Khi tu tập phá dẹp hôn trầm thùy miên đã không còn nữa thì các bạn tiếp tục tu tập từ bỏ trạo cử, hối quá theo như lời Đức Phật đã dạy: “Vị ấy từ bỏ trạo cử, hối quá, sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gọt rửa tâm hết trạo cử, hối quá”. Cứ theo lời dạy này mà đặt niệm trạo cử, hối quá dùng pháp như lý tác ý mà quét cho sạch trạo cử hối quá.
Khi tu tập phá dẹp trạo cử, hối quá đã không còn nữa thì các bạn tiếp tục tu tập từ bỏ nghi ngờ theo như lời Đức Phật đã dạy: “Vị ấy từ bỏ nghi ngờ, sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân, lưỡng lự, gọt rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp”.
Trên đây là phương pháp tu tập để dẹp sạch và đoạn dứt năm triền cái. Khi dứt sạch năm triền cái thì các bạn đã chứng đạo quả giải thoát không còn nghi ngờ gì nữa. Các bạn hãy nên theo thứ lớp tuần tự các pháp trên đây mà tu tập cho kỹ lưỡng, đừng tu tập vội vàng; không tu tập thì thôi mà đã tu tập thì phải tu tập cho có chất lượng, cho có căn bản, chứ đừng tu tập lấy có, vừa uổng công sức vừa phí uổng cuộc đời; mang tiếng đi tu mà chẳng làm chủ sanh, già, bệnh, chết và không chấm dứt tái sanh luân hồi thì rất nhục nhã, cũng giống như các thầy Đại Thừa và Thiền Tông vậy.