Skip directly to content

NHỮNG NGƯỜI MÙ

 

LỜI PHẬT DẠY

“Này Magandiya, các du sĩ mù lòa, không có mắt, không biết không bệnh, không thấy Niết Bàn nhưng nói lên câu kệ:

Không bệnh lợi tối thắng

Niết Bàn lạc tối thắng”.

(Kinh Trung Bộ tập II trang 369,
kinh Magandiya)

 

CHÚ GIẢI:

Đọc đoạn kinh trên đây các bạn so sánh và xét qua những kinh sách của các nhà học giả tưởng giải giống như những người mù, có mắt mà không thấy, không biết Niết Bàn như thế nào mà dám bảo:

“Không bệnh lợi tối thắng

Niết Bàn lạc tối thắng”.

Không biết làm chủ bệnh, mà nói không bệnh là lợi tối thắng, không biết Niết Bàn như thế nào mà nói Niết Bàn lạc tối thắng, thật ra là con chim học nói tiếng người. Thậm chí họ còn xác quyết: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo, còn ngoài ra là sai lầm”. Kinh sách ảo tưởng thường tự ca ngợi những loại kinh đó là một kinh đệ nhất pháp. Nhưng xét cho cùng mục đích cứu cánh và những phương pháp tu hành của nó đều mơ hồ ảo tưởng chỉ khéo lý luận trườn ưốn như con lươn, phần đông là để lừa đảo những người tu chưa chứng. Pháp hành thường là pháp ức chế tâm, nên tâm tham, sân, si không bao giờ hết, thường rơi vào các tưởng định nên tâm ngã mạn kiêu căng tự đắc: “Vô sở đắc”, còn có chứng đắc là chưa chứng đắc. Kiến chấp này muôn đời khó bỏ, nó là một mánh khóe lừa đảo người tu chưa chứng chân lí, chứ người đã tu chứng thì không thể lừa được.

Cho nên, đức Phật nêu ví dụ: “Này Magandiya, ví như người sinh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời, người ấy nghe một người có mắt nói như sau: “thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh”. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Kẻ sinh ra đã mù kia do biết, do thấy, lấy tấm vải thô, dính dầu và đất, để rồi sau khi lấy đắp lên mình. Người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: “Thật tốt đẹp thay, tấm vải trắng xinh đẹp không cấu uế, thanh tịnh hay là do lòng tin người có mắt?”.

Đoạn kinh trên đây đã xác định rõ rằng Phật tử chúng ta trên đường tu tập nếu không có bậc Đạo sư tu chứng khai thị hướng dẫn thì cũng giống như người mù chỉ tin vào những học giả mù khác tưởng giải rồi cho là Phật thuyết. Vì thế, sự tu tập của Phật tử chẳng đi đến đâu. Càng tu tập bệnh đau càng nhiều, phải đi bác sĩ, chích thuốc, uống thuốc, phải nằm bệnh viện, thật là khổ đau vô cùng. Rồi tự an ủi bằng những lý luận: “Dồn nghiệp, trả nghiệp”.

Trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy rất cụ thể, hễ nhân tu ly dục thì có kết quả an lạc ngay liền, tu ít kết quả ít tu nhiều kết quả nhiều.

Kính thưa các bạn! Nếu các bạn xem xét kỹ lại cho tận cùng thì bài kinh Nguyên thủy này sẽ giúp các bạn nhận xét những kinh sách phát triển sau thời đức Phật nhập diệt là loại kinh sách đã bị Bà La Môn hóa mang nặng tính ảo tưởng thế giới siêu hình đa thần giáo từ các bộ ảo thư Vệ Đà tưởng giải biên soạn rồi mạo danh kinh Phật! Để biến Phật giáo thành Thần giáo. Thần giáo là một tôn giáo mê tín, thường lường gạt người, để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác.

Muốn tu hành cho có kết quả giải thoát thật sự thì xin các bạn hãy nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy, nhưng đều phải dựa vào bậc tu chứng đạt chân lí. Vậy các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Vậy này, Magandiya, hãy thân cận các vị chơn nhân. Thời này Magandiya. Ông sẽ được nghe diệu pháp, này Magandiya, do người được nghe diệu pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ sống đúng chánh pháp và tùy pháp. Này Magandiya, do ông sống đúng chánh pháp và tùy pháp, thời này Magandiya, ông sẽ tự mình biết, sẽ tự mình thấy: đây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây, những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được trừ diệt, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở Ta, nên hữu diệt, do hữu diệt, sanh diệt, do sanh diệt già chết, sầu bi, khổ ưu, não được diệt trừ. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”.

