NGUYÊN NHÂN CỦA CHỨNG BUỒN NGỦ
Người tu hành muốn vượt qua năm thứ si thiền này thì phải hết sức tận dụng khả năng để xả bỏ nó. Nếu thấy mỏi mệt mà lo đi ngủ ngay là sai, nếu ngồi thiền mà rơi vào trạng thái ngoan không là tu sai pháp. Phải phá nó đi, đừng cho nó nhập vào thân ta. Vì ngủ cũng có vô lượng hình thức và trạng thái ngủ khác nhau, nên cũng phải có vô lượng pháp để xả ngủ.
Đi tàu, đi xe bị say sóng, gió, cảm thấy ngây ngây, như ngủ.
Bị cảm gió, thân lừ đừ, nóng, lạnh, v..v... và tất cả những bệnh khác đều có thể làm cho cơ thể uể oải khó chịu.
Cơ thể lờ đờ, tu sai cũng buồn ngủ. Thí dụ khả năng ta tu tập quán sổ tức chỉ có thể đếm độ 1000 hơi, mà bây giờ ta ráng lên đến 1500 hay 2000 hơi, quá sức của nó thì làm sao không buồn ngủ?
Khi trụ tâm không đúng chỗ cũng buồn ngủ.
Làm việc quá sức, mệt mỏi cũng buồn ngủ.
Sống cô độc, cờ bạc, rượu chè sanh ra buồn ngủ.
Trai gái dục lạc quá độ cũng sanh ra buồn ngủ.
Vậy muốn xả vô lượng tâm ngủ thì phải làm sao? Muốn xả vô lượng tâm ngủ phải tùy theo tình trạng cơ thể mà tu tập hoặc chữa trị. Phải hết sức thận trọng trong việc trau dồi tâm này:
1/. Phải biết buồn ngủ trong thân là loại nào.
2/. Tùy theo bệnh trạng buồn ngủ mà dùng thuốc thang để trị.
3/. Cương quyết, mạnh mẽ dứt bỏ những thói quen xấu, những trò chơi không lành mạnh, có hại cho cơ thể (cờ bạc, rượu chè, vui chơi thâu đêm sáng hôm sau mệt mỏi ngủ gà ngủ gật).
4/. Phải rèn luyện nghị lực, chiến thắng những trạng thái lười biếng.
5/. Lấy nước súc miệng, rửa mặt, hoặc tắm nước lạnh. Phải có biện pháp mạnh để đối trị chứng lười biếng, ham ngủ. (Lười biếng phải lấy roi mà quất cho đau, lấy dao mà rạch, lấy muối mà xát vào vết thương).
6/. Ngồi chỗ nguy hiểm để cho tâm sợ chết mà không dám buồn ngủ (ngồi trên chảng ba cây cao, ngồi trên tảng đá cheo leo, sơ sẩy là rớt xuống vực sâu).
7/. Đọc kinh sách, tìm hiểu nghĩa lý trong kinh cũng là một cách dứt phá buồn ngủ.
8/. Ngồi quán xét, tìm xem chứng buồn ngủ từ đâu mà đến, khiến tay chân ta bần thần lười biếng như thế này. Quán xét một lúc thì cơn buồn ngủ tan đi.
9/. Xem sao trên trời (nếu người thích thiên văn), tìm lý do diễn biến của vũ trụ.
10/. Đem một số truyện hình ra xem.
11/. Đi kinh hành cho nhiều sẽ không buồn ngủ (tu tập tỉnh thức).
12/. Tu vô lậu, quán xét vô thường, khổ, không, vô ngã trong thân ta (tu tập Định Vô Lậu, Chánh Niệm Tỉnh Thức).
13/. Đi kinh hành trau dồi lòng từ tâm của mình dưới bước chân đi, tránh giẫm đạp chúng sanh. Thí dụ ban đêm đi kinh hành ta không nhìn thấy chúng sanh, khó mà tránh được. Vậy ta phải nhắc: "Ban đêm tôi đi kinh hành, không thấy chúng sanh. Xin tránh cho tôi đi." Hoặc là câu "Tất cả các chúng sanh ở dưới chân tôi, hãy tránh cho tôi đi." Và cảm ứng đạo giao nan tư nghì, khi chúng ta đi đến đâu thì các chúng sanh sẽ tránh cho chúng ta đi. Như vậy ta vừa trau dồi tâm từ, vừa đối trị chứng buồn ngủ lúc đêm khuya thanh vắng.
14/. Dùng như lý tác ý: "Cái ngủ này vốn không có trong thân tứ đại này, chỉ do ngu si, mê muội, lười biếng, thiếu tinh tấn nên mới thọ sanh." Ngồi kiết già lưng thẳng, quán chiếu để thấy cái ngủ này do đâu mà có. Khi tác ý thì phải như truyền lệnh, dùng hết tâm lực của tinh thần, mạnh dạn làm cho cơn ngủ mau lui bước. Khi đối trị với buồn ngủ thì phải sáng suốt thông minh, nếu không thì chứng buồn ngủ càng tăng, và ta càng vất vả hơn khi chống trả lại nó.
Tu hành theo đạo Phật là phải siêng năng, bền chí, kinh hành nhiều (Đức Phật ngày xưa đã kinh hành rất nhiều về đêm, và Ngài ngủ rất ít).
Luôn trau dồi xả tâm ngủ dưới chân mình bằng pháp hướng tâm như lý tác ý: "Buồn ngủ, phải lui đi! Lười biếng, phải lui đi!".
Đó là những câu ám thị ngắn mà ta áp dụng khi buồn ngủ và ta đi kinh hành thì sẽ rất tỉnh táo: "Cơn mơ mơ, say say, hãy lui đi! Thân tâm phải tỉnh táo." Nhắc nhiều lần như vậy trong khi đi, giống như ra lệnh, một lúc sau thì ta hết hôn trầm, thùy miên.
Bấy lâu nay chúng ta khổ sở vì chứng hôn trầm mà không có cách, không có người hướng dẫn để tu tập. Trong giáo án này Thầy đưa kinh nghiệm của bản thân Thầy để giúp cho quý thầy và các Phật tử nương vào đó làm pháp mà tu tập. Nếu tu không có kết quả là tu tập sai, dùng pháp hướng sai. Nếu theo đúng pháp hành của nó quý vị sẽ thấy hiệu quả tức thì, tất cả hôn trầm, thùy miên đều lui dần, tâm của quý vị sẽ được thanh thản, an lạc, rất tỉnh táo.
Sau đây chúng ta thử xét xem chứng hôn trầm do đâu mà có, và làm thế nào để phá hôn trầm.