Trong đoạn kinh này đức Phật dạy chúng ta nên gần gũi thân cận một người tu chứng đạo. Vậy hiện giờ tất cả các Thầy tu theo Phật giáo có người nào tu chứng đạo chưa? Có người nào giữ giới nghiêm chỉnh chưa?

Nếu chưa có người tu chứng đạo mà các bạn theo họ tu tập như vậy thì các bạn sẽ bị lừa đảo, chỉ uổng công sức tu tập và một đời của các bạn tu tập chẳng ra gì, uổng công, phí sức.

Ở đây, kinh dạy chỉ có người tu chứng mới dạy các bạn đúng chánh pháp, còn những người tu chưa chứng mà dạy các bạn tu hành thì chánh pháp cũng thành tà pháp. Vì họ đâu có kinh nghiệm tu hành nên giảng dạy sai pháp, hiểu nghĩa không đúng chánh pháp. Do hiểu nghĩa không đúng chánh pháp nên mới sản xuất ra kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ.

Tóm lại, một người muốn tu hành cầu giải thoát thì nên tìm một vị Thầy tu chứng đạt chân lí và giới luật phải tinh nghiêm. Vị Thầy ấy sẽ là chỗ nương tựa vững chắc trên bước đường tu tập của các bạn để đi đến nơi đến chốn.

Các bạn đừng nghe những gì các nhà học giả thuyết giảng, họ dạy không có thực hành được đâu. Chính bản thân họ giới luật chưa nghiêm chỉnh. Giới luật chưa nghiêm chỉnh, tu hành chưa chứng đạo, họ nói bằng miệng lưỡi, chứ sự sống của họ chẳng có giải thoát gì, họ sống chùa to Phật lớn, là một điều sai; ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, đau bệnh đi bác sĩ, nằm bệnh viện, chích thuốc, uống thuốc, không ngày nào không dùng thuốc trị bệnh. Sự sống của họ như vậy chẳng khác gì người phàm phu, xin các bạn đừng nghe theo những cấp bằng của họ mà phí hết một cuộc đời, thật uổng thay! Thật uổng thay!!!

Khi chọn được một vị thầy tu chứng đạt chân lí, thì hãy hết sức đặt trọn lòng tin nơi họ, thì các bạn sẽ được chỉ dạy tận tình, nhờ đó các bạn mới giác ngộ được chân lí, nhờ giác ngộ được chân lí, lòng tin các bạn tăng trưởng, nhờ lòng tin tăng trưởng các bạn mới đầy đủ sức tinh tấn tu tập.

Nếu các bạn muốn tu tập để được chứng ngộ, chứng đạt chân lí trong Phạm hạnh của giới luật Phật. Thì các bạn hãy xin vị Thầy chứng đạo cho ở gần thân cận bốn tháng biệt trú để giữ gìn giới hạnh. Nếu các bạn sống trong bốn tháng giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm thì các bạn mới xin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, quyết tâm đi tới như con đại tượng đi tới không bao giờ ngó lui. Có như vậy, các bạn mới thấy sự lợi ích lớn cho đời sống ly gia cắt ái.

“Này Magandiya, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia theo Phật, muốn thọ đại giới trong pháp và luật này thì phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỳ kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành Tỳ kheo. Nhưng Ta nhận thấy các tánh con người sai biệt nhau”.

Đoạn kinh trên đây xác định rõ ràng, đạo Phật không khuyến dụ, không bắt buộc, không lôi cuốn ai theo đạo mình. Người tu theo Phật giáo là phải tự nguyện, tự giác, thích sống đời sống Phạm hạnh thì mới xuất gia tu hành theo Phật, còn không sống đúng thì thôi... Cho nên, kẻ nào lợi dụng chiếc áo tu sĩ Phật giáo sống trong chùa to Phật lớn, phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới. Đó không phải là tu sĩ Phật giáo, họ không phải là Thầy của các bạn, họ là những người đang phá hoại Phật giáo. Các bạn hãy đề cao cảnh giác những hạng thầy này. Ngày xưa đức Phật ví những vị thầy này là những loại trùng trong lông sư tử! Vậy các bạn nên lưu ý và cẩn thận đừng nghe theo họ mà phí uổng một đời người